Lời Nói

990

  

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Ê-phê-sô 4:29)

 

 

Chúng ta thường nghe lời than thở khi đã lỡ làm một điều gì đó: “Làm thế thì biết ăn nói làm sao được!”. Cho nên, tục ngữ Việt Nam lại có câu: “Học ăn, học nói; học gói, học đùm.”

 

Tại sao hai từ ăn và nói thường được ghép chung với nhau: “ăn nói”?  – Vì ăn và nói là hai hoạt động mà con người thường xuyên thực hiện mỗi ngày và có ảnh hưởng lớn trong suốt cả cuộc đời mình.  Dù bệnh đến mức nào người thân cũng ép ăn, khi không ăn được thì cũng ép uống sữa, vì sợ không ăn lâu ngày cơ thể sẽ yếu dần và chết.  Còn lời nói, trong tất cả các loài, duy nhất chỉ có loài người là có thể truyền thông với nhau bằng lời nói một cách rõ ràng.  Đây là một đặc ân quý báu Đức Chúa Trời ban cho tạo vật cao quý nhất của Ngài là con người.  Nếu vì một lý do nào đó phải ngưng nói một thời gian thì người ta sẽ rất bực tức, khó chịu và khổ sở vô cùng.  Chúng ta dùng lời nói để trao đổi thông tin giữa người này và người khác, để khích lệ, an ủi nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn, để truyền đạt kiến thức cho nhau, nhưng lời nói cũng có thể hại nhau, làm đau lòng nhau, và thậm chí có thể giết chết nhau.

 

Không thể nào sống mà không nói, nhưng nói cũng là điều cần phải học hỏi để lời nói có ích lợi, vì trong thực tế không ai là người không va vấp trong lời nói.  Lời Chúa dạy trong Ê-phê-sô 4:29: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.”

 

 

Trước hết Lời Chúa nhắc: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em” Lời nói ít nhiều ảnh hưởng đến người nghe, vì vậy khi nói thì Chúa cũng dạy đừng nói những lời dữ, là lời độc ác, độc địa, xấu xa, lời đem đến những ngã lòng, tổn hại cho người khác.  Lời dữ là lời nói với lòng thù hằn, ác độc để hại người.

 

Chúa dạy tiếp: “nhưng khi đáng nói hãy nói…”  Trừ một số người khuyết tật mất khả năng nói, tất cả chúng ta đều có thể nói dễ dàng.  Nhưng không phải vì vậy mà muốn nói lúc nào cũng được, nói gì cũng được.  Có những lúc đáng nói thì phải nói, nhưng có những lúc cần yên lặng thì phải biết yên lặng.  Nhiều người nói chuyện trong giờ thờ phượng Chúa, đó là điều không đáng nói.  Nhiều người nói ra những chuyện bí mật riêng tư của người khác là điều đáng ra phải yên lặng.  Ngược lại, nhiều khi cần nói lên những sai trái, bất công nhưng chúng ta lại yên lặng không dám nói vì một áp lực nào đó.  Xin Chúa cho chúng ta biết sử dụng lời nói đúng lúc và biết yên lặng đúng chỗ.  Khi đáng nói thì nhất quyết không yên lặng, nhưng khi cần yên lặng thì nhất quyết không nói.

 

“Chớ nói…” là phương diện tiêu cực, nhưng Chúa muốn con cái Chúa sống tích cực chứ không phải chỉ im lặng, chớ nói lời dữ mà thôi;  “nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.”  Khi cần nói thì phải nghĩ đến người khác xem lời nói mình sẽ đem lại điều gì cho người nghe.  Ngạn ngữ Pháp có câu: “Phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, Chúa dạy Cơ Đốc nhân cần nên nói những lời lành, là lời đẹp ý Chúa, đem lại sự gây dựng và ích lợi cho người nghe.  Thà nói chỉ một vài lời lành còn hơn là nói trăm lời dữ.

 

Những giáo huấn này thật ra khá quen thuộc, gần như ai cũng biết, tuy nhiên lời nói rất khó kiểm soát, thường khi biết được mình nói sai thì đã muộn rồi, có khi đêm về nằm vắt tay lên trán than thở: phải chi lúc đó mình đừng nói thì tốt biết mấy.  Vì vậy cẩn thận về lời nói là cần thiết.

 

Một vấn đề cần lưu ý là nhiều khi chúng ta dễ bị lừa vì những lời nói ngọt ngào êm dịu nhưng lại giấu gươm nhọn bên trong.  Và cũng có khi chúng ta bực mình, khó chịu vì phải nghe những lời quở trách, sửa trị (như lời các tiên tri ngày xưa chẳng hạn), nhưng chính lời ấy lại là lời lành và giúp ích thật sự.  Vì thế, nhận định một người nói lời lành hay lời dữ dựa trên thái độ nói ngọt ngào hay quở trách nặng nề đôi lúc cũng không đúng.  Chúa không dạy chúng ta nhận định như vậy, nhưng Ngài dạy chúng ta suy xét lời nói có tính xây dựng hay phá hoại, lời lành hay lời dữ, lời đem lại ích lợi hay lời vô bổ.  Lời lành là lời “giúp ơn cho và có ích lợi cho người nghe”.

 

 

Một điều khác cần lưu ý là những lời nói bậy bạ, tục tỉu thường dễ được bắt chước và lây lan hơn những lời nói nghiêm túc, lời nói đàng hoàng và gây dựng.  Vì vậy, để có thể “chớ nói những lời xấu xa” thì tốt nhất là đừng để những lời ấy đi vào trong tâm trí mình.  Một số chương trình tấu hài trên truyền hình hay băng đĩa dùng những lời tiếu lâm thô bỉ để tạo tiếng cười, hoặc đem những khuyết tật của người khác ra để giễu cợt, họ cũng là con người do Đức Trời dựng nên như chúng ta, tại sao lại đem anh chị em mình ra để cười đùa, con dân Chúa nên tránh xem hoặc nghe những chương trình như vậy, vì chúng không xứng hợp với lời Chúa dạy.  Chúng ta cần thấy được ảnh hưởng tai hại của lời nói để có thể cẩn trọng hơn trong khi xem và nghe.

 

Có những điều “đừng nói” mà lại lỡ nói, có những điều “nên nói” nhưng không nói, xin Chúa giúp chúng ta điều chỉnh lại kịp thời để lời nói chúng ta được sự tể trị của Chúa, đem lại sự gây dựng và ích lợi cho người nghe.

 

 

Nguyễn Lê

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.