Tác giả: Nguyễn Sinh biên soạn theo Martin Lloyd-Jones
Phần Thứ Nhất
Giao Tiếp Với Đức Chúa Trời
Bài 1
Những Điều Chúng Ta Biết
Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều phục dưới quyền ma-quỉ.
I Giăng 5: 19
Hai điều quý vị thích nhất trong đời là gì? Hai điều tôi thích nhất là Nhạc và học Kinh Thánh. Cả hai lĩnh vực này đều vô tận và một đời sống không thể nào bao quát hết được. Nhiều người không có khiếu âm nhạc và cũng không biết đến Kinh Thánh cho đến khi tin Chúa. Vì chỉ có người tin Chúa mới thích ca ngợi Chúa và đọc lời Chúa.
Thờ phượng là gì? Thờ phượng Chúa là yêu Chúa, biểu lộ bằng ba hình thức:
Hát ca ngợi Chúa: Thánh Ca và Kinh Thánh luôn luôn đi đôi khi ta vào nhà thờ. Ta hát Thánh ca để tôn vinh, cảm tạ Chúa; tự nhắc mình về các đức tính của Chúa.
Cầu nguyện: cảm tạ, xưng tội, cầu xin, hứa nguyện, cầu thay, chiêm ngưỡng.
Học Kinh Thánh: để biết Chúa và cách ứng xử trong khi sống trong đời này. Học Kinh thánh để biết ca ngợi và cầu nguyện.
Ca ngợi, cầu nguyện và đọc Kinh Thánh không đơn giản. Người đời có thể bắt chước làm như chúng ta, nhưng chỉ người tín đồ thật mới làm các việc này đúng cách và có hiệu quả.
A. Người Tín Đồ Thật
Định nghĩa: Người tín đồ thật là người: Biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều phục dưới quyền ma-quỷ. 1 Giăng 5:19.
Không phải chỉ hát thánh ca, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh hay chăm đi nhà thờ, nhưng là BIẾT mình thuộc về Đức Chúa Trời..
BIẾT mình thuộc về Đức Chúa Trời có nghĩa là chắc chắn tuyệt đối. Tác giả Giăng muốn cho độc giả rõ, dù có nhiều điều họ chưa hiểu rõ về Chúa, nhưng họ phải biết chắc một điều là họ thuộc về Chúa.
Chúng ta bắt đầu bằng niềm tin và sống trong đời nhiều cám dỗ dễ làm dao động đức tin, nhưng lời Chúa và kinh nghiệm sống thật với Chúa làm chúng ta được vững mạnh thêm trong đức tin. Người tin Chúa là người không nghi ngờ gì về Chúa, không còn đắn đo là có nên tin Chúa hay lui bước, vì BIẾT mình thuộc về Chúa rồi.
B. Cầu nguyện đối với người tin Chúa.
Tin Chúa và biết mình thuộc về Chúa không phải chỉ đặt nặng vấn đề cầu nguyện. Vì thành tâm chưa chắc đã là người tin Chúa thật. Nhiều người sẽ nói: Lạy Chúa, Lạy Chúa nhưng đến cuối cùng Chúa bảo rằng: Ta chẳng biết các ngươi bao giờ. Cầu nguyện với Chúa nhưng không tin Chúa và không biết mình đang ở đâu trước mặt Chúa là làm một việc vô ích dù có thành tâm đến đâu cũng vậy.
1. Chỗ đứng nào trước Chúa?
Cầu nguyện là điều Kinh Thánh dạy. Nhưng quan trọng hơn và đi trước cầu nguyện là phải xác nhận rõ chỗ đứng của mình trước Chúa. Có những điều kiện phải hội đủ trước khi cầu nguyện, vì chỉ tin và kính sợ Chúa không đủ. Gia cơ dạy rằng: Gia cơ 2:19 Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, người tin phải; ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ. Một kẻ tội phạm đáng bị tử hình và một người có tội được tha vẫn có thể đứng trước mặt ông quan toà, nhưng cuối cùng của hai người khác nhau. Ta phải biết mình có được tha tội chưa trước khi đến với Chúa cầu nguyện.
2. Điều kiện để cầu nguyện được Chúa nghe.
Có người dạy rằng:
a. Cầu nguyện không thể thay chỗ cho suy nghĩ, và không thể là phương cách để tránh nan đề hay một hoàn cảnh.
b. Khi gặp khó khăn cầu nguyện là đúng. Nhưng phải tự xét xem có điều nào không ngay thật trong đời mình cần phải sửa đổi cho xứng đáng dâng lên Chúa một lời cầu nguyện hay không?
c. Phải nhìn thẳng vào vấn đề, đừng chỉ cầu nguyện mà không giải quyết vấn đề. Đứa bé làm biếng không chịu làm bài, cứ nhờ mẹ nó làm giúp, mặc dù nó có khả năng làm. Mẹ không nên giúp như vậy, vì nó ỷ lại và không thể thành học trò giỏi được.
d. Cầu nguyện nhưng phải biết rõ nguyên tắc của Chúa và áp dụng vào cầu nguyện cũng như trong nếp sống. Không cầu nguyện chuyện nghịch lý hay sai nguyên tắc của Chúa được. Nguyên tắc của Chúa là thánh khiết, thương yêu và tin kính. Những gì trái với ba điều này không thể cầu nguyện được.
e. Nếu thái độ của người tin Chúa trước khó khăn nào không chịu suy nghĩ và áp dụng nguyên tắc của Chúa mà chỉ cầu nguyện thôi, thì lời dạy trong toàn bộ Tân Ước sẽ dư thừa. Tân ước dạy chúng ta rằng: Người tin Chúa phải trở thành một người của Chúa trước khi ta cầu nguyện. Vì thế phải học Kinh Thánh để trở nên người tin Chúa thật và cầu nguyện mới hiệu nghiệm, nếu không phí thì giờ cầu nguyện vì vấn đề phải giải quyết chính là mình, chứ không phải là nan đề hay hoàn cảnh.
f. Đừng dùng Kinh Thánh như sách an thần. Kinh Thánh là nguyên tắc để sửa sai con người cũng như tập chỉ dẫn để sửa một chiếc máy, phải giở ra đọc mới biết mình đang sống đúng đường hay sai đường. Nếu sai đường, nên tìm cách trở về, trước khi hành động gì khác.
g. Chúng ta phải sống thực tế với cuộc đời đầy tội ác bệnh tật và chết chóc. Chúa đặt chúng ta sống trong hoàn cảnh như thế: Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ họ cho khỏi điều ác. Như thế đừng cầu nguyện cho được ra khỏi thế gian, nhưng xin Chúa ở với mình trọn hành trình thế gian này. Chúa không hứa cho người tin Chúa thoát khỏi mọi khó khăn ở đời, nhưng Chúa hứa sẽ ở bên cạnh ta cho đến tận thế. Vì thế ta cần xác nhận mình thuộc về Chúa là đủ.
C. Thuộc về Chúa
Chúng ta có biết mình thuộc về Chúa không? Thuộc về Chúa nghĩa là được Chúa chấp nhận cứu vớt, tha tội, tái tạo.
Chúng ta có biết Chúa thật sự đang hành động trong cuộc đời mình như thế nào chăng?
Chúng ta có biết trong chúng ta có sự sống quyền năng của Chúa không?
Chúng ta có biết mình hiện có con người mới và con người cũ không còn nữa chăng?
Có gì xảy ra trong đời ta mà ngoài Chúa ra không thể nào giải thích được chăng? Nghĩa là thực sự do Chúa làm.
D. Thế gian
Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều phục dưới quyền của ma-quỷ.
Thuộc về Đức Chúa Trời có nghĩa là đã được gọi ra khỏi thế gian tội ác này. Đã từ vương quốc tối tăm sang vương quốc vinh quang. Từ dưới quyền của ma-quỷ sang dưới quyền của Chúa.
Vì vẫn sống trong trần gian như mọi người, nên người tin Chúa không được thay đổi trong không gian hay thời gian, nhưng thay đổi từ con người cũ sang con người mới.
Cuộc thay đổi này xảy ra trong tâm hồn, và mỗi người tin Chúa đều phải kinh nghiệm, phải biết.
Thế gian mặc dù thay đổi như thế nào, văn minh tiến bộ, chinh phục vũ trụ, hoà bình, dân chủ, tự do v.v nhưng sự thực vẫn là phục dưới quyền của ma quỷ. Luôn luôn bị tội ác chế ngự. Đừng có ai mơ tưởng rằng một ngày kia toàn thế giới sẽ tin Chúa và sẽ không còn ai bắt bớ đạo nữa.
Ma quỷ vẫn không thay đổi, đó là điều chúng ta cần nắm vững. Ma quỷ vẫn chỉ có một mục đích là phá hại, tiêu diệt công trình sáng tạo tinh vi nhất của Chúa, đó là con người.
Vì vậy nên sẽ có một ngày tận thế để ma quỷ hoàn toàn bị tiêu diêt. Nhiều người cho rằng ý niệm về ngày tận thế là mê tín, nhưng nếu không có tận thế thì không giải quyết vấn đề ma quỷ được, và trước sau Chúa vẫn phải cầm quyền tể trị trên khắp vũ trụ. Chúng ta tin Chúa mà không tin hay không trông mong ngày tận thế là không trông mong ngày ma quỷ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Người tin Chúa không ngạc nhiên về tội ác của thế gian càng ngày càng ghê gớm hơn. Những kẻ sát nhân mới nhất chỉ là các trẻ em chưa đầy 13 tuổi, và có nạn nhân chưa đầy 5 tuổi. Phong trào đồng tính luyến ái và bệnh Aids đang phát triển mạnh, cũng như kinh tế tại Trung Hoa vậy.
E. Chúng ta biết như vậy để làm gì?
Thế gian không bao giờ chạy đến với Hội Thánh. Hội Thánh phải vào Thế Gian. Người tin Chúa làm gì để ngăn chặn tội ác trong thế gian?
a. Phải biết rõ mình có là người thuộc về Chúa không?
b. Làm hết sức để ngăn tội ác tràn vào mình và gia đình mình.
c. Cầu nguyện xin Chúa thương xót cứu nhiều người, nhất là người Việt chúng ta.
d. Chúng ta phải chứng tỏ mình thuộc về Chúa và thương người có tội bằng cách đưa người đến với Chúa, chứ không phải chỉ cầu nguyện và lười biếng.
F. Kết luận:
Chúng ta phải xác nhận mình thuộc về Chúa trong bất cứ nơi nào chúng ta sống, và hiểu rõ toàn thể thế gian đang ở dưới quyền của ma-quỷ.
Chúng ta phải chứng nghiệm mình chuộc về Chúa bằng cách học Lời Chúa cho biết Chúa và yêu Chúa tha thiết hơn mỗi ngày.
Chúng ta phải chứng minh mình là người thuộc về Chúa bằng cách đưa người đến với Chúa, vì đó là vâng theo lời Chúa dạy và yêu Chúa.
Đây là những lý do chúng ta khảo học là thư thứ nhất của sứ đồ Giăng.
Bài 2
Niềm Vui Đầy Trọn Lâu Dài
Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui anh em được đầy trọn.
I Giăng 1:4
Giăng viết lá thư này riêng cho những người đã tin nhận Chúa. Đây là điều độc giả phải nắm vững. Giăng có nhiều nhận xét đặc biệt về trần gian là nơi mà người tin Chúa đang sống. Ta phải nhớ luôn trần gian là nơi tội ác. Theo Kinh Thánh thì toàn bộ tư tưởng và mục đích của trần gian là chống lại Chúa; vì trần gian nằm dưới thống trị của Sa-tan. Trần gian lúc nào cũng cố lôi kéo người tin Chúa đi xuống. Trần gian cố làm đầy tâm trí người tin Chúa bằng những thỏa mãn và như thế giữ những người ấy xa khỏi Chúa. Trong một thế gian mà người tin Chúa phải tranh đấu để bảo vệ đức tin, vì dễ đi xuống hơn là thẳng tiến.
Nhưng Sứ đồ Giăng không bảo chúng ta phải cố cải tiến và thay đổi trần gian này. Trong lịch sử, nhiều lần người ta đã lầm lỡ gán cho giáo hội vai trò thay đổi xã hội. Thực ra Kinh Thánh không dạy như vậy.
Mặt khác, chúng ta cũng không quay lưng lại trần gian trong ý nghĩa là bước ra khỏi đó. Chúa không dạy chúng ta trở thành những nhà tu hành ẩn dật, thoát tục. Đây là một cực đoan khác mà lịch sử cũng chứng kiến nhiều lần người ta có phong trào như vậy. Lúc nào cũng có những người hăng say bước ra như những nhà cải thiện thế giới, và lại có những người bảo rằng như vậy là sai và bước ra khỏi cuộc đời. Khuynh hướng tu viện cũng phát xuất từ đó.
Nhưng lời dạy trong thư này, cũng như của toàn Kinh Tân Ước là tránh hai cực đoan đó. Hội Thánh không có nhiệm vụ cải thiện thế giới cũng không có quan niệm lìa bỏ trần tục. Thư Giăng dạy chúng ta phải chinh phục thế giới, đánh bại trần gian này. Mặc dù nguy hiểm bốn bề, chúng ta vẫn có thể thắng hơn và đắc thắng. Đây chính là tóm lược ý nghĩa câu Kinh Thánh mà chúng ta nêu lên ở đầu bài.
Sứ Đồ Giăng dạy: Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui anh em được đầy trọn.
Giăng muốn thấy những người tin Chúa mặc dù sống trong trần gian đặt dưới ách thống trị của ma quỷ, nhưng có được niềm vui đầy trọn.
Niềm vui trong đức tin không phải chỉ nói ở thư này, nhưng nhiều lần được nhắc đến trong Tân Ước.
Phao-lô viết trong Phi-líp 4:4 Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn, tôi nhắc lại, hãy vui mừng đi.
Chính Chúa Giê-xu cũng đã dạy trong Giăng 16:22 Khác nào như các ngươi hiện ở trong cơn đau đớn, nhưng ta sẽ lại gặp các ngươi, thì lòng các ngươi vui mừng, và chẳng ai cướp lấy niềm vui của các ngươi được.
Trong Giăng 15:11 Chúa cũng nói: Ta nói cho các ngươi những điều đó, hầu cho niềm vui của ta ở trong các ngươi, và niềm vui các ngươi được trọn vẹn. Đây chính là lời chính Chúa đã hứa.
Nhưng niềm vui ấy là gì? Nói như thế nghĩa là gì?
Ta có thể nói về diện tiêu cực cho dễ hiểu hơn. Là người tin Chúa, chúng ta không có quyền sống trong một tình trạng buồn rầu hay bất hạnh, vì đó là tình trạng của trần gian.
Người tin Chúa thật là những người chân thành và thực tế; họ không nhìn bề ngoài, nhưng nhìn vào tận bên trong. Họ không cố làm cho nan đề thu nhỏ lại và làm như việc gì xảy ra cũng không đến nỗi tệ lắm. Họ nhìn thẳng vào cuộc đời và biết rằng đó là một nơi tội ác.
Nhưng không phải nhìn vào sự thực như thế rồi sinh ra buồn rầu tuyệt vọng. Không nói rằng trần gian này thật là tội ác kinh khủng và vô hi vọng, chúng ta làm gì được? Buồn rầu, cay đắng và tuyệt vọng là tình trạng nhiều người tín đồ đang bị rơi vào. Nhưng người sống trong buồn rầu như thế chắc chắn không có niềm vui trọn vẹn của Chúa.
Cũng không phải nhìn vào thực tế rồi bỏ chạy. Họ nghĩ rằng không thể nào nhìn vào đời rồi tuyệt vọng, như vậy phải lánh đời, tránh mọi hoàn cảnh trong đời. Một người chạy trốn hoàn cảnh cũng không phải là người có niềm vui trọn vẹn.
Giăng cố nhấn mạnh rằng chúng ta đừng nên sợ. Giăng dạy trong 1 Giăng4:18 rằng: Yêu thương thật xua đuổi sợ hãi.
Làm sao sống trong một thế gian tội ác như vậy mà lại không sợ? Sống giữa những thế lực của ma quỷ; biết rõ những điều hư hoại xấu xa; biết rõ sức lực yếu đuối của mình, tất nhiên phải sợ chứ? Chính vì tinh thần sợ hãi này mà nhiều người đã tìm đường vào tu viện. Tại đó sống trong một mớ những điều cấm răn. Nhưng không thể nào có niềm vui trọn vẹn được.
Ta đã nói đến những gì không phải là niềm vui. Niềm vui thật theo như Kinh Tân Ước dạy không tức khắc và không trực tiếp. Ta không thể nào tự làm cho mình vui theo nghĩa Tân Ước.
Niềm vui theo Tân Ước là:
a. Yếu tố thứ nhất trong niềm vui là tình trạng hoàn toàn thỏa mãn.
Không thể nào có niềm vui nếu tôi không thỏa mãn. Nếu tôi có điều gì bất mãn tức là tôi chưa vui. Tinh thần, xúc cảm và các điều tôi ước ao phải được thỏa mãn, hơn thế nữa, tất cả phải thỏa mãn chung và cùng một lúc.
Có những việc trong đời này làm cho tinh thần tôi thỏa mãn, nhưng tâm hồn tôi có thể lạnh lùng, và vì vậy, dù tâm trí có thoả mãn, tôi vẫn chưa vui. Ước muốn cũng vậy. Có những điều tôi có thể làm để thỏa mãn ước muốn, nhưng tâm trí và lương tâm tôi lên án tôi; có thỏa thích trong một khoảnh khắc, nhưng chưa phải là niềm vui. Thỏa mãn trong niềm vui là loại thỏa mãn toàn vẹn, bao gồm cả tâm trí, tâm hồn, xúc cảm và ước muốn; tất cả đều hoàn toàn thoả mãn. Hoàn toàn thỏa mãn chính là phần chính của niềm vui thật.
b. Yếu tố kế tiếp trong niềm vui là lên tinh thần.
Muốn hiểu rõ, ta thử so sánh giữa sung sướng và vui. Vui tích cực hơn là sung sướng. Như ta thấy một đứa bé đang có đồ chơi, nó chơi và hoàn toàn sung sướng. Nhưng bỗng nhiên ta bước vào, rút trong túi ra một món quà mới. Đứa bé sẽ đứng hẳn dậy, mặt vui vẻ, phấn khởi. Đó chính là khác biệt giữa sung sướng và vui. Vui năng động hơn. Đứa bé trước đó sung sướng nhưng khi thấy món quà mới, nó phấn khởi, lên tinh thần hơn và tràn đầy niềm vui.
c. Yếu tố thứ ba trong niềm vui là một cảm nghĩ về sức mạnh và quyền năng.
Niềm vui là năng lực mạnh nhất trên đời này. Người nào trong trạng thái vui, theo một nghĩa, không sợ gì cả.
Khi ta thật sự vui, ta được một loại năng lực thôi thúc, ta cảm thấy mạnh, ta được nâng bổng lên, sẵn sàng đối diện với kẻ thù ở bất cứ hướng nào. Ta dám thách thức kẻ thù nữa.
