Khúc Hát Trên Cao

2242

Có thể nói Mùa giáng sinh là mùa ca hát vì có rất nhiều ca khúc giáng sinh nổi tiếng thế giới đã đi vào người. Có lẽ không có một lễ hội tôn giáo nào trên thế giới lại có nhiều bài ca như lễ giáng sinh. Tôi tin rằng ngày hôm nay dù là người có đạo hay không có đạo, ít ra quý vị cũng một lần nghe tiếng nhạc giáng sinh và cảm nhận được không khí vui mừng của mùa giáng sinh.  Sở dĩ giáng sinh có một truyền thống ca hát như thế vì chính trong đêm Chúa giáng sinh, các thiên thần đã hát vang trời khúc ca tuyệt diệu để đón mừng Con Thiên Chúa giáng trần, đem ơn cứu độ đến cho nhân loại đang hư vong trong tội lỗi. Đây là khúc hát tuyệt diệu không phải do con người sáng tác và hát lên mà là nó đến từ thiên đàng do muôn vàn thiên binh thiên sứ hợp xướng. Khúc hát trên cao là khúc hát thiên thượng, khúc hát thiên đàng, khúc thánh ca vượt không gian, thời gian và đi vào lòng người hai mươi mốt thế kỷ qua.  Có lẽ chính khúc hát thiên thần đó đã gây nguồn cảm hứng sâu xa để các nhạc sĩ sáng tác những bài thánh ca nổi tiếng như bài “Đêm yên lặng” của Joseph Mohr và Franz Gruber, bài “Gloria in Exelsis Deo” của J.S. Bach thế kỷ 18, hay bài “Messiah” của George F. Handel…đã làm xúc động hàng triệu trái tim. Tuy nhiên điều quan trọng hơn là ý nghĩa của khúc hát ấy. Khúc hát đó đã mang thông điệp giáng sinh từ Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại.

 

 

 

KHÚC HÁT TÔN VINH, SÁNG DANH THIÊN CHÚA

 

Sự thực hữu của Thiên Chúa

Điều đầu tiên của khúc hát thiên thần trong đêm Chúa giáng sinh nói về Thiên Chúa “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao”. Thiên Chúa là ai? Có Thiên Chúa không? Làm sao tôi biết có Thiên Chúa là Đấng toàn năng?  Đó là những câu hỏi, thắc mắc mà xưa nay con người tra hỏi nhưng chưa tìm được câu giải đáp nào thỏa đáng. Thật ra mỗi dân tộc đều có ý niệm về Đấng Tạo Hóa khác nhau qua thần thoại, tục ngữ ca dao, văn chương, triết học. Người Việt chúng ta đa số tin có Ông Trời, có lòng nhờ Trời, biết ơn Trời nhưng không biết Ông Trời như thế nào.  Kinh Thánh cho biết rằng từ khi loài người phạm tội, không vâng lời Thiên Chúa ăn trái cấm thì con người xa cách Chúa, lầm lạc trong tội lỗi, không biết tôn thờ Ngài, thậm chí chối bỏ Ngài, đúng Kinh Thánh chép “vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa, song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.” (Rô-ma 1:21).  Cho nên Chúa giáng sinh trước hết là để bày tỏ Thiên Chúa cho con người qua Chúa Giê-xu và Chúa Giê-xu chính là hiện thân của Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-xu đã tự xác nhận “Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha (Thiên Chúa)” (Giăng 14:9) và “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30).  Đây là vấn đề thách thức lý trí con người từ xưa đến nay, ngay cả người Do Thái vì họ cảm thấy khó tin điều đó.  Nhưng đó là sự thật không thể chối cải.  Chính cuộc đời và những việc làm của Ngài đã minh chứng cho điều đó.  Nhà văn kiêm học giả nổi tiếng Lâm Ngữ Đường sau bao nhiêu năm trăn trở và tìm cách phủ nhận Chúa Giê-xu là Thiên Chúa, nhưng cuối cùng ông đã thừa nhận “Trở về với Kinh Thánh tôi thấy Kinh Thánh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng cũng ghi lại sự mặc khải chính xác qua Chúa Giê-xu; chính sự mặc khải đó đã đem Thiên Chúa xuống ngang tầm mắt tôi để tôi có thể nhận biết Ngài.” (Conversions- The Christian Experience, 1985)

 

