Ngày 11/2/2016: Bài Học Tha Thứ từ Ông Giô-sép

1658

Sáng Thế Ký 50:15-21

“Giô-sép đáp rằng: Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao? Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người” (câu 19-20).

 

 

Câu hỏi suy ngẫm: Ông Giô-sép đã nhận biết Chúa như thế nào trong câu 19? Ông nhìn thấy điều gì khi người khác làm hại ông (câu 20)? Ông bày tỏ hành động cụ thể nào để tha thứ các anh mình (câu 21)? Điều nào là khó khăn nhất cho bạn khi học tha thứ như ông Giô-sép?

 

Trong lịch sử loài người, sự cay đắng và ghen ghét trong một gia đình đã có từ rất lâu. Ông Ca-in ghen ghét ông A-bên và đã giết em mình. Các anh của ông Giô-sép ghen ghét ông Giô-sép và đã tìm cách giết ông. Sự cay đắng hận thù cư ngụ trong đời sống của một người không tha thứ, thậm chí được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia, và bộ mặt độc ác của nó biểu lộ khi có cơ hội thuận tiện. Tuy nhiên, sức mạnh hủy phá khủng khiếp của những hận thù này sẽ không còn hiệu lực khi một người học biết tha thứ. Ông Giô-sép là một trong những điển hình này.

 

Trước hết, ông Giô-sép nhận biết giới hạn của mình. Khi các anh đến với ông trong sự sợ hãi, ông đã trấn an họ: “Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao?” Ông như muốn nói với họ rằng: “Mặc dù tôi có khả năng và cơ hội để trả thù, như trong lúc này, tôi sẽ không bao giờ làm điều này, vì điều này không thuộc về tôi. Điều này nằm trong quyền hạn của Đức Chúa Trời, là Đấng nhìn thấy mọi sự và phán xét công minh. Tôi không tự giải quyết vấn đề này theo ý tôi. Tôi kính sợ Chúa.”

 

Thứ hai, ông Giô-sép tin vào sự tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trên mọi vấn đề. Ông cho biết: “Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi.” Chúng ta cũng có thể nói như ông Giô-sép: “Anh/chị bôi nhọ tôi, nói xấu tôi, làm hại tôi… nhưng Đức Chúa Trời đã trui rèn tôi để làm ích lợi cho tôi và cho nhiều người khác nữa.” Chương trình của Chúa cao cả và tốt đẹp hơn nhiều. Con người và những toan tính xấu xa của họ không thể ngăn chận sự tốt lành của Chúa dành cho con cái của Ngài (Rô-ma 8:28). Ông Giô-sép đã vượt lên những nỗi đau cá nhân để nhìn thấy bức tranh rộng lớn, đẹp đẽ mà Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho ông. Thay vì tập trung vào chính mình và những điều người khác hại mình, ông hướng lòng về chính Chúa và những ơn phước lớn lao Ngài dành sẵn cho ông.

 

Thứ ba, ông Giô-sép trả điều ác bằng điều thiện. Ông hứa chu cấp cho các anh và cho con cháu của họ. Bằng cách này, ông Giô-sép cho thấy sự tha thứ, đối lập với sự hận thù, phải được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thay vì là “kẻ thù truyền kiếp,” ông đã trở nên “người làm ơn truyền kiếp.” Lòng tự ái, kiêu căng, không nhìn nhận Chúa là trên hết trong đời sống của mình đã khiến nhiều người cứ sống trong sự hận thù, và nếu có cơ hội, sẽ không ngần ngại làm hại nhau. Ông Giô-sép đã cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Bởi sự nhìn biết giới hạn của mình, tin cậy vào sự tể trị tuyệt đối của Chúa và chủ động làm điều lành cho người làm hại mình, chúng ta sẽ có những anh chị em yêu thương nhau trong gia đình thuộc thể và trong gia đình đức tin là Hội Thánh của Ngài.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận biết Ngài trong mọi sự. Xin cho con không tập trung vào sự đau khổ của chính mình mà nhìn lên ơn thương xót lớn lao và chương trình kỳ diệu của Ngài dành cho chính con.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lu-ca 8.

 

Bài trướcThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Mục Sư Trí Sự Ngô Kỉnh
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Truyền đạo Y-WIÊN KBUÔR