Lý Do Kỷ Niệm 500 Năm Ngày Cải Chánh Giáo Hội Cơ Đốc

14103

    Vào ngày 31/10/1517, Linh mục Martin Luther người Đức đã dán 95 luận đề nêu lên những sai trật của Giáo hội trước cửa nhà thờ Viện Đại học Wittenburg Đức, chính thức khởi đầu cho cuộc cải chánh giáo hội tại châu Âu. Cuộc cải chánh gặp sự chống đối kịch liệt của giáo quyền La Mã, nhất là giáo hoàng lúc bây giờ, có lúc tưởng chừng như thất bại, nhưng cảm tạ Chúa đã giúp đỡ và ban ơn cho Hội Thánh và các tôi tớ Ngài đã vượt qua mọi khó khăn để tiến tới thành công. Chính Martin Luther đã mạnh mẽ tuyên bố “Tôi không thể rút lui trừ phi Kinh Thánh bày tỏ cho tôi biết và có những lý do rõ ràng rằng tôi đã sai lầm. Tôi trung thành với Kinh Thánh mà tôi đã trích dẫn, lương tâm tôi lệ thuộc vào Lời Đức Chúa Trời. Thật không bình an và nguy hiểm khi làm điều gì ngược lại với lương tâm. Tôi đứng đây. Tôi không thể làm gì khác hơn được. Xin Đức Chúa Trời giúp đỡ tôi. A-men. Thật vậy, Luther và các nhà cải chánh đã phải tranh đấu kiên trì, bền bĩ trải qua suốt 130 năm và cuộc cải chánh đã kết thúc bằng Hòa ước Wesphalia năm 1648, chính thức khai sinh Giáo hội Cải chánh Tin Lành.

Năm 2017 là đúng năm trăm năm ngày cải chánh Giáo hội (1517- 2017), vì thế khắp thế giới, đặc biệt tại Âu châu đang diễn ra lễ kỷ niệm 500 năm Cải chánh Giáo hội.

Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chúng ta kỷ niệm cuộc cải chánh Giáo hội. Có thể nói, nếu chúng ta xưng mình là tín hữu Tin Lành mà không biết những điều cơ bản về cuộc cải chánh Giáo hội là một thiếu sót lớn. Cho nên kỷ niệm 500 Cải chánh là cơ hội để con dân Chúa nhớ lại công việc lớn lao mà Chúa đã làm trên Hội Thánh Ngài để giữ cho Hội Thánh đứng vững trên nền tảng chân lý.

Thiết nghĩ ít ra có bốn lý do để chúng ta kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại này:

Cảm tạ Chúa vì Hội Thánh Chúa vẫn được đứng vững trên chân lý của Kinh Thánh.

       Chúng ta kỷ niệm 500 cải chánh Giáo hội trước hết là cơ hội để cảm tạ Ba ngôi Đức Chúa Trời về sự dẫn dắt và gìn giữ Hội Thánh Ngài trải qua các thời đại, đặc biệt là thời kỳ cải chánh Giáo hội trong thế kỷ 16 để giữ cho Hội Thánh Chúa đứng vững trên lẽ thật của Kinh Thánh, đúng như Lời Chúa phán “Ta sẽ lập Hội thánh Ta trên đá này, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” (Ma-thi-ơ 16:18).

Cảm tạ Chúa, nhờ tinh thần cải chánh mà Hội Thánh Chúa được đứng vững trên chân lý Thánh Kinh và tiếp tục phát triển mạnh mẽ, Tin Lành của Chúa được truyền bá khắp thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Có thể nói nếu không có 500 năm cải chánh Giáo hội thì làm sao có 100 Tin Lành ở Việt Nam. Thiết nghĩ, kỷ niệm 100 năm Tin Lành để chúng ta nhớ ơn tiền nhân thì không chỉ nhắc đến các tôi tớ Chúa đã mang Tin Lành đến quê hương Việt Nam và các tôi tớ Chúa đã có công gây dựng Hội Thánh thôi, mà còn phải nhớ đến các nhà cải chánh Giáo hội nữa, vì chính họ đã tranh đấu và khai sinh ra Giáo hội Tin Lành chân chính nói chung và Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chúng ta nói riêng, một Giáo hội được lập vững trên Lời hằng sống của Đức Chúa Trời mà chúng ta thừa hưởng hôm nay.

