(3 câu chuyện kỳ diệu đã xảy ra tại Tam Kỳ và Chiên Đàn, Quảng Nam)
Tôi là kẻ hậu sinh, tình cờ được nghe những câu chuyện này, những câu chuyện vừa lạ lùng, vừa hấp dẫn. Điều thú vị là những nhân vật của các câu chuyện, hoặc bản thân họ, hoặc con cháu họ vẫn còn sống, và hoàn cảnh xảy ra câu chuyện không phải ở đâu xa vời mà ngay chính tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Cảm tạ Chúa, vì từ những câu chuyện đẹp như vậy, ơn cứu rỗi của Chúa đã đến với biết bao người tại vùng đất này, và hiện nay, những hậu tự của các cụ vẫn tiếp nối con đường của cha ông mình…
Thành phố Tam Kỳ trước đây là huyện Hà Đông, có nguồn gốc lịch sử khá phong phú, là bộ phận của vùng đất mới được hình thành từ đời Hồ Hán Thương (1403) với địa danh “xứ Hà Đông”. Đến năm Thành Thái 18, (1906), đổi thành phủ Tam Kỳ. Tam Kỳ, chỉ về 3 ngọn núi vây quanh thành phố: Kỳ Phú, An Hà và Chiên Đàn.
Về địa lý, thành phố Tam Kỳ nằm phía nam tỉnh Quảng Nam, phía bắc giáp huyện Thăng Bình, phía đông là biển, phía nam giáp huyện Núi Thành, phía tây là huyện Phú Ninh. Tuy nằm phía nam tỉnh, nhưng Tam Kỳ có ảnh hưởng khá lớn với các huyện thị còn lại, bởi đây là vùng đất khá phát triển về văn hóa, lịch sử, cũng như kinh tế, chính trị.
Năm 1911, đạo Tin Lành đã đến Đà Nẵng, những người Việt đầu tiên tiếp nhận Chúa đã ra đi truyền giảng bán sách của Thánh thơ Công hội. Năm 1920, HTTL Thanh Quýt được thành lập, một năm sau, HTTL Hội An, cũng hình thành. Những năm tiếp theo, đạo Chúa phát triển khá mạnh tại các vùng núi phía bắc tỉnh Quảng Nam. Những tín hữu quê ở Đại An tụ họp nhau xây dựng thành HTTL Đại An năm 1924, ở Phong Thử, HTTL Phong Thử được thành lập vào năm 1925, HTTL Trường An, 1926. Tuy nhiên, Tam Kỳ nằm khá xa vùng đất phía bắc này, nên Đức Chúa Trời có chương trình riêng của Ngài để đạo Chúa được rao truyền tại vùng phía nam tỉnh: Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình… một cách nhanh chóng. Chúa đã bắt phục những người hầu như “không thể tin Chúa” và biến họ thành những “tay đánh lưới người” một cách kết quả.
Câu chuyện thứ nhất:
Năm 1924, toàn tỉnh Quảng Nam đã được nghe đồn về đạo Tin Lành. Trong năm này có những người theo đạo Tin Lành đến chợ Tam Kỳ phân phát và bán sách nói về đạo mới này. Lời Chúa được gieo ra cách rộng rãi, vì sách hầu hết bằng chữ Nho, nhiều người hiếu kỳ mua xem, nhưng từ ngữ khó hiểu nên ít người quan tâm. Dân chúng thường gọi và truyền miệng nhau về một đạo mới có tên là “Gia-tô”. Người “Gia-tô” để ám chỉ người đi theo đạo này đã đến đây bán sách.
Cảm tạ Chúa, dấu chân của những người Tin Lành đầu tiên đã bước đi trên mảnh đất nghèo khó, khô cằn này, đã gieo ra hạt giống của Đạo Sự sống, đến kỳ sẽ nảy mầm, lớn lên và kết quả không ngờ.
Phép lạ đầu tiên Chúa đã làm để đem về trái đầu mùa tại Tam Kỳ là bà cụ Nguyễn Thị Võ. Vốn là người giàu có trong vùng này, gia đình nho phong, bà cụ Võ chỉ có người con trai duy nhất là ông Nguyễn Bá Diêu, tên thường gọi là Ấm Diêu. Chàng trai lớn lên do sự cưng chiều và quý mến của mọi người trong nhà nên sớm trở thành một công tử ăn chơi có hạng. Gia đình bà cụ Võ đất rộng mênh mông, cho đến hôm nay, dù thời cuộc bao lần thay đổi, họ vẫn còn giữ được một khu vườn rộng cả ngàn mét vuông giữa lòng thành phố Tam Kỳ. Khi đi ngang, nhìn thấy cổng ngõ vẫn còn in nét xưa, những ai hoài cổ chắc cũng có một phút giây chạnh lòng…
Một ngày nọ, ông Ấm Diêu bỏ nhà ra đi, làm bà cụ Võ và gia đình bối rối, lo lắng, nhớ thương. Bà cụ quyết định ra Hội An (Faifoo), bấy giờ là nơi phồn thịnh, đô hội, buôn bán, cờ bạc ăn chơi nhất thời bấy giờ để tìm con.
