Lu-ca 4:14-21
14 Đức Chúa Jêsus được quyền phép Đức Thánh Linh, trở về xứ Ga-li-lê, và danh tiếng Ngài đồn khắp các xứ chung quanh. 15 Ngài dạy dỗ trong các nhà hội, ai nấy đều khen ngợi Ngài.
16 Đức Chúa Jêsus đến thành Na-xa-rét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc. 17 Có người trao sách tiên tri Ê-sai cho Ngài, Ngài dở ra, gặp chỗ có chép rằng:
18 Thần của Chúa ngự trên ta;
Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo;
19 Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha,
Kẻ mù được sáng,
Kẻ bị hà hiếp được tự do;
Và để đồn ra năm lành của Chúa.⚓
20 Đoạn, Ngài xếp sách, trả lại cho kẻ giúp việc, rồi ngồi xuống; mọi người trong nhà hội đều chăm chỉ ngó Ngài. 21 Ngài bèn phán rằng: Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó.
Câu gốc: Thần của Chúa ngự trên Ta; vì Ngài đã xức dầu cho Ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo” (câu 18).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu đã công bố điều gì trong nhà hội nơi quê hương Ngài? Những thành phần nghèo, bị giam cầm, bị áp bức được hiểu là những ai? Tại sao Chúa không đọc tiếp Ê-sai 61:2b? Chúa Giê-xu bày tỏ tình yêu đối với người nghèo như thế nào?
Đức Chúa Giê-xu trở về Na-xa-rét, nơi quê hương Ngài; lúc này danh tiếng Ngài đã vang lừng khắp các miền lân cận. Ngài chữa lành nhiều bệnh tật, đuổi tà ma, và thường dạy dỗ trong các nhà hội với những lời đầy năng quyền nên rất được nhiều người ca ngợi. Từ hồi bị lưu đày qua Ba-by-lôn (cuối thế kỷ thứ sáu trước Chúa), dân Do Thái đã lập các nhà hội ở nhiều nơi để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Tại đây họ ca ngợi, cầu nguyện, đọc sách luật pháp của Môi-se, đọc các sách tiên tri và nghe giảng dạy. Lần này, theo thói quen, Chúa Giê-xu cũng đến nhà hội vào ngày Sa-bát. Khi được trao cuộn sách tiên tri Ê-sai, Ngài mở ra và đọc Ê-sai 61:1-2a rồi ngưng. Lời công bố của Chúa trong câu 21 là lời xác nhận rất rõ ràng rằng Ngài là Đấng Mết-si-a, Đấng được Đức Chúa Cha xức dầu bằng Đức Thánh Linh (Lu-ca 3:22), mang Tin Lành cứu rỗi cho người nghèo, người bị giam cầm, bị mù, bị áp bức, và cho cả nhân loại (Ma-thi-ơ 1:21).
Những người nghèo, bị giam cầm, bị mù, bị áp bức được hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ là thành phần nghèo khó, họ cần được Ngài cứu giúp phần thuộc thể (trị bệnh…) lẫn phần thuộc linh (giải cứu khỏi gông cùm tội lỗi). Năm lành (hay năm thi ân) cũng được gọi là “ngày cứu rỗi” (Ê-sai 49:8; II Cô-rinh-tô 6:2) là thời kỳ ân sủng qua chức vụ yêu thương của Chúa Giê-xu (Giăng 1:17). Chúa phán: “Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó” (câu 21). Đây là thời điểm Chúa Giê-xu bày tỏ tình yêu bao la của Ngài qua việc giải cứu những người nghèo, người bị hà hiếp. Chúa Giê-xu không đọc tiếp phần Ê-sai 61:2b về ngày trở lại lần hai: “ngày báo thù của Đức Chúa Trời” vì phần này sẽ ứng nghiệm lúc Chúa Giê-xu tái lâm, Ngài sẽ dẹp tan mọi kẻ ác (Khải Huyền 19:11-21). Lần đến thứ nhất của Chúa Giê-xu là thời kỳ ân sủng, Ngài đến để mang tình yêu thương và sự cứu rỗi cho những ai nhận biết mình “nghèo tâm linh”.
Chúa Giê-xu phán: “Phước cho những người nghèo khó tâm linh, vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ!” (Ma-thi-ơ 5:3 BTTHĐ). Khi chúng ta buồn vì sự thiếu thốn trong đời sống hiện tại; khi chúng ta cảm nhận được sự nghèo khó tâm linh của mình; thì hãy hướng về sự sống đời đời và tìm đến với Chúa Giê-xu. Chúa yêu thương sẽ ban cho chúng ta vương quốc thiên đàng vì Chúa hằng yêu thương những người nghèo khó tâm linh.
Bạn có cảm biết mình nghèo khó tâm linh không?
Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa Giê-xu vì Ngài đã yêu thương con. Xin cho con theo gương yêu thương tội nhân của Ngài, dạn dĩ chia sẻ Tin Lành để nhiều người nhận được tình yêu cứu rỗi Chúa ban như con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 40.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.