Khẳng định và phát huy những chân lý vững chắc làm nền tảng cho niềm tin Cơ Đốc và sự hiệp nhất trong thân thể Đấng Christ

Kỷ niệm 500 cải chánh Giáo hội cũng là dịp để chúng ta xác tín những chân lý vững chắc làm nền tảng cho Hội Thánh Chúa trải qua các đời, cũng khẳng định nền tảng đức tin Cơ Đốc chính thống. Kỷ niệm 500 cải chánh Giáo hội, tưởng chúng ta cần nhắc lại, ôn lại năm khẩu hiệu của cuộc cải chánh giáo hội cũng là 5 nền tảng của cuộc cải chánh gọi là “Sola” trong tiếng La-tinh nghĩa là “duy chỉ” (Five solas); mỗi sola tiêu biểu cho 5 niềm tin căn bản của Martin Luther và các nhà cải chánh Giáo hội về cuộc cải chánh Giáo hội để chống lại sự dạy dỗ sai trật của giáo hội thời bấy giờ. Năm sola đó là: Sola Scriptura: chỉ Kinh Thánh thôi, sola fide: chỉ bởi đức tin mà thôi, sola gratia: chỉ bởi ân điển mà thôi, solus christus (Solo Christo): chỉ Chúa Giê-xu mà thôi, soli Deo gloria: vì vinh hiển Đức Chúa Trời mà thôi.

Thực ra, trong giai đoạn đầu của cuộc cải chánh, người ta chỉ phổ biến và lưu hành ba “sola” đầu thôi, về sau thì mới phát triển thành năm “sola”. Trong phạm vi bài này, người viết xin sơ lược 5 nền tảng quan trọng này.

  • Duy chỉ Kinh Thánh mà thôi “Sola scriptura”

    Hội Thánh thời Trung cổ dần dần xa rời nền tảng Kinh Thánh và nhiều sự dạy dỗ, tín lý của Giáo hội không đặt nền tảng trên chân lý Kinh Thánh. Vì thế, khẩu hiệu đầu tiên của phong trào cải chánh là “Sola scriptura” nhằm khôi phục thẩm quyền tối hậu của Kinh Thánh. Câu Kinh Thánh quan trọng được nhấn mạnh là II Ti-mô-thê 3:16 “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, Nguyên bổn rằng: Cả Kinh-thánh đều chịu Đức Chúa Trời hà hơi vào có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công chính. “Sola scriptura” cũng nhằm khẳng định rằng Kinh Thánh phải được giải nghĩa bởi chính Kinh Thánh; hay nói khác đi “Lấy Kinh Thánh giải nghĩa Kinh Thánh”.

Cơ Đốc nhân và Hội Thánh của Đấng Christ ngày nay cũng phải coi Kinh Thánh là nền tảng và thẩm quyền tối cao trong mọi sinh hoạt của đời sống. Chúng ta cũng khẳng định “Cả Kinh Thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn” chứ không phải chỉ một phần Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời như một số tà thuyết chủ trương.

  • Duy chỉ đức tin mà thôi “Sola Fide”

     Đây là khẩu hiệu và nền tảng quan trọng thứ hai của phong trào cải chánh.

Các nhà cải chánh khẳng định sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin nơi công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu trên cây thập tự mà thôi, nhằm chống lại chủ trương của Giáo hội Công Giáo là “Sự cứu rỗi do đức tin cộng với việc lành” dựa trên Gia-cơ 2:14-17. Vì lẽ đó mà Giáo hội trong thế kỷ 16 chủ trương bán bùa giải tội cho giáo dân như là cách để làm việc lành và được cứu.

