Phải chăng Tiệc Thánh chỉ là một nghi lễ tôn giáo?

4568

Dẫn Nhập

Tiệc Thánh được Chúa Giê-xu thiết lập vào đêm Ngài bị phản bội bởi chính môn đồ của mình. Trong bữa tiệc đó, Chúa Giê-xu đã truyền cho các môn đồ của Ngài rằng họ phải “làm điều này để nhớ đến ta” (Lu-ca 22:19). Mệnh lệnh này cũng được Sứ đồ Phao-lô nhắc lại nhằm nhắc Hội Thánh hãy luôn tuân giữ Thánh lễ này để “nhớ” đến sự chết của Chúa Giê-xu (I Cô-rinh-tô 11: 24-25). Ngày nay, một số Cơ Đốc nhân xem Thánh lễ Tiệc Thánh như một phương tiện chữa bệnh hoặc như một nghi thức tôn giáo truyền thống cần được bảo tồn mà không quan tâm gì đến ý nghĩa thực sự của nó. Rất nhiều người xưng mình là con cái Chúa nhưng tham dự Tiệc Thánh như một nghi thức chiếu lệ với một sự vô cảm khi đứng trước bàn Tiệc Thánh. Họ giữ lễ mỗi tháng một lần như một hình thức để bảo tồn giá trị truyền thống chứ không hề quan tâm gì đến ý nghĩa thực sự của Tiệc Thánh.

Nhiều tín đồ suốt giờ thờ phượng đi loanh quanh bên ngoài cho đến khi Mục sư ban phát bánh và chén, họ mới vào và nhận lấy, chẳng để tâm tra xem lại đời sống của mình trước khi ăn bánh và uống chén, thậm chí họ còn bẻ bánh thành nhiều phần đưa cho con cái, rồi vội vàng bước ra khỏi đền thánh trước khi lời cầu nguyện kết thúc. Nếu chúng ta tham dự Tiệc Thánh như một thói quen và chỉ tập trung vào nghi thức bên ngoài mà không hiểu ý nghĩa và mục đích thực sự của nó, thì việc dự phần đó sẽ không mang lại lợi ích gì cho đời sống tâm linh chúng ta. Vì vậy, để tham dự Tiệc Thánh một cách đúng đắn, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của bánh và chén mà Chúa Giê-xu muốn chúng ta dự phần trong đó để làm gì.

Trong bài viết này, trước hết tôi xin được làm rõ ý nghĩa thực sự của Thánh lễ Tiệc Thánh qua lăng kính của Lễ Vượt Qua. Vì càng hiểu rõ và đánh giá cao Lễ Vượt Qua như người Do Thái đã tuân giữ, chúng ta sẽ càng hiểu sâu sắc hơn về Thánh lễ Tiệc Thánh. Tiếp theo là giải thích về ích lợi của Thánh lễ Tiệc Thánh đối với người tham dự. Khi người tham dự Tiệc Thánh hiểu được ý nghĩa của nó một cách sâu sắc, họ sẽ nhận được một sự đổi mới trong lòng một cách tự nhiên để sống kính yêu Chúa và kết quả cho Ngài trong hiện tại.

  1. Thánh lễ Tiệc Thánh Qua Lăng Kính của Lễ Vượt Qua

Hầu hết các học giả đều đồng ý rằng bữa tiệc cuối cùng vào đêm Chúa bị bắt có nguồn gốc từ Lễ Vượt Qua của người Do Thái.[1] Lễ Vượt Qua được tổ chức vào tối ngày 14 tháng Nisan để tưởng nhớ việc Đức Chúa Trời giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ ở Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 12: 1-2; Lê-vi Ký 23: 4-5; Dân Số Ký 9: 2-3). Lễ này được tổ chức hằng năm để nhắc nhở người Do Thái về những gì Đức Giê-hô-va đã làm trong việc thành lập quốc gia Y-sơ-ra-ên cũng như để ngợi khen và cảm tạ Ngài.[2] Hơn nữa, đây là một lễ kỷ niệm nhằm duy trì và tái xác nhận giao ước của Chúa với dân Ngài: Ta sẽ nhận các ngươi làm dân ta, và ta sẽ làm Đức Chúa Trời của các ngươi” những lời này được lặp lại thường xuyên trong (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:7; Ê-xê-chi-ên 36:8; Giê-rê-mi 7:23, 30:22).