Niềm vui là điều sâu kín, một điều ảnh hưởng toàn bộ con người ta. Ta phải đi đến chỗ này: Chỉ có một điều có thể cho ta niềm vui thật, đó là chiêm ngưỡng Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là thỏa mãn tâm trí tôi, tình cảm tôi, mỗi ước muốn của tôi. Chúa và sự cứu rỗi của Ngài bao gồm toàn diện con người ta và trong Chúa tôi được đầy đủ hoàn toàn. Nói khác đi, niềm vui là sự đáp lại và phản ứng của linh hồn đối với một hiểu biết về Chúa Giê-xu.
Mặc dù toàn thế gian sống trong cõi tội ác, mặc dù hoàn cảnh chúng ta sống phức tạp, niềm vui vẫn tràn đầy, một loại niềm vui vô tận.
Câu Kinh Thánh này còn có thể dịch là: Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui của anh em được mãi tràn đầy. Nghĩa là dù hoàn cảnh sống như thế nào niềm vui cũng không bao giờ hao sút.
Bạn thân mến, bạn đã hưởng được niềm vui như vậy chưa? Bạn có biết rằng có một loại niềm vui làm tâm trí, tình cảm và ước muốn hoàn toàn thỏa mãn hay không? Xin hãy đến tâm giao với Chúa Giê-xu, hãy dành nhiều thì giờ sống với Ngài, vì chỉ một mình Chúa mới làm cho tâm trí, tình cảm và ước muốn của ta được thỏa mãn, dù sống ngay trong trần gian đầy tội ác này.
Bài 3
Làm Sao Biết Được Niềm Vui ?
Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui anh em được đầy trọn.
I Giăng 1:4
Thư Giăng là một bức thư thực tế, không phải là một bài dạy về thần học viết từ quan điểm thần học hay kinh viện, lá thư chỉ có mục đích giúp đỡ, khuyến khích và xây dựng dân Chúa. Chúng ta đã nói đến dân Chúa là những người biết mình thuộc về Đức Chúa Trời và chúng ta muốn được niềm vui trọn vẹn. Bài này sẽ bàn đến làm sao có được niềm vui trọn vẹn.
Đây là vấn đề của những người Cơ-đốc đầu tiên trên thế giới và vẫn là nan đề của chúng ta hiện tại. Sứ đồ Giăng viết lá thư này để cho mọi người biết làm thế nào niềm vui vẫn tồn tại dù họ sống trong hoàn cảnh bất lợi hay sẽ lâm vào tình cảnh như thế.
Thư Giăng thứ nhất có thể chia thành ba phần chính.
Phần thứ nhất là ba chương đầu tiên: 1,2 và 3.
Phần thứ hai là từ chương 4 cho đến hết câu 9 của chương 5.
Phần thứ ba là chương 5: 10-21.
I. Trong phần thứ nhất Sứ đồ Giăng đưa ra những điều kiện căn bản trước khi có thể có được niềm vui và duy trì mãi mãi. Trong phần thứ hai, ông khuyến giục mọi người áp dụng các nguyên tắc mà ông đã nêu lên. Phần thứ ba ông kêu nài và tiếp tục khuyến giục. Cuối cùng là kết luận.
Trong Phần thứ nhất ông cho biết chúng ta phải có những căn bản nào trước khi có được niềm vui và bảo vệ được. Điều đầu tiên là vị trí trung tâm của Chúa Giê-xu. Ngay những câu đầu tiên, ông đã nói đến Chúa Cứu Thế, mô tả rõ Chúa Cứu Thế.
Điều có từ ban đầu, là điều chúng tôi đã nghe, chính mắt chúng tôi đã thấy, chúng tôi đã ngắm nhìn, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là điều về Lời sự sống. (Vì sự sống đã được thể hiện, chúng tôi đã thấy, làm nhân chứng và chỉ cho anh em thấy sự sống vĩnh hằng đó, đã từng ở với Chúa Cha và đã được giãi bầy cho chúng tôi); đó là những gì chúng tôi đã thấy, đã nghe thì thuật lại cho anh em, để anh em cũng được tương giao với chúng tôi; thực sự thì đó là tương giao với Chúa Cha và với con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng tôi viết những điều này cho anh em để niềm vui của anh em được đầy trọn.
Bạn không thể nào biết được niềm vui ấy cho đến khi bạn biết Chúa Cứu thế Giê-xu. Chúa là gốc của niềm vui, là nguồn của mọi ân phúc. Mọi điều đều từ Ngài mà xuất hiện. Vì thế trước khi trình bầy về các vấn đề khác, Giăng nói ngay đến Chúa Cứu Thế.
Đây cũng là điểm khác biệt căn bản giữa Cơ-đốc-giáo và các tôn giáo khác, toàn bộ cơ sở niềm tin đặt nơi một mình Chúa Giê-xu. Sứ điệp của giáo hội cho thế gian không có gì khác hơn là Chúa Cứu Thế. Chúa là trung tâm, là chính, là đầu tiên và cuối cùng và Giăng không có gì để nói với độc giả cho đến khi họ hoàn toàn biết rõ Chúa Giê-xu. Vì nhờ Chúa Giê-xu mà chúng ta tiếp xúc được với Chúa Cha, và nhờ Ngài, chúng ta được thông công với Chúa Cha.
Nếu Chúa Giê-xu không phải là con một của Đức Chúa Trời và là Cứu Chúa của chúng ta theo như Kinh Tân Ước dạy, thì sẽ không làm gì có sứ điệp cứu rỗi và niềm vui đầy trọn. Giăng nói rằng: Nếu anh em đã tin nhận Chúa Giê-xu, thì điều quan trọng kế tiếp để anh em luôn luôn được niềm vui đầy trọn trong trần gian này là anh em có tương giao với Đức Chúa Trời – anh em ở trong Ngài và Ngài ở trong anh em..
1. Như thế điều đầu tiên để duy trì niềm vui là tương giao với Đức Chúa Trời là Cha.
Nhưng làm thế nào duy trì được tương giao với Chúa? Giăng giải thích từ 1:3 đến 2:28. Có những điều ngăn cản chúng ta trong mối tương giao này.
a. Trước tiên là tội. Giăng phân tích ra hành động phạm tội và việc phủ nhận tội hay xưng tội. Đó là cách tội ngăn cản chúng ta với Đức Chúa Trời và làm chúng ta không tương giao với Ngài được.
b. Điều cản trở thứ hai Giăng nói đến trong chương 2:3 là thiếu tình thương yêu anh em. Nếu có gì sứt mẻ giữa mối quan hệ của tôi và Chúa, tôi mất tương giao và niềm vui. Nhưng nếu có gì sứt mẻ giữa tôi và anh em chị em trong Chúa tôi cũng mất niềm vui. Mất liên lạc với anh em là mất liên lạc với Chúa, và cũng sẽ mất tình yêu đối với Chúa.
c. Điều cản trở thứ ba là lòng ham mê thế gian. Đó là yêu thế gian, ước muốn và chạy theo thú vui của thế gian với tất cả tinh thần tội ác của nó. Điều này làm ngăn cách tương giao với Chúa. Ta không thể trộn lẫn sáng và tối, ta cũng không thể nào trộn lẫn Chúa và ma quỷ với nhau được. Vì vậy, nếu ta yêu thế gian, ta sẽ bỏ Chúa và niềm vui cũng sẽ mất.
d. Điều cản trở cuối cùng làm gián đoạn tương giao với Chúa là việc giảng dạy sai lạc về Chúa Giê-xu. Khi nào người ta làm như thế là làm mất niềm vui Chúa ban.
Đó là những điều ngăn cản trong tương giao của ta và Chúa. Nhưng Giăng không ngừng ở đó, ông nói rằng có một nguồn an ủi và tăng cường sức lực, đó là ân sủng của Chúa Thánh Linh, đấng biện hộ cho chúng ta trước mặt Cha. Thánh Linh mở mắt tâm linh cho ta thấy những vật cản này, và chỉ cho nơi nào để được giải thoát.
2. Điều quan trọng thứ hai để có niềm vui thật khi sống trong đời này là ý thức được mình sở hữu sự sống vĩnh hằng. Thứ nhất là tương giao với Chúa Cha và thứ hai là ý thức được sự sống vĩnh hằng trong mình. Từ chương 2:28 đến 3:24 Giăng dạy về điểm này. Ông cũng nêu lên những trở ngại.
a. Thứ nhất cũng là tội. Khi không giữ được điều Chúa răn cấm thì ta mất đi ý thức sở hữu sự sống vĩnh hằng. Khi nào ta sống đời đạo đức hẳn hoi, chúng ta có bảo đảm này và niềm sung sướng này, nhưng nếu ta sa ngã phạm tội, ta bắt đầu nghi ngờ, và ma quỷ thúc đẩy cho nghi ngờ càng nhiều thêm.
b. Thứ hai cũng là mất tình thương anh em. Mất tình thương anh em cũng làm mất ý thức về sự sống vĩnh hằng. vì ta có thể hỏi rằng: Nếu ta không thương những người tín đồ của Chúa như ta, ta tự hỏi không biết mình có tin Chúa thật hay không?
c. Thứ ba cũng là việc giảng dạy sai lạc về Chúa Giê-xu. Nếu một giây phút nào ta thấy không thỏa mãn về việc tìm hiểu Chúa, nếu ta có những ý niệm sai về Ngài, thì ta lập tức sẽ mất ngay sự bảo đảm về cứu rỗi, mất ý thức về sự sống của Chúa trong đời mình.
Như thế ta có ba điều cản trở y như trường hợp tương giao với Chúa. Nhưng cảm tạ Chúa Thánh Linh Giăng dạy trong 3:24 rằng: Ai vâng giữ các điều răn Chúa thì ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy; chúng ta biết Ngài ở trong lòng chúng ta là nhờ Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta. Cảm tạ Chúa vì Thánh Linh luôn luôn hiện diện khi ta phải đối diện với các kẻ thù cản bước chúng ta, Thánh Linh luôn luôn hành động và sẽ phục hồi lại sức lực cho chúng ta.
Đó là những điều Giăng dạy trong phần đầu, tức là những điều kiện ta phải tuân giữ để có được niềm vui đầy trọn mà ông nói đến trong 1:4.
II. Chúng ta sang đến phần thứ hai, trong phần này Giăng khuyến giục và kêu gọi chúng ta thực hành những điều đó một cách cụ thể.
Chúng ta phải áp dụng những gì Giăng đã dạy; đó chính là chủ đề của phân đoạn 2 từ chương 4 đến hết câu 9 của chương 5, có thể tóm tắt như sau:
1 Giăng 4:1-6, Giăng dạy phải cẩn thận về các thần linh. Câu 1: Hỡi anh em thân yêu, đừng tin tưởng mọi thần linh, nghĩa là phải biết rõ thần linh ở trong anh em là Thánh Linh của Đức Chúa Trời; phải nắm vững là anh em không bị thần linh giả mạo lường gạt, đó là lời khuyến giục đầu tiên.
1 Giăng 4:7-21, Giăng dạy: Phải biết chắc chắn rằng mình đang sống trong tình thương cỷa Chúa; đây là điều quan trọng chính yếu. Tất cả những gì anh em có được là do tình thương của Đức Chúa Trời cả, như thế phải cương quyết sống trong tình yêu đó và phải thực hành.
1 Giăng 5:1-4, Giăng dạy rằng mỗi người phải tuân giữ giới răn của Chúa một cách cụ thể và phải hiểu rằng chúng ta đang chiến thắng thế gian là đối phương của chúng ta.
1 Giăng 5:5-9, Giăng dạy rằng mọi người phải có cái nhìn thật đúng vào Chúa Giê-xu và phải sống trong tương giao chân thật với Ngài. Mỗi người cần hiểu biết chắc chắn tuyệt đối về Chúa, vì nếu không, anh em sẽ không có gì cả.
III. Đó là phần thứ hai của lá thư. Sang phần cuối cùng của thư này, là 1 Giăng 5:10-21. Giăng dạy rằng mỗi người phải biết chắc chắn mình là con của Chúa. Ai biết rõ như vậy thì có chứng tá trong con người của mình. Đó là kết quả thứ nhất.
Biết chắc chắn mình là con của Chúa còn đưa đến kết qua thứ hai là tin tưởng trong khi cầu nguyện. 1 Giăng 5:14 ghi: Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì thì Ngài nghe chúng ta.
Kết quả thứ ba là chúng ta sẽ chiến thắng tội ác và trần gian này. Kết quả cuối cùng là chúng ta biết được chiều sâu nhiệm của sự sống mình vì chúng ta là con của Chúa. Dù rằng thế gian này chao đảo dưới chân chúng ta, và dù hoả ngục tiến công đủ hướng, trong tin ưởng, yên lặng biết rằng mình là con của Chúa, ta sẽ có một thứ an bình mà không gì trên đời cướp đi được.
Như thế ngay trong dàn bài, chúng ta cũng đã thấy rõ các lý luận của Sứ Đồ Giăng, đó chính là phương cách chúng ta sở hữu niềm vui và duy trì mặc dù có gì xảy ra.
Khi chúng ta học qua những lý luận của Giăng, chúng ta sẽ thấy một điều khác nữa, quan trọng vô cùng, đó là giáo lý căn bản của niềm tin Cơ-đốc. Lá thư này mặc dù không phải là một luận thuyết triết học, như đã nói ở đầu, lại đầy dẫy thần học. Các vị sứ đồ không bao giờ viết một lá thư thực tế mà lại không đầy dẫy giáo lý thần học.
Giăng khởi đầu với giáo lý căn bản về cuộc nhập thể của Chúa Giê-xu, nhưng dù chương 1 ngắn, chỉ có 10 câu, ông cũng đã trình bầy rõ về giáo lý Chuộc Tội.
Sau đó ông vội vàng sang ngay giáo lý tái sinh và đổi mới – có lẽ đây là một trong những đoạn văn chính nói về tái sinh và đổi mới trong toàn bộ Kinh Thánh. đồng thời Giăng cũng đề cập đến giáo lý thánh hóa – chương 3 trở thành bãi chiến trường lớn cho những lý thuyết về giáo lý này. Nhưng giăng không quên giáo lý về tội và giáo lý về ma quỷ hay điều ác. Không có đoạn văn nào rõ hơn đoạn văn về ma quỷ của Giăng. Giăng còn gói ghém toàn bộ giáo lý về cuộc tái lâm của Chúa Cứu Thế Giê-xu nữa.
Như thế chỉ trong mấy trang sách mà Giăng đã trình bầy những nguyên tắc vĩ đại đời đời của tín lý Cơ-đốc. Thư Giăng như một đại dương mênh mông mà chúng ta lặn hụp trong đó, biết rằng không ai có thể vượt qua được ranh giới với những thứ tuyệt đối này, nhưng nguyên tắc không bao giờ dời đổi, những điều tuyệt đối trong lĩnh vực thần linh và vĩnh hằng. Trong một thế giới thay đổi, biến động, không có gì chắc chắn, và dường như không có nguyên tắc cuối cùng nào để con người có thể đặt cơ sở cho toàn bộ quan điểm về cuộc đời, mà tại đây, chúng ta sống giữa những khoảng mênh mông và vô tận.
Giăng không phải chỉ viết theo kiểu tích cực, ông cũng viết tiêu cực nữa, vì vào cuối thế kỷ thứ nhất, Hội Thánh đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn. Ông viết để xây dựng nhưng con người trong thời ấy nhưng đồng thời cũng cảnh cáo và căn dặn họ phải đề phòng kẻ thù khôn quỷ đã xuất hiện. Một loại giáo lý giả tạo đã len lỏi vào Hội Thánh ngay từ những ngày đầu tiên. Đừng ai tưởng rằng tà giáo mới có gần đây, chúng đã có ngay từ cuối thế kỷ thứ nhất. Sứ Đồ Giăng chỉ nói đến một tà giáo nổi danh nhất thời đó, là Gnosticism, tức là Khả Tri Thuyết.
Đây là một loại trộn lẫn giữa triết học và huyền bí học và được nhiều người ham chuộng. Khả Tri Thuyết len lỏi cả vào Hội Thánh. Những người theo phái này nói rằng họ có thể vào tận tình trạng huyền bí và được mạc khải những điều chưa bao giờ người thường được mạc khải. Đó là ý nghĩa của Khả Tri Thuyết – một loại hiểu biết đặc biệt, một cái biết kỳ lạ. Họ nói: Những người đặc biệt như chúng tôi đã thấy được nhiều điều, chúng tôi đã hiểu được những việc mà không ai hiểu. Nhưng tất cả chỉ là võ đoán, và họ võ đoán đặc biệt đối với một số giáo lý.
Phao-lô cũng đề cập đến phái triết học này trong thư Cô-lô-se chương 2. Giáo lý sai lạc mà chủ thuyết triết học này đưa ra là phủ nhận tính chất vừa là Thần Linh lại vừa là người thật của Chúa Giê-xu.
Khả Tri Thuyết có hai quan điểm.
Một số người nói rằng Chúa Giê-xu thực sự không có thân xác, mà chỉ là một bóng ma. Họ bảo rằng Ngôi Lời không trở thành xác thể, nhưng trở thành một loại ma, vì thế Ngài không bao giờ thực sự bị đau thương trên thập giá.
Quan điểm này cho rằng ta cần phân biệt rõ con người Giê-xu và Chúa Cứu Thế vĩnh hằng. Họ nói rằng Chúa Cứu Thế vĩnh hằng đã nhập vào con người Giê-xu khi Ngài chiụ báp tem trên sông Giô-đanh. Rồi trên đồi Gô-gô-tha Chúa Cứu Thế ra khỏi con người Giê-xu, và con ngườ ấy bị hành hình, Chúa Cứu Thế không bị. Họ bảo rằng, Chúa Cứu Thế không chết vì tội nhân loại, chỉ có con người Giê-xu chết trên thập giá.
Đó là lý thuyết tà giáo về con người của Chúa Giê-xu.
Một điểm sai lạc thứ hai là triết thuyết này coi vật chất là ác độc, là tội ác, vì vậy bất cứ những gì thuộc về vật chất đều là tà ác cả.
Thái độ đối với quan niệm này khác nhau. Một đàng có những người cố công làm chết thân xác vì như thế là diệt tà ác. Họ cổ võ cho việc ẩn tu, ép và hành xác. Đây là khuynh hướng khổ tu.
Một phản ứng khác ngược hẳn lại. Những người này bảo rằng, thân xác là tà ác, linh hồn không thuộc về thân xác, vì linh hồn là thiêng liêng. Hồn với xác như thế phân biệt hẳn, thân xác làm gì cũng được, không ảnh hưởng gì đến linh hồn. Họ nói rằng, tôi có làm gì với thân xác đi nữa cũng không sao, vì đằng nào thân xác cũng sẽ bị tiêu diệt, và linh hồn bao giờ cũng về với Chúa. Do việc dạy đạo như thế mà phái Khả Tri này buông thả trong nhục dục, phạm tất cả những tội ác xấu xa. Giăng và Phao lô cực kỳ lên án tà thuyết này, vì hoàn toàn chống lại Chúa Giê-xu cũng như giáo lý của Ngài.
Giăng mặt khác nhấn mạnh vào chân lý quan trọng, đó là trung tâm của cả nền đạo đức, và chính là Chúa Giê-xu. Mọi người muốn được niềm vui đầy trọn đó, chỉ có một con đường là tin nhận các điều dạy chân thật và lánh xa các tà thuyết nguy hiểm.