Ngày 19/3/1926, tại Hội An, bà cụ Võ gặp bà Ngô Công Thống và bà Đội Hoành, là những người quen biết trước đây. Hai bà này làm chứng về Tin Lành quyền năng của Đức Chúa Trời cho bà cụ Võ, với tấm lòng được Chúa Thánh Linh mở rộng, bà chăm chú lắng nghe, cuối cùng, bà cụ Võ nói rằng: “Nếu Chúa có quyền thì cho tôi tìm gặp được con trai của tôi, tôi sẽ tin Chúa ngay”.
Bà cụ Thống tin quyết bảo: “Bà hãy lấy đức tin, tin nhận Chúa, rồi chúng tôi sẽ cầu nguyện, Chúa sẽ dắt con bà về đây ngay”. Bà cụ Võ đã yên lặng, quỳ gối, cúi đầu tiếp nhận Chúa, và hiệp với bà cụ Thống, bà Đội Hoành dâng lên Chúa Chí Cao lời cầu khẩn cho nan đề của mình. Những sự việc xảy ra sau đó là một sự huyền nhiệm vượt qua mọi sự giải thích bằng lý luận, vừa cầu nguyện xong, người con trai của bà cụ Võ đi ngang qua trước cửa nhà bà cụ Thống. Bà cụ Võ vui mừng, gọi con trai vào, thuật lại mọi việc Chúa đã làm, cả hai người trở thành những tín hữu đầu tiên tại Tam Kỳ.
Mười ngày sau (29//3/1926), tại dinh cơ của bà cụ Võ, một cuộc giảng Bố đạo được tổ chức do ông bà Giáo sĩ E. F. Irwin, ông Đốc học Olsen, Ms Hoàng Trọng Thừa, Ms Phạm Thành, học sinh trường Kinh Thánh Đà Nẵng, Ban Chứng đạo HT Đà Nẵng, Hội An. Trong 3 ngày đêm đã có 65 người tiếp nhận Chúa. HTTL Tam Kỳ đã bắt đầu hình thành từ đây.
Gia đình bà cụ Võ hiện nay vẫn còn con cháu sống tại khu vườn cũ. Con trai cụ Ấm Diêu, ông Nguyễn Bá Châu, lúc sinh thời là Thư Ký HTTL Tam Kỳ. Ms Mã Phúc Thanh Tươi, Quản nhiệm HTTL Chiên Đàn là cháu rễ cụ.
Phép lạ đã xảy đến cho gia đình bà cụ Võ, qua đó ơn yêu thương của Thiên Chúa đã cứu vớt biết bao người dân trong tỉnh Quảng Nam. Từ khi được thành lập đến nay, HTTL Tam Kỳ giống như một miền đất tốt cho hạt giống đạo, rất nhiều HT Chúa đã được thành lập từ nơi đây: Quế Sơn, Thăng Bình, Tiên Phước, An Tân, kể cả một số HT vùng phía bắc tỉnh Quảng Ngãi (theo thống kê của HTTL Tam Kỳ là 26 HT).
Nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta gặp phải những khó khăn thử thách tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng Đức Chúa Trời luôn yêu thương chúng ta, và nếu đẹp ý Chúa, tất cả những gì đến với chúng ta thật là phước hạnh vô biên. Câu chuyện của bà cụ Võ là một câu chuyện cảm động, đẹp như một huyền thoại, sống động hơn huyền thoại vì nó được Chúa ban ơn, và thú vị nhất là bây giờ, chúng ta có thể đến thăm ngôi nhà cũ, nơi cụ bà đã từng sống để chiêm nghiệm lại cuộc hành trình theo Chúa của mình, biết đâu lại có một khởi đầu…
Câu chuyện thứ hai:
Vào những năm 1940, tại làng Chiên Đàn đã có một số gia đình tin Chúa, họ là những tín hữu của HTTL Tam Kỳ, quê ở Chiên Đàn. Ông Nguyễn Luyện là một trong những người đó và ông cũng là một trong những trái đầu mùa của HTTL Chiên Đàn. Xuất thân là một nhà nho, nên ông Luyện khá cứng lòng khi nghe Tin Lành, chính vì thế nhiều nhân sự chứng đạo, khi đi lên Chiên Đàn đều không muốn đến làm chứng về Chúa cho ông. Tuy nhiên, về sau, Chúa lại dùng các người phụ nữ như: cô Thơm (em cụ Võ Tới), cô Toán, cô Như đến làm chứng, ông đã bằng lòng chấp nhận tin Chúa và trở thành một người rất sốt sắng trong việc truyền rao danh Chúa. Ông cùng các tín hữu tại làng Chiên Đàn tổ chức nhóm tại các gia đình vào mỗi buổi chiều tối, khoảng 5-6g. Chiều nào cũng vậy, họ tụ họp nhà này đến nhà khác để thờ phượng Chúa mà không hề cảm thấy mỏi mệt.
