Ngôi Lời Ở Thế Gian – 23/12/2020

3474

 

Giăng 1:6-13

 Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài” (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Câu 10 cho thấy có sự dịch chuyển nào về nơi ở của Ngôi Lời so với câu 1? Điều này cho thấy gì về tấm lòng của Đức Chúa Trời đối với con người? Chữ “nhưng” trong câu 10 cho bạn cảm nhận gì về đáp ứng của thế gian đối với Ngài? Bạn cần có thái độ nào với Chúa mỗi dịp Giáng sinh về?

Nếu trong câu 1, Sứ đồ Giăng nói “Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời”, thì trong câu 10, ông nói: “Ngôi Lời ở thế gian.” Sự dịch chuyển về không gian này đồng nghĩa với việc Ngôi Lời đời đời, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, nên giờ đây Ngài đã bước vào chỗ hữu hạn của không gian và thời gian. Trong cả bốn sách Phúc Âm, Chúa Giê-xu không khi nào cùng một lúc có mặt ở nhiều nơi. Ngài chấp nhận sự giới hạn của tạo vật.

“Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian làm nên bởi Ngài” cho thấy Đấng Tạo Hóa lớn lao, tách biệt khỏi cõi tạo vật đã chọn bước vào cõi tạo vật Ngài dựng nên. Đó là sự hạ mình, từ bỏ uy nghi của mình vì những tạo vật ương bướng. Đó là sự hy sinh địa vị cao trọng của Chúa để xuống chỗ thấp hèn vì con người hay nổi loạn. Trong thư Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định điều này cách rõ ràng hơn: “Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ. Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người” (Phi-líp 2:6-7 BTTHĐ). Chúa Giê-xu là Đấng toàn tại, nhưng Ngài chấp nhận bị giới hạn bởi không gian. Ngài là Đấng toàn năng, nhưng Ngài chấp nhận giới hạn khả năng. Đức Chúa Trời không chọn con đường tắt hay chỉ ghé thăm thế gian cách chóng vánh để thực hiện công tác cứu chuộc rồi trở về lại thiên đàng vinh hiển, như cách những người quyền cao chức trọng, những bậc vua chúa khi xưa vẫn thường làm khi vi hành. Chúa Giê-xu “ở trong” thế gian ba mươi ba năm.

Thế mà chúng ta nghe trong chữ “nhưng” (câu 10) sự ngạc nhiên và đối lập đáng buồn giữa sự hạ mình của Đấng Tạo Hóa với sự đáp ứng của vật thọ tạo: “chẳng từng nhìn biết Ngài.” Phũ phàng, lạnh lùng và vô ơn. Mục sư Charles Spurgeon nhận xét: “Ngài giống như khách lạ ngay trong chính nhà mình. Tưởng chừng đứng trước một Đức Chúa Trời cao cả chọn bước vào thế giới hư hoại và xấu xa sẽ làm con người biết ơn và cúi xuống mà thờ lạy, thì suốt nhiều thế kỷ qua, con người chúng ta đa phần vẫn có một đáp ứng đầy kinh ngạc là quay lưng với Ngài.”

Đấng Tạo Hóa đã đến ở giữa vòng tạo vật, chọn mang lấy những giới hạn của thời gian và không gian. Mỗi chúng ta đừng thờ ơ mà đánh mất sự ngạc nhiên và lòng biết ơn trước sự hạ mình đầy yêu thương của Chúa Giê-xu.

Bạn đáp ứng với sứ điệp hôm nay như thế nào?

Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì con rất dễ đánh mất lòng vui mừng, biết ơn trước sự hy sinh lớn lao của Ngài. Xin giúp con không quên nuôi dưỡng sự cảm biết tình yêu lớn lao Ngài dành cho con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Ti-mô-thê 6

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcHội Thánh Tân Hiệp, Kiên Giang: Khởi Công Xây Dựng Cầu Giao Thông Nông Thôn
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến MSNC Y Muih Mlô (Đắk Lắk)