Những cột trụ quan trọng trong giáo lý căn bản là: cuộc nhập thể của Chúa Cứu Thế, Công cuộc Chuộc tội của Ngài, tái sinh, thánh hóa, giáo lý về tội ác, về ma quỷ, về tái lâm. Nếu ta tin và thực hành những điều dạy này trong mối tương giao với Chúa và với anh em, niềm vui sẽ xuất hiện và ở mãi với chúng ta.
Thật ra, niềm vui sẽ gia tăng và tiếp tục gia tăng, cuối cùng ta sẽ thấy mình đứng trước Chúa Chí Thánh với niềm vui không tả được và đầy vinh quang.
Bài 4
Tuyên Ngôn Sứ Đồ
Điều có từ ban đầu, là điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm, chính là Lời Sống; (vì sự sống đã thể hiện ra, chúng tôi đã thấy, chúng tôi làm nhân chứng và chứng tỏ cho anh em sự sống vĩnh hằng ấy, vốn ở với Cha, đã minh khải cho chúng tôi) Việc chúng tôi thấy và nghe nay trình bầy cho anh em, để anh em cũng tương giao với chúng tôi: và thực sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha, và với Cứu Chúa Giê-xu là con.
1 Giăng 1:1-3
Chúng ta sẽ không triển khai hết toàn thể tuyên ngôn kể trên, nhưng chỉ đọc cho biết, nhất là câu 3, để có một sự hiểu biết về đại sứ điệp mà Sứ Đồ Giăng muốn gởi đến cho các tín hữu thời ấy. Các tín hữu ấy đang gặp những khó khăn; khó khăn trên thế gian không có gì mới lạ cả, vì thế gian lúc nào mà chẳng đầy dẫy khó khăn và nan đề. Thực ra nhiều khi ta quên rằng, theo một nghĩa, khó khăn ngày nay cũng y hệt như khó khăn mà nhân loại từng gặp trong suốt quá khứ, vì có một nguồn gốc chung cả. Nhưng thói quen của nhân loại vẫn là nói về các khó khăn trong thế kỷ 21 như thể khác với khó khăn trong thế kỷ thứ nhất – thật ra không phải như thế, chúng giống hệt nhau. Ta phải nhận rằng có khác về địa phương hay về cách thể hiện, nhưng nguyên nhân vẫn vậy.
Nói khác đi, nan đề của nhân loại cũng y như tật bệnh của thân thể. Chúng ta có thể có cùng một chứng bệnh nhưng triệu chứng thì nhiều; bệnh có lẽ mỗi trường hợp đều khác, nhưng triệu chứng không quan trọng cho bằng nguyên nhân, hay là chính căn bệnh. Điều này rất hệ trọng, vì nếu ta chỉ xét đến triệu chứng, ta sẽ chỉ quan tâm đến việc trừ triệu chứng mà quên áp dụng toàn bộ sứ điệp của Tin Mừng.
Trong ánh sáng của các câu Kinh Thánh này, nhiệm vụ của Hội Thánh vẫn là phổ truyền, công bố Tin Mừng của Chúa Giê-xu là Chúa và Cứu Tinh của nhân loại. Hội Thánh không mất thì giờ chữa trị triệu chứng của thế gian bệnh hoạn này, nhưng phải tuyên bố cho thế gian biết môn thuốc chữa duy nhất có thể chữa lành căn bệnh là nguyên nhân của tất cả những rắc rối trong đời.
Vì thế các tín hữu thuộc thế kỷ thứ nhất cũng đối đầu với cùng các nan đề như chúng ta ngày nay. Trong một thế giới như vậy, chúng ta vẫn có thể sở hữu niềm vui không dập tắt được, không đánh bại được, ngược lại có khả năng thắng dưới bất cứ hoàn cảnh nào, một niềm vui bao giờ cũng tràn đầy trong mọi điều kiện, cơ hội, thời vận. Sứ điệp Tân Ước nói chung không bảo dân Chúa phải sửa chữa trần gian lại như thế nào, nhưng dạy họ cách sống ngay lành dù thế gian có ra sao chăng nữa, cũng như cách thắng trần gian và bảo vệ được niềm vui.
Chúng ta đã nhìn tổng quát vào bố cục của lá thư này, bây giờ sẽ phân tích chi tiết hơn, khởi đầu với ba câu đầu tiên.
Trước tiên, Tin Mừng hay Phúc Âm là một tuyên ngôn, một thể hiện, một trình bầy.‘Vì sự sống đã được thể hiện, chúng tôi đã thấy, làm nhân chứng và chứng tỏ cho anh em sự sống vĩnh hằng ấy, vốn ở với Cha, đã minh khải cho chúng tôi.’ Việc chúng tôi thấy và nghe, nay trình bầy cho anh em, để anh em cũng tương giao với chúng tôi: và sự thực là chúng ta đều tương giao với Chúa Cha và với Cứu Chúa Giê-xu là Con.‘ – chúng tôi trình bầy cho anh em, Giăng nói rõ như vậy.
Giăng dùng hai chữ khá đặc biệt. Tin Mừng là một lời tuyên bố. Chúng ta có thể nói theo cách tiêu cực rằng, Tin Mừng của Chúa Giê-xu không phải là một sự ước đoán, cũng không phải là một tư tưởng, ý nghĩ hay triết thuyết của loài người. Tin Mừng hoàn toàn khác hẳn, không thuộc về những thể loại ấy.
Lập trường của Sứ Đồ Giăng và các Sứ Đồ khác là họ có một điều gì đó để công bố, một điều gì đó để nói ra. Họ đã thấy điều gì đó muốn báo cáo lại, một điều gì huyền diệu lạ lùng mà Giăng không muốn giữ riêng lấy cho mình.
Bạn để ý thì thấy lá thư này không có cả phần giới thiệu mở đầu nữa. Không có lời chào hỏi đầu thư như thông thường; Giăng cũng không tự giới thiệu nữa, người đọc phải tự nhận ra. Ông là một người có điều gì cần tiết lộ, người khác cần nghe, nên bỏ qua mọi thủ tục, đi thẳng vào vấn đề trình bầy. Sứ điệp của lá thư rất chắc chắn, vì đó là một lời công bố; mang tính chất thẩm quyền và khẩn trương.
Giăng nói trực tiếp: ‘Những điều này chúng tôi tuyên bố ra cho anh em.’
Tin Mừng hay Phúc Âm, theo Tân Ước là một lệnh truyền; như khi người lính thổi kèn để kêu gọi chú ý. Không có vẻ gì ngần ngại khi người ấy thổi kèn lên, vì người ấy có lệnh truyền lại, việc của anh ta chỉ là bảo lại lệnh đã nhận. Anh ta chỉ xem xét kỹ lệnh truyền rồi truyền lại. Chúng ta là đại sứ của Chúa. Nhiệm vụ của người đại sứ là không nói cho nước mà người ấy đến những gì ông ta nghĩ hay là cho là như thế, ông ta chỉ truyền lại lệnh đã nhận được từ nước nhà. Đó cũng là tư cách của Giăng.
Nhược điểm của thời đại chúng ta là có nhiều điều không chắc chắn. Người giảng truyền Tin Mừng nhiều khi không chắc chắn lắm về phép lạ, về một số các hiện tượng siêu nhiên, không chắc chắn vả về thân vị của Chúa Giê-xu nữa. Khi nào sứ điệp mập mờ, không chắc chắn nữa, là ta đã xa Tân Ước quá nhiều. Hội Thánh không có quyền ngần ngại hay bối rối không biết nói gì, sứ điệp đã nắm trong tay, phải công bố, không có điều kiện nào cả. Như thế nguyên tắc thứ nhất là phải công bố.
Nguyên tắc thứ hai là tuyên ngôn này của Hội Thánh đã truyền đến chúng ta bằng thẩm quyền của Sứ Đồ, đây cũng là một điều hoàn toàn căn bản.
2 Phi-e-rơ 1:16 ghi: Khi chúng tôi cho anh em biết quyền năng và việc Chúa chúng ta tái lâm thì chúng tôi không theo những chuyện ngụ ngôn khéo bịa đặt ra, nhưng chính chúng tôi đã mục kích oai nghi của Chúa.
Giăng thì trong ba câu này, khắc lại ba lần: chúng tôi đã thấy; hai lần: chúng tôi đã nghe; và, cả ‘chúng tôi đã đụng chạm’. Sứ Đồ Giăng không nói lại một điều đã nghe kể, nhưng đã trực tiếp kinh nghiệm, và muốn chia sẻ.
Chúng ta cần phân biệt rõ lời chứng và kinh nghiệm.
Kinh nghiệm có giá trị xác nhận, yểm trợ và giúp đỡ tôi tin vào những điều thuộc về Chúa, nhưng tôi không căn cứ lập trường của tôi trên kinh nghiệm. Vì khi làm như thế, tôi sẽ không có câu trả lời nào đối với các nhà tâm lý, bảo rằng họ có thể giải thích toàn bộ đức tin Cơ-đốc bằng những từ thuộc tâm lý. Tôi không đặt lập trường của tôi trên những điều chủ quan và tính tình hay điều kiện, nhưng thứ này thường đến rồi đi, thay đổi luôn luôn. Tôi có một cái gì vững chắc, vững như tảng đá. Tôi căn cứ lập trường của tôi trên những sự kiện có thật trong lịch sử, đó là điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã ngắm nhìn và tay đã đụng chạm đến, đó là Lời Sự Sống.
Đó chính là căn bản, chứng tá của sứ đồ và những lời chứng của họ. Lập trường của người tin Chúa là nhận và tin lời nhân chứng, những người này báo cáo những điều mắt thấy, tai nghe. Đó chính là thẩm quyền của chúng ta.
Nhưng lý luận không ngừng ở đấy. Người ta có thể thử các người làm chứng nữa. Trước nhất và quan trọng hơn cả là lời báo cáo và rồi kinh nghiệm của tôi là kết quả tin nhận báo cáo đó. Như thế lời báo cáo được củng cố bằng kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà thôi, không làm gì hơn được.
Như thế Tin Mừng là một tuyên ngôn.
Điều thứ hai, Tin Mừng đã được thể hiện.
Giăng nói: Chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy và đã dụng chạm đến. Chúng tôi đã nghe nhưng không biết đó là tiếng của ai cho đến khi thấy rõ mới chắc chắn được. Nhưng chưa hết Giăng còn thêm, chúng tôi đã ngắm. Thấy và ngắm khác hẳn nhau. Thấy là kết quả của một điều gì ta gặp; ta không tìm điều đó hay là nghiên cứu kỹ. Như đang đi ngoài phố, ta bỗng biết có chuyện gì xẩy ra – ta thấy chuyện ấy.
Giăng như bảo rằng, không phải chúng tôi chỉ tình cờ thấy điều huyền nhiệm đó, nhưng chúng tôi đã ngắm nhìn, đã điều tra nghiên cứu, không phải chỉ với cái nhìn thiển cận bên ngoài mà thôi. Chúng tôi đã chăm chú nhìn và chiêm ngưỡng. Chúng tôi nhìn Chúa, ngạc nhiên và đã tìm hiểu. Hơn nữa, chính tay chúng tôi đã đụng chạm vào Chúa.
Ta nhớ quan điểm của tà thuyết Khả Tri mà Giăng chủ trương chống lại, tà thuyết ấy nói răng Chúa không có thật, Chúa chỉ là một bóng ma. Giăng nói rõ, không, Chúa rất cụ thể khi Chúa vào đời, chính chúng tôi đã cầm nắm được Chúa chứ không phải ý niệm hay bóng ma.
Nhưng Giăng cũng nhắc rằng Chúa sống lại cũng bằng thân xác cụ thể ấy. Vì Giăng bảo rằng Tay chúng tôi đã đụng chạm đến Lời Sự Sống, tức là khi Chúa sống lại. Đây là điểm thứ hai chống lại tà thuyết Khả Tri nói rằng: Chúa Ki-tô vĩnh hằng đã nhập vào Giê-xu trong lúc báp-tem và từ bỏ khi con người Giê-xu bị hành hình, nên Giê-xu mới chết. Giăng bác luận thuyết sai lạc này, nói rằng: con người chịu hi sinh đó mang vừa bản chất thần linh vừa bản chất người vô tội, và sau khi chết, Chúa đã sống lại với thân xác, chúng tôi biết như thế vì chính tay chúng tôi đã đụng chạm tới thật sự.
Khi nói chúng tôi đã ngắm, Giăng có ý đề cập đến việc Chúa hóa hình trên núi, Giăng, Phi-e-rơ và Gia-cơ được chứng kiến. Nhưng chắc chắn Giăng cũng được ngắm nhìn và đụng chạm vào vết thương của Chúa khi Ngài vừa sống lại nữa. Đó là toàn bộ Phúc âm hay Tin Mừng. Chúa Giê-xu rời bỏ cõi vĩnh hằng vào thời gian, và rồi trở lại vĩnh hằng. Giăng nói: ‘Sứ điệp mà chúng tôi công bố cho anh em là trong ý nghĩa này: chính trên mặt đất mà anh em đang sống đây, với biết bao nan đề và thử thách, gian lao, chính nơi này Con Đức Chúa Trời đã bước vào, đã đặt chân lên. Chúng tôi có đặc ân được thấy Chúa, nghe Chúa dạy, nghiên cứu tìm hiểu về Chúa và cũng cầm nắm lấy Chúa nữa. Con Đức Chúa Trời đã sống giữa chúng tôi và việc đó thay đổi tất cả. Tôi muốn cho anh em biết như vậy để anh em cũng chia sẻ với chúng tôi và chúng ta cùng chia sẻ với Chúa Cha và Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Trong Phúc Âm Giăng ta thấy cũng trình bầy về Chúa Cứu Thế, nhưng trong lá thư này ông muốn nhấn mạnh việc Chúa vào đời có nghĩa gì đến mỗi chúng ta. Ông gọi Chúa là Lời Sự Sống. Đây không phải là lời cho thấy sự sống, nhưng là lời ban sự sống.
Cuộc đời này dù biến chuyển ra sao, sứ điệp của Tin Mừng vẫn là, dù các thể chế quyền hành trong đời không sao thay đổi được xã hội, nếu chúng ta tin nhận Chúa Giê-xu, chúng ta trở thành con cái của Ngài và là công dân trong nước trời, một nước không hề rung động và sẽ tồn tại cho đến đời đời, dù thế giới này có bị tiêu diệt và tận thế chăng nữa.
Bài 5
Kinh Nghiệm Tin Chúa
Điều có từ ban đầu là điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm, chính là Lời Sống; (vì sự sống đã thể hiện, chúng tôi đã thấy, đã làm nhân chứng và minh chứng cho anh em sự sống vĩnh hằng ấy, vốn ở với Cha, đã minh khải cho chúng tôi). Việc chúng tôi thấy và nghe nay trình bầy cho anh em để anh em cũng tương giao với chúng tôi, thực sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha và với Cứu Chúa Giê-xu là con.
I Giăng 1:1-3
Trong câu Kinh Thánh này Sứ Đồ Giăng cho biết một trong những mục tiêu viết lá thư này. Chúng ta đã biết lí do căn bản là để cho niềm vui được đầy trọn. Muốn cho niềm vui được đầy trọn trong trần gian này thì cốt yếu là phải kinh nghiệm một cuộc tương giao hay thông công, hay chia sẻ sự sống với Chúa.
Chúng ta sẽ đi vào một trong những chủ đề căn bản của toàn lá thư. Đây cũng là chủ đề lớn trong toàn bộ Kinh Tân Ước. Chủ đề này thực sự là sâu nhiệm nhất và khó nhất trong các chủ đề của Tân Ước. Vì đây chính là cốt lõi của sứ điệp Tân Ước. Nhưng chính chủ đề này cũng là điều mà kẻ thù của linh hồn chúng ta thường khiến cho người thời xưa cũng như hiện này hiểu lầm và giải thích không chính xác.
Có thể nói, theo một ý nghĩa, tất cả các chủ đề khác đều dẫn đến chủ đề này; tất cả các khía cạnh, các mặt của chân lý cuối cùng đều đưa chúng ta đối diện với điều mà chúng ta đang tìm kiếm ở đây.
Đây là một chủ đề lớn, và không ai dám có ý định vội vàng nghiên cứu nhanh chóng. Chủ đề này có nhiều phần, và chúng ta chỉ lưu ý đến một phần mà thôi.
Ta tưởng tượng khi viết thư này, tác giả Sứ Đồ Giăng đã cao tuổi, gần cuối cuộc đời viết để lại cho những người ông thương mến trong Chúa. Những người này có thành phần lão niên, trung niên, có những bạn trẻ. Tác giả chia họ ra làm ba lớp, bậc phụ lão, thanh niên và con trẻ. Tác giả biết rõ xã hội họ đang sống, vì ông cũng sống ở đó, ông là người từng chịu rất nhiều thách thức khổ sở. Ông biết họ phải chịu đựng với những áp lực nào, các cuộc chiến đấu họ phải tham gia và ông giúp họ với những lời khuyên thiết thực. Ông bảo ngay cho họ biết là ông có một sứ điệp rất khác lạ để truyền cho họ.
Sứ đồ cho họ biết điều chắc chắc về việc ra đời chịu khổ và phục sinh của Chúa Cứu Thế, việc kế tiếp mà ông chú trọng là mục đích Con Đức Đức Chúa Trời vào đời như vậy là để cho những người tin Ngài ân huệ quý giá là đời sống vĩnh hằng. Chữ vĩnh hằng đây ta đừng hiểu theo ý nghĩa về thời gian mà thôi, nhưng chính yếu là đời sống có giá trị thật. Cuộc đời trong trần gian này không những chỉ là tạm và giới hạn, nhưng nói về quan hệ đến cái chết, theo một ý nghĩa thì đó là một đời sống chết. Đời sống ở bên ngoài Đức Chúa Trời không phải là sống, mà chỉ là tồn tại. Sống và tồn tại khác hẳn nhau.
Trong Phúc Âm Giăng 17:3 Chúa Giê-xu đã cầu nguyện thay cho dân Chúa rằng: Sự sống vĩnh hằng là họ được biết Cha là Chân Thần duy nhất, và Chúa Cứu Thế Giê-xu mà Cha đã sai đến trần gian. Như thế sự sống vĩnh hằng là mối tương giao với Đức Chúa Trời. Tách ra khỏi Đức Chúa Trời thì đời sống thực sự chết, vì tất cả chúng ta đều được sinh ra trong tội ác, nên bẩm sinh là ở bên ngoài Đức Chúa Trời. Chúng ta tồn tại, có mặt trên đời, nhưng tâm linh hoàn toàn chết, nghĩa là vô cảm với Đức Chúa Trời. Nhưng sự sống vĩnh hằng là sự sống chân thật, đích thực. Đó là đời sống vô tận nhưng cũng là đời sống có phẩm chất khác hẳn, và là đời sống đúng nghĩa. Sứ Đồ Giăng bảo rằng,. sự sống vĩnh hằng ấy là dành cho tất cả những người nào tin nhận Chúa Giê-xu.
