Ngày 8/3/2017: Giàu Mà Dại

907

Lu-ca 12:16-21

16 Ngài lại phán cùng chúng lời ví dụ nầy: Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm, 17 người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản vật. 18 Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: Ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó; 19 rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ. 20 Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai? 21 Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy.
 

Câu gốc: “Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy” (câu 21).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Hãy mô tả người giàu trong ẩn dụ này (câu 16-19)? Vì sao Chúa Giê-xu lại gọi người giàu này là ngu dại (câu 20)? Như vậy, đối với Chúa Giê-xu sự khôn hay dại tùy thuộc vào điều gì? Bạn đang sống với tiêu chuẩn khôn – dại, thành – bại của người giàu hay của Chúa Giê-xu?

 

Hãy bỏ qua những thành kiến về người giàu trong ẩn dụ này để có cái nhìn khách quan về ông ta. Đây là một người giàu chính đáng, không gian lận, không làm những việc xấu xa để thu lợi (câu 16). Ông ta cũng là người khôn ngoan, làm việc có kế hoạch, biết nhìn xa (câu 17-18). Hơn thế nữa, không như những người chỉ biết mải miết kiếm tiền cho đến khi chết, đây là người biết dừng đúng lúc, biết hưởng thụ (câu 19). Nếu ông ta sống trong thời đại chúng ta, thì đây là mẫu người thành công và được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng Chúa Giê-xu đã gọi người mà xã hội tôn trọng và nhiều người mơ ước đó là “kẻ dại” (câu 20). Có ít nhất bốn điều khiến ông ta thành người dại dột.

 

Thứ nhất, vì ông ta không nhận biết Đức Chúa Trời, và cho rằng linh hồn là của chính mình. Đại từ duy nhất mà người này dùng là “Ta”, nhưng Chúa lại nói rằng “Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại” (câu 20). Vì sao Đức Chúa Trời có quyền “đòi” linh hồn người giàu lại? Vì nó là của Ngài.

 

Thứ hai, vì ông ta chỉ sống cho đời này mà không hề chuẩn bị cho cõi vĩnh hằng. Ông ta cho rằng mình đã làm lụng nhiều rồi, bây giờ có thể nghỉ ngơi, nhưng Đức Chúa Trời nói rằng còn một cõi vĩnh hằng đang chờ đợi ông ta. Ông ta sống như mình sẽ chẳng bao giờ chết, và không nhận biết rằng: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27).

 

Thứ ba, vì ông ta cho rằng mình có thể kiểm soát được cuộc đời và công việc mình (câu 18-19), nhưng không nhận ra có nhiều điều vượt quá tầm kiểm soát của con người, và chính Đức Chúa Trời mới là Đấng tể trị mọi sự. “Hãy xem xét công việc của Đức Chúa Trời; vì vật gì Ngài đã đánh cong, ai có thể làm ngay lại được?” (Truyền Đạo 7:13).

 

Thứ tư, vì ông ta cho rằng của cải bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của mình (câu 19), nhưng Đức Chúa Trời lại nói rằng nếu Ngài đòi linh hồn ông lại thì “những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” (câu 20b), nghĩa là của cải không thể theo ông ta bước vào cõi vĩnh hằng. Đừng quên chúng ta ra đời thể nào sẽ trở về bụi đất thể ấy, lao khổ mà không nhận biết Đức Chúa Trời thì chỉ là “một tai nạn lớn” và là “luồng gió thổi” (Truyền Đạo 5:15-16).

 

Người giàu trong ẩn dụ này đại diện cho những người chỉ quan tâm, tìm kiếm thế gian và những điều thuộc về nó mà quên mất Đức Chúa Trời (câu 21). Hãy sống cuộc đời giàu có nơi Đức Chúa Trời, nghĩa là nhận biết Đức Chúa Trời, thờ phượng và làm theo ý muốn Ngài.

 

Lạy Chúa, xin giúp con nhận biết điều gì có giá trị tạm thời, điều gì có giá trị vĩnh cửu để “chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (II Cô-rinh-tô 4:18).

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-xê-chi-ên 6.

 

Bài trướcHiệp Nguyện Mục Sư, Truyền Đạo & Ban Chấp Sự Tỉnh Kiên Giang
Bài tiếp theoSách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (Phần 1)