Luther và các nhà cải chánh khẳng định việc lành là kết quả của đời sống được cứu chứ không phải là điều kiện để được cứu. Không phải làm lành để được cứu mà được cứu để làm lành. Câu Kinh Thánh nền tảng được nhấn mạnh là Rô-ma 1:17 “Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” và Ê-phê-sô 2:8 “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời.”

Ngày nay, kỷ niệm cuộc cải chánh Giáo hội, chúng ta cũng phải khẳng định rằng đức tin là điều kiện duy nhất để hưởng ơn cứu rỗi trong Chúa Giê-xu (Giăng 3:16) và đức tin đó phải được bày tỏ qua thái độ ăn năn tội và quay về với Đức Chúa Trời. Cơ Đốc nhân được cứu bởi đức tin và cũng sống bởi đức tin nữa và phải thể hiện đức tin qua các hành động yêu thương, cứu giúp, vì đức tin mà không có việc lành là đức tin chết (Gia-cơ 2:17). Có người đã bình luận một cách sâu sắc rằng “Cái sai lầm của người Công Giáo là đức tin cộng với việc lành, còn cái sai lầm của người Tin Lành là đức tin mà không thể hiện qua các việc lành.” Thiết nghĩ đó cũng lời nhắc chúng ta là người Tin Lành hôm nay.

  • Duy chỉ ân điển mà thôi “Sola Gratia”

     Các nhà cải chánh cũng nhấn mạnh rằng chúng ta được cứu là nhờ ân điển lạ lùng của Đức Chúa Trời mà thôi. Sự cứu rỗi là quà tặng cho người không xứng đáng nhận mà được nhận, chứ không nhờ công đức của chúng ta. Giáo hội thời bấy giờ quá chú trọng công đức, thánh lễ mà lãng quên ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại.

Ê-phê-sô:8-9 là nền tảng cho khẩu hiệu này: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” Từ ngữ “ân điển” trong tiếng Việt ít được dùng và có lẽ trở nên khó hiểu đối với nhiều người. Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh định nghĩa ân điển là “nhân ngày khánh tiết vua ban ân cho bầy tôi”. Bản Kinh Thánh Truyền thống 1926 của chúng ta dựa vào bản chữ Hán và dịch là “ân điển” (恩典 ), và bản Truyền thống Hiệu đính 2010 cũng giữ theo như vậy. Có một định nghĩa trong Blue Letter Bible về từ ân điển khá cụ thể và dễ hiểu mà tôi rất thích, như sau: Ân điển là lòng nhân từ, thương xót của Đức Chúa Trời mà qua đó Ngài dùng ảnh hưởng thánh khiết của Ngài tác động trên linh hồn tội nhân, khiến họ quay về với Đấng Christ, gìn giữ, ban sức mạnh, thêm đức tin, tri thức, yêu thương và thúc giục họ thực hành đạo đức Cơ Đốc.”

Kỷ niệm 500 năm cải chánh Giáo hội, chúng ta cảm ơn Chúa vì nhờ ân điển kỳ diệu của Chúa mà chúng ta được cứu, làm con dân Ngài. Xin Chúa cho mỗi con dân Chúa ngày càng kinh nghiệm quyền năng của ân điển Ngài như thánh Phao-lô “Nhưng tôi nay là người thể nào nhờ ơn (ân điển) Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 15:10) và “Hãy tấn tới trong ân điển và sự thông biết Chúa” (II Phi-e-rơ 3:18), cũng như phải đề cao cảnh giác “Khá coi chừng kẻo trật phần ân điển của Đức Chúa Trời.” (Hê-bơ-rơ 12:15).

  • Duy chỉ Đấng Christ mà thôi “Solo Christo”

Các nhà cải chánh cũng nhấn mạnh đối tượng của đức tin là Chúa Giê-xu và khẳng định chúng ta được cứu là nhờ tin Chúa Giê-xu mà thôi.

