Gióp 3:1-13
1 Sau việc ấy, Gióp mở miệng rủa ngày sanh mình. 2 Gióp bèn cất tiếng nói rằng:
3 Ngày ta đã sanh ra, khá hư mất đi;
Còn đêm đã nói rằng: Có được thai dựng một con trai, hãy tiêu diệt đi!
4 Nguyện ngày ấy bị ra tăm tối!
Nguyện Đức Chúa Trời từ trên cao chớ thèm kể đến,
Và ánh sáng đừng chiếu trên nó!
5 Chớ gì tối tăm và bóng sự chết nhìn nhận nó,
Áng mây kéo phủ trên nó,
Và nhật thực làm cho nó kinh khiếp.
6 Nguyện sự tối tăm mịt mịt hãm lấy đêm ấy;
Chớ cho nó đồng lạc với các ngày của năm;
Đừng kể nó vào số của các tháng!
7 Phải, nguyện cho đêm ấy bị son sẻ
8 Ai hay rủa sả ngày, và có tài chọc Lê-vi-a-than, dậy,
Hãy rủa sả nó!
9 Nguyện sao chạng vạng đêm ấy phải tối tăm;
Nó mong ánh sáng, mà ánh sáng lại chẳng có,
Chớ cho nó thấy rạng đông mở ra!
10 Bởi vì đêm ấy không bế cửa lòng hoài thai ta,
Chẳng có giấu sự đau đớn khỏi mắt ta.
11 Nhân sao tôi chẳng chết từ trong tử cung?
Nhân sao không tắt hơi khi lọt lòng mẹ?
12 Cớ sao hai đầu gối đỡ lấy tôi,
Và vú để cho tôi bú?
13 Bằng chẳng vậy, bây giờ ắt tôi đã nằm an tịnh,
Được ngủ và nghỉ ngơi
Câu gốc: “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: Đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: Đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy” (I Cô-rinh-tô 13:12).
Câu hỏi suy ngẫm: Sau nhiều ngày ngồi yên lặng, ông Gióp mở lời nói những điều gì? Sau đó ông nêu ra một loạt câu hỏi gì? Bạn có những câu hỏi nào với Chúa mà không có câu trả lời không? Bạn áp dụng bài học này cho đời sống mình ra sao?
“Sau việc ấy” tức là sau nhiều ngày yên lặng trong sự đau đớn tột cùng (2:13), ông Gióp bắt đầu mở lời nguyền rủa ngày sinh của mình. Ông nguyền rủa đêm ông được hoài thai (câu 3-8) và đêm ông sinh ra đời (câu 9-13). Ông biết Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên ông (câu 4). Sự tạo nên bào thai là phước lành từ Đức Chúa Trời (Sáng Thế Ký 30:1-2) mà không con người nào có thể làm được. Khi con người nguyền rủa ngày hoài thai tức là nói phạm đến sự tốt lành của Đức Chúa Trời và vô ơn với Ngài. Từ “tối tăm” được lặp lại nhiều lần (câu 4, 6, 9), khi ông Gióp sinh ra là đã được Chúa đem ông từ chỗ tối tăm trong lòng mẹ ra nơi sáng láng; nhưng giờ đây trong sự đau khổ tột cùng, ông muốn được ở trong tối tăm như trước. Ông muốn mình chết từ lúc chào đời, hẳn sẽ tốt hơn. Ông nghĩ rằng nếu ông không sinh ra, ông sẽ không phải đối diện với cảnh khổ này. Ông Gióp đã tự hỏi sao lại sinh tôi ra làm chi mà tôi khổ như thế này? Thà tôi không sinh ra còn tốt hơn. Lời than thở về ngày sinh của ông không phải là ước muốn tự sát, nhưng đó là lời của người đau khổ quá mức khiến phải ước gì mình chưa hề được sinh ra. Từ những suy nghĩ như vậy, ông Gióp đã đưa ra nhiều câu hỏi “tại sao?” mà không ai có thể trả lời. Chỉ có Đức Chúa Trời mới biết và trả lời được câu hỏi của ông.
Cơ Đốc nhân ngày nay cũng vậy, chúng ta không thể trả lời hết được những điều xảy ra cho chúng ta và cho người xung quanh ta. Cớ Đốc nhân sống nhờ vào lời hứa, chứ không nhờ vào lời giải thích. Chúng ta phải tin, trông cậy Chúa và vâng lời Ngài trong những điều chúng ta hiểu và cả những điều chúng ta không hiểu. Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta biết rằng sự hiểu biết của chúng ta chưa trọn vẹn nên chúng ta không thể hiểu biết hết mọi điều xảy ra, “ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: Đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: Đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy” (I Cô-rinh-tô 13:12)
Trong sự thử thách của bạn, bạn có ngã lòng và quên ơn Chúa không? Đức tin của bạn có thối lui không? Bạn tin rằng Chúa yêu bạn và cho bạn điều tốt nhất không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn vững vàng tin cậy Chúa trong mọi hoàn cảnh. Xin cho con luôn neo chặt nơi Chúa là Đấng cao cả vô song tể trị toàn cõi vũ trụ này và cũng là Cha yêu thương của con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ô-sê 11.