Ngày 2/7/2017: Chẳng Có Ai Công Bình

1022

Gióp 9:1-4

 1 Gióp đáp lời lại mà rằng:
 2 Quả thật, tôi biết ấy là như vậy; 
 Nhưng làm thế nào cho loài người được công bình trước mặt Đức Chúa Trời? 
 3 Nếu muốn tranh biện với Ngài, 
 Thì một lần trong ngàn lần, loài người không thể đáp lời. 
 4 Đức Chúa Trời có lòng trí huệ và rất mạnh sức: 
 Ai cứng cỏi với Ngài mà lại được may mắn? 

 

Câu gốc: “Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không… và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (Rô-ma 3:10, 24).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Gióp xác nhận điều gì với ông Binh-đát? Làm thế nào để loài người được xem là công bình trước mặt Đức Chúa Trời? Bạn làm thế nào để được xưng công bình?

 

Sau khi nghe những lời lập luận của ông Binh-đát, ông Gióp trả lời với các bạn. Ông xác nhận với ông Binh-đát rằng: “Quả thật, tôi biết là như vậy” (câu 2); tôi biết Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình (8:3). Nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào con người được xem là công bình trước mặt Đức Chúa Trời? Muốn được xưng là công bình thì một người phải sống đúng với chuẩn mực đạo đức của Đức Chúa Trời. Vậy ai có thể sống trọn vẹn như vậy? Nói cách khác, ông Gióp khẳng định với các bạn rằng con người không thể công bình trước mặt Đức Chúa Trời (câu 3-4). Khi nói đến công bình, phải xét đến người hay Đấng xét xử, nhưng không ai có thể xét đến công việc của Đức Chúa Trời. Nói đến sự công bình cũng nói đến sự tranh luận, vậy ai có thể tranh luận với Chúa. Con người là vật thọ tạo của Đức Chúa Trời, làm sao có thể tranh luận cùng Đấng tạo dựng nên mình. “Nếu muốn tranh biện với Ngài, thì một lần trong ngàn lần, loài người không thể đáp lời” (câu 3). Hơn thế nữa, làm sao con người có thể sánh với Đức Chúa Trời về trí tuệ và sức mạnh. Câu “Ai cứng cỏi với Ngài mà lại được may mắn?” có nghĩa là không ai có thể an toàn vô sự hay còn nguyên vẹn khi đương đầu với Đức Chúa Trời. Con người làm sao đem trí tuệ và sức mạnh hạn hẹp, nhỏ nhoi của mình đối chọi với Đấng tạo ra mình. Ông Gióp muốn bày tỏ sự công chính của mình trong các tai họa ông đã gặp phải, nhưng làm sao con người như ông lại có thể chứng minh là công chính trước mặt Đức Chúa Trời.

 

Cơ Đốc nhân bày tỏ đời sống Cơ Đốc qua cách sống công chính như ông Gióp là điều rất đáng khích lệ. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng, dù chúng ta cố gắng thế nào đi nữa, chúng ta cũng luôn có những vấp phạm, lầm lỗi trong cuộc sống. Sứ đồ Phao-lô khẳng định rằng: “Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không” (Rô-ma 3:10). Không ai trong chúng ta có thể nhờ sức riêng mình mà sống công bình trước mặt Đức Chúa Trời được, “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Chúng ta chỉ được xưng công bình nhờ sự chết chuộc tội của Đức Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Nhận biết mình thiếu công bình, bất toàn, và tội lỗi là bước đầu dẫn chúng ta vào con đường cứu rỗi.

 

Bạn có nhận biết sự bất toàn của mình và xin Chúa thứ tha chưa?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con là người có tội, không đạt được sự công bình của Chúa. Xin Chúa tha tội và cho con trở nên công bình bởi đức tin nơi sự chết đền tội của Chúa cho con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 108-109.

Bài trướcĐầu Tư Thuộc Linh
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Mục Sư CILMUP HA PUT A