Một lần nhóm thờ phượng tại nhà ông Huỳnh Do, khi mới bắt đầu cầu nguyện và hát Thơ thánh thì bên ngoài đã có hàng mấy chục người ngồi với gậy, roi, dây dừa để sẵn. Họ đến để bắt tội các người theo đạo “Gia-tô”. Ông cụ Luyện rất bình tỉnh, ông nói với họ: anh em cứ ngồi chơi, giờ này là giờ thờ phượng Đức Chúa Trời nên chúng tôi không tiếp được, sau giờ thờ phượng, anh em có hỏi, nếu biết gì, chúng tôi sẽ trả lời, nếu không biết, chúng tôi sẽ về báo lại mục sư chúng tôi (lúc bấy giờ là Ms Nguyễn Xuân Diệm) để trả lời cho anh em. Ông đọc Kinh Thánh, giải nghĩa cho anh em và mời mọi người cầu nguyện. Tất cả đều quỳ gối, úp mặt trên bộ phản ở giữa nhà đề cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. Khi mọi người cầu nguyện, hát tôn vinh Chúa xong thì nhìn ra ngoài, đám người hung hăng đó không còn một ai. Tất cả mọi người trong nhà, không ai biết chuyện gì đã xảy ra, lý do nào mà những người định đến bắt con dân Chúa lại tự nhiên bỏ về không một lời nói… Bà cụ Nguyễn Thị Lợi, con gái cụ ông Nguyễn Luyện cũng có mặt hôm đó, khi ấy bà mới 12 tuổi.
Đến vài ngày sau, khi nghe một số người có dự buổi rình bắt đạo Chúa hôm đó thuật lại thì các tín hữu mới biết: trong thời gian họ cầu nguyện, những người ngoại đạo đã rình mò, xem các tín hữu làm gì. Họ bỗng thấy có một đám lửa từ trên nóc nhà rơi xuống giữa phản gỗ, nơi mọi người đang cầu nguyện, rồi từ từ tan biến mất. Đám người kia hoảng hốt, không ai rủ ai, đều bỏ chạy; riêng con dân Chúa vì nhắm mắt, tập trung cầu nguyện nên hoàn toàn không thấy phép lạ Đức Chúa Trời đã giáng xuống để cứu họ thoát khỏi bắt bớ.
Từ câu chuyện xảy ra tại Chiên Đàn, nhiều người đã đầu phục Chúa, quay trở lại với Ngài, những người yếu đuối đức tin đã trở nên mạnh mẽ, sốt sắng. Một lần nữa, quyền năng của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ ra, ơn quan phòng đối với con dân Ngài thật vô biên. Con gái cụ ông Nguyễn Luyện là cụ bà Nguyễn Thị Lợi, hiện nay đã 81 tuổi, là mẫu thân của Ms Võ Đình Đán; con trai của ông cụ Huỳnh Do chính là ông Huỳnh Thắng, hiện là Thư ký HTTL Chiên Đàn, cháu nội ông là Truyền đạo Huỳnh Xuân Diệu, hiện đang cộng tác với Ms Trà Văn Cam, HTTL Việt An.