Điều đầu tiên Sứ Đồ Giăng phát biểu là: Tôi viết cho anh chị em các điều này để anh chị em cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm mà chúng tôi đã từng trải. Sứ Đồ Giăng nói rằng ông và các sứ đồ khác sau khi đã thấy, nghe, cảm xúc, đụng chạm, đã tin nhận Chúa Giê-xu và kinh nghiệm một điều mà ông muốn cho tất cả những ai tin Chúa đều kinh nghiệm.
Chúng ta sẽ phân tích kinh nghiệm của người tin Chúa một cách tổng quát rồi sau đó mới đi vào chi tiết.
1. Điều đầu tiên là: Người tin Chúa Giê-xu là những người biết mình sở hữu những gì.
Kinh nghiệm của người tin Chúa là một kinh nghiệm chắc chắn và có thật: Điều mà chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm. Nếu những người tin Chúa không biết mình sở hữu những gì thì làm sao mong người khác cùng chia sẻ kinh nghiệm với mình được? Như vậy đây là khởi điểm: kinh nghiệm của người tin Chúa không thể nào là một điều mơ hồ, nghĩa là không thể không xác định và không chắc chắn được. Nhưng phải là một kinh nghiệm rõ rệt, và người tín đồ thật biết rõ như vậy. Người ấy phải biết mình đang sở hữu điều gì, không thể nào mập mờ về những chuyện xảy ra cho chính mình hay là lập trường của mình là gì. Sứ Đồ Giăng nói rằng: Tôi viết những điều này cho anh chị em để niềm vui của anh chị em được đầy trọn và để anh chị em cũng có thể chia sẻ những gì mà chính chúng tôi đã có. chúng ta không thể nào mời một người nào chia sẻ cái gì với mình nếu chính chúng ta không biết đích thực điều mà mình muốn người ấy chia sẻ.
Đây là điểm rất sơ đẳng và không cần giải thích nhiều. Nhưng không thể bỏ qua vì đây cũng là giáo lý mà nhiều người hay thắc mắc.
Sứ Đồ Giăng dường như khẳng định với mọi người rằng: những gì tôi viết đây không phải là tôi đang đi tìm nhưng tôi đã gặp, đã kinh nghiệm. Tôi sẽ không viết nếu chưa tìm được, và tôi chỉ muốn bạn đọc cũng có kinh nghiệm như tôi mà thôi. Sứ đồ Giăng không nói rằng: Tôi già rồi, tôi hi vọng rằng những gì tôi tin xưa nay sau khi chết tôi sẽ biết rõ. Không, Giăng nói rằng ông đã kinh nghiệm nên mới viết. Người tin Chúa không phải là những người trông mong được cứu rỗi, nhưng đã thực sự được cứu rỗi.
Một nửa những khó khăn trong đời sống tin Chúa của chúng ta và có thể nói hầu hết những thất bại trong việc chia sẽ kinh nghiệm là vì chưa biết rõ mình sở hữu những gì.
2. Người tin Chúa không những chỉ là những người biết mình sở hữu những gì, nhưng còn lo sao cho người khác cũng có được kinh nghiệm như mình.
Đây cũng là bằng chứng là họ chắc chắn đã sở hữu điều mà họ muốn người khác cùng chia sẻ. Những gì chúng tôi đã thấy và nghe, chúng tôi công bố cho anh chị em, tại sao vậy? Để anh chị em cũng có tương giao với chúng tôi. Giăng muốn những người ông quen biết cũng có cùng kinh nghiệm như ông. Đây là bằng chứng đầu tiên chứng tỏ rằng những gì ông kinh nghiệm là có thật. Giăng cũng ngụ ý rằng những người đã thực sự có kinh nghiệm tin Chúa và nhận thức rõ về Chúa cũng phải mong ước người khác có cùng kinh nghiệm như mình.
Chúng ta đang đề cập đến các vấn đề rất sâu xa liên quan đến toàn bộ lập trường của người tin Chúa. Những người biết chắc rằng mình đang được chia sẻ sự sống với Đức Đức Chúa Trời – nghĩa là những người biết mình vui vì lý do nào và được giải phóng ra khỏi những thứ tội ác nhằm đưa họ xuống chỗ hư hoại, những người đã nhìn thấy rõ vấn đề ngang qua cuộc sống này và những người đã thắng thế gian – những người mà sự chết không còn tác hại được, vì biết rằng sẽ gặp chính Chúa vinh quang khi bức màn của đời sống buông xuống, những người như thế cần phải chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người khác.
Trong suốt Kinh Tân Ước ta sẽ thấy việc chia sẻ kinh nghiệm tin Chúa là một trắc nghiệm về lòng tin thật. Câu hỏi đặt ra là: Tôi có quan tâm về việc muốn người khác có được kinh nghiệm như mình không? Tôi có thương những người trong trần gian chung quanh tôi là những người chưa có kinh nghiệm như tôi không?
Phao-lô nói:
Tôi mắc nợ cả người Hi-lạp lẫn người man khai; cả người khôn lẫn người dại.
Chỗ khác ông ghi:
Tình thương của Chúa Cứu Thế thúc đẩy chúng tôi. và Khốn nạn cho tôi nếu tôi không truyền giảng tin mừng.
Thật ra người tin Chúa hay môn đệ Chúa là những người đã noi gương Chúa. Chúa Giê-xu khi còn ở thế gian thường nhìn vào đoàn dân đông đảo mà thương xót, vì Chúa thấy họ như chiên không có kẻ chăn. Người tin Chúa cũng phải luôn luôn có lòng thương vô số đồng bào, đồng loại đang sống trong đêm tối như thế.
3. Kinh nghiệm của cuộc đời tất cả những người tin Chúa đều luôn luôn là một loại kinh nghiệm, không có gì thay đổi cả.
Nói khác đi, không ai có thể trở thành tín đồ Chúa Cứu Thế Giê-xu mà không có kinh nghiệm như các sứ đồ đầu tiên đã kinh nghiệm. Giăng nói: Chúng tôi là nhân chứng. Chúa đã nói trực tiếp với chúng tôi, Chúa ban Thánh Linh cho chúng tôi và chúng tôi nhận được quyền năng từ Chúa ban. Bây giờ chúng tôi muốn mời anh chị em chia sẻ niềm vui này và kinh nghiệm với chúng tôi. Nghĩa là cùng một kinh nghiệm gặp và biết Chúa.
Người ta thường nói rằng: Mỗi cuộc phục hưng thật sự về đạo Chúa, phải là một cuộc trở về kinh nghiệm của Hội Thánh đầu tiên; mỗi một cuộc chỗi dậy xẩy ra trong Hội Thánh chỉ là cuộc trở lại những gì đã được mô tả trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ.
Trong lịch sử Hội Thánh, cuộc phục hưng tâm linh này chỉ là nhắc lại cuộc phục hưng tâm linh trước đó. Đọc gương chứng của các cuộc phục hưng trong các thế kỷ, người ta không thấy có gì khác cho lắm, nghĩa là cũng cùng nhưng phương thức và kết quả, nói tóm lại, là cùng một kinh nghiệm. Cùng những hiện tượng, những kinh nghiệm, và những kết quả như nhau. Kinh nghiệm tin Chúa, gặp Chúa đều chỉ có một mẫu mực.
Ta thử đọc tiểu sử của những người nổi danh trong Hội thánh, ta sẽ thấy gần như kinh nghiệm của họ giống hệt nhau. Những người như Phao-lô, Augustine hay Martin Luther, đều trải qua những kinh nghiệm như nhau, mặc dù sống xa nhau hằng trăm hằng nghìn năm.
Một nhận xét nữa là kinh nghiệm của người tin Chúa không khác biệt tùy theo cá nhân. Dĩ nhiên các cách đi vào kinh nghiệm có thể khác nhau. Có người gặp Chúa trong một cuộc phục vụ; người khác gặp Chúa khi đọc Kinh Thánh. Không sao cả, vì kinh nghiệm vẫn chỉ là gặp Chúa, dù cách gặp có khác nhau.
Ta chú trọng vào kinh nghiệm chứ không phải con đường đi vào kinh nghiệm. Nhà tâm lý có thể bảo rằng: Hiện týợng tin Chúa chỉ là vấn ðề thuộc về tính khí, về cảm xúc của con ngýời., và mỗi ngýời khác nhau về tính khí cũng nhý về tâm lý. Nhưng điều vinh quang trong kinh nghiệm Cơ-đốc-giáo là dù tâm lý những người tin Chúa có như thế nào, hay tính khí tự nhiên của họ ra sao chăng nữa, thì tất cả những người tin nhận Chúa đều chỉ kinh nghiệm cùng một kinh nghiệm mà thôi.
Ngay trong các sứ đồ ta cũng thấy có 12 ý kiến và tính tình. Người thì bốc đồng hấp tấp, kẻ khác trầm ngâm lý luận, người lại ủy mị bi quan, nhưng tất cả đều có chung một kinh nghiệm sống với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lòng tin nơi Chúa có thể khiến cho người uỷ mị trở thành vui tươi, và làm cho người bi quan theo bẩm sinh lại trở thành người vui ngay cả trong những cơn bách hại. Như thế gạt ra ngoài những yếu tố cá nhân hay tính khí, tất cả những người đã tin nhận Chúa đều chỉ có một kinh nghiệm mà thôi. Kinh nghiệm ấy từ thế kỷ thứ nhất đến nay vẫn không có gì khác cả và cũng không bao giờ có thể khác được.
Thường có nhiều người cho rằng những hoàn cảnh của chúng ta trong thế kỷ này trước kia chẳng bao giờ xảy ra. Vì chúng ta thuộc về thế hệ mà văn hóa và khoa học đều phát triển tột bậc.. Người xưa thường tin và kinh nghiệm nhiều điều, nhưng chúng ta với bối cảnh sống khác hẳn không nên trở lại với những điều cổ lỗ ấy vì không hợp thời nữa rồi. Nhưng kinh nghiệm tin Chúa và gặp Chúa hoàn toàn độc lập với thời gian và không gian, kinh nghiệm ấy có tính cách vĩnh hằng. Thử đọc tiểu sử những người tin Chúa trong các thế kỷ khác nhau, ta có thể thấy rằng kinh nghiệm biết Chúa của tất cả đều như nhau. Vì vậy, điểm chủ yếu trong việc tin Chúa là phải có kinh nghiệm của người tin Chúa từ thế kỷ thứ nhất.
Tại sao ta phải dài dòng về kinh nghiệm biết Chúa này?
1. Trước tiên là vì kinh nghiệm ấy không phải là một điều mang tính chất chủ quan; nhưng chính là kết quả của một điều đặt cơ sở trên niềm tin vào một chân lý khách quan. Vì kinh nghiệm chủ quan thay đổi tùy theo cá nhân, theo thời gian và theo từng hoàn cảnh, nhưng đây là một kinh nghiệm chung cho tất cả những người đã tin Chúa Giê-xu vì đặt căn bản trên một chân lý khách quan. ‘Điều có từ ban đầu là điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm, chính là Lời sống’.
Tác giả Giăng không viết rằng: Tôi đã kinh nghiệm một điều kỳ diệu và các Sứ đồ cũng vậy. Không, Giăng viết: Chúng tôi đã thấy, chúng tôi đã nghe điều chính Chúa Cứu Thế đã nói ra, đã thể hiện. Nghĩa là căn cứ vào chân lý khách quan; đây chính là một đáp ứng và một phản ứng đối với chân lý đó, và vì tính chất không chủ quan nên đây là một kinh nghiệm lúc nào cũng mang cùng một bản sắc.
2. Thứ hai, kinh nghiệm của người tin Chúa không những chỉ đặt cơ sở trên chân lý khách quan, kinh nghiệm ấy còn luôn luôn căn bản trên cùng một chân lý nữa – kinh nghiệm ấy luôn luôn đặt căn bản trên Chúa Cứu Thế Giê-xu, và luôn luôn phát huy từ chính Chúa. Ta để ý thì thấy Giăng đặt Chúa Cứu Thế Giê-xu ngay từ đầu và sau đó tất cả mọi sự việc đều có quan hệ với Chúa cả. Vì đây là kinh nghiệm do các kết quả đưa đến từ cùng một chân lý, nên tất nhiên là phải cùng một kinh nghiệm, nghĩa là cùng nguyên nhân thì phải đưa đến cùng một kết quả.
Nói khác đi, kinh nghiệm của người tin Chúa đặt cơ sở trên việc nhận lãnh sự sống vĩnh hằng. Đức Chúa Trời là Đấng ban cho sự sống vĩnh hằng trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. vì cùng là người ban, cùng là tặng phẩm dĩ nhiên người nhận phải có cùng một kinh nghiệm. Như thế nếu kinh nghiệm về Chúa của chúng ta đặt căn bản trên hiểu biết của chúng ta hay trên những hoạt động hoặc là những cố gắng nỗ lực của mình, dĩ nhiên sẽ khác tùy theo từng trường hợp. Người khôn ngoan và người không khôn ngoan có thể không cùng một kinh nghiệm, nhưng điều huyền diệu của người tin Chúa là tất cả chúng ta đều được nhận sự cứu rỗi như là một tặng phẩm vô điều kiện của Chúa ban cho. Mỗi người đếu nhận tặng phẩm hệt như nhau do từ cùng một người cho vì thế phải cùng có một kinh nghiệm y như nhau.
Nếu kinh nghiệm như nhau thì có thể đem ra xem xét thử nghiệm. Toàn bộ thư Giăng thứ nhất trở đi trở lại nhiều lần với việc kiểm nghiệm này. Giăng quan tâm đến việc kinh nghiệm được đem ra kiểm nghiệm. Ông còn bảo mọi người tin Chúa phải thử nghiệm cả các thần linh nữa. Lý do là vì đương thời có nhóm triết học gọi là Khả Tri hay là Gnostic. Nhóm này tuyên bố rằng: Chúng tôi có một kinh nghiệm với những điều nhìn thấy rất huyền diệu, nhưng không ai có thể thắc mắc hay khảo nghiệm gì được.
Ngững người này coi kinh nghiệm của họ là một điều huyền bí không thể đặt câu hỏi hay xem xét gì được. Họ bảo: Chúng tôi không muốn để ý đến giáo lý hay thần học hoặc là căn bản của các anh. Chúng tôi đã kinh nghiệm một điều, điều đó rất huyền bí không khảo nghiệm được.
Tuy nhiên theo lời dạy của Kinh Tân Ước thì đó là điều hoàn toàn sai lạc. Vì kinh nghiệm biết Chúa của người tin Chúa thật, như chúng ta đã đề cập, luôn luôn là kinh nghiệm y hệt như các sứ đồ trong thế kỷ thứ nhất, vì cùng đặt cơ sở trên cùng một chân lý, lẽ thật và là kết quả của cùng một ân huệ ban cho do từ cùng một đấng ban. Đây là một kinh nghiệm có thể kiểm chứng, có thể chất vấn, và đó cũng là cách để bảo vệ chúng ta khỏi những tà thuyết huyền bí và lời dạy giả trá là những điều trá hình là giáo lý Cơ-đốc chân chính, nhưng thực ra chẳng có gì hơn là một số điều thuộc hiện tượng tâm lý, nhiều khi còn là huyền hoặc nữa.
Điều này trong thời hiện đại hay ngày xưa cũng vẫn như thế. Có những người vẫn tự huênh hoang tuyên bố rằng họ biết một loại đời sống Cơ Đốc cao hơn, khác với chúng ta là những tín hữu tầm thường. Họ có thể bảo chúng ta phải nghe họ vì họ được mạc khải những điều cao trọng và kinh nghiệm rất khác thường. Đây không phải là điều sứ đồ Giăng dạy. Kinh nghiệm của ông hoàn toàn căn bản trên chân lý và lời dạy khách quan. Kinh nghiệm ấy có thể chất vấn, khảo hạch, vì lúc nào cũng có những kẻ giả mạo, những kẻ thù của Chúa Cứu Thế và các tà linh. Nếu ta là tín đồ thật của Chúa thì việc thử nghiệm là một điều ta hân hoan đón nhận, vì vàng thật không sợ lửa.
3. Thứ ba, kinh nghiệm tin Chúa là dành cho tất cả mọi người.
Việc chúng tôi thấy và nghe nay trình bầy cho anh em để anh em cũng tương giao với chúng tôi… Cảm tạ ơn Chúa kinh nghiệm này không dành riêng cho các Sứ Đồ vì họ được sống thật với Chúa mà thôi, nhưng cũng cho mỗi chúng ta ngày nay nữa. Chúng ta phải nắm vững điểm này. Nhiều người ước ao được trực tiếp thấy Chúa để tin Chúa cho dễ hơn. Nhưng không phải như vậy. Giăng nói rằng: Những gì chúng tôi đã nghe, đã thấy, nay truyền lại cho anh em. Nghĩa là kinh nghiệm ấy anh chị em cũng có được y như chúng tôi vậy. Anh chị em không trực tiếp thấy Chúa, chúng tôi thấy Ngài, nhưng kinh nghiệm cũng sẽ như nhau.
Vì vậy những gì các sứ đồ kinh nghiệm trong cuộc sống theo Chúa viết lại là để chúng ta kinh nghiệm chứ không phải chiêm ngưỡng mà thôi.
Ta cũng nên nhớ rằng kinh nghiệm ấy không phải chỉ riêng cho một số người, là những người gọi là có cảm ứng về tôn giáo mà thôi, hay là những người cho rằng có khuynh hướng về tôn giáo. Nhưng kinh nghiệm này là cho tất cả mọi người, vì chỉ có một kinh nghiệm, do cùng một Đấng ban phát một ân huệ duy nhất. Kinh nghiệm này hôm nay là cho tôi, cho bạn, vì kinh nghiệm ấy không căn cứ trên việc chúng ta là ai, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa, ân sủng của Ngài, điều Ngài muốn và sẵn sàng ban cho.
Cuối cùng, kinh nghiệm đó là gì? Đó là kinh nghiệm tương giao với Chúa Cha và với Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đó là kinh nghiệm biết Chúa!
Từ lúc đầu, chúng ta đã nói đến việc người tin Chúa phải biết mình sở hữu điều gì. Câu hỏi là: Bạn có biết Chúa không? Việc biết Chúa đã đưa đến những gì trong đời bạn khiến bạn trông mong chia sẻ kinh nghiệm ấy với người khác? Bạn có biết kinh nghiệm được diễn tả trong toàn bộ Kinh Tân Ước không? Khi bạn đọc Kinh Thánh Tân Ước, bạn có tự nhủ rằng: ‘tôi biết kinh nghiệm đó, tôi biết thế nào là ‘người cũ’, ‘người mới’. Tôi biết khi tác giả nói về việc biết những điều chưa thấy và tôi cũng biết quyền năng của Thánh Linh vận hành nữa.’ Đây là một kinh nghiệm cụ thể và có thể đem ra khảo hạch hay xem xét, và cho chúng ta trở thành những người được tham dự vào những điều mà sứ đồ Giăng nói đến.
Nguyện xin Chúa cho chúng ta được ân sủng và sức mạnh của Ngài để tự xét mình dưới ánh sáng của các lời dạy này. Đây là kinh nghiệm biết Chúa căn bản mà mỗi chúng ta phải bước vào, phải sống mỗi ngày, nếu chúng ta tự nhận mình là người tin Chúa.
