Lời Cầu Nguyện Khôn Ngoan Cho Năm Mới

7379

Mục sư Billy Graham đã cầu nguyện cho năm mới như thế này “Lạy Cha và là Đức Chúa Trời của chúng con, khi đứng trước thềm năm mới, chúng con thú nhận chúng con cần đến sự hiện diện và sự dẫn dắt của Ngài khi chúng con đối diện với tương lai. Mỗi chúng con đều có niềm hy vọng và mong ước cho một năm mới trước mặt chúng con, nhưng chỉ mình Ngài mới biết điều gì cần cho chúng con và chỉ mình Ngài mới có thể ban cho chúng con sức mạnh và sự khôn ngoan cần thiết để đối phó với những thách thức của năm mới này. Vì thế, xin giúp chúng con khiêm nhường đặt tay chúng con trong tay Chúa và tin cậy Ngài, tìm kiếm ý muốn của Ngài cho cuộc sống chúng con trong suốt năm mới này.”[1]     

Thật là lời cầu nguyện tuyệt vời cho năm mới! Quí vị và tôi sẽ cầu nguyện gì cho năm mới Âm lịch Kỷ Hợi 2019? Trong những ngày đầu năm cuối năm, tôi thường có thói quen suy ngẫm và chia sẻ những lời cầu nguyện của các thánh nhân trong Kinh Thánh. Những năm gần đây khi bước vào tuổi “Thất thập cổ lai hy” tôi rất thích đọc và suy ngẫm lại Thi thiên 90 là lời cầu nguyện của Môi-se là tôi tớ của Đức Chúa Trời.  Thi Thiên nầy thật rất thích hợp để chúng ta suy ngẫm trong những ngày cuối năm hay đầu năm mới vì nó đề cập đến vấn đề thời gian, tuổi tác và mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời hằng sống, vĩnh cửu với con người  tạm thời, chóng qua. Sau khi nói đến sự hằng hữu đời đời của Đức Chúa Trời và thân phận mong manh, chóng qua của loài người do tội lỗi (câu 1-11), tác giả tỏ thái độ khiêm nhường, hạ mình trước mặt Chúa bằng lời cầu nguyện khôn ngoan và chân thành (câu 12-17) trong đó ông cầu nguyện cho đời sống cá nhân và cho công việc Chúa.

CẦU NGUYỆN CHO ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN (c.12-15)

  • “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi” (c.12-13)

Lý do mà Môi-se cầu nguyện như vậy vì ông ý thức được sự hằng hữu đời đời của Chúa, còn đời người chỉ là tạm thời, chóng qua như “một canh của đêm”như cỏ hoa” “như hơi thở” rồi “bay mất đi” và rồi ông hạ mình xuống để xin Chúa dạy dỗ mình biết đếm các ngày của mình. “Đếm các ngày” có ý nghĩa gì?

Đếm các ngày để thấy đời người thật ngắn ngủi, chóng qua như tác giả đã mô tả ở phần đầu để có một thái độ sống khôn ngoan. Đa-vít trong Thi 39:4 cũng đã cầu nguyện, “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin cho chúng tôi biết cuối cùng tôi, và số các ngày tôi là thể nào; Xin cho tôi biết mình mỏng manh là bao!

Đếm các ngày cũng là để xem xét lại chúng ta đã quản lý, sử dụng thì giờ Chúa ban cho mình như thế nào. Đếm các ngày để xem chúng ta có lãng phí thì giờ vào những việc vô ích không. Một thầy giáo thường ghi số 25.550 trên góc bảng đen mỗi khi vào lớp dạy. Các học trò thắc mắc nhưng không dám hỏi. Sau đó một em đã mạnh dạn hỏi thầy và thầy đã giải thích rằng đó là số ngày của 70 năm mà ông có thể sống trên đời và ông ghi như thế để nhắc nhở mình phải tận dụng thì giờ, không lãnh phí. Lời Chúa qua thánh Phao-lô cũng dạy “Hãy lợi dụng thì giờ vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:16). Chúng ta đã dành bao nhiêu thì giờ cho sinh kế, cho sự cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, và phục vụ Chúa? Chúng ta có lãng phí thì giờ Chúa ban không? Nên nhớ là Cơ Đốc nhân, chúng ta không chỉ sử dụng thì giờ cho đời tạm nầy thôi, mà còn phải đầu tư thì giờ của mình cho Nước Trời nữa. Mỗi chúng ta được Chúa ban cho một nén bạc giống nhau là thì giờ (Luca 19:11-27) và chúng ta phải khai trình trước mặt Chúa.