Giáo hội Công Giáo thời bấy giờ tôn thờ bà Ma-ri và dạy tín hữu cầu nguyện với bà Ma-ri để nhờ bà chuyển lời cầu nguyện lên Chúa (cầu bầu). Họ dạy phải tôn sùng các thánh nữa. Điều này không đúng với sự dạy dỗ của Kinh Thánh.

Các nhà cải chánh khẳng định rằng Chúa Giê-xu là Đấng trung gian duy nhất giữa Đức Chúa Trời và loài người (I Ti-mô-thê 2:5). Ngài cũng là đầu của Hội Thánh chứ không giáo hoàng; giáo hoàng chỉ là người người chăn, người lãnh đạo, là tôi tớ Ngài. Vì thế, Cơ Đốc nhân có thể cầu nguyện trực tiếp với Chúa, ăn năn tội trực tiếp với Chúa chứ không qua trung gian của các linh mục để được giải tội. Khi Chúa chết trên thập tự giá, bức màn trong đền thờ bị xé làm hai; điều này có nghĩa là nhờ Chúa Giê-xu chết thay, từ nay con người không còn ngăn cách với Đức Chúa Trời nữa vì Ngài đã mở “một con đường mới và sống ngang qua bức màn nghĩa là ngang qua xác Ngài.” (Hê-bơ-rơ 10:20).

Kỷ niệm 500 cải chánh, chúng ta xác tín rằng chúng ta được cứu là nhờ tin nơi công lao cứu chuộc của Chúa Giê-xu trên thập tự giá mà thôi, bởi vì “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác.” (Công Vụ 4:12).

Chúa Giê-xu đang ở đâu trong đời sống bạn hôm nay? Ngài có phải là trung tâm điểm của đời sống bạn không? Bạn có mối tương giao cá nhân với Chúa mỗi ngày không?

  • Duy chỉ vinh hiển Đức Chúa Trời mà thôi “Soli Deo Gloria”

Sự vinh hiển thuộc về Ba ngôi Đức Chúa Trời mà thôi, không có ai khác. Ngài là Đấng Cứu rỗi duy nhất đáng được ngợi ca, tôn vinh, chúc tụng đời đời.

Giáo hội thời bấy giờ dạy tôn sùng, thờ phượng bà Ma-ri, các thánh và các thiên sứ nữa. Đức Chúa Trời không nhường sự vinh hiển cho bất cứ ai vì Ngài là Đấng cao cả vĩ đại, đáng được suy tôn, chúc tụng Ngài như Kinh Thánh chép “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.” (Khải Huyền 4:11).

Kỷ niệm cuộc cải chánh nhắc nhở mục đích đời sống chúng ta là sống vì sự vinh hiển của Chúa: “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm. (I Cô-rinh-tô 10:31).

Chúng ta phải khẳng định mục đích đời sống của chúng ta là sống cho Chúa và làm vinh hiển danh Ngài. Chúng ta phải phục vụ Chúa vì sự vinh hiển danh Chúa chứ không phải vì vinh hiển mình. “Ngài phải dấy lên, tôi phải hạ xuống” (Giăng 3:30).

Kỷ niệm 500 cải chánh Giáo hội không phải để khơi dậy tinh thần chống lại Giáo hội Công Giáo, gây thêm chia rẽ trong Hội Thánh Cơ Đốc mà ngược lại, đem lại sự hiệp nhất trong thân thể Đấng Christ.

Có thể nói, Giáo hội Công Giáo cũng được nhiều lợi ích qua cuộc chánh Tin Lành. Sau cuộc cải chánh Tin Lành, Giáo hội Công Giáo cũng đã nỗ lực cải cách nội bộ giáo hội, chấn chỉnh những sai trật, suy thoái về đạo đức và tâm linh của hàng giáo phẩm và giáo dân cũng như đẩy mạnh công tác truyền giáo. Đặc biệt, họ đã bắt đầu cho phiên dịch Kinh Thánh ra nhiều ngôn ngữ và phổ biến Kinh Thánh chứ không cấm đoán như trước đây. Được biết, sau Công đồng Vatican II năm 1962, Giáo hội Công Giáo cho phép giáo dân được đọc Kinh Thánh, dịch và phổ biến Kinh Thánh. Ở Việt Nam trước 1975, Nhóm Phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ được thành lập để dịch và phổ biến Kinh Thánh cho giáo dân. Trong những năm qua, Liên hiệp Thánh Kinh hội Tin Lành (UBS) đã giúp Giáo hội Công Giáo Việt Nam in hàng triệu quyển Kinh Thánh bằng tiếng Việt. Trước 1975, Tin Lành và Công Giáo cũng đã có chương trình “Mỗi quân nhân một quyển Tân Ước”.

