Rô-ma 1:9-10
“Vì Đức Chúa Trời mà tôi lấy tâm thần hầu việc, bởi sự giảng Tin Lành của Con Ngài, làm chứng cho tôi rằng tôi nhắc đến anh em không thôi trong mọi khi tôi cầu nguyện, thường xin Đức Chúa Trời, bởi ý muốn Ngài, sau lại có thể gặp dịp tiện đi đến nơi anh em.”
Câu hỏi suy ngẫm: “Lấy tâm thần hầu việc” (câu 9a) nghĩa là gì? Bên cạnh sự phục vụ Chúa bằng “tâm thần,” người ta có thể phục vụ Chúa bằng cách nào khác? Bạn đang phục vụ Chúa trong tinh thần nào? Sự phục vụ Chúa bằng tâm thần đem đến cho Sứ đồ Phao-lô phẩm chất cần thiết nào (câu 9b)? Ông đã bày tỏ phẩm chất này trong hành động nào?
Trong Giăng 4:24, Chúa Giê-xu phán rằng: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” Điều đó có nghĩa là người thờ phượng Chúa phải có mối liên hệ với Đức Chúa Trời, nghĩa là phải thật sự tin nhận Chúa Giê-xu và phục vụ, thờ phượng Ngài cách hết lòng. Một người chưa tin nhận Chúa không thể thờ phượng Ngài và cũng không thể phục vụ Ngài. Người đó có thể thực hành công việc tôn giáo nhưng không phải là phục vụ Chúa. Hơn thế nữa, người phục vụ bằng tâm thần không chỉ phục vụ vì trách nhiệm hay hình thức bên ngòai nhưng bằng cả tấm lòng yêu Chúa. Người đó cũng không phải là phục vụ Chúa tại một thời điểm trong tuần hay trong ngày nhưng là luôn luôn. Nói đúng ra, nếu gọi là phục vụ Chúa thì chỉ có thể là phục vụ Chúa bằng tâm thần, những cách khác thật ra không phải là phục vụ Chúa. Có những lúc chúng ta nghĩ rằng mình phục vụ Chúa nhưng không phải (A-mốt 5:21-24).
Chính vì Sứ đồ Phao-lô không phục vụ Chúa bằng trách nhiệm hay quyền lợi nhưng bằng cả tâm thần, nên đã đem đến cho ông tinh thần quan tâm đến nhu cầu thuộc linh của anh chị em – “nhắc đến anh em không thôi.” Sứ đồ Phao-lô chưa hề gặp những tín hữu La Mã, nhưng sự tương giao trong Chúa Thánh Linh đã đem ông đến trong mối tương giao với họ. Điều này có nghĩa là khi một người phục vụ Chúa bằng cả tâm thần, nghĩa là người đó sống trong mối liên hệ chặt chẽ với Đức Chúa Trời, thì người đó cũng sống trong mối tương giao với anh em cùng đức tin. Do đó, gây dựng mối liên hệ cá nhân với Chúa chính là phương cách tốt nhất để gây dựng mối liên hệ Cơ Đốc trong Hội Thánh.
Sứ đồ Phao-lô bày tỏ sự quan tâm đến các tín hữu tại La Mã bằng cách cầu nguyện cho họ. Ông không cầu nguyện qua loa nhưng là cầu nguyện “không thôi.” Mối quan tâm của Sứ đồ Phao-lô đến Hội Thánh La Mã không chỉ là cảm xúc, nhưng là điều đeo đuổi ông, khiến ông luôn nghĩ về họ, luôn muốn điều tốt nhất cho họ.
Sứ đồ Phao-lô đã cầu nguyện để xin Chúa cho cơ hội đến thăm Hội Thánh La Mã (câu 10). Cầu nguyện cho một người mà mình chưa hề biết mặt là một điều khó, nhưng cầu nguyện liên tục và thường xuyên cho họ là điều khó hơn. Cầu nguyện liên tục và thường xuyên cho một người là điều khó, nhưng cầu nguyện để xin Chúa dùng mình đến phục vụ và gây dựng người đó mới là điều khó nhất. Lời cầu xin của Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta nhận ra sự quan tâm của ông đến Hội Thánh La Mã là chân thật và đầy tình yêu. Đây cũng là điều mà mỗi chúng ta cần có trong sự phục vụ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tấm lòng của Chúa – tấm lòng yêu thương, quan tâm đến nhu cầu người khác, và xin Chúa dùng con để đem sự đáp ứng đến cho họ.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 31.