Và đếm các ngày cũng là đếm lại các ơn phước Chúa ban cho cá nhân và gia đình mình để cảm tạ Chúa và sống xứng đáng với ân điển của Chúa. Những ngày đầu năm, mỗi gia đình con cái Chúa cần họp nhau lại để đếm lại các ơn phuớc Chúa ban cho gia đình mình và cảm ơn Chúa. Đếm các ngày như thế sẽ làm chúng ta có lòng khôn ngoan, nghĩa là biết kính sợ Chúa hơn, và sống khôn ngoan hơn. Chắc chắn Chúa sẽ tiếp tục ban phước cho chúng ta trong năm mới.

 

  • Xin Chúa cho chúng ta kinh nghiệm Chúa một cách tươi mới mỗi ngày (c.14)

Xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ về sự nhân từ Chúa”.

Môi-se khao khát được kinh nghiệm một cách tươi mới sự nhân từ, thành tín của Chúa mỗi ngày. Biết Chúa không phải chỉ là lý trí, tri thức mà là kinh nghiệm Ngài trong đời sống nữa. Nhà thần học nổi tiếng J.I Packer đã nói “Một chút kinh nghiệm về Chúa còn hơn cả một đống kiến thức về Ngài.” (Biết Đức Chúa Trời). Môi-se không tự mãn thuộc linh mà luôn khao khát mỗi ngày biết Chúa, kinh nghiệm Chúa nhiều hơn. Trong cuộc chạy đua thuộc linh, điều nầy rất quan trọng vì nó là động lực để vươn tới, như Phao-lô dạy “nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 3:14).

Kinh nghiệm tươi mới với Chúa mà chúng ta có được thường qua những hoạn nạn thử thách trong cuộc sống. Thật vậy, những đau thương, mất mát mà Chúa cho phép xảy ra trên đời sống cũng là những cơ hội để chúng ta kinh nghiệm sự thương xót và sự thành tín của Chúa. Đó là lý do mà tác giả cầu nguyện trong câu 15 “Xin Chúa làm cho chúng tôi được vui mừng tùy theo các ngày Chúa làm cho chúng tôi bị hoạn nạn, Và tùy theo những năm mà chúng tôi đã thấy sự tai họa.”  Đó cũng là kinh nghiệm của tác giả Thi thiên 66 “Chúa khiến người ta cưỡi trên đầu chúng tôi; Chúng tôi đi qua lửa qua nước, nhưng Chúa đem chúng tôi ra nơi giàu có” (Thi 66:12) và của Gióp sau cơn hoạn nạn “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ tôi đã thấy Ngài. Vì vậy tôi lấy làm gớm ghê và ăn năn trong tro bụi” (Gióp 42:5-6). Chính bản thân tôi cũng đã kinh nghiệm được ơn Chúa trong thử thách: Năm 2000, trong chuyến công tác huấn luyện ở Quảng Nam, vợ chồng chúng tôi gặp tai nạn xe, nhà tôi bị chấn thương sọ não khá nặng, bị hôn mê tưởng như đi qua trũng bóng chết, nhưng cảm tạ Chúa, Ngài đã nghe tiếng kêu cầu và cứu giúp, đem chúng tôi ra khỏi hoạn nạn đến sự vui mừng phước hạnh, bình an.

Hãy cầu nguyện Chúa cho chúng ta được kinh nghiệm Chúa cách tươi mới và được tấn tới trong ân điển và sự thông biết Chúa trong năm mới nầy. (2 Phi 1:5-7).