Nhân loại phải tôn vinh, thờ phượng Thiên Chúa là chân thần duy nhất

Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu không chỉ mặc khải Thiên Chúa cho con người mà còn đem con người quay về thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa toàn năng.  Tội lỗi đã làm con người xa cách, chối bỏ Ngài để đi theo ý riêng của mình.  Thay vì thờ phượng tôn vinh Thiên Chúa, con người tôn vinh chính mình và thờ phượng các thần tượng mà mình dựng nên. Tinh thần chối bỏ Thiên Chúa ấy cũng đã thể hiện khá rõ ngay trong mùa lễ hội giáng sinh trong thế giới hôm nay.  Thay vì nói “mừng Chúa giáng sinh” thì người ta cố tình loại bỏ chữ “Chúa” là Đấng giáng sinh, mà chỉ nói “mừng giáng sinh” “vui giáng sinh” “chúc giáng sinh. Ngay cả ở những quốc gia vốn có truyền thống Cơ Đốc lâu đời cũng vậy: Thay vì nói “Christmas” họ đã loại bỏ chữ “Christ” và chỉ nói Xmas thôi.

 

Chúa Giê-xu giáng sinh để giải phóng con người ra khỏi quyền lực của tội lỗi và tạo dựng một nhân loại mới trong đó con người bắt đầu tôn vinh, làm sáng danh Thiên Chúa.  Chính Chúa Giê-xu khi còn ở thế gian đã nêu gương đó. Ngài luôn sống theo ý muốn Thiên Chúa và tôn vinh Cha. “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm”. (Giăng 17:4) Chúa cũng muốn con dân Ngài phải sống một đời sống mới, tốt đẹp để làm sáng danh Ngài.  Ngài phán “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy đặng họ thấy những việc lành của các người, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” (Mat. 5:16)

 

KHÚC HÁT BÌNH AN, HÒA BÌNH

 

Tôi lỗi làm cho nhân loại mất sự bình an, hòa bình

Mục đích Chúa giáng sinh là đem bình an, hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Tội lỗi đã gây nên hậu quả thảm khốc, làm cho con người đau khổ, bất an, chết chóc và bị án phạt của Thiên Chúa.  Thật vậy chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an, bất ổn, bất hòa.  Chiến tranh, xung đột, khủng hoảng kinh tế, chính trị, bạo hành, khủng bố … xảy ra mỗi ngày ở khắp mọi trên thế giới. Đó là chưa kể đến thiên tai, bệnh tật, dịch lệ, tai nạn dường như ngày càng nhiều hơn.  Kinh Thánh cho biết thế giới trong thời kỳ cuối cùng sẽ ở trong tình trạng tệ hại hơn “Sẽ có các điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; còn dưới đất, các dân dân sầu não rối loạn trước biển cả ba đào gầm thét.” (Lu-ca 21;24). Tất cả đều bắt nguồn từ hậu quả của tội lỗi mà nhân loại đã phạm với Thiên Chúa.

 

Chúa Giê-xu là Chúa bình an, Vua hòa bình

Mặc dù con người phạm tội, chối bỏ Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn yêu thương và tìm cách cứu vớt con người. Ngay từ buổi sáng thế, Thiên Chúa đã hoạch chương trình cứu rỗi nhân loại qua Chúa Giê-xu. Một trong những danh hiệu của Chúa Cứu Thế được nhà tiên tri Ê-sai mô tả là “Chúa bình an” hay là “Vua hòa bình” và lời tiên tri đó đã được ứng nghiệm. Trong đêm Chúa giáng sinh, các thiên sứ đã ca vang “Bình an dưới đất”.  Chúa Giê-xu giáng sinh để đem bình an, hòa bình đến cho nhân loại.

 

Ít ra có ba ý nghĩa về sự bình an mà Chúa Cứu Thế mang đến cho nhân loại:

Bình an tâm linh

Trước hết, nhân loại cần có sự bình an tâm linh, nghĩa là được bình an, hòa thuận lại với Thiên Chúa.  Từ khi phạm tội, nhân loại vô tình trở nên kẻ thù nghịch với Thiên Chúa vì Ngài là thánh khiết mà con người là tội lỗi; cũng như bóng tối thù nghịch với ánh sáng vậy. Vì thế con người trước hết cần phải làm hòa với Thiên Chúa qua Chúa Giê-xu.  Mỗi chúng ta sinh ra là để sống, nhưng Chúa Giê-xu sinh ra để chịu chết trên cây thập tự như một sinh tế chuộc tội cho cả nhân loại, nhờ đó nhân loại được Chúa tha tội, được giải hòa và hưởng ơn cứu độ của Ngài.