Bạn thân mến, nếu bài học Kinh Thánh hôm nay đem lại hữu ích nào cho bạn, xin bạn hãy cầu xin Chúa giữ lời Chúa trong tâm hồn và sống áp dụng vào thực tế. Bạn đã kinh nghiệm về Chúa nhưng có bao giờ chia sẻ kinh nghiệm đó không? Chúng tôi ước mong bạn sẽ gặp một người nào đó trong ngày hôm nay, ngày mai hay trong tuần này để nói về kinh nghiệm biết Chúa của bạn và mời người ấy tin Chúa. Bạn có thể giới thiệu Đạo Chúa cho bạn bè và những người bạn gặp gỡ, đây cũng là cách đưa người đến kinh nghiệm tin Chúa. Cầu Chúa hướng dẫn bạn.
Bài 6
Vì Chúa Cứu Thế Giê-xu
Việc chúng tôi thấy và nghe nay trình bầy cho anh em để anh em cũng tương giao với chúng tôi, thực sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha và với Cứu Chúa Giê-xu là Con.
I Giăng 1:3
Ngày nay khi nhìn vào thế giới mình sống với những cuộc chiến tranh, những sự cố, những hi vọng giả trá và đau khổ, những người bất mãn và những người thực tâm chú ý và quan tâm bắt buộc phải hỏi rằng: Tại sao thế giới lại như vậy? Nan đề của thế giới con người là gì?
Đây chính là chỗ mà dân Chúa phải phát biểu, vì đó chính là lý do mà tin mừng xuất hiện. Nếu mỗi người tin Chúa được kêu gọi để làm một điều hơn tất cả mọi người khác trên đời này, thì điều đó chính là phổ truyền lời của tin mừng, nghĩa là công bố lời dạy của Chúa trong hoàn cảnh của thế giới, thích ứng ngay cho các sự việc đang xảy ra. Đây là lúc mà tư duy của thế giới đã đến cùng đường; thế giới đang ngỡ ngàng, không hiểu được các hoàn cảnh, tất cả những lời tiên đoán đều trở thành sai lạc, tất cả những hi vọng trông mong đã rơi xuống tan tành, và người đời đang sống trong hoang mang.
Thật ra người tin Chúa không ngạc nhiên trước tình trạng của thế giới, vì lời Chúa đã cho chúng ta biết rằng ‘chúng ta thuộc về Chúa, còn cả thế gian đều ở dưới quyền của ma quỷ‘.
Thi Thiên 76:10 ghi rằng: Cơn giận loài người càng làm cho Chúa được ca ngợi.
Câu này nguyên văn là: Chắc chắn cơn giận của con người sẽ ca ngợi Chúa. Vì chính cơn giận của loài người đã tạo nên một thế giới hỗn loạn như hiện tại để minh chứng lời Kinh Thánh là chân thật, đó là thế gian thuộc về Chúa đời này là Ma-quỷ, là vua của cõi không gian, nhưng danh hiệu mà Kinh Thánh dùng để nói về sức mạnh tội ác chống nghịch lại Đức Chúa Trời.
Người tin Chúa Giê-xu không ngạc nhiên, vì hiểu rằng có một căn gốc tội ác trong đời sống con người và đau khổ là kết quả của cuộc sa ngã của loài người từ ban đầu, cho nên thế giới không còn gì tốt đẹp nữa mà chỉ như chúng ta thấy trước mắt. Người tin Chúa không bị lôi cuốn vào những hi vọng giả trá, và cũng không hoang mang nghi ngờ.
Nhưng người tin Chúa không phải chỉ có thái độ sống tiêu cực. Phúc âm hay tin mừng của Chúa Giê-xu cho chúng ta một lời giải thích thỏa đáng tại sao thế gian lại như hiện đại. Phúc Âm đó dạy rằng tất cả nan đề đều là vì con người nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời, và không chống lại điều gì khác hơn. Chúng ta không mất thì giờ phân tích các lý thuyết chính trị. Ngay chiến tranh cũng không thế nào giải nghĩa theo các lý thuyết đó. Ta không thể nào giải thích các cuộc chiến tranh theo lập luận của những người như Hitler hay là theo chủ nghĩa bành trướng thống trị của thực dân. Các lý thuyết chính trị, kinh tế và xã hội cũng như các ý thức hệ đều không đủ khả năng để phân tích và giải thích tình trạng thế giới, nhưng với cái nhìn trong niềm tin đặt nơi Chúa chúng ta hiểu rõ. Chúng ta biết không thể giải thích theo bề mặt, mà phải đào sâu hơn nhiều. Vì những hiện trạng chỉ là những thể hiện vì nguyên nhân của mọi nan đề là mỗi một người trên đời đều sống trong vị thế phản động chống lại Đức Chúa Trời.
Đây chính là thực chất của sứ điệp Kinh Thánh, đó là từ ban đầu Đức Chúa Trời đã đặt con người sống trong một tình trạng phước lạc và hoàn hảo, nhưng con người tự cho sự sống như vậy là phải phụ thuộc vào Đức Chúa Trời. Họ đã nổi loạn và đưa đến hậu quả tai hại mãi tận ngày nay. Hành vi nổi loạn khởi nguyên này đã phát sinh ra sợ hãi, đó là khi con người nhận ra rằng mình không nên làm điều đã phạm, và tất nhiên nỗi sợ ấy dẫn đến ganh ghét, thù hận nhau.
Khi con cái họ được sinh ra thì tâm tính tham lam và ghen tỵ tiếp tục truyền lại, nỗi buồn này dẫn đến nỗi buồn khác. Lý do của tất cả những hậu quả tai hại này có thể lý giải là con người vẫn có lòng trông mong trở về cuộc sống đầu tiên với Đức Chúa Trời, trong mối quan hệ cha con, trong hạnh phúc thật với ý nghĩa trọn vẹn và tối hậu. Những điều này chỉ có thể thực hiện khi con người bằng lòng theo đúng quy luật sống mà từ lâu đã khước từ, nên mới kinh nghiệm toàn là rối loạn, bất hạnh và khốn khổ. Quy luật của sự sống là trở về với nguồn sống, với đấng sáng tạo từng đặt ra mọi định lệ trong vũ trụ kể cả các quy luật luân lý đạo đức.
Như thế Kinh Thánh dạy rằng, thế giới hiện tại đang trong tình trạng xa cách hẳn đối với Đức Chúa Trời. Thế gian nổi loạn phản nghịch Đức Chúa Trời nên mới tự sinh ra bao nhiêu khốn khổ. Kinh Thánh không cần phải lý luận về việc này, nhưng bảo cho biết như vậy, và toàn thể tình trạng thế giới hiện đại chứng minh điều này là chân xác. Kinh Thánh nói rằng con người có thể làm bất cứ điều gì, có thể tổ chức, hội họp, bàn thảo kế hoạch hay đẹp và khoa học đến đâu chăng nữa không vẫn không ích lợi gì vì khi nhân loại sống trong mối quan hệ không đúng đối với Đức Chúa Trời, thì có làm gì chăng nữa cũng không bao giờ khá hơn được, mà trái lại càng ngày càng sa sút hơn mà thôi.
Thánh Augustine nói rằng: Chúa đã tạo dựng chúng con cho riêng Ngài, và linh hồn chúng con vẫn bất an cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa. Cuộc bất an này xẩy ra trong tâm hồn cá nhân, cộng đoàn, xã hội, quốc gia và cuối cùng là toàn thể thế giới. Như vậy chỉ vì tội phản loạn mà thế giới của chúng ta đã ra như hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là: Có hi vọng nào hay chăng? Có thế làm gì được không? Sứ điệp của Giáo Hội Cơ Đốc cho một thế giới như hiện nay là gì? Đây là những câu hỏi then chốt mà Giáo Hội và người tin Chúa phải trả lời.
Người ta tưởng rằng người tin Chúa và giáo hội phải góp phần vào việc thay đổi xã hội bằng cách đưa ra những phương cách giải trừ tệ đoan trong xã hội, hoặc là kêu gọi mọi người áp dụng các nguyên tắc của Kinh Thánh. Nhưng theo Kinh Thánh, các việc làm này hoàn toàn phí thì giờ. Qua lịch sử, nhiều lĩnh tụ Giáo Hội đã lên tiếng kêu gọi thường xuyên và được các cơ quan truyền thông thế giới đăng tải những bài nói rất hùng hồn, nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Vì vấn đề căn bản là: Chúng ta có quyền gì truyền bảo cho một thế giới vô đạo, phản nghịch Đức Chúa Trời thực hành những nguyên tắc Cơ Đốc? Thế giới này có tin nhận Chúa Cứu Thế đâu, có công nhận Ngài là vị cứu tinh duy nhất đâu? Thế gian không có cách nào làm theo lời Chúa dạy nếu người đời chưa bao giờ tin nhận Chúa.
Người không tin Chúa không thể nào theo đúng Mười Điều Răn hay là lời dạy cao vời vợi trong Bài Giảng Trên Núi. Nói với họ những điều này là vô ích.
Như thế giải pháp cho thế giới hư vong ngày nay là gì?
Đây chính là điều Sứ Đồ Giăng nói đến trong bức thư của ông mà chúng ta đang nghiên cứu.
Nguyên nhân của tất cả vấn đề là nhân loại không sống trong tương giao với Đức Chúa Trời, và loài người đã mất hẳn ý niệm về Đức Chúa Trời. Chúng ta không còn biết đến Đức Chúa Trời, chúng ta ở ngoài quan hệ với Ngài. Tất cả nan đề sẽ không bao giờ được giải quyết nếu con người không chịu hạ mình nhìn nhận Đức Chúa Trời và quay về với Ngài.
Cuộc đời mỗi người lúc nào cũng thiếu thốn, hụt hẫng cho đến khi nào tìm vào tương giao thật với Chúa. Nhu cầu cấp thiết nhất, quan trọng nhất của nhân loại, của mỗi người là nhận biết Đức Chúa Trời, tương giao quan hệ với Ngài, đó là điều căn bản.
Chúng ta lại không thể nào có quan hệ tốt với ai, nếu chưa có quan hệ tốt với Chúa. Sứ Đồ Phao-lô dạy: Anh chị em được trở thành một vì cả hai đã được hòa giải với Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bức tường chia cắt ở chính giữa đã bị xô đổ. (Ê-phê-sô 2:14.)
Như thế con người chống nhau, nước này thù nước nọ chỉ vì người ta không công nhận Đức Chúa Trời và cách duy nhất để người hòa với người là cả hai phải làm hòa với Đức Chúa Trời.
Điều cần nhất đối với mỗi người hiện nay là biết Đức Chúa Trời, trở về tình trạng tương giao, quan hệ bình thường với Đức Chúa Trời. Nghĩa là không còn sống phản nghịch nữa. Sứ điệp của Giăng là kêu gọi mọi người hạ mình tin nhận Chúa và được tha thứ, được tái tạo để xứng đáng làm con trong gia đình Chúa, nghĩa là tương giao với Chúa. Giăng nói rằng: Việc chúng tôi thấy và nghe nay trình bầy cho anh em để anh em cũng tương giao với chúng tôi, thực sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha và với Cứu Chúa Giê-xu là Con.
Đó chính là tương giao mà chúng ta nói đến trong bài hôm nay.
Bạn thân mến, bạn đang sống như thế nào? Trong hoàn cảnh nào? Dù cuộc sống của bạn ra sao, bạn nên nhớ rằng, nếu bạn chưa được giải quyết tình trạng sống ở bên ngoài cuộc tương giao, quan hệ với Đức Chúa Trời, thì bạn vẫn là con người bất hạnh và chỉ chờ đợi thêm những khốn khổ trong cuộc đời. Việc cần nhất cho bạn hiện nay không phải là cơm áo, tiền của, địa vị, học vấn hay bất cứ thứ gì khác, nhưng chính là biết Chúa và đến với Chúa để được tha tội, tái tạo, và sống an bình trong Chúa. Bạn không thể nào sống bình thường được cho đến khi nào quan hệ giữa bạn và Chúa được giải quyết. việc ấy bạn có thể làm ngay giờ phút này và bạn sẽ không bao giờ hối tiếc về quyết định này.
Hạnh phúc đang chờ đợi bạn, bạn có lý do nào khác để chần chờ không?
Sứ đồ Giăng viết: Việc chúng tôi thấy và nghe nay trình bầy cho anh em để anh em cũng tương giao với chúng tôi, thực sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha và với Cứu Chúa Giê-xu là con.
Câu Kinh Thánh này có thể hiểu là, chúng ta có được tương giao với Chúa Cha là nhờ Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đã làm gì cho chúng ta được tương giao với Chúa Cha là Đức Chúa Trời cao cả vĩnh hằng?
Có một số điều kiện căn bản trước khi ta được hưởng tương giao với Chúa.
Trước tiên là các trở ngại hay vật cản. Vì hễ có các chướng ngại này tương giao sẽ không bao giờ thiết lập được. Trong các quan hệ thông thường cũng như trong quan hệ với Chúa.
Các trở ngại đó có thể là nghi ngờ hay không tin tưởng, nếu có một vấn đề nào, động cơ thúc đẩy nào khiến ta không tin được nhau, hoặc là đã có một việc gì xảy ra làm tổn thương nhau, thì tương giao chắc chắn bị gián đọan. Mối tương giao thân mật đòi hỏi phải dời bỏ mọi chướng ngại ngăn cách hay bất cứ điều gì nghi ngờ không chắc chắn giữa đôi bên.
Giữa con người với Đức Chúa Trời thì sao? Trên căn bản, giữa con người và Đức Chúa Trời có một khoảng cách to lớn. Trở ngại lớn nhất giữa Đức Chúa Trời và con người là tội ác. Tội ác đã có mặt giữa con người và Đức Chúa Trời như một bóng tối dày đặc kinh khủng. Ngày xưa khi Đức Chúa Trời tạo dựng ra người thì bóng tối dày đặc không có ở đó, và con người nhìn thấy được Đức Chúa Trời, nhưng đám mây tội ác đã xuất hiện và che khuất. Đức Chúa Trời là đấng toàn thánh, toàn thiện, không thể coi con người phạm tội là vô tội được. Vì thuở ban đầu Đức Chúa Trời đã cảnh cáo người là không được phạm tội, vỉ phạm tội thì sẽ chết. Chúa dặn con người là hễ đi đến vùng bị cấm, sẽ bị trừng phạt và trừng phạt đó là chết, chết cả về thể xác lẫn tâm linh. Chết về tâm linh nghĩa là không còn được nhìn thấy Đức Chúa Trời nữa và mối quan hệ cũng chấm dứt. Con người đã phạm tội, và Chúa đã nổi giận. Tội ác chính là vật cản giữa Chúa và người.
Mặt khác, vật cản là tội ác giữa Chúa và người cũng khiến cho con người vì mặc cảm tội ác có cảm nghĩ rằng Chúa rất bất công. Một đứa bé không vâng lời luôn luôn có thái độ ghét cha mẹ. Tội ác thường đưa đến hậu quả như thế, đó là luôn tìm cách bào chữa và đổ lỗi. Con người vì phạm tội, có mặc cảm phạm tội và lại có những ý nghĩ không đúng đối với Đức Chúa Trời. Con người bảo rằng nếu Đức Chúa Trời đừng có những luật cấm thì sẽ không có vi phạm. Dần dần, con người còn đi đến chỗ phủ nhận luật cấm của Chúa nữa. Con người lý luận và đặt thêm nhiều vật cản khác giữa Đức Chúa Trời và chính mình. Tất nhiên khi có vật cản là tội ác, thì hai bên không còn tin cậy và thân thiện nữa.
Giăng muốn cho mọi người biết rằng, giải pháp để cho Đức Chúa Trời và con người thuận hòa lại là nhờ Chúa Cứu Thế Giê-xu. Giăng bảo rằng, mối tương giao mà con người đã mất đối với Đức Chúa Trời có thể tìm lại được.
Tìm lại bằng cách nào?
1. Giăng cho biết chính Chúa Cứu Thế đã dời bỏ chướng ngại giữa Đức Chúa Trời và con người là tội ác. Chúa Giê-xu đã chết trên thập giá để làm sinh tế chuộc tội cho mỗi người. Đó là lý do thập tự giá phải được đặt giữa lời giảng của người tin Chúa. Ta không thể nào tránh thập tự giá mà có được quan hệ với Đức Chúa Trời. Thành ra bất cứ phương cách nào gọi là để giải thoát con người khỏi tội ác và cho được tái lập quan hệ với Đức Chúa Trời mà không cần giải pháp thập tự giá, đều là sai lạc và mơ hồ. Ngay cả những người cố công tu thân tích đức hay thờ cúng chân thành, cũng sẽ không đạt đến được chỗ giải thoát mà còn mang thêm tội không thờ Chân Thần nữa.
Vì Đức công chính và thánh thiện của Đức Chúa Trời đòi hỏi rằng tội phải bị trừng phạt. Chúa đã khẳng định: linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết. Lời tuyên bố đó không thể nào rút lại hay thay đổi. Luật lệ của Chúa tuyệt đối vững vàng. Nhưng Chúa Giê-xu đã bằng lòng vào đời làm một người, và sau đó để Đức Chúa Trời chồng chất tội ác của toàn thể nhân loại trên Ngài và chịu hi sinh đền tội cho tất cả. Đức Chúa Trời đã chấp nhận sinh tế chuộc tội đó và bằng lòng tha thứ tội cho những ai tin nhận Chúa Giê-xu là đấng chết thay tội cho mình.
Đây là điều huyền nhiệm khó hiểu, nhưng chính là thông điệp quan trọng nhất của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Cũng là tin mừng cho tất cả mọi người vì là giải pháp duy nhất để giải phóng con người khỏi tội ác và mở lối tương giao với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã trừng phạt tội của bạn và tôi qua cái chết của Chúa Giê-xu, vật cản tội ác đã được dời bỏ. Đức Chúa Trời đã thỏa mãn vì có việc đền tội. Cơn giận trừng phạt tội của Chúa đã nguôi.
Có người nghĩ rằng khi Chúa sai Chúa Giê-xu vào đời chuộc tội cho nhân loại là Chúa đã thay đổi. Không, Chúa vẫn là tình thương, và vì tình thương, Chúa đã ban một phương cách để cứu nhân loại tuyệt vọng trước công lý của Ngài. Khi Chúa Giê-xu chết trên thập giá, Đức Chúa Trời vừa thỏa mãn về phương diện tình thương lại vừa thỏa mãn về phương diện công lý. Tương quan giữa Đức Chúa Trời và con người được tái lập vì vật cản là tội đã được dời bỏ. Trong niềm tin đặt nơi Chúa Cứu Thế con người được tự do đến với Đức Chúa Trời.
Như thế điều kiện ưu tiên để con người được tương giao với Đức Chúa Trời là tội phải được dời bỏ.
2. Điều kiện thứ hai là hai bên phải có những điều tương đồng căn bản. Đây là điểm mà Kinh Thánh hay đề cập tới và cũng đúng trong đời thường. Có nhiều người trong đời này chúng ta biết, nhưng không thích và không muốn giao lưu. Lý do là vì có nhiều điểm dị đồng, không có cùng những sở thích căn bản. Như vậy, muốn có tương giao thân thiết thì ít nhất cũng phải có tương đồng về căn bản đã. Phao-lô trong 2 Cô-rinh-tô 6:14 ghi rằng: ..Đức công chính không thể kết hợp với tội ác, cũng như ánh sáng không thể hòa đồng với bóng tối.