Câu chuyện thứ ba:
Ở HTTL Tam Kỳ, những năm trước 1975, ai cũng biết cụ Võ Tới, Trưởng ban Chứng đạo HTTL Tam Kỳ, một người rất yêu mến Chúa, hết lòng truyền giảng Tin Lành cho đồng bào. Cụ sinh năm 1875, người làng Mỹ Thạch, cụ là anh của bà Võ Thị Thơm, người đã làm chứng cho ông Nguyễn Luyện tin Chúa trong câu chuyện nói trên. Cụ Tới mồ côi cha từ thưở nhỏ, đời sống gia đình rất khó khăn, cụ có tất cả 10 người con. Với tấm lòng cứng cỏi, cụ không thích đạo Chúa nên thường hay trêu chọc bà cụ Thơm, em cụ, là người tin Chúa, gọi bà là “con Gia-tô”. Một ngày nọ, Cô con gái thứ bảy của cụ bị quỷ ám, thế gian gọi là bị dương. Lúc ấy cụ rất mê tín, thờ lạy rất nhiều thần, cụ van xin cúng rất nhiều, mời phù thủy đến cứu chữa cho con. Thầy phù thủy bảo phải cúng một con heo, vì thương con nên cụ Tới bằng lòng dù gia đình rất nghèo khổ. Ma quỷ hứa, qua lời thầy phù thủy, là sẽ cho gia đình cụ Tới 15 năm bình yên, Tuy nhiên chỉ 1 tháng sau, người con thứ bảy của cụ qua đời. Cụ rất tức bực, nên mời thầy phù thủy ngồi xác trở lại, ma quỷ hiện lên xưng là thổ địa. Cụ hỏi, sao hôm trước hứa cho gia đình ông 15 năm bình yên mà chỉ mới 1 tháng là con gái cụ chết. Ma quỷ chỉ đáp rằng, xấu quá cho ta thăng. Cụ nhận thấy mình đã mắc lừa âm mưu của ma quỷ, liền dẹp bỏ tất cả các bàn thờ đã lập, quyết định tin Chúa Cứu thế Giê-xu, lúc đó là năm 1930.
Năm 1933, cụ bị một trận đau thập tử nhất sinh, cụ xin Ms Nguyễn Xuân Diệm cầu nguyện cho cụ sống, sống không phải để ăn chơi cho thỏa lòng ao ước với người đời, nhưng sống để làm chứng cho bà con sớm tin theo Chúa. Cụ hứa nếu bà con cụ tin Chúa đủ hết, thì cụ sẽ làm chứng cho đồng bào, khi đó về với Chúa, cụ cũng vui mừng. Chúa đã nhận lời, cụ hết bệnh.
Từ đó, cụ và bà cụ Thơm, sốt sắng đi chứng đạo, lương thực chỉ có khoai chà, mang dép mo mà đi khắp các vùng Tam Kỳ, Quế Sơn, Thăng Bình. Tham gia Ban Chứng đạo, không lúc nào vắng mặt. Chúa quả có dùng cụ, dầu không biết chữ, cụ chỉ nhớ lời các tôi tớ Chúa đã giảng và nhớ lời Kinh Thánh khá nhiều, nên nhờ đó mà cụ đã đem được bà con nội ngoại tin Chúa.
Cụ về nước Chúa năm 1976. Cụ để lại một gia sản thuộc linh quý báu, nếu chỉ kể trong gia tộc, thì đã có khoảng 250 gia đình tin kính Chúa, chưa nói những đồng bào cụ đã làm chứng trong suốt 46 năm theo Chúa của mình.
Cụ Tới có bảy người con gái và ba người con trai: cụ Võ Lành, Võ Xuân Hoa và Võ Thế Mậu. Cụ Võ Lành cũng là một nhân sự chứng đạo sốt sắng của HTTL Tam Kỳ, con cụ Võ Lành là Ms trí sự Võ Văn Hiền (Quản nhiệm HTTL Tiên Phước trước khi hưu hạ), cháu nội cụ là Truyền đạo Võ Tiến Dũng, hiện là Quản nhiệm HTTL Thu Bồn. Cụ Võ Thế Mậu là thân sinh của Ms Võ Đình Đán, Trưởng ban Đại diện TL tỉnh Quảng Nam, Quản nhiệm HTTL Trường Xuân. Các con cháu của cụ đều là những nhân sự chứng đạo của HT.
Cảm tạ Đức Chúa Trời, Ngài đã thương xót, kêu gọi, lựa chọn như lời Chúa phán: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn Ta, bèn là Ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả…” (Giăng 15:16). Chúa đã dùng những con người rất đơn sơ để làm nên những việc rất lớn cho Ngài. Từ những con người bình thường, thờ lạy thần tượng, chống nghịch lại Đức Chúa Trời, khi gặp được Chúa, họ đã trở thành nguồn phước lớn cho cả gia tộc, cho đồng bào, suốt một đời tận tâm, tận lực cho công cuộc truyền giảng Tin Lành của Chúa Cứu thế Giê-xu, cứu vớt tội nhân.
———–
(Ghi chú: khi tôi viết bài này (tháng 4/2011) có dựa vào các bản tin đăng trên Thánh Kinh báo, Lược sử HTTL Tam Kỳ, lời kể lại của con cháu bà cụ Võ, cụ bà Nguyễn Thị Lợi, con dâu cụ ông Võ Tới. Hiện nay (năm 2012) cụ bà Nguyễn Thị Lợi đã về với Chúa, Tđ Huỳnh Xuân Diệu đang phụ tá tại HTTL Việt An, Ms Trà Văn Cam, Quản nhiệm HT đã nghỉ hưu)
Vũ Hướng Dương