  • Xin Chúa cho chúng ta đuợc thỏa lòng và vui mừng trong Chúa luôn (c.14-15)

“Ôi! Xin Chúa cho chúng tôi buổi sáng được thỏa dạ về sự nhân từ Chúa, Thì trọn đời chúng tôi sẽ hát mừng vui vẻ.”

Chính nhờ kinh nghiệm Chúa một cách tươi mới mỗi ngày mà đời sống chúng ta được thỏa lòng và vui mừng. Chúa cho chúng ta trải qua những ngày tai ương, hoạn nạn rồi sau đó chúng ta được Chúa thăm viếng giải cứu khiến chúng ta càng vui mừng gấp bội. Bản dịch TTHĐ đã làm nổi bật lên ý tưởng này trong câu 15: “Xin Chúa làm cho chúng con được vui mừng để bù lại các ngày Chúa làm cho chúng con bị hoạn nạn, Và tương xứng với những năm mà chúng con đã thấy tai họa.» Một đời sống thỏa lòng, vui mừng là một đời sống hạnh phúc, được phước.

Cầu xin Chúa cho chúng ta trong năm mới này có sự khôn ngoan để biết quản lý, sử dụng thì giờ Chúa cho một cách ích lợi, ngày càng kinh nghiệm tình yêu và quyền năng Chúa nhiều hơn và có một đời sống thỏa lòng và vui mừng trong Chúa luôn luôn. “Vả sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn.” (1 Tim 6:6)

CẦU NGUYỆN CHO CÔNG VIỆC CHÚA VÀ SỰ PHỤC VỤ CHÚA (C.16-17)

Lời cầu nguyện của Môi-se không dừng lại ở lãnh vực cá nhân mà còn hướng tới Hội Thánh, tới công việc Chúa chung nữa. Là người của Đức Chúa Trời, tôi tớ trung thành của Chúa, hơn ai hết Môi-se luôn quan tâm đến công việc Chúa, sự phục vụ Chúa. Vì thế, hai câu cuối của Thi thiên 90 này là lời cầu nguyện cho công việc Chúa và sự phục vụ Chúa.

  • Khải tượng về công việc Chúa

  “Nguyện công việc Chúa lộ ra cho các tôi tớ Chúa, Và sự vinh hiển Chúa sáng trên con cái họ! “ (c.16)

 Một điều quan trọng, không thể thiếu của người phục vụ Chúa là khải tượng về công việc Chúa. “Công việc Chúa lộ ra cho các tôi tớ Chúa“ có nghĩa là công việc Chúa được bày tỏ, được các tôi tớ Chúa nhìn thấy. Lưu ý chữ “các tôi tớ Chúa”(số nhiều), có nghĩa là khải tượng về công việc Chúa không phải chỉ cho Môi-se thôi mà còn cho tất cả các tôi tớ Chúa khác nữa. Người hầu việc Chúa phải có khải tượng vì nếu không thì chúng ta sẽ không có mục tiêu, động lực để hăng say hướng tới và như thế sẽ không kết quả bao nhiêu hoặc chỉ là “đánh gió, chạy bá vơ” như Phao-lô nói.

Là tôi con của Chúa, chúng ta phải cầu nguyện cho Hội thánh, cho công việc Chúa, xin Chúa làm nhiều việc quyền năng, lạ lùng trên Hội Thánh con dân của Ngài. Xin Chúa ban khải tượng cho các tôi tớ Chúa để làm công việc của Ngài một cách kết quả. Những lãnh vực nào cần phải đầu tư, phát triển? Chúng ta có ao ước hàng nghìn người sẽ quay trở về với Chúa trong năm nay không?

  • Xin Chúa ban phước cho sự phục vụ Chúa và công việc Chúa được phát triển bền vững c.17b)

“Cầu Chúa lập cho vững công việc của tay chúng tôi; Phải, xin lập cho vững công việc của tay chúng tôi.”