Như vậy có nhiều yếu tố trong đời không thể nào hòa lẫn được.
Bây giờ đem áp dụng vào việc con người tương giao với Chúa. Trước khi con người muốn biết Thương Đế và bước vào tương giao thân thiết với Ngài, họ phải giống Chúa đã. Câu nói này dường như nói quá, nhưng đó chính là phát biểu của Kinh Thánh Tân Ước. Kinh Thánh Tân Ước dạy rằng một người không thể nào thực sự biết Đức Chúa Trời nếu người ấy không có bản chất của Đức Chúa Trời. Việc ấy chỉ một mình Chúa Giê-xu làm nổi. Giăng dạy rằng: Biết Chúa để có được tương giao với Đức Chúa Trời là Cha và con Ngài là Giê-xu. Sau đó ông dạy cho biết phương cách nào để trở thành con của Đức Chúa Trời, Phi-e-rơ thì nói đến việc ‘cùng chia phần bản tính thiêng liêng với Ngài’.(2 Phi-e-rơ 1:4).
Chúa Giê-xu tuyên bố rằng Ngài đến cho chiên được sống và sống dư dật. Những người tin nhận Chúa Giê-xu là được tái sinh và tái tạo, trở thành một tạo vật mới hoàn toàn, vì vậy mới có thể tiếp cận với Đức Chúa Trời. Những người ấy sẽ kinh nghiệm việc sống trong Chúa và Chúa sống trong cuộc đời mình.
Chúng ta đừng tưởng rằng cuộc đời tin Chúa chỉ có nghĩa là được tha thứ, nhưng còn được tái tạo và tương giao với Chúa nữa. Tân ước gọi là tái sinh, và Phao lô mô tả kinh nghiệm này là: Bây giờ không phải tôi sống nữa, nhưng Chúa sống trong tôi.
3. Điều thứ ba cho việc tương giao với Chúa được thực hiện ta cần phải có chung một tình thương. Chúng ta phải thương yêu không ngờ vực, hoàn toàn tin cậy và hiểu biết. Người ở bên ngoài Chúa Giê-xu có thể tin nhận Đức Chúa Trời là đấng sáng tạo, Đấng cầm quyền trên tất cả. Chúng ta cũng có thể có những ý niệm và quan điểm triết lý về Đức Chúa Trời, nhưng không ai có thể tương giao với Đức Chúa Trời mà không cùng một tình thương. Chỉ khi nào ta thật sự kính yêu Đức Chúa Trời trong niềm tin đặt nơi Chúa Giê-xu, ta mới có tương giao thật. Đạo Chúa là đạo của tình yêu. Chúa thương yêu và chúng ta cũng phải kính yêu Chúa, như thế tương giao mới thắm thiết.
Thế giới con người sở dĩ như ngày nay vì không có tương giao với Đức Chúa Trời. Một thế giới khốn khổ, lầm lạc với tất cả những chuyện giết chóc trong chiến tranh và những hư hỏng trong nền luân lý đạo đức. Thông điệp của Giăng đưa ra là: ngay giữa một thế giới như ngày nay, điều căn bản là phải thiết lập mối tương giao với Đức Chúa Trời. Tội ác phải được dời chỗ,
Cuộc đời phải được tái tạo bằng tình thương và con người lại giao hoà với Đức Chúa Trời. Khi đã có mối tương giao này, ta có thể kinh nghiệm điều mà chính Chúa Giê-xu đã kinh nghiệm, đó là dù phải chịu khổ sở chông gai trong đời, nhưng càng ngày càng thắm đượm tình thương của Chúa và sẵn sàng loan tin mừng cho mọi người có mặt bên cạnh mình. Nên nhớ rằng, dù sao, những người ấy chưa biết Chúa, chưa tin nhận Ngài và chưa được giải cứu.
Câu hỏi thách thức là: Chúng ta có niềm vui tái tạo và tương giao với Chúa trong tình thương không, hay vẫn còn sống trong đau buồn tuyệt vọng. Chúng ta có được ân sủng mà Đức Chúa Trời ban cho mỗi người chăng?
Bài 7
Biết Đức Chúa Trời
Thật sự là tương giao của chúng ta với Chúa Cha và với con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.
I Giăng 1:3
Một lời tuyên bố như vừa kể đáng cho người đọc phải sợ hãi và run rẩy. Môi-se ngày xưa khi thấy bụi gai cháy đến gần nhìn thì được dạy rằng: Hãy cởi giày ra khỏi chân ngươi, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh. (Xuất 3:5). Làm thế nào ngày nay ta dám đề cập đến tương giao với Chúa mà không sợ khinh xuất? Nhưng biết Chúa hay giao ngộ với Chúa chính là thông điệp trung tâm của Cơ-đốc-giáo.
Sứ đồ Giăng nhấn mạnh: Thật sự là…ngụ ý chắc chắn, không phải là lý thuyết hay trừu tượng nữa. Tuy nhiên Thật sự là…cũng mang theo một ý nghĩa ngạc nhiên nữa. Dĩ nhiên là chắc chắn như thế, nhưng càng nhận ra việc này thật bao nhiêu thì ta càng ngạc nhiên bấy nhiêu. Đây không phải là ngạc nhiên của người vô tín, nhưng ngạc nhiên của người hết lòng tin vì đây chính là một kinh nghiệm lại vừa là mục đích của người tin Chúa. Toàn bộ mục tiêu của kinh nghiệm về Chúa cũng như đức tin và giáo lý Cơ-đốc đều gói ghém trong việc biết Chúa và giao ngộ với Ngài.
Khi xét lại chính mình và kinh nghiệm của mình, chúng ta có thể thành thật bảo rằng đây chính là quan niệm căn bản về đời sống tin Chúa của chúng ta hay không? Đây có phải là thói quen suy tư của chúng ta về cuộc đời ấy và tất cả ý nghĩa của nó hay không? Đọc một phát biểu như của Giăng, ta phải thành thật nhận tính cách không xứng đáng và thất bại của cuộc sống mình. Mặc dù chúng ta đã đi xa đến đâu trong cuộc đời theo Chúa, khi đối diện với một lời tuyên bố như thế liệu chúng ta có thấy mình đang sống trong vị thế đáng sợ hay đang ở một cấp độ thấp và không sẵn sàng bước vào một niềm tin huyền nhiệm quan hệ đến chính mình hay không?
Người tin Chúa Giê-xu không phải chỉ là những người chỉ chú trọng đến việc áp dụng các nguyên tắc Cơ-đốc vào mọi mối quan hệ và lĩnh vực trong đời. Tất nhiên quan tâm như thế là đúng, nhưng đó không phải là điều thực sự khiến họ trở thành người tin Chúa thật. Ngày nay nhiều người chỉ đơn giản quan niệm như thế mà thôi.
Người ta thường nghĩ người tin Chúa Giê-xu là người quan tâm đến luân lý đạo đức và cố đem lời dạy của Chúa trong kinh Tân Ước áp dụng vào cuộc đời. Đó chính là một phần của đời sống tin Chúa, nhưng chúng ta ngừng lại tại đó, thì theo một ý nghĩa, chúng ta chưa vào kinh nghiệm mà sứ đồ Giăng nói đến ở đây. Không, cuộc đời người tin Chúa không phải chỉ là áp dụng lời dạy của Chúa mà thôi, nhưng chủ yếu là một cuộc tương giao, cuộc sống chung với chính Chúa và không có gì khác nữa.
Ta có thể nói: Làm người tín đồ tin Chúa không phải chỉ có nghĩa là ta có lập trường vững về giáo lý Cơ-đốc mà thôi. Lập trường hay là cách hiểu về giáo lý thường đưa đến những cuộc chia rẽ, nhiều khi không cần thiết, tuy nhiên nếu ta nhấn mạnh đến việc làm môn đệ Chúa là sống với Chúa thì những dị biệt về tổ chức giáo hội hay về các quan điểm trong giáo lý sẽ không còn là vấn đề nữa. Ngay cả việc cho rằng mình là chính thống, là hoàn toàn theo đúng Kinh Thánh cũng chưa chắc đã là quan trọng hơn thật sự có kinh nghiệm sống với Chúa.
Hiểu rõ tương giao hay sống với Chúa nghĩa là gì sẽ làm ta phải run sợ. Vì biết bao người từng làm lĩnh tụ trong giáo hội hay biện giải cho đức tin Cơ-đốc, nhưng đến cuối đời, trên giường chờ chết mới vỡ lẽ rằng mình chưa bao giờ gặp Chúa cả, chỉ nói về Chúa mà thôi.
Tin Chúa không phải như tin một triết gia nào đó. Như Khổng Tử chẳng hạn. Khổng Tử có nhiều lời dạy về cách sống trong đời. Tuy nhiên ta có thể biết về học thuyết của Khổng Tử, sống áp dụng học thuyết đó trong đời và thành công, nhưng không cần tương giao với Khổng Tử, lý do là ông ta không còn trên đời để mà tiếp cận. Tin Chúa thì khác. Tin Chúa là bằng lòng mời Chúa vào cuộc đời mình và tương giao gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Vì có mối tương giao đó nên ta được đổi mới và thèm khát đọc lời Chúa, trau giồi hiểu biết về Ngài và thực hành lời Chúa dạy.
Chúng ta cần định nghĩa cho rõ hơn tương giao với Chúa nghĩa là gì. Từ tương giao hay thông công mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng đây không phải là vấn đề lý thuyết. Theo lời dạy của Kinh Thánh, ta có thể hiểu tương giao như sau:
Thứ nhất, ở trong tình trạng tương giao có nghĩa là được chia sẻ điều gì đó. Người tín đồ theo Chúa được tương giao với Chúa nghĩa là được tham dự vào sự sống của Đức Chúa Trời. Nói như thế nghe rất khó mường tượng, nhưng đó là ngôn ngữ của Kinh Thánh. Kinh Thánh Tân Ước đưa ra lời mời gọi chúng ta vào sự sống ấy.
Phi-e-rơ viết: Bởi vinh hiển nhân đức ấy, Chúa lại ban lời hứa rất quý rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó, anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đưa đến, mà trở nên người dự phần bản tính của Đức Chúa Trời.( 2 Phi-e-rơ 1:4). Đây là một trong những lời dạy tiêu biểu về sự tương giao này.
Thật ra toàn bộ giáo lý tái sinh đều đưa đến lời dạy này. Sinh lại, sinh lại do từ thiên thượng, sinh lại do Thánh Linh, tất cả đều mang cùng một ý nghĩa này. Đây cũng chính là điều mà Giăng muốn cho độc giả của ông thấu triệt, nghĩa là, làm tín đồ của Chúa Cứu Thế không phải chỉ là khá hơn trước khi làm tín đồ hay là chỉ thêm vào một số điều mới trong đời sống. Nhưng làm tín đồ Chúa nghĩa là nhận một sự sống thiêng liêng từ Chúa ban cho.
Nhưng tới đây ta phải minh định rõ. Vì có người sẽ hỏi rằng: Như thế có thay đổi thực tế không? Có một loại thần linh nào nhập vào đời sống ta hay không? Có những người chủ trương là có. Nghĩa là sự thay đổi thể hiện trong thể chất, vì vậy mới cho rằng các thánh lễ rất quan trọng. Người ta cho rằng việc báp-tem cho hài nhi là đem đời sống thiêng liêng nhập vào hồn đứa trẻ và khi nhận bánh tiệc thánh là nhận một bản chất thần linh. Đây là những điều tin tưởng đi quá xa lời dạy của Kinh Thánh. Thật ra việc tham dự vào sự sống với Đức Chúa Trời là một huyền nhiệm không thể giải thích cụ thể và hiểu như vậy được. Chúng ta không thể nào phân tích bản chất thần linh, vì vậy khi bản chất ấy vào con người chúng ta, chúng ta chỉ cảm biết mà không giải thích được.
Phao-lô nói: Nay tôi sống, không phải là tôi nữa mà là Chúa sống trong tôi. (Ga-la-ti 2:20). Đó là điều hiển nhiên nhưng không giải thích được.
Chúng ta được gọi đến tin Chúa là để tham dự vào bản chất thiêng liêng của Chúa. Chúng ta được tương giao với Chúa, chúng ta được sống ở trong Chúa. Nghĩa là Chúa ở trong tâm hồn ta và ta ở trong thần linh của Chúa. Đây là điều con người không thể phân tích và giải thích được, nhưng kinh nghiệm được.
Điều thứ hai liên quan đến việc tương giao với Chúa là: chúng ta là những người tin Chúa cùng chia sẻ với Chúa những gì Chúa ưa thích và theo đuổi các mục đích của Chúa. Như thế nghĩa là chúng ta cũng chú tâm vào công trình cứu rỗi vĩ đại của Chúa, cùng mang một nhân sinh quan như Chúa. Ta tin Chúa là vào những quan niệm, những chủ trương như Chúa. Như vậy khi nào ta không chủ trương như Chúa, có thái độ như Chúa là ta ở ngoài Chúa.
Nói khác đi, khi nhìn vào thế gian này, ta không nhìn với quan điểm chính trị, xã hội hay lợi lộc. Nhưng ta nhìn vào thế giới này y như cách Chúa nhìn. Thế giới này đầy tội ác, tội ác theo nhiều nghĩa mới mẻ hơn, và có những thế lực trong thế giới đang hướng dẫn con người chống lại với chân thần là Đức Chúa Trời, đó chính là điều chúng ta phải quan tâm. Chúng ta cầu nguyện, suy nghĩ và hành động sao cho các mục đích của Chúa được thể hiện, mở rộng vương quốc vinh quang của Chúa vào cõi đời ô trọc tội ác này. Như vậy là chúng t tham gia trong bản chất của Chúa.
Tương giao với Chúa luôn luôn có nghĩa là đồng cảm hay thông công, chia sẻ. Giăng dạy: Chúng ta có tương giao với Chúa Cha nghĩa là có đồng cảm, thông công, chia sẻ với Chúa.
Ta có thể xét vấn đề theo hai hướng. Ta trước hết nhìn từ phía mình, và sau đó nhìn từ phía của Chúa.
Nhìn từ phía chúng ta tương giao hay đồng cảm với Chúa nghĩa là biết Chúa. Chúa không phải là một người lạ nào đó trên trời xa vời. Chúa cũng không phải là một sức mạnh nào đó ở đâu đó trong vũ trụ, hay là đấng đặt các định luật vào thiên nhiên vạn vật mà thôi. Đức Chúa Trời là một Đấng mà chúng ta biết rất rõ.
Phao-lô viết: Nhưng hiện nay anh em biết Đức Chúa Trời, lại được Đức Chúa Trời biết đến nữa…(Ga-la-ti 4:9). Đức Chúa Trời là một thực thể, chúng ta biết Ngài, đó là điều căn bản. Ta không thể nào có cảm thông, đồng cảm hay trao đổi với một người nào mà không biết người đó được. Đối với Chúa, khi ta tương giao với Ngài là lúc ta bước vào trao đổi gần gũi, hiểu biết đối với Chúa.
Giăng dạy rằng, người tín đồ của Chúa là người đã đến chỗ biết Chúa. Chúa không còn là đấng vĩ đại xa vời, nhưng là Cha của người tin Chúa. Chính vì vậy mà Giăng nói đến Tương giao với Cha. Người tin Chúa là người hướng về Đức Chúa Trời mà kêu lên: Lạy Cha. Chúng ta tin Chúa là được Chúa nhận làm con và có quyền tiếp cận với Cha trong tình nghĩa Cha con. Tình nghĩa cha con này không phải chỉ trên lý thuyết nhưng thực sự là chúng ta yêu kính Đức Chúa Trời và hân hoan sống trong mối tương giao với Ngài. Đó là cách chúng ta biết Chúa.
Có thông công tương giao với Chúa còn có nghĩa là chúng ta muốn được thưa chuyện với Chúa và chúng ta có khả năng đó.
Mỗi chúng ta đều biết khó khăn trong việc cầu nguyện với Chúa, nhưng khi chúng ta thương yêu, quý mến một người thì việc nói chuyện với người ấy chắc không khó gì. Mặt khác, khi thương yêu một người thì không cần phải chuẩn bị cuộc đối thoại, việc trao đổi với người ấy sẽ diễn ra rất tự nhiên. Đây cũng là tính chất của việc tương giao hay thông công với Chúa. Nhưng chúng ta thường có kinh nghiệm là nhiều khi quỳ gối trước mặt Cha mà không biết nói gì cả.
Nhưng nếu đây là tình trạng hiện tại của chúng ta thì việc biết Chúa chưa đạt. Vì tương giao thật với Chúa nghĩa là chúng ta khao khát và sung sướng được thưa chuyện với Ngài và muốn ca ngợi Ngài. Nếu chúng ta yêu người nào, chúng ta muốn nói cho người ấy nghe và nói ra thành lời. Đối với Chúa cũng như vậy.
Người thật sự tương giao với Chúa là người hay ca ngợi Chúa. Không phải chỉ khi nào chúng ta muốn xin điều gì mới đến thưa chuyện cùng Chúa. Nhưng thật ra, chúng ta sung sướng được ngồi trước mặt Chúa và nói với Ngài, đó là những phút giây phước hạnh nhất trong đời chúng ta. đây mới chính là nguyên nghĩa của việc tương giao với Chúa.
Một phương diện khác, những người tương giao với Chúa là những người rất chắc chắn về sự có mặt của Chúa. Có người nói rằng: Tôi quỳ gối cầu nguyện nhưng không cảm thấy có Chúa ở đó. Không, người tương giao với Chúa là người biết có Chúa ở đó khi mình cầu nguyện. Những người ấy nhận ra sự có mặt của Chúa, và đây cũng là phần chính yếu của vấn đề thông công hay tương giao.
Việc tương giao với Chúa dĩ nhiên đưa tới thái độ vững vàng khi nói chuyện với Cha, khi trình thưa những sự kiện, cầu xin hay ước ao điều gì. Như thế một trong những phương cách trắc nghiệm xem ta có thật sự được tương giao với Chúa hay không là xét kỹ đời sống cầu nguyện của ta. Tôi cầu nguyện như thế nào? Nhiều hay ít, bao nhiêu lần một ngày? Tôi có tự do cầu nguyện không? Tôi có thích cầu nguyện hay cho rằng cần nguyện là chuyện buồn ngủ? Ta có thể làm cho đời sống cầu nguyện phong phú bằng cách đọc Kinh Thánh để học các gương cầu nguyện và nghe những người có kinh nghiệm về cầu nguyện làm chứng. Mặt khác, cầu nguyện sẽ trở thành thích thú khi nào ta dành thì giờ và thật sự đặt vấn đề cầu nguyện như là việc làm quan trọng nhất trong ngày.
Ta đã nói đến tương giao với Chúa nhìn từ hướng chúng ta, nay xin nói đến tương giao nhìn từ phía Chúa.
