Nê-hê-mi 4:7-14
7 Xảy khi San-ba-lát, Tô-bi-gia, những người A-rập, dân Am-môn, và dân Ách-đốt hay rằng việc tu bổ vách thành Giê-ru-sa-lem tấn tới, và các nơi hư lủng hầu lấp lành, thì chúng nó lấy làm giận dữ, 8 bèn tập lập nhau hết thảy đặng đến hãm đánh Giê-ru-sa-lem và làm cho nó bị rối loạn. 9 Nhưng chúng tôi cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời chúng tôi, và lập kẻ ngày và đêm canh giữ họ. 10 Người Giu-đa nói: Còn nhiều đồ hư nát, và sức lực của kẻ khiêng gánh đã yếu mỏi; chúng ta không thể xây cất vách thành được. 11 Các thù nghịch chúng tôi nói rằng: Chúng nó sẽ không hay không thấy điều đó, cho đến chừng chúng ta đến giữa chúng nó, giết chúng nó đi, và làm cho chúng nó ngưng công. 12 Song dân Giu-đa ở giữa họ, đến mười lần báo cáo chúng tôi rằng: Thù nghịch bởi bốn phương chạy đến. 13 Tôi bèn lập những đồn trong các nơi thấp ở phía sau vách thành, và tại những nơi trống trải; tôi đặt dân sự từng họ hàng tại đó, có cầm gươm, giáo, và cung. 14 Tôi xem xét, chỗi dậy, và nói với các người tước vị, quan tướng, và dân sự còn sót lại rằng: Chớ sợ chúng; khá nhớ Chúa là một Đấng cực đại và đáng kinh, hãy chiến đấu cho anh em mình, cho con trai con gái mình, cho vợ và nhà của mình.
Câu gốc: “Chớ sợ chúng; khá nhớ Chúa là một Đấng cực đại và đáng kinh, hãy chiến đấu cho anh em mình, cho con trai con gái mình, cho vợ và nhà của mình” (câu 14b).
Câu hỏi suy ngẫm: Dân Do Thái đang làm công việc gì? Họ phải đối diện với sự chống đối như thế nào? Nhà lãnh đạo Nê-hê-mi phản ứng ra sao trước những sự chống đối này? Bạn sẽ làm gì khi bị kẻ thù chống phá?
Dưới sự lãnh đạo của ông Nê-hê-mi, dân Do Thái hết lòng xây sửa lại vách thành Giê-ru-sa-lem bị đổ nát. Ngay khi công việc đang tiến hành thì họ phải đối diện với một sự chống đối dữ dội của kẻ thù. “San-ba-lát, Tô-bi-gia, những người A-rập, dân Am-môn, và dân Ách-đốt” đã tỏ thái độ “giận dữ” khi thấy “việc tu bổ vách thành Giê-ru-sa-lem tấn tới” (câu 7). Ngoài những lời chế nhạo, gièm chê (câu 11), họ còn chuẩn bị tấn công Giê-ru-sa-lem để làm dân chúng “bị rối loạn” (câu 8). Dân Do Thái phải chịu một áp lực rất lớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ phải cực nhọc lo xây sửa vách thành mà còn phải nghe những lời nhạo báng từ mấy kẻ chống phá. Trong hoàn cảnh này, là một người lãnh đạo, việc đầu tiên của ông Nê-hê-mi là cầu nguyện trình dâng nan đề lên Chúa, rồi tiếp theo là cậy vào sự khôn ngoan Chúa cho để lập kế hoạch phòng chống kẻ thù tấn công.
Ông Nê-hê-mi là một nhà lãnh đạo có đức tin vững vàng, cho nên dù kẻ thù có cố tình nhạo báng công việc ông đang nhận lãnh nơi Chúa, ông vẫn không nhụt chí. Trái lại, ông bình tĩnh đến với Chúa trong sự cầu nguyện. Đây là một đặc điểm mà những nhà lãnh đạo Cơ Đốc cần phải noi theo. Khi công việc Chúa được tiến hành thuận lợi và phát triển, ma quỷ sẽ tìm đủ mọi cách để chống đối, phá hoại và có thể một số con dân Chúa sẽ bị nản lòng, nhìn thấy khó khăn và muốn lùi bước giống như dân Do Thái lúc bấy giờ (câu 10). Tuy nhiên, là người lãnh đạo, chúng ta phải vững lòng hướng dân Chúa tin cậy Đức Chúa Trời dù hoàn cảnh có như thế nào. Sau khi cầu nguyện dâng nan đề lên Chúa, việc tiếp theo ông Nê-hê-mi làm là sắp đặt người canh giữ vách thành, phòng chống kẻ thù (câu 13). Kế đến, ông đã mạnh dạn đứng trước dân chúng mà khẳng định về quyền năng của Đức Chúa Trời. Ông khích lệ tinh thần của họ “Chớ sợ chúng; khá nhớ Chúa là một Đấng cực đại và đáng kinh” (câu 14). Nhờ những lời khích lệ mạnh mẽ này mà dân Do Thái đã vững lòng để tiếp tục công việc tu sửa vách thành, và một phần dân chúng thì giữ nhiệm vụ “cầm cây giáo, khiên, cung, và giáp” để canh giữ kẻ thù (câu 15-16). Khi phục vụ Chúa mà đối diện với sự chống đối của kẻ thù, chúng ta hãy vững tin mà khẳng định rằng: “Đức Chúa Trời của chúng ta sẽ chiến đấu cho chúng ta” (câu 20).
Bạn có vững tin nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn vững tin nơi Ngài dù hoàn cảnh ra sao, để đức tin của con có thể giúp cho tinh thần người khác vững vàng, không sợ hãi.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Gióp 34.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện