Ngày 21/7/2016: Con Người hay Nghi Lễ?

634

A-ghê 2:10-19

“Hãy làm cho tiếng của bài hát các ngươi xa khỏi ta! Ta không khứng nghe tiếng đàn cầm của các ngươi. Thà hãy làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công bình như sông lớn cuồn cuộn” (A-mốt 5:23-24).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Trong các câu 12-13 bày tỏ quy tắc nào về vật ô uế? Câu 14 cho biết lối sống của dân chúng như thế nào? Lối sống đó dẫn đến những hậu quả gì? Chúa mong con dân Chúa ngày trước, và chúng ta ngày nay, bày tỏ sự thờ phượng như thế nào?

 

Khoảng hai tháng sau lời tiên tri về vinh quang của Đền Thờ sau rốt, Chúa lại phán với Tiên tri A-ghê. Khác với những kỳ trước đó, lần này Chúa bắt đầu với ví dụ áp dụng luật về vật ô uế. Thoáng đọc, những điều luật này thật khó hiểu nhưng thật ra chúng dựa trên một quy tắc rõ ràng: mối liên hệ giữa con người với Đức Chúa Trời tác động đến mọi thứ mà con người tiếp xúc hay sở hữu. Nếu một người phạm tội với Chúa thì mọi thứ người đó tiếp xúc đều bị xem là ô uế trước mặt Ngài. Ngược lại, những gì được xem là tinh sạch, thậm chí được biệt riêng để dùng cho mục đích thánh khiết, cũng không thể truyền bản chất tinh sạch đó cho những đồ vật khác hay cho người chạm đến chúng.

 

Qua Tiên tri A-ghê, Chúa chỉ ra điểm quan trọng nhất là gây dựng nếp sống thờ phượng cho cộng đồng, chứ không phải lập lại hệ thống nghi lễ thờ phượng theo như tôn giáo truyền thống của cha ông họ, vì việc làm trong Đền Thờ không thể tẩy sạch tội lỗi của họ. Tổ tiên của những người hồi hương này không từ bỏ Đức Giê-hô-va nhưng họ thờ phượng Ngài cùng với nhiều thần tượng khác. Trên đỉnh núi Cạt-mên, Tiên tri Ê-li đã tố cáo dân chúng thờ phượng Đức Giê-hô-va nhưng cũng thờ thần Ba-anh (I Các Vua 18:20-21). Đến trước thời kỳ lưu đày, qua Tiên tri A-mốt, Chúa phơi bày sự chán ngán của Ngài cách bộc trực. Trong A-mốt 5:21-24, Chúa phán Ngài ghét, Ngài khinh dể, Ngài không vui chút nào về những nghi lễ thờ phượng của dân chúng. Chúa không nhận, không đoái xem những của lễ dân chúng dâng lên. Chúa mệt lòng khi phải nghe lời ca, tiếng hát của họ. Chúa muốn dân Chúa chấm dứt tình trạng “thừa nghi lễ nhưng kiệt quệ tấm lòng.” Chúa trông mong dân của Ngài bày tỏ sự thờ phượng qua nếp sống của họ. Thế hệ trong thời Tiên tri A-mốt đã không ăn năn. Chúa đã sửa phạt họ bằng sự lưu đày tại Ba-by-lôn.

 

Sau bảy mươi năm lưu đày, Đức Chúa Trời đem những người này trở về quê hương. Thế hệ mới sau thời kỳ lưu đày dường như vẫn không khác lắm so với tổ tiên họ. Nếp sống thờ phượng vẫn không được xem là điều quan trọng hơn cho đến khi Chúa dùng Tiên tri A-ghê lên tiếng tố cáo nếp sống không tôn kính Chúa của cộng đồng người hồi hương. Những người hồi hương chịu ăn năn, thay đổi lối sống; kể từ ngày này, Chúa tha thứ và ban phước cho họ (câu 19).

 

Trong sự thờ phượng Chúa, bạn xem điều nào quan trọng hơn, nếp sống thờ phượng hay nghi lễ thờ phượng?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con chú trọng nếp sống thờ phượng đẹp ý Chúa hơn là quá chú trọng đến nghi lễ hình thức mà xem nhẹ việc tôn vinh Danh Ngài.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sử Ký 9.

 

Bài trướcKhai Giảng Thánh Kinh Căn Bản Tại Kiên Giang
Bài tiếp theoHuấn Luyện Truyền Giáo Tại Tỉnh Quảng Trị