Làm sao tôi biết được tương giao giữa tôi và Chúa là có thật? Tôi biết được là vì Chúa cho tôi những bằng cớ về sự có mặt và sự gần gũi của Ngài. Chúa cũng có cách nói với tôi qua linh hồn tôi, không thành lời, nhưng Chúa thật sự có nói. Chúa cũng ban cho sự an ủi, Ngài còn tạo ra trong ta những ao ước và mong chờ về những điều tốt lành. Chúa làm cho lòng ta vui vẻ, an bình. Chúa đưa đẩy ta đến chỗ muốn làm theo ý Ngài.
Chúa cũng cho ta biết về ý chỉ của Ngài nữa. Chúa chỉ cho ta những gì Ngài muốn ta làm. Chúa hướng dẫn, mở cửa, đóng cửa, đôi khi Chúa còn đưa đến những vật cản, những chướng ngại nữa. Nghĩa là khi đã tin Chúa, Chúa có mặt ngay trong đời sống ta, Chúa đi cùng với ta qua hành trình đời sống. Ta dù trong hoàn cảnh nào, hãy nhớ rằng có Chúa ở tại đó. Nguyên chỉ nghĩ đến việc có Chúa ở với mình trong mọi hoàn cảnh, đã đủ cho ta thắng vượt hoàn cảnh rồi.
Chúa biết những gì xảy ra cho ta là đem lại ích lợi, vì vậy khi gần Chúa, tương giao với Ngài, người tin Chúa lúc nào cũng có thể ca ngợi.
Bạn thân mến, bài học Kinh Thánh hôm nay không biết có nhắc nhở bạn điều gì không? Nhưng tôi chỉ mong bạn suy nghĩ về mối tương giao với Chúa và tăng cường việc cầu nguyện cho đến khi thật sự cảm thấy thích thú cầu nguyện. Đây là một trong những dấu hiệu được tương giao thật với Chúa. Đây cũng là dấu hiệu mà chỉ có người tin Chân Thần mới nói đến và mới kinh nghiệm. Những kẻ thờ cúng thần tượng không bao giờ có lòng kính mến và ao ước muốn gần thần tượng của họ. Họ chỉ sợ thần tượng mà không bao giờ có được mối tương giao với thần linh cả. Như thế cầu nguyện nghĩa là cảm biết sự hiện diện của Chúa, thưa chuyện với Chúa như con với Cha, ca ngợi cảm tạ Chúa và được thỏa mãn.
Câu hỏi căn bản mà mỗi người cần phải đặt ra hôm nay là: Tôi có thật sự biết Chúa chưa? Trả lời câu hỏi này là minh định được niềm tin của mình có chính xác hay không và có theo đúng tinh thần Giăng dạy trong thư Giăng hay không?
Bài 8
Đức Thánh Khiết Của Đức Chúa Trời
Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa và công bố cho anh em, đó là, Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả
I Giăng 1:5
Là người tin Chúa, nhiều khi chúng ta thấy cuộc tương giao của mình với Chúa không mấy gần gũi và nhiều khi lại còn bị gián đoạn nữa. Câu Kinh Thánh vừa đọc trong thư Giăng cho chúng ta những nguyên nhân và các lý do tại sao có các việc ấy xẩy ra.
Sứ đồ Giăng đã tuyên bố về chủ đề lớn của ông, nhắc người đọc về tin mừng vĩ đại đó là người tin Chúa ngay trong đời này có thể tương giao với Chúa Cha và con Ngài là Chúa Giê-xu. Sứ đồ Giăng coi như người đọc đã biết về việc tin nhận Chúa, và cũng đã là tín đồ Chúa rồi, nên ông chỉ quan tâm đến việc giúp những người ấy tiếp tục sống trong ân sủng của Chúa Giê-xu, hay sống nhờ Chúa Giê-xu. Giăng cho người đọc thấy việc tương giao hoàn toàn với Chúa đã sẵn ban cho người tin Chúa nhưng phải làm sao duy trì mặc dù có nhiều chướng ngại và ngăn cản.
Thật sự lúc nào cũng có những điều xen vào cuộc tương giao của chúng ta với Chúa và làm cho chúng ta mất mối tương giao đầy đủ trọn vẹn. Giăng đề cập ngay đến một điều căn bản mà chúng ta thường hay bỏ quên. Ngay trong câu Kinh Thánh này, Giăng cho chúng ta đối đầu với một trong những điều then chốt và tổng quát nhất. Đó là khía cạnh thần học. Câu này đưa chúng ta vào những gì rất căn bản và nòng cốt, nếu chúng ta bỏ qua hay không lưu tâm đến hoặc không chịu hiểu cho rõ, thì chắc chắn sẽ đi đến chỗ gặp nhiều nan đề. Chúng ta sẽ lần lượt xét đến một số những nguyên tắc căn bản đó.
Nguyên tắc thứ nhất là: Chúng ta phải luôn luôn đặt Chúa là ưu tiên. Mở đầu Giăng nói: Những điều này chúng tôi viết cho anh em để niềm vui của anh em được trọn vẹn. Nhưng sau đó giăng đi ngay vào vấn đề, không giới thiệu dài dòng: Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa và công bố cho anh em, đó là, Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả.
Giăng đã đặt Chúa ưu tiên. Đó cũng chính là nguyên tắc thứ nhất.
Nhiều người sẽ cho rằng điều ấy có gì mới lạ đâu, vì lúc nào người tin Chúa chẳng phải bắt đầu mọi việc với Chúa? Nhưng trên thực tế, một nửa những nan đề trong đời ta là do không đặt Chúa lên hàng đầu. Lý do là vì ta cứ cho rằng mình đã biết về Chúa, và nghĩ rằng các ý niệm của ta về Chúa là đúng rồi. Nhiều người cho rằng mình đã tin Chúa đúng và không cần xét nghiệm về niềm tin của mình nữa. Có người nói rằng: Tôi luôn luôn tin Chúa, chưa có lúc nào tôi lại không tin Chúa cả? Nói như thế nên chỉ bắt đầu với quan tâm về chính mình.
Đây chính là nguyên nhân gây ra các nan đề từ năm 1860 tới nay. Tất nhiên là trước đó cũng nhiều nan đề, nhưng khởi từ năm ấy người ta mới xác định rõ. con người đã được đặt ở trung tâm của tất cả, và tất cả tư duy, tất cả lý luận triết học đều có khuynh hướng khởi đầu từ con người, con người được đặt vào trung tâm của bức tranh, của vũ trụ. Con người được suy tôn lên ngôi và tất cả mọi thứ, kể cả Chúa đều phải được trình bầy trong hướng con người là chính. Con người đã tự trao cho mình cái uy quyền; chỉ có con người và tư tưởng của con người là đáng kể; rồi khởi điểm lúc nào cũng là nhu cầu và điều kiện của con người.
Đây cũng chính là sai lầm đầu tiên và nguồn gốc của mọi hiểu lầm tai hại nhất. Kinh Thánh luôn luôn dạy ta là phải khởi đầu với Chúa. Chúa phải đặt ở hàng đầu. Nếu ta khởi đầu với người, tựu trung ta sẽ đi đến chỗ sai lạc trong mọi tư duy về chân lý; vì nếu ta khởi đầu từ con người, thì tất cả mọi điều ta tìm kiếm đều sẽ phù hợp với giáo lý về con người. Tuy nhiên Kinh Thánh dạy rằng ta không thể nào biết rõ về con người được nếu ta không chịu nhìn con người qua quan điểm của Chúa và qua giáo lý liên quan đến Đức Chúa Trời.
Con người vì bản tính ích kỷ và tự tôn, rất dễ khởi đầu từ chính mình. Ta thường lý luận rằng: Tôi sống trong đời với bao nhiêu khó khăn, không thoải mái lúng túng. Tôi đang tìm đến một điều gì mà tôi chưa có được. Tôi biết rõ các ước muốn và nhu cầu của tôi; tôi cũng biết mình thiếu hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều muốn đến với tôn giáo, đến với Đức Chúa Trời và đạo Chúa với tất cả hệ thống vì những ước muốn và đòi hỏi của tôi. Chúa sẽ đáp ứng như thế nào và sẽ cho tôi gì? Trong niềm tin nơi Chúa tôi sẽ được gì? Trong đó có gì làm giảm bớt các nan đề của tôi và giúp tôi trong thế giới tối tăm và khó khăn này hay không?
Lý luận như thế có vẻ tự nhiên và hợp lý, nhưng theo câu Kinh Thánh kể trên và theo giáo huấn của toàn bộ Kinh Thánh thì đây chính là gốc rễ của mọi sai lầm, đó là khởi điểm của con đường tin tưởng nhầm lẫn, thật ra nói một cách khác là phỉ báng Đức Chúa Trời. Câu trả lời của Phúc Âm, của tin mừng cứu độ là: Hãy quên mình đi mà chiêm ngưỡng Đức Chúa Trời. Đây chính là thông điệp mà chúng tôi đã nghe từ Chúa, không phải là nhu cầu của tôi tự nhiên được phúc âm đáp ứng, nhưng: Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. Đó là khởi đầu từ Chúa chứ không từ phía mình.
Đây cũng là một trắc nghiệm rất có giá trị để thứ bất cứ lời dạy hay giáo lý nào mà ta gặp trong đời. Bạn sẽ nhận thấy rằng một trong các đặc tính của các tà giáo trong đời là có khuynh hướng đến với chúng ta tùy theo nhu cầu của chúng ta. Chính vì thế mà những tà giáo ấy rất nổi danh và thành công. Họ dường như cung ứng cho chúng ta những gì mình muốn. Chúng ta có nhu cầu và các tà giáo này dường như hiến cho chúng ta mọi điều y như mình muốn mà không nhọc công hay khó khăn gì cả.
Như thế trắc nghiệm đầu tiên, đặc tính của mặc khải của Kinh Thánh, điều căn bản nhất, theo một nghĩa, của đức tin Cơ-đốc-giáo là phải khởi đầu với Chúa. Ưu tiên phải là Đức Chúa Trời, là Chúa. Ban đầu Đức Chúa Trời… và Chúa phải ở tâm điểm. Ngay từ thần học hay theology nhắc ta điều ấy. Thần học không có nghĩa là hiểu biết về con người, nhưng chính yếu là tri thức về Đức Chúa Trời.
Đây cũng là vấn đề quan trọng vô cùng đối với chúng ta khi chúng ta xét toàn bộ vấn đề thông công, tương giao và bước đi với Chúa cũng như hưởng đời sống của Chúa. Đa số những nan đề của chúng ta là do chúng ta tập trung vào chính mình và lưu tâm về mình. Các nhà tâm lý cũng biết nhược điểm này và có phương cách riêng để xử trí nhưng họ không thực sự đối đầu với hoàn cảnh và nan đề. Họ chỉ tạm thời thành công, vì lúc nào họ cũng chỉ cốt làm thỏa mãn cái tôi ở bên trong chúng ta mà thôi. Không, cách để được giải thoát khỏi tình trạng tập trung tất cả vào chính mình là đứng đối diện với Chúa.
Theo Kinh Thánh thì nguyên nhân khởi đầu của các sai trật của con người là vì đã được tạo hình theo kiểu mẫu của Đức Chúa Trời, thay vì sống một cuộc đời hữu ích cho Chúa, con người lại dại dột tự tôn mình lên và tuyên bố như ngang bằng Đức Chúa Trời. Con người từ nguyên thủy cho đến nay vẫn tự cao tự đại và cho mình là tâm điểm của tất cả.
Con người trong thế kỷ 21 càng ngày càng chú trọng về mình và về môi trường, cũng như càng ngày càng xa Đức Chúa Trời. Nhưng nguyên tắc là phải khởi đầu từ Đức Chúa Trời chứ không phải từ chúng ta với những nhu cầu, ước muốn và hạnh phúc của mình. Trước khi Kinh Thánh cho chúng ta biết về những nhu cầu của chúng ta, Kinh Thánh thường cho chúng ta nhìn vào chính mình qua quan điểm của Chúa. Cách tiếp cận vấn đề của Kinh Thánh hoàn toàn duy nhất và khác biệt. Kinh thánh không nói rằng có thể trợ giúp chúng ta gì cả, nhưng cho chúng ta nhìn thẳng vào sự thật, và những thông điệp từ Đức Chúa Trời đã gởi đến cho nhân loại và chúng ta.
Sau khi nhắc chúng ta là phải bắt đầu với Đức Chúa Trời, Giăng nhắc thêm rằng chúng ta phải nhận mạc khải liên quan đến Chúa trong Kinh Thánh và nhất là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa và công bố cho anh em, đó là, Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. Như thế có nghĩa là dù cho có khởi đầu từ Đức Chúa Trời cũng chưa đủ. Vấn đề then chốt là: sự thật về Chúa như thế nào? Đức Chúa Trời là ai? Chúng ta biết những gì về Đức Chúa Trời?
Tới đây chúng ta thấy ngay là phải đối diện với một loạt các câu hỏi căn bản và khi trả lời sai lạc, sẽ gặt hậu quả thảm khốc. Ngày nay ít khi ta gặp người nào nói rằng: Tôi không tin có Đức Chúa Trời. Nhưng rất nhiều người nói: Nếu Đức Chúa Trời thương yêu, thì tôi không hiểu tại sao Ngài lại để cho việc này việc kia xảy ra, tình trạng này tình trạng nọ xuất hiện? Tại sao Đức Chúa Trời thế này, Đức Chúa Trời thế kia…?Như thế ta hiểu cách những người ấy quan niệm về Đức Chúa Trời.
Tin Đức Chúa Trời một cách chân thực phải là chấp nhận mạc khải về Đức Chúa Trời, mạc khải ấy tìm được trong Kinh Thánh. Giăng nói: Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa, nay công bố cho anh em.
Giăng không nói: Đây là hình ảnh về Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã thấy.
Giăng cũng không bảo rằng: Sau khi đã suy tư, chiêm nghiệm và đọc, sau khi đã học triết họ Hi-lạp, và các trường phái tư tưởng, tôi đã đạt đến ý niệm sau đây về Đức Chúa Trời.
Giăng không nói như vậy. Giăng nói một cách đơn giản: Tôi nói cho anh em nghe những gì tôi và các sứ đồ đã nghe được từ chính Chúa.
Giăng bảo: Điều có từ ban đầu, là điều chúng tôi đã nghe, đã thấy và đã chiêm ngưỡng.
Nói khác đi, Giăng đã được trực tiếp gặp Chúa và kể lại kinh nghiệm của ông.
Lập trường của chúng ta đối với Chúa chỉ có hai: Một là coi Kinh Thánh hoàn toàn có thẩm quyền khi nói về Chúa, hoặc là tin vào lý thuyết do con người suy nghĩ ra mà thông thường gọi là triết học. Kinh Thánh là mạc khải duy nhất về Đức Chúa Trời, và muốn biết Đức Chúa Trời, phải đọc Kinh Thánh. Vì trong triết học cũng như các lý luận triết học, người ta không chứng minh sự hiện hữu và tồn tại của Đức Chúa Trời. Vì lý luận có thể đưa ta đến một mức nào đó và cũng rất cần sử dụng lý trí để đạt tới đó, nhưng không bao giờ thực sự đưa ta đến chỗ biết Chân Thần là Đức Chúa Trời. Ta có thể lý luận về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời theo tính cách triết học hoàn toàn; thí dụ như ta bảo rằng mỗi hậu quả phải có một nguyên nhân, rồi nguyên nhân ấy lại là hậu quả của một nguyên nhân trước đó, ta có thể đi ngược trở lại mãi cho đến nguyên nhân tận cùng và đó chính là Đức Chúa Trời. Nhưng dù có tin như vậy đi chăng nữa, cũng vẫn chưa phải là biết Đức Chúa Trời.
Ta cũng có thể dùng lý luận luân lý đạo đức nữa. Tôi có thể bảo rằng, khi tôi quan sát mọi sự trong đời sống, tôi thấy có những điều xấu, những điều tốt và những điều tốt hơn; như vậy phải chăng có một điều nào đó tốt nhất? Hay gọi là toàn thiện chăng? Lý luận về luân lý đạo đức sẽ đưa đến các lý luận về Đấng Tuyệt Đối, và Đấng ấy chính là Đức Chúa Trời. Lý luận như thế rất chặt chẽ và rất đúng, nhưng dù tôi lý luận và chấp nhận có Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Thiện, tôi vẫn chưa biết Đức Chúa Trời theo như Giăng dạy ở đây. Giăng dạy rằng chúng ta mỗi ngưồi có thể có tương giao với Chúa Cha và với con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Ta lại có thể dùng vũ trụ luận mà xét vấn đề. Ta có thể nhìn vào hiện diện của chính mình và nói rằng thân xác này chắc chắn phải xuất phát từ một nguồn tối hậu nào đó. Tự nhiên lý luận như thế rất xác đáng nhưng vẫn chưa thể gọi là biết Đức Chúa Trời được. Tất cả những lý luận về bằng chứng Đức Chúa Trời tồn tại đều chính xác, nhưng không lý luận nào đưa tôi đến một hiểu biết, tương giao thông công với Chúa, là mối thông công được giới thiệu qua phúc âm của Chúa Giê-xu.
Ta cần đặt lại vấn đề tin Chúa là hoàn toàn phụ thuộc vào sự mạc khải chứ không phải căn cứ trên các lý luận. Đó là loại đức tin đòi hỏi chúng ta đến với chân lý như con trẻ, xác nhận khả năng hữu hạn, bất lực của mình và bằng lòng tin nhận những tuyên ngôn, những lời tuyên bố về chân lý. Tôi không thể nào biết Đức Chúa Trời bên ngoài mạc khải là Chúa đã bằng lòng ban cho tôi chính Ngài; tôi không thể nào biết Chúa rõ ràng và tương giao với Ngài nếu không biết Chúa qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, hiện thân của Đức Chúa Trời, và cũng là mạc khải quan trọng nhất về Ngài.
Chúa Giê-xu dạy: Ta là con đường, là chân lý và nguồn sống: không người nào đến được với Cha mà không qua ta. (Giăng 14:6). Khi ta tự trắc nghiệm bằng câu nói này, ta sẽ thấy gì? Chúng ta có nhận ra rằng Chúa Giê-xu là con đường duy nhất tuyệt đối không? Hay là chúng ta có một quan điểm nào khác về Đức Chúa Trời làm cho chúng ta tin rằng có thể gặp được Đức Chúa Trời khi nào mình tìm hoặc là có thể đạt đến Đức Chúa Trời bằng các cố gắng của mình? Lập trường của chúng ta phải căn cứ hoàn toàn vào lời Chúa Giê-xu đã nói: Không người nào đến được với Cha mà không qua ta.
Chúa Giê-xu là trung gian chủ yếu, chúng ta không thể nào biết Đức Chúa Trời thực sự nếu chúng ta không chịu công nhận mạc khải về chính Chúa Giê-xu. Đúng như Giăng đã tuyên bố: Đây là thông điệp chúng tôi đã nghe từ Chúa và công bố cho anh em, đó là, Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả.
