Ngã Tư Tin Lành

1151

“Chính tại An-ti-ốt, người ta bắt đầu gọi các môn đồ là Cơ Đốc nhân.”

(Công Vụ 11:26)

 

Khi gọi một người là Cơ Đốc nhân, hoặc mình tự nhận là Cơ Đốc nhân, thì danh xưng này chỉ về những người đã tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời mình, là những người thường đi nhà thờ Tin Lành mỗi sáng Chúa Nhật.  Nhưng bạn có biết nguồn gốc chữ Cơ Đốc nhân xuất phát từ đâu không?

 

Sách Công Vụ Các Sứ Đồ chương 11, câu 19-26 cho biết: Tên gọi Cơ Đốc nhân được khai sinh tại An-ti-ốt. 

 

Khi đạo Chúa bắt đầu phát triển tại Giê-ru-sa-lem, thì một cơn bắt bớ dữ dội xảy ra khiến các môn đồ phải tan lạc khắp nơi.  Tuy nhiên, những người bị tan lạc ấy không cam phận, mà đi đến đâu truyền giảng Phúc Âm đến đó.  Nhóm người đến An-ti-ốt truyền giáo cho người Do Thái và Hy Lạp, “tay Chúa ở cùng mấy người đó, nên số người tin và trở lại cùng Chúa rất nhiều.” (Công Vụ 11:21).   Khi Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem nghe được điều này, liền cử ông Ba-na-ba, là “người lành, đầy dẫy Thánh Linh và đức tin” đến khích lệ mọi người, rồi ông cùng với ông Sau-lơ, tức Phao-lô, dạy dỗ các tín hữu ở An-ti-ốt  khiến cho những người tin và tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời họ được Chúa biến đổi.  Giữa một xã hội suy đồi thì họ lại sống một nếp sống hoàn toàn đổi mới, nên đã gây sự chú ý và ngạc nhiên trong dân chúng đến nỗi dân chúng tại An-ti-ốt đặt cho họ một biệt danh: Cơ Đốc nhân, có nghĩa là người thuộc về Đấng Chirst, tức thuộc về Chúa Giê-xu. 

 

Khởi đầu, tên này mang ý nhạo báng, nhưng nếp sống của họ lâu ngày đã biến đổi ý nghĩa của cái tên tập thể ấy, từ chỗ mang ý nghĩa xấu, dần dần trở thành một niềm tự hào của người tin theo Chúa Cứu Thế Giê-xu.  Nếp sống đạo tốt đẹp đã thay đổi cả ý nghĩa của tên gọi.

 

Ngày nay, khi đến thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), chúng ta sẽ ngạc nhiên vì ngay giữa trung tâm thành phố lại có một ngã tư mà dân chúng vẫn quen gọi là Ngã Tư Tin Lành.  Nguyên nhân là vào năm 1925, tại Rạch Giá, có một ngôi nhà thờ Tin Lành được xây dựng tại Ngã tư đường Nguyễn Trung Trực – Chi Lăng, con cái Chúa thường xuyên đến nhóm họp thờ phượng Chúa, và nếp sống đạo của họ gây ảnh hưởng đặc biệt cho dân chúng – vốn có truyền thống Phật Giáo Đại Thừa Khmer – đã khiến cho người dân ở đây đặt tên cho ngã tư đó là Ngã Tư Tin Lành, và tên gọi ấy vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.  Xuống tới Rạch Giá, chỉ cần hỏi thăm Ngã Tư Tin Lành là ai cũng có thể chỉ đường cho chúng ta tới đúng ngay Nhà thờ Tin Lành Rạch Giá.

 

Hôm nay, tôi con Chúa không chờ người khác đặt biệt danh cho mình như ngày trước, nhưng ai nấy đã tự xưng mình là Cơ Đốc nhân khi chính thức gia nhập vào Hội Thánh Tin Lành.  Tuy nhiên, điều đáng buồn là có nhiều người tin Chúa, tự nhận mình là Cơ Đốc nhân, nhưng đời sống lại không thay đổi, họ vẫn miệt mài trong nếp sống cũ, Chúa nhật đi nhà thờ nhưng sáu ngày còn lại sống không khác gì người chưa có Chúa.  Những đời sống như vậy đã làm cho tên gọi Cơ Đốc nhân tốt đẹp trở thành một tên gọi tai tiếng.

 

Cơ Đốc nhân có nghĩa là “Người Thuộc Về Đấng Christ”.  Khi nhận mình là Cơ Đốc nhân, mặc nhiên chúng ta tự xác nhận rằng tôi thuộc về một thành phần khác với thế gian.  Tôi sống giữa thế gian nhưng tôi không thuộc về thế gian mà “thuộc về Đấng Cứu Thế”.  Làm thế nào để phân biệt được tôi thuộc về ai?  Ấy là nhìn xem tôi sống theo quan niệm sống của ai, nếu thuộc về Đấng Christ thì tôi sống theo quan niệm sống của Kinh Thánh, ngược lại nếu thuộc về thế gian thì tôi sống theo tiêu chuẩn của thế gian.  Do đó, chỉ cần nhìn vào cách sống của một người, người khác có thể biết người ấy thuộc về Đấng Christ hay thuộc về thế gian.  Hay nói khác đi, người ấy đúng là Cơ Đốc nhân hay chỉ mang danh Cơ Đốc nhân mà thôi.

 

Người chưa tin Chúa sống theo tiêu chuẩn có tiền mua tiên cũng được, sống thâu trữ không hề mỏi mệt; người thuộc về Chúa phải sống theo tiêu chuẩn sống ban cho, dâng hiến.  Người thuộc về thế gian sống ích kỷ, sẵn sàng hy sinh lợi ích của người, lừa dối nhau để đem lợi về mình; người thuộc về Chúa sống yêu thương, sẵn sàng hy sinh và phục vụ theo Lời Chúa dạy.  Người chưa tin Chúa sống mạnh được yếu thua, chèn ép nhau, lật đổ nhau để hưởng lợi; Cơ Đốc nhân phải sống theo tinh thần mang lấy gánh nặng cho nhau.  Người sống theo thế gian chú trọng những giá trị ảo, tìm giá trị ở những hình thức hư ảo bề ngoài; người thuộc về Chúa chăm về những điều không thấy được, coi trọng giá trị thiêng liêng Chúa ban. Người sống theo thế gian tìm đến với rượu bia, ma túy để giải quyết nan đề; người thuộc về Đấng Chirst tìm đến với Chúa khi đối diện với hoạn nạn thử thách v.v…  Hãy chân thành nhìn lại xem mình đang sống theo tiêu chuẩn nào?

 

Xin Chúa cho chúng ta đã tự nhận mình là Cơ Đốc nhân thì nếp sống cũng phải nhờ ơn Chúa thể hiện những điều cao đẹp của Đấng Cơ Đốc cho nhiều người thấy Chúa qua đời sống mình, để rồi chính tên gọi Cơ Đốc nhân đó thu hút họ đến với Chúa để được cứu.

 

Tên gọi Cơ Đốc nhân đã được đặt cho các môn đồ của Chúa ngày trước; tên Ngã tư Tin Lành đã đi vào lòng người dân Rạch Giá ngày nay, còn chúng ta đã xưng mình là Cơ Đốc nhân thì xin bạn cũng phải thay đổi chính mình để tên Cơ Đốc nhân mãi mãi là tên sáng ngời trong thế giới tối tăm này.

 

 

Nguyễn Lê

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.