 

Bình an tâm lý

Tội lỗi làm cho lòng người bất an, cho nên một khi con người được Chúa tha tội thì con người nhận được sự bình an trong tâm hồn. Sự bình an tâm linh là sự bình an với Chúa, còn sự bình an tâm lý là sự bình an của Chúa. Sự bình an này có được khi con người thực sự tiếp nhận Chúa Giê-xu là Chúa bình an vào đời sống của mình. Chúa Giê-xu phán: “Ta để lại sự bình cho các con. Ta ban sự bình an của Ta cho các con. Sự bình an Ta cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối và đừng sợ hãi.” (Giăng 16:27)

 

Bình an tâm giao

Khi con người có được sự bình an tâm linh và sự bình an tâm lý thì nhiên hậu con người sẽ có sự bình tâm giao giữa người với người. Tội lỗi làm cho lòng người sinh ra ghen ghét, đố kỵ, giết hại nhau, đó đó con người khó hòa thuận nhau, và các dân tộc cũng khó chung sống hòa bình với nhau. Vì thế con người cần có Chúa bình an, Chúa hòa bình. Tiên tri Ê-sai công bố rằng “Tất cả giày dép trong chiến trận và quân phục vấy máu đều sẽ bị thiêu hủy, làm mồi cho lửa” (Ês.9:4) bởi vì Chúa Cứu Thế đến để đem hòa bình cho nhân loại.

 

Chúa giáng sinh để đem “bình an dưới đất” bằng sự hiến thân của Ngài trên cây thập tự để chuộc tội và công chính hóa cho nhân loại. Vì thế, thập tự giá của Chúa Giê-xu còn là biểu tượng của sự bình an, hòa bình: bình an giữa Trời và người và giữa con người với nhau. Hãy cùng với thiên sứ năm xưa hát lên khúc hát bình an, khúc hát hòa bình để ca ngợi Vua bình an, Chúa hòa bình Giê-xu!

 

KHÚC HÁT TÌNH YÊU, ÂN SỦNG

 

Khúc hát trên cao cũng là khúc hát ca ngợi tình yêu, ân sủng tuyệt vời của Thiên Chúa đối với nhân loại  “ân trạch cho loài người”(BTT). Phần cuối của vế sau trong khúc hát thiên thần được dịch nhiều cách khác nhau: “…ân ban cho người” (TTHĐ)” “.. cho người Ngài thương” (BDM) “…cho loài người Chúa thương” (GKPV) “…. cho người được ơn” (ĐNB) “cho người thiện tâm”. Dù có nhiều cách dịch nhau nhưng tựu trung đều nhấn mạnh đến tình yêu, ân phúc của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa là tình yêu và Ngài yêu con người là tạo vật mà Ngài dựng nên bằng một tình yêu thật quyết liệt “đến nỗi” đã ban Con yêu dấu của Ngài xuống trần gian, mang thân phận con người, giáng sinh nơi thấp hèn nhất để tìm và cứu con người. Thánh Giăng đã mô tả tình yêu ân sủng đó như sau“Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy, sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.” (1Giăng 4:9-10).

 

Đó là tình yêu ban cho vô điều kiện, tình yêu hiến dâng, hy sinh cứu chuộc. Đó là tình yêu ân sủng. Thiên Chúa yêu thương nhân loại ban cho chúng ta nhiều món quà quý giá không kể xiết, nhưngmón quà vĩ đại lớn lao nhất mà Chúa ban cho nhân loại là Chúa Giê-xu, là con yêu dấu của Ngài, vì Chúa Giê-xu là tất cả, Ngài “mọi sự trong mọi sự” vì có Ngài là có tất cả, như Kinh Thánh chép “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32)

 

KẾT LUẬN

 

Khúc hát trên cao trong đêm giáng sinh là thông điệp của Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại.  Đó là khúc hát tôn vinh, sáng danh Thiên Chúa, là khúc hát bình an, hòa bình, là khúc hát ca ngợi tình yêu, ân sủng của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại.

 

Hãy hòa cùng các thiên binh thiên sứ năm xưa dâng lên Thiên Chúa Ba ngôi khúc hát tôn vinh- sáng danh, khúc hát bình an- hòa bình, khúc hát tình yêu – ân sủng bằng chính đời sống chúng ta trong mùa giáng sinh năm nay. Cũng hãy dâng lên Chúa bài ca cảm tạ vì “Con Trời đã trở nên Con Người, để con người trở nên con cái Đức Chúa Trời.” (Athanius). A-men!

 

 

Trịnh Phan

Giáng sinh 2013

Bài trướcBài thứ 354: Chúa Giê-xu Giáng Sinh
Bài tiếp theoTruyền Giảng Giáng Sinh 2013 Tại Tân Trụ – Long An