Vào thời điểm rời khỏi Ai Cập, bữa ăn của Lễ Vượt Qua gồm thịt chiên con, rau đắng và bánh không men (Xuất Ê-díp-tô Ký 12). Của lễ dành cho Lễ Vượt Qua mang ý nghĩa của sự cứu chuộc (12:27), gồm chiên con đực một tuổi không tỳ vết (12:5). Dù không mang đầy đủ đặc điểm của một vật tế lễ được thực hiện để chuộc tội nhưng nó được xem như một phương tiện hiệp thông với Đức Chúa Trời.[3] Nó được dùng để nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về việc thiên sứ vượt qua tất cả nhà của dân Y-sơ-ra-ên trên đất Ai Cập, nhờ đó những đứa trẻ đầu lòng của họ được cứu sống. Do đó, trong tư tưởng của người Do Thái, của lễ Vượt Qua là một trong những phương cách mà qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ lòng thương xót của Ngài với dân chúng.[4]

Bên cạnh chiên con, Chúa truyền dạy cho dân Y-sơ-ra-ên ăn rau đắng và bánh không men. Rau đắng tượng trưng cho những khó khăn, cay đắng mà dân Y-sơ-ra-ên phải chịu đựng khi làm nô lệ ở Ai Cập. Sự cay đắng trong Kinh thánh đề cập đến cái chết và sự than khóc (Xa-cha-ri 12:10). Rau đắng như là một lời nhắc nhở rằng những đứa con đầu lòng của dân Y-sơ-ra-ên đã được thoát chết nhờ vào chiên con—Của lễ được dùng cho Lễ Vượt Qua.[5]

Việc dùng bánh không men là để nhắc nhớ về việc dân Y-sơ-ra-ên ra ra khỏi Ai Cập trong sự vội vàng. Trong đêm đó, họ không có thời gian để làm bánh có men vì phải mất nhiều thời gian thì men mới dậy, mà họ thì đang vội ra đi (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:8-11, 14-20, 31-39). Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, men có nghĩa là ‘đắng’ hoặc ‘chua’. Đó là bản chất của tội lỗi. Kinh Thánh thường dùng men như là biểu tượng của tội lỗi. Men được ví như là những giáo lý sai lầm và sự giả hình (Ma-thi-ơ 16: 11-12; Mác 8:15; Lu-ca 12:1). Phao-lô cũng nói về ‘men’ như một sự kiêu ngạo và gian ác (I Cô-rinh-tô 5: 6-8). Đối với người Do Thái, việc loại bỏ đi chất men tượng trưng cho việc loại trừ đi những tội lỗi cũ để bắt đầu một đời sống mới sau khi ra khỏi Ai Cập để bước đi như một dân tộc được đổi mới trước mặt Chúa. Điều này không có nghĩa là họ loại bỏ men để được cứu chuộc, nhưng họ loại bỏ men vì họ đã được cứu chuộc.[6]

Chúa truyền dạy cho dân Y-sơ-ra-ên phải giữ Lễ Vượt Qua mỗi năm một lần vào ngày đã định. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nó được tuân giữ một cách vô ý thức như là một lễ nghi tôn giáo bình thường. Ngày lễ đó là nhằm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với Chúa về một cuộc di cư vĩ đại ra khỏi Ai Cập của dân Do Thái. Qua đó, họ có cơ hội truyền dạy lại cho thế hệ tiếp theo biết về sự giải cứu của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài hầu cho trọn đời họ bước đi với Chúa cách trung tín.

  1. Tầm quan trọng của Bánh và Chén trong Thánh lễ Tiệc Thánh

Tiệc Thánh được chính Chúa Giê-xu thiết lập trước khi Ngài chết. Như Thánh lễ Báp-tem, Thánh lễ Tiệc Thánh là một dấu hiệu bên ngoài của một ân sủng bên trong. Đó là sự hiển thị hữu hình bên ngoài của một thực tại vô hình bên trong về sự cứu rỗi dành cho chúng ta.[7] Đó là “một nghi lễ không phức tạp, trong đó bánh và chén được những người tham dự nhận lấy theo một cách rất thiêng liêng về sự hiệp thông, tưởng nhớ và tạ ơn. Điều này bắt nguồn từ chính lời nói và hành động của Chúa Giê-xu”.[8]

Bữa tiệc cuối cùng mà Chúa Giê-xu thiết lập là một Thánh lễ hoàn toàn mới. Khác với Lễ Vượt Qua, nó không được tổ chức hàng năm, và chỉ liên quan đến hai yếu tố đơn giản – bánh và chén. Chiên con của Lễ Vượt Qua không có trong bữa tiệc cuối cùng đó vì chính Chúa Giê-xu là Chiên Con của Lễ Vượt Qua (Ê-sai 53:7, I Cô-rinh-tô 5:7). Trong Tân Ước, Chúa Giê-xu được mô tả là Chiên Con của Đức Chúa Trời hơn 30 lần. Ngài được mô tả như Chiên Con không tỳ vết (I Phi-e-rơ 1:19), để qua sự chết của Ngài, chúng ta có thể nhận được sự cứu rỗi (Giăng 1:29). Khi những người Do Thái tụ họp lại với nhau để giữ Lễ Vượt Qua với con chiên trên bàn, họ đã được nhắc nhở về giao ước giữa họ với Đức Chúa Trời theo một cách rất riêng. Tương tự như vậy, ngày nay khi tham dự Tiệc Thánh, chúng ta cũng được nhắc nhở về một giao ước mới trong chính huyết của Chúa Giê-xu, đã đổ ra để giải cứu chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi khi chúng ta tiếp nhận bởi đức tin (I Cô-rinh-tô 11:25; Ê-phê-sô 1:7). Sứ đồ Phao-lô cũng hướng dẫn các tín hữu Cô-rinh-tô tuân giữ Thánh lễ Tiệc Thánh để tưởng nhớ sự chết của Đấng Christ, Đấng đã hy sinh vì chúng ta (I Cô-rinh-tô 5:7).

Bánh là một yếu tố không thể thiếu trong Tiệc Thánh. Trong ‘bữa tiệc cuối cùng’, Chúa Giê-xu cầm lấy bánh, tạ ơn xong, Ngài bẻ ra và trao cho các môn đồ mà phán rằng “Nầy là thân thể ta, đã vì các ngươi mà phó cho; hãy làm sự nầy để nhớ đến ta” (Lu-ca 22:19). Chúa Giê-xu dùng bánh để nói về chính mình. Trong phần cuối của câu nói, Chúa Giê-xu đã truyền cho các môn đồ “hãy làm sự này” để nhớ đến Ngài. “Hãy làm sự này” nhằm nói đến hành động của Chúa Giê-xu – “bẻ ra phân phát” cho các môn đồ. Ngài mong muốn các môn đồ tiếp tục làm điều này trong thời gian Ngài vắng mặt để họ có thể ‘nhớ’ đến ngài. Nói cách khác, họ nên giữ điều này để có thể ‘nhớ’ đến tầm quan trọng về sự chết của Ngài đối với họ. Mục đích này phù hợp với sự nhấn mạnh của Lễ Vượt Qua đó là dân Y-sơ-ra-ên được nhắc nhớ đến những gì Đức Chúa Trời đã làm cho họ tại Ai Cập và tự nhận thấy mình là người đã nhận được sự giải cứu của Đức Chúa Trời.

Một yếu tố thiết yếu khác trong Tiệc Thánh là chén, “Cũng một lẽ ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta” (I Cô-rinh-tô 11:25). Chén với nước nho tượng trưng cho huyết của Chúa Giê-xu đã đổ ra để chúng ta được tha tội. Huyết của Ngài tượng trưng cho sự sống của Ngài được ban cho một cách vô điều kiện, “huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1: 7); “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài” (Ê-phê-sô 1:7). Qua huyết của Ngài, Chúa Giê-xu đã lập giao ước mới với chúng ta, làm cho chúng ta trở thành dân của Đức Chúa Trời, một dân thánh, một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 1:5,9). Giao ước mới này phải tùy thuộc vào đức tin. Tiệc Thánh trở thành một biểu tượng mạnh mẽ về mối quan hệ giao ước mới của chúng ta với Chúa. Nó giúp chúng ta ý thức rằng chúng ta đang ở đây để bước vào một mối quan hệ với Chúa đời đời.[9] Do đó, Tiệc Thánh giúp chúng ta nhớ đến Chúa Giê-xu giống như cách người Do Thái nhớ đến Chúa khi tuân giữ Lễ Vượt Qua và xem mình là những người đã nhận được sự cứu chuộc của Chúa.

