Ngày 9/2/2017: Được Xưng Công Bình: Qua Phép Cắt Bì? – KHÔNG!

759

Rô-ma 4:9-12

9 Vậy, lời luận về phước đó chỉ chuyên về kẻ chịu cắt bì mà thôi sao? Cũng cho kẻ không chịu cắt bì nữa. Vả, chúng ta nói rằng đức tin của Áp-ra-ham được kể là công bình cho người. 10 Nhưng được kể thế nào? Khi người đã chịu cắt bì rồi, hay là khi người chưa chịu cắt bì? Ấy không phải sau khi người chịu cắt bì, bèn là trước. 11 Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình, 12 và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy

 

Câu gốc: “Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì” (câu 11a).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Liên quan đến sự xưng công bình và phép cắt bì, Sứ đồ Phao-lô đưa ra câu trả lời nào (câu 10-11)? Câu trả lời này giúp bạn hiểu thế nào là con cháu thật của Áp-ra-ham, hay nói cách khác, thế nào là một con cái thật sự của Đức Chúa Trời (câu 11b-12)? Câu trả lời của Sứ đồ Phao-lô giúp bạn trả lời những thắc mắc hay nghi ngờ nào trong đức tin của bạn?

Người Do Thái vẫn tự hào mình là dân giao ước của Đức Chúa Trời, và dấu hiệu của giao ước đó chính là phép cắt bì trên thân thể. Tuy nhiên, Sứ đồ Phao-lô mạnh mẽ phủ nhận việc một người được xưng công bình bởi phép cắt bì. Dùng ông Áp-ra-ham như một bằng chứng, Sứ đồ Phao-lô chỉ ra ông Áp-ra-ham được xưng công bình trước khi ông chịu cắt bì (câu 10). Ông Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời xưng là công bình vì tin Ngài trước khi ông chịu cắt bì ít nhất 14 năm (Sáng Thế Ký 15:6; 16:2-4, 16; 17:23-25).

Như vậy phép cắt bì có giá trị gì? Vì sao Đức Chúa Trời ra lệnh cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông phải chịu phép cắt bì? Sứ đồ Phao-lô cho biết phép cắt bì không làm cho ông Áp-ra-ham được xưng công bình nhưng chỉ là dấu chỉ và ấn chứng của việc được Đức Chúa Trời xưng công bình bởi đức tin nơi Ngài (câu 11a).

Dấu chỉ trên thân thể để nhắc nhở ông Áp-ra-ham và dòng dõi về giao ước mà Đức Chúa Trời lập với họ (Sáng Thế Ký 17:11), nhưng giao ước thì không được thiết lập dựa trên phép cắt bì; và dấu chỉ về phép cắt bì trên thân thể cũng dùng để nhắc nhở họ về việc họ được biệt riêng cho Đức Chúa Trời so với các dân tộc khác.

Trong khi đó, dấu ấn xác thực về sự xưng công bình mà ông Áp-ra-ham và dòng dõi nhận được qua đức tin nơi Đức Chúa Trời. Có thể nói, dấu chỉ dùng để chỉ về sự xưng công bình từ Đức Chúa Trời qua đức tin; còn dấu ấn dùng để xác thực, bảo đảm cho sự xưng công bình đó. Điều này cũng tương tự như việc giữ phép báp-têm. Báp-têm không đem đến sự cứu rỗi, nhưng là hành động công khai để bày tỏ quyết định tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời sống và sống một cuộc đời mới với Ngài.

Ngày nay, dấu chỉ và dấu ấn về sự xưng công bình mà chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời qua đức tin nơi Chúa Giê-xu là sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong đời sống (Ê-phê-sô 1:13-14; Rô-ma 8:16) và sự hình thành đời sống mới trong chúng ta (Cô-lô-se 2:10-12). Như vậy, con cái thật của Áp-ra-ham không tùy thuộc vào phép cắt bì, nhưng là những người có đức tin giống như đức tin của ông Áp-ra-ham đặt nơi Đức Chúa Trời (câu 11b-12).

Bạn đã thật sự là con cái Đức Chúa Trời chưa? Đừng dựa vào chức vụ, dòng dõi, việc giữ các lễ nghi tôn giáo để an tâm về tình trạng thuộc linh của mình. Bạn cần phải đặt đức tin nơi Chúa Giê-xu: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy” (Giăng 1:12-13).

 

Cầu nguyện: Tạ ơn Chúa vì nhờ ân điển và bởi đức tin mà con được cứu. Xin giúp con bày tỏ đức tin bên trong của một người được xưng công bình bằng những dấu hiệu bên ngoài thể hiện trong đời sống.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 76-77.

Bài trướcKhu Vực II (Đăk Lăk): Hiệp Nguyện Mục Sư – Truyền Đạo Quý I/2017
Bài tiếp theoBồi Linh Thanh Niên Huyện Đam Rông – Tỉnh Lâm Đồng