Cuộc cải chánh Giáo hội cũng đã khích lệ tinh thần hiệp nhất giữa Tin Lành và Công Giáo: Cách đây không lâu, ở Âu châu, Giáo hội Tin Lành Luther và Giáo hội Công Giáo đã có một buổi hội thảo và đưa ra Tuyên ngôn về giáo lý “Xưng công chính bởi đức tin.” Mới đây, ngày 31/10/2016, Đức Giáo hoàng Francis cũng đã tham dự lễ kỷ niệm 500 cải chánh Giáo hội tại nhà thờ Tin Lành Lund ở Thụy Điển. Những sự kiện này cho thấy tác dụng tốt của cuộc cải chánh Giáo hội và đem hai Giáo hội Công Giáo và Tin Lành ngày càng gần nhau hơn với tinh thần hiệp nhất trong thân thể Đấng Christ.

Kỷ niệm 500 cải chánh, chúng ta khao khát Hội Thánh Chúa được phấn hưng, đổi mới bởi Thánh Linh và Lời Chúa, vương quốc Chúa được mở rộng.

Cuối cùng, có thể coi cuộc cải cách Giáo hội thế kỷ 16 cũng là cuộc phục hưng của Cơ Đốc giáo đem Hội Thánh trở về với Lời Đức Chúa Trời. Nó cũng dẫn đến tinh thần Phục hưng tâm linh và phát triển Hội Thánh qua những phong trào truyền giáo thế giới hết sức ấn tượng với William Carey tại Ấn Độ, David Livingstone ở Phi châu, David Brainerd ở Nam Mỹ…

Với cuộc cải chánh Giáo hội, Cơ Đốc giáo cũng đã tạo nên sự thay đổi lớn lao, sâu sắc về văn hóa, xã hội hơn bất kỳ phong trào nào trong lịch sử thế giới: Cùng với sự phát triển truyền giáo mở rộng vương quốc Đức Chúa Trời, nhiều học viện, đại học, bệnh viện được các Cơ Đốc nhân thiết lập, phong trào giải phóng nô lệ, giải phóng phụ nữ, những tổ chức từ thiện Cơ Đốc… đã đem luồng sinh mới cho xã hội con người.

Kỷ niệm cuộc Cải chánh Giáo hội là dịp để Hội Thánh và con dân Chúa ngày nay xem xét lại chính mình, có điều gì sai trật với nền tảng Kinh Thánh không, có sống bởi đức tin và đối xử với nhau bằng tình yêu và ân điển của Chúa không, có tôn Chúa Giê-xu làm chủ đời sống mình không và có sống vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không.

Trong tinh thần hướng về Ngày kỷ niệm cuộc cải chánh Giáo hội, cầu xin Chúa Thánh Linh hành động một cách mạnh mẽ trên Hội Thánh và tất cả con dân Ngài, khiến chúng ta khao khát được phục hưng và đổi mới tâm linh, nóng cháy trong việc rao truyền Phúc âm mở rộng vương quốc Chúa trên quê hương yêu dấu của chúng ta!

Soli Deo Gloria!

 Ms Trịnh Phan

 Tháng 10/2017

Bài trướcKhông Tranh Cãi – 28/10/2017  
Bài tiếp theoCông Tác Chuẩn Bị Cho Lễ Cung Hiến Nhà Thờ VTKTH