Đối với dân Y-sơ-ra-ên, họ tuân giữ Lễ Vượt Qua từ thế hệ này sang thế hệ khác để ghi nhớ sự kiện trong đêm mà Đức Chúa Trời giải cứu dân tộc họ ra khỏi Ai Cập. Cũng vậy, Cơ Đốc nhân, trước tiên và quan trọng nhất, tuân giữ Tiệc Thánh để tưởng nhớ sự chết của Đấng Christ. Vì thật dễ dàng để quên đi sự khổ nạn và sự chết mà chính Chúa đã chịu vì chúng ta. Cũng thật dễ dàng vô ơn với những gì Ngài đã làm trên thập tự giá để chúng ta có được sự cứu rỗi. Nhưng chính Tiệc Thánh sẽ khơi dậy và giúp chúng ta nhớ lại những gì Chúa Giê-xu Christ đã làm cho chúng ta. Có thể nói rằng Tiệc Thánh giúp chúng ta được đến gần Đức Chúa Trời bằng cách ‘nhớ’’ lại những gì Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta. Đáng buồn thay, ngày nay nhiều Cơ Đốc nhân biến Tiệc Thánh thành một nghi lễ tôn giáo vô hồn, chỉ xem đó là một “nghi lễ” không hơn không kém. Một số Cơ Đốc nhân xem Tiệc Thánh như một phương tiện chữa bệnh thuộc thể. Chúa Giê-xu không lập ra Tiệc Thánh với mục đích ấy. Lời Chúa trong Lu-ca 22:19-20 và I Cô-rinh-tô 11:23-25 cho biết mệnh lệnh của Chúa Giê-xu rất rõ ràng: “hãy làm điều này để nhớ đến Ta”.

  1. Một tấm lòng được đổi mới

Một tấm lòng được đổi mới là bước tiếp theo có được một cách tự nhiên sau khi đã ‘nhớ’ về những gì Chúa Giê-xu đã làm cho chúng ta. Trí nhớ đơn thuần là một cụm từ rất dễ gây hiểu lầm. Cụm từ “hãy làm điều này để nhớ đến ta” không chỉ gợi cho ta nhớ lại các sự kiện ở đồi Gô-gô-tha với một tâm trí và tấm lòng bởi đức tin, tình yêu và sự kính sợ — dẫu biết rằng chúng ta vẫn thường làm điều đó mỗi khi đến với bàn Tiệc Thánh.[10] Chúng ta “tưởng nhớ” để một lần nữa nhìn nhận lại những gì Chúa Giê-xu đã chịu vì chúng ta. Chúng ta “tưởng nhớ” để nhận lấy sự tha thứ từ Chúa về những lầm lỡ mà hết lần này đến lần khác chúng ta phạm. Chúng ta không ‘nhớ’ đến Chúa Giê-xu, người đã sống và đã chết trong quá khứ và bây giờ chỉ sống trong các trang sách của một cuốn sách lịch sử. Nhưng chúng ta ‘nhớ’ đến Chúa Giê-xu trong mỗi lần dự Tiệc Thánh để một lần nữa được rờ chạm, được gặp gỡ Ngài.

Sự tưởng nhớ này sẽ trở thành một kinh nghiệm và một cuộc gặp gỡ, và điều này phải kết thúc bằng một sự cam kết tận hiến mới. Một điều chắc chắn là chúng ta không thể rời bàn Tiệc Thánh với một tấm lòng vô cảm khi chúng ta đã rờ chạm được Ngài tại bàn Tiệc Thánh.[11] Làm thế nào chúng ta có thể rời khỏi bàn Tiệc Thánh với một tấm lòng trống rỗng hoặc không xao động khi đã được Chúa đụng chạm và cảm nghiệm được sự tha thứ của Ngài. Có lẽ, chúng ta tham dự Tiệc Thánh mỗi tháng, tuy nhiên, điều quan trọng không phải là tần suất chúng ta thực hiện nó mà là cách chúng ta đáp ứng nó mỗi khi tham dự.