 Tiếp theo, tác giả cầu nguyện cho sự phục vụ Chúa của chúng ta. Phục vụ Chúa, làm công việc Chúa là điều tốt nhưng phải phục vụ Chúa như thế nào để đẹp lòng Chúa, được Chúa ban thưởng và còn lại lâu dài, đời đời. Muốn thế, chúng ta phải cẩn thận khi góp phần xây dựng nhà Chúa, là Hội Thánh. Thánh Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 3:9-15 cho chúng ta biết Chúa sẽ đánh giá công việc mà chúng ta làm cho Chúa. Ngài chia làm hai loại: Loại thứ nhất giống như “gỗ, cỏ khô, rơm rạ” là công việc với động cơ xác thịt và tội lỗi, cuối cùng sẽ bị thiêu hủy; nhưng loại thứ hai giống như “vàng, bạc, bửu thạch” là công việc với động cơ thuộc linh, vì cớ Chúa và Hội Thánh, sẽ còn lại đến ngày cuối cùng và người làm công việc Chúa với động cơ đúng đắn sẽ được Chúa ban thưởng.

Hãy cầu nguyện để công việc mà Chúa dùng chúng ta làm cho Chúa, cho Hội Thánh Ngài sẽ có giá trị vững bền và tồn tại trước lửa thử nghiệm của Đức Chúa Trời. Hãy cầu nguyện để mỗi con dân Chúa đều có tinh thần phục vụ Chúa sốt sắng, với động cơ đẹp lòng Chúa. Bước sang năm mới, ai chưa phục vụ Chúa, hãy tham gia phục vụ Chúa như chứng đạo, thăm viếng…Ai đã và đang làm công việc Chúa, thì hãy trung tín, tiếp tục làm việc hiệu quả hơn. Hãy làm việc với tinh thần khiêm nhường, hạ mình, bước đi theo Thánh Linh để công việc chúng ta sẽ còn lại đời đời. “Ai hầu việc Ta thì Cha ta ắt tôn quí người”.

  • Được ơn Chúa trong đời sống và trong sự phục vụ Chúa (c.17a)

“Nguyện ơn Chúa, là Đức Chúa Trời chúng tôi, giáng trên chúng tôi.”

Cuối cùng, muốn phục vụ Chúa được đẹp lòng Chúa và kết quả thì người phục vụ Chúa phải đầy ơn Chúa, phải được Chúa xức dầu mới luôn luôn.  Người phục vụ Chúa phải cậy ơn Chúa để phục vụ chứ không phải cậy tài sức của mình. Thánh Phi-e-rơ nhắc nhở “Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” (1Phi 5:10). Người phục vụ Chúa phải cậy ơn Chúa cho, nhờ sức Chúa ban và vì sự vinh hiển danh Chúa.

Cầu xin Chúa ban ơn và xức dầu mới trên chúng ta để chúng ta phục vụ Chúa được kết quả bội phần hơn hầu làm sáng danh Chúa.

Nhân dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, chúng ta hãy dành thì giờ cầu nguyện đặc biệt cho cá nhân, gia đình, Hội Thánh, và cho công việc Chúa cũng như sự phục vụ Chúa của chúng ta trong năm mới. Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để biết quản lý tốt thì giờ, đầu tư của cải và thì giờ cho vương quốc của Chúa, và khao khát được lớn lên trong sự biết Chúa, kinh nghiệm tình yêu và quyền năng Chúa nhiều hơn.

Hãy cầu nguyện cho các tôi tớ Chúa, cho công việc Chúa chung và tích cực tham gia phục vụ Chúa, nhất là làm chứng cho Chúa, rao truyền Tin Lành cho đồng bào. “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (1 Côr. 15:58). A-men!

Trịnh Phan

Xuân Kỷ Hợi 2019

————-

[1] Xem “Lời cầu nguyện cho năm mới” đăng trên trang Web: httlvn.org đầu năm 2018.

Bài trướcNăm Nguyên Tắc Kỷ Luật Con Cái
Bài tiếp theoTruyện Ngắn Cơ Đốc: Đổi Mới – BTMV 64