Ngày 23/9/2015: Những Người Bức Hại

846

Công Vụ 4:13-22

 “Họ bèn đòi hai người vào, rồi cấm tiệt, chẳng cho nhân danh Đức Chúa Giê-xu mà nói hay là dạy” (câu 18).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Những người bức hại Sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng trong phân đoạn Kinh Thánh này là ai (xem thêm câu 1)? Họ có những đặc điểm nào? Tại sao họ ngăm dọa, ngăn cấm rao giảng về Danh Chúa Giê-xu? Sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng khẳng định lập trường của mình trước những người bức hại như thế nào?

 

Những người bức hại Sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng là những người lãnh đạo thuộc linh, có chức quyền trong giáo hội và xã hội thời bấy giờ gồm có những người Pha-ri-si, các thầy tế lễ, quan cai Đền Thờ và người Sa-đu-sê (câu 1). Những người này đã biết Chúa Giê-xu, đã nghe Ngài giảng dạy về Nước Đức Chúa Trời nhưng họ không tin, cứ khăng khăng giữ niềm tin truyền thống của mình. Người Pha-ri-si hay chất vấn Chúa Giê-xu về việc giữ luật pháp, đặc biệt là việc giữ ngày Sa-bát. Người Sa-đu-sê không tin vào sự sống lại và họ cũng đã gay gắt chất vấn Chúa Giê-xu về vấn đề này, được chép trong Ma-thi-ơ 22, Mác 12, và Lu-ca 20. Trong câu 13, họ đã biết rõ hai ông Phi-e-rơ và Giăng là môn đệ của Chúa Giê-xu, vốn là những người bình thường và ít học, đã được Chúa Giê-xu thay đổi trở nên dạn dĩ và uyên bác. Danh tiếng các môn đệ Chúa Giê-xu được đồn ra khắp thành Giê-ru-sa-lem. Các chứng cớ về những con người có đầy năng quyền, chữa lành cho người tàn tật làm họ không thể chối cãi (câu 14). Nhưng họ vẫn cấm tiệt các môn đồ rao giảng về sự sống lại của Chúa Giê-xu, một chân lý rất quan trọng trong sự cứu rỗi nhân loại. Họ không ưa thích Chúa Giê-xu vì Ngài đã từng chỉ ra lối sống giả hình của chính họ. Vì vậy, họ đã dùng thẩm quyền của mình để áp bức, trù dập, và bắt giam những người sống theo tiếng gọi của Chúa Giê-xu (câu 17,18, 21).

 

Thật tiếc thay! Những bậc lãnh đạo thuộc linh trong giáo hội Do Thái đã không thật sự kính sợ Đức Chúa Trời. Họ nhân danh phụng sự Đức Chúa Trời nhưng đã cản trở công việc Ngài. Quyết định xử Sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn của Chúa hay Lời Chúa nhưng vì phản ứng của dân chúng (câu 16). Họ sợ thế lực của mình bị lung lay bởi sức mạnh của quần chúng hơn là bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Dù vậy, Đức Chúa Trời vẫn tể trị, Ngài có cách để bảo vệ những đầy tớ trung kiên của Ngài và sửa phạt những người có lòng cứng cỏi trong thời điểm thích hợp. Vì vậy, chúng ta cần giữ vững đức tin, quyết vâng lời Đức Chúa Trời trong mọi sự, dạn dĩ rao truyền về những điều mình đã thấy và nghe (câu 19, 20).

 

Đức Chúa Trời có vị trí nào trong sự thờ phượng và đời sống của bạn ngày nay? Nếu gặp sự cấm đoán như Sứ đồ Phi-e-rơ, bạn sẽ phản ứng như thế nào?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin giúp con trở nên người thờ phượng và phục vụ vui lòng Chúa. Xin cho con cẩn thận để không làm những hòn đá cản trở việc rao truyền Danh Chúa Giê-xu và sự cứu rỗi của Ngài cho người khác.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 2.

 

Bài trướcGiới Thiệu Lịch 2016 Của Ủy Ban Cơ Đốc Giáo Dục TLH
Bài tiếp theoTruyền Giảng Tại Hội Thánh Tin Lành Thông Tây Hội