Vào đêm Chúa Giê-xu dùng bữa với các môn đồ, Ngài phán với họ: “Một trong các ngươi sẽ phản bội ta”. Họ hỏi, “Chúa ơi, có phải tôi không?” Câu hỏi của các môn đồ chứng tỏ sự thật rằng họ đã thực sự không biết chính mình. Có lẽ nào “tôi là người ‘phản bội’ Chúa?” Cũng vậy, tại bàn Tiệc Thánh, chúng ta được nhắc nhở hãy nhìn lại chính mình. Đây là nơi mà chúng ta cầu xin và nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời để chúng ta tiếp tục sống một đời sống mới trong mối quan hệ với Đấng Christ như người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình, “hãy đi và không phạm tội nữa” (Giăng 8: 1-11). Như Phi-e-rơ, người ngồi cùng bàn với Chúa Giê-su, đã chối Chúa của mình, nhưng ông đã được phục hồi và trở thành một trong những người nổi bật trong số các sứ đồ. Vì vậy, tại bàn Tiệc Thánh, chúng ta hãy dành thời gian để nhận ra liệu chúng ta có “khước từ” và “phản bội” Chúa không?  Tiệc Thánh là một dịp để chúng nhìn xem lại bản thân và để bắt đầu cho một đời sống mới.

Kết Luận

Khi trao bánh và chén, Chúa Giê-xu dặn “hãy làm điều này để nhớ đến Ta”, nhắc nhở các môn đồ bất cứ khi nào dự Tiệc Thánh, hãy nhớ đến sự chết của Chúa. Điều này cũng được truyền dạy lại cho tất cả các tín đồ trải qua mọi thời đại. Ngày nay, đa phần các Hội Thánh giữ Thánh lễ Tiệc Thánh đều đặn mỗi tháng một lần để nhắc nhở rằng là Cơ Đốc Nhân, chúng ta nên nhớ đến sự chết của Chúa cũng như khích lệ nhau rao truyền tình yêu và sự hy sinh của Chúa cho những người chưa biết đến sự cứu rỗi. Vậy, Tiệc Thánh như là một lời kêu gọi để ‘tưởng nhớ’, tuy nhiên nó không chỉ dừng lại ở sự “hồi niệm” mà đó như là lời kêu gọi một đời sống cần được “đổi mới”, để chúng ta được gần Chúa hơn và tận hiến chính mình cho Chúa.

 

Hannah Lê

Chú thích:

 [1] John H. Armstrong, “Introduction: Do This in Remembrance of Me,” in Understanding Four Views on the Lord’s Supper, ed. John H. Armstrong and Paul E. Engle (Grand Rapids, MI: Zondervan, 2007), 15.

[2] I. Howard Marshall, “The Significance of the Last Supper,” in Last Supper and Lord’s Supper (Exeter: Paternoster Press, 1980), 77.

[3] I. Howard, “The Significance of the Last Supper,” in Last Supper and Lord’s Supper, 77.

[4] Ibid

[5] Ceil Rosen and Moishe Rosen, “Passover, God’s Object Lesson,” in Christ in the Passover: Why Is This Night Different? (Chicago: Moody Press, 1978), 28.

[6] Ibid., 30.

[7] Timothy Tow and Jeffrey Khoo, “Meaning of the Lord’s Supper,” in Theology for Every Christian: A Systematic Theology in the Reformed and Premillennial Tradition of J. Oliver Buswell (Singapore: Far Eastern Bible College Press, 2007), 349.

[8] John H. Armstrong, “Introduction: Do This in Remembrance of Me,” in Understanding Four Views on the Lord’s Supper, 15.

[9] Alton H. McEachern, “Symbol of the Covenant,” in Here at Thy Table, Lord: Enriching the Observance of the Lord’s Supper (Nashville: Broadman Press, 1977), 94-95.

[10] N.T. Wright, The Meal Jesus Gave Us: Understanding Holy Communion, rev. ed. (Louisville, KY: Westminster John Knox Press, 2014), 55.

[11] William Barclay, “The Meaning of the Lord’s Supper for Today,” in The Lord’s Supper (Philadelphia: Westminster Press, 1967), 111-112.

Bài trướcBồi Thường Trinh Tiết – 25/3/2021
Bài tiếp theoĐắk LắK: Ra Mắt Điểm Nhóm Ea Sol (Ea H’leo)