Một vấn đề nhiều người xác nhận, đó là, niềm tin đặt nơi Đức Chúa Trời chắc chắn là đúng rồi, nhưng niềm tin đặt nơi Chúa Giê-xu thì còn nhiều vấn nạn. Nhưng ta cần phải hiểu đức tin Cơ-đốc đã đưa đến cho ta sự cứu rỗi như thế nào. Đức Chúa Trời đã ban cho những bậc thánh tổ ngày xưa, với Mười Điều Răn và những điều luật khác qua các nhà tiên tri tiếp nối. Tất cả những việc đó đều là để con người biết và hiểu Đức Chúa Trời, nhưng chỉ Chúa Con nhập thể mới khiến chúng ta biết rõ Đức Chúa Trời. Biết đây là cái biết giữa cha và con và thực sự ta được tương giao với Ngài.
Điều thứ hai mà ta cần phải dùng làm mốc khởi đầu là đức thánh khiết của Đức Chúa Trời.
Nói về Đức Chúa Trời ta không khởi đầu bằng quyền năng hay sự vĩ đại của Ngài, mặc dù những điều đó hoàn toàn là chân xác. Chúng ta cũng không khởi đầu với tri thức của Chúa, mặc dù đó là chính yếu. chúng ta lại cũng không khởi đầu nói về Chúa như nguồn mạch của triết học. Chúng ta cũng không khởi đầu với Đức Chúa Trời là tình thương nữa.
Trước khi ta muốn nói về tình thương, đức nhân hậu và thương xót của Đức Chúa Trời, ta phải nói đến đức thánh khiết của Chúa. Ta có thể nói thêm rằng, nếu ta không khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, thì toàn bộ ý niệm của ta về tình thương của Đức Chúa Trời sẽ không đạt. Nhiều người ngày nay chỉ biết một cách hời hợt rằng Đức Chúa Trời là tình thương, luôn luôn thương yêu, cho đến khi chiến tranh tàn phá xẩy ra, mọi người liền quay lưng lại tôn giáo, vì cho là Đức Chúa Trời độc ác. Đây là bằng chứng người ta vì không chịu khởi đầu với thánh khiết của Đức Chúa Trời, mà hiểu lầm tình thương của Ngài. Đức Chúa Trời tuyệt đối công chính và thánh thiện.
Trong câu này Giăng nói Đức Chúa Trời là ánh sáng. Ánh sáng không nên giải thích là tri thức; ánh sáng là hiểu biết, nhưng ánh sáng chủ yếu biểu hiệu cho thánh khiết – thánh khiết tuyệt đối. Giăng còn quả quyết rằng: trong Ngài không có bóng tối nào cả. Nghĩa là đừng ai hiểu lầm ở đây. Ánh sáng đây chính là đức thánh khiết của Đức Chúa Trời.
Tại sao ta phải khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa?
Trước tiên, nếu không khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, ta sẽ không bao giờ hiểu được kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Ngài. Sự cứu rỗi đó chỉ có thể có được nhờ cái chết hi sinh của con Ngài là Giê-xu trên thập giá.
Câu hỏi lại đặt ra: Tại sao thập giá, tại sao đó là con đường duy nhất dẫn đến sự giải cứu? Nếu Đức Chúa Trời chỉ thương yêu, nhân từ, thương xót không thôi thì thập tự giá quả hẳn là vô nghĩa. Vì nếu Chúa chỉ thương yêu, thì khi loài người phạm tội, Chúa chỉ cần tha thứ là đủ. Nhưng thập tự giá phải là tâm điểm của tất cả, vì không có cái chết hi sinh đó Đức Chúa Trời không thể nào tha thứ được.
Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả.
Nghĩa là Đức Chúa Trời rất mực công chính và thánh thiện.
Nghĩa là vì bản chất thánh khiết tinh ròng như vậy, Đức Chúa Trời không thể nhìn vào tội ác được. Chính vì đức thánh khiết mà Đức Chúa Trời đòi hỏi phải có thập tự giá, vì thế nếu không khởi đầu với đức thánh khiết thì thập tự giá cũng trở thành vô nghĩa.
Các nhà thần đạo tự do ngày nay đả phá thập tự giá vì họ đã khởi đầu giảng truyền về tình thương của Chúa, mà không khởi đầu với đức thánh khiết của Ngài. Đó là vì họ đã quên bản chất của Đức Chúa Trời, bản chất chính của Đức Chúa Trời là thánh khiết. Đức Chúa Trời chỉ có thể tha thứ tội khi Ngài đối đãi với tội trong đức tính thánh khiết của Ngài, đó là cách Chúa đã thực hiện trên thập giá.
Như vậy phải khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, nếu không chương trình cứu chuộc, kế hoạch cứu rỗi sẽ trở thành vô nghĩa và một số các giáo lý căn bản khác cũng sẽ trở thành vô mục đích. Nhưng nếu ta khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, ta thấy rằng vì đức thánh khiết của Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-xu phải nhập thể, thập tự giá thật sự phải là tâm điểm, cũng như sự phục sinh và việc Chúa Thánh Linh ngự xuống v.v. đều mang những ý nghĩa thật rõ ràng. Như thế khởi đầu ở điểm nào rất là quan trọng, hơn nữa ta phải được chân lý dắt dẫn chứ không nên theo tư duy hạn hẹp của mình.
Khi ta khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, ta sẽ thấy tất cả những lời tuyên bố giả tạo về tương giao với Chúa bị lộ tẩy ngay. Ta đã nói rằng mỗi chúng ta đều có khuynh hướng cố tương giao với Chúa bằng những phương cách không đúng, và vì vậy tương giao không bền. Không có gì phơi bày giả trá mạnh cho bằng đứng đối diện với một Đức Chúa Trời thánh khiết. Dĩ nhiên theo cố gắng riêng, ta có thể có một cuộc tương giao tưởng tượng với một Đức Chúa Trời do mình tạo ra. Ta có thể áp dụng thuật thôi miên, nhưng tất cả đều không phải tương giao với Chúa, trong lúc nguy nan ta sẽ thể nghiệm việc đó. Đức Chúa Trời là ánh sáng và bất cứ cuộc tương giao nào không đúng sẽ được phơi bày trước ánh sáng đó. Không những thế, khi tiếp cận với thánh khiết của Chúa, ta sẽ lập tức được giải thoát ra khỏi ý định tìm tương giao với Chúa bằng phương cách nào đó. Nếu ta bắt đầu với ý niệm về sự thánh khiết của Chúa, ta sẽ thấy ngay một số hành động ta thường hay làm, đã trở thành thất bại.
Khi khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa, ta còn tránh được thái độ trách Chúa và chỉ trích Ngài trong những hoàn cảnh khó khăn và nhiều yêu cầu cấp thiết nữa. Ta sẽ không còn đặt những câu hỏi ấu trĩ như: Tại sao Chúa làm việc này? Tại sao Chúa không can thiệp và để cho việc nọ xảy ra? Tại sao Chúa lại làm hại tôi? v.v. Vì Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả nên bất cứ điều gì xảy ra cho tôi cũng không phải là do tính thiếu sót nào đó trong Chúa, vì Chúa thánh khiết toàn vẹn. Nghĩ như vậy, tôi sẽ yên lặng, đặt tay lên môi miệng, yên lặng để Chúa hành động.
Cuối cùng, ta phải bắt đầu với đức thánh khiết của Chúa là vì trên thực tế, đó là con đường duy nhất dẫn đến niềm vui thật. Có những niềm vui giả tạo cũng như những cách giả tạo đi tìm an bình. Không có gì kinh khủng hơn là có bình an giả tạo với Chúa. Con đường duy nhất đưa ta đến bình an thật với Chúa là khởi đầu với đức thánh khiết của Chúa. Ta sẽ tránh được niềm vui và bình an giả. Ta sẽ hạ mình xuống đất, sẽ thấy mình bất xứng và sẽ chạy đến Chúa Giê-xu cho được giải thoát. Những gì tôi nhận từ Chúa sau đó sẽ là chân thật.
Như thế muốn có niềm vui đầy trọn thì việc đầu tiên là phải dốc đổ tất cả những rác rến trong đời sống, những gì giả hiệu, và mời Chúa Giê-xu vào tâm hồn mình.
Mỗi khi ta đến với Chúa, nên tự nhắc mình rằng Chúa là ánh sáng, trong Ngài chẳng có bóng tối nào. Nghĩa là Chúa không thể nào gặp gỡ ta nếu cuộc đời ta tràn đầy tội ác và gian trá.
Hãy đến với Chúa hôm nay, nhớ rằng Đức Chúa Trời chúng ta là một vị thần hay thiêu cháy.
Bài 9
Tội Ác
Vậy nếu ai nói mình thân thiết với Chúa, mà lại sống trong bóng tối là người nói dối và không làm điều chân thật: nhưng nếu chúng ta sống trong ánh sáng, như Đức Chúa Trời là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau và máu của Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội ác chúng ta. Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta tự lừa mình, và không chịu nhìn nhận sự thật. Nhưng nếu chúng ta xưng tội thì Chúa sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm của chúng ta theo đức công chính của Ngài. Nếu chúng ta bảo mình vô tội, là cho Đức Chúa Trời nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta.
I Giăng 1:6-10
Chúng ta đang nói đến mối tương giao, thông công, hay giao hảo giữa chúng ta và Chúa. Xin nhắc lại ý nghĩa của cuộc tương giao này: Tương giao là hình ảnh hai người đi với nhau trên cùng một hành trình và trở thành bạn thân. Trong Kinh Thánh có nói đến tương giao của Hê-nóc với Đức Chúa Trời và ghi rằng: Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Nghĩa là Hê-nóc có mối tương giao với Đức Chúa Trời như bạn thân.
Khi nói đến một cuộc tương giao đồng hành như vậy, ta thấy ít nhất có hai điều ta cần làm.
Thứ nhất, ta phải biết đặc điểm về hai người tham dự trong cuộc tương giao đó. Chính vì vậy mà Giăng đã nói đến đặc tính và bản chất của Đức Chúa Trời trong câu thứ năm, đó là: Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. Nghĩa là Đức Chúa Trời toàn thánh, toàn thiện, không một vết nhơ, không một lỗi lầm, không pha lẫn bất cứ điều gì gọi là tội ác cả.
Qua những câu Kinh Thánh trong bài này, Giăng sang đến thành phần thứ hai của cuộc tương giao. Chúng ta cần biết rõ đặc tính và bản sắc của Chúa, nhưng chúng ta cũng cần biết về chính chúng ta nữa. Trong một cuộc tương giao phải có hai bên, muốn có tương giao thật, cần phải biết rõ cả hai bên. Trong các câu Kinh Thánh kể trên Giăng xét đến việc nếu chúng ta muốn có tương giao với Chúa, thì chúng ta phải như thế nào.
Sứ đồ Giăng không chỉ liệt kê ra hay xét đến đặc tính mà chúng ta phải có, ông còn đề cập đến những giới hạn và những bất toàn của chúng ta nữa.
Trong bài này chúng ta chỉ đề cập đến một khía cạnh, đó là giáo lý về tội ác. Đây là giáo lý đã từng gây ra nhiều khó khăn và hoang mang trong tâm trí của một số đông người từ xưa đến nay.
Giáo lý về tội là một phần chính của Kinh Thánh cũng y như giáo lý về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Khi nói rằng con người đầy tội ác thì cũng hoàn toàn đúng như khi nói Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào.
Đây là một điều được đề cập đến trong toàn bộ Kinh Thánh, và người ta không thể nào hiểu Kinh Thánh được nếu không công nhận giáo lý về tội ác của con người.
Nhiều người vì không đào sâu ý nghĩa, vội phản đối cho rằng nói đến tội ác là áp đặt một điều không thực tế lên đời sống con người, và làm cho đời người đã khổ, lại khổ hơn. Nhiều người khác cho rằng vấn đề tội ác không đến nỗi trầm trọng như Kinh Thánh và các nhà thần học dạy đâu. Mỗi người cứ cố gắng sống cho tốt, đôi khi nhìn lên Chúa xin cứu giúp là mọi việc sẽ đâu vào đấy tất cả. Họ quan niệm rằng, làm tín đồ của Chúa là phải sống đời ngay lành tốt đẹp, làm điều thiện và cứ tiếp tục làm với hi vọng Chúa ra tay trợ giúp mình làm được thêm nhiều. Vì thế nên cầu nguyện và thỉnh thoảng tham gia thờ phượng Chúa. Đừng bi quan quá về tình trạng tội ác.
Đó chính là quan niệm hiện đại về tội ác, và cũng vì thái độ này mà Giăng phải lên tiếng. Tác giả phân tích rõ lập trường này và đối diện với nó một cách rất thẳng thắn, nghiêm túc. Tầm quan trọng của vấn đề tội đã được Giăng nhắc lại luôn trong ba lần trong các câu sáu, tám và mười: Vậy nếu ai nói mình thân thiết với Chúa mà lại sống trong bóng tối là người nói dối và không làm theo chân lý; Nếu chúng ta chối tội là chúng ta tự lừa dối và không chịu nhìn nhận sự thật; Nếu chúng ta bảo mình vô tội là cho Đức Chúa Trời nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta.
Trong các câu này Giăng dạy có ba điều lầm lẫn thông thường đối với vấn đề tội ác. Chính vì lầm lẫn trong ba khía cạnh này mà chúng ta không hưởng và kinh nghiệm được sự tương giao kỳ điệu của Chúa và của Chúa Giê-xu mà Chúa mời gọi mọi người bước vào.
Giăng bảo: Nếu chúng ta nói mình thân thiết với Chúa…
Câu này có ý bảo rằng người tin Chúa, xưng là tín đồ của Chúa thì dĩ nhiên phải xưng như vậy. Khi nói tôi là người tin Chúa thì phải hiểu là tôi thân thiết với Chúa. Vì tin Chúa không có nghĩa là mình hơn những kẻ tội ác trong các nơi nhơ bẩn trong đời, hay là tin Chúa thì khá hơn ngày xưa. Không, Giăng dạy rằng, khi tin Chúa, khi xưng là tín đồ trong Chúa, thuộc viên của Hội Thánh nghĩa là đã có sự tương giao thân thiết với Chúa.
Giăng tiếp theo: …mà lại sống trong bóng tối, là người nói dối và không làm theo chân lý.
Điều đầu tiên ngăn chặn chúng ta với sự tương giao vinh quang và toàn vẹn với Chúa từ xưa đến nay là: Không nhận ra tổng quát về bản chất của tội ác. Vì thế nên mới nói là thân thiết với Chúa mà vẫn con đi trong bóng tối. Giăng thẳng thắn gọi đó là dối trá. Nếu nói một đàng mà làm một nẻo là nói dối, và không nói sự thật. Ta nói mình cùng đi với Chúa, nghĩa là đi trong ánh sáng, mà đồng thời lại đi trong bóng tối thì làm sao quan niệm được? Như vậy chắc chắn phải là nói dối đối với những người chung quanh ta.
Tại sao có tình trạng này? Kinh Thánh Tân Ước trả lời là, người nói một đàng mà sống một nẻo là người chưa nhận thức rõ Phúc âm và chưa hiểu thế nào là tội. Theo Giăng, đi trong bóng tối hay là tội ác là một môi trường hay là một lĩnh vực. Đó là điều nhiều người không ý thức và đi lạc. Những người ấy không biết thực sự tội ác là thế nào. Họ thường có quan niệm về tội, nhất là tội và hành động phạm tội. Nhưng theo Kinh Thánh, quan niệm như thế chưa đủ. Phải hiểu rõ tội là một biên giới, một môi trường, một vương quốc. Kinh Thánh dạy chúng ta là có hai vương quốc trong thế gian này, vương quốc của Đức Chúa Trời và vương quốc của quỷ dữ, vương quốc của ánh sáng và vương quốc của tối tăm, vương quốc của thánh thiện và vương quốc của tội ác. Có hai lĩnh vực sống khác hẳn với bạn hay tôi, khác hẳn với những hành động của chúng ta, vì đó là một lĩnh vực, một thái độ, một quan điểm và một lối suy tư.
Trước khi chúng ta sinh ra, tội đã có mặt trong thế gian này. Kinh Thánh giải thích tất cả tật bệnh, khó khăn và buồn khổ trong đời là vì tội ác. Đức Chúa Trời đã tạo dựng một thế giới tốt lành, nhưng tội ác đã vào đó. Con người được Đức Chúa Trời tạo nên hoàn hảo, nhưng đã sa ngã và kết quả là cả thế giới đều bị ô nhiễm tội. Kinh Thánh có nhiều câu nói rő về tội như:
Chúa đời này 2 Cô-rinh-tô 4:4; Vua của quyền lực không gian Ê-phê-sô 2:2; Chúng ta không vật lộn với thể xác và huyết thống, nhưng là với các chủ quyền, các thế lực, các kẻ cầm quyền trong thế gian mờ tối này, các thần dữ trên các nơi cao. Ê-phê-sô 6:12.
Như thế, theo Kinh Thánh, có một sức mạnh, một đế quốc và một cuộc tranh đấu rất mạnh giữa hai thế lực để giành giật con người trong đời sống ở thế gian. Vương quốc của Chúa và vương quốc của Sa-tan, nghĩa là trời và hỏa ngục lúc nào cũng va chạm nhau. Theo Kinh Thánh thì tất cả mỗi chúng ta khi sinh ra đời này là sinh trong nền thống trị của vương quốc tối tăm này; và do bản năng tự nhiên, chúng ta thường sống và quan niệm trong cái môi trường đó. Vương quốc tối tăm hay đi trong bóng tối là chống đối lại Đức Chúa Trời, là sống trong chỗ vô đạo và trong thế lực của tội ác.
Trong chương tiếp theo, Giăng dạy: Chớ yêu thế gian, cũng đừng ham mê những điều trong thế gian…Vì tất cả những gì thuộc về thế gian như tham dục của thể xác, tham dục của mắt và kiêu ngạo của đời đều không do Đức Chúa Trời, nhưng ra từ thế gian. (1 Giăng 2:15-16). Giăng muốn cho thấy hình ảnh những người đang bước đi trong bóng tối mà không biết. Những người ấy sống, suy tư và hành động trong một môi trường hoàn toàn chống nghịch lại Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là ánh sáng và trong Ngài không có bóng tối nào cả.
Tất nhiên những người đi trong bóng tối không làm gì có tương giao với Chúa. Phao-lô nói rõ: Sáng và tối nào có hoà hợp được chăng? Ta không thể nào hòa lẫn sáng và tối, vì không thể nào làm như vậy. Một người có quan niệm về cuộc đời đúng theo thế tục, chỉ suy nghĩ theo lối loài người và thuộc về trần thế, với tất cả những gì tiêu biểu cho niềm kiêu hãnh trong đời, không thể nào đi trên cùng một con đường với Chúa là ánh sáng và trong Ngài không có bóng tối nào. Như thế điều đầu tiên ta phải nhận định về giáo lý tội ác là, ta phải biết đó là một nền thống trị, một quyền lực, vì nếu không biết như vậy, ta không thế nào tương giao với Đức Chúa Trời được.
Nhưng Giăng tiếp tục nói rằng, không phải chúng ta chỉ quan niệm vấn đề như vậy, nhưng còn phải thực hành nữa. Giăng dạy: Vậy nếu ai nói mình thân thiết với Ngài mà lại sống trong bóng tối là người nói dối và không làm theo chân lý.Đức Chúa Trời không những là ánh sáng, Ngài còn hành động trong ánh sáng, người tin Chúa cũng vậy. Chúng ta chứng tỏ lập trường của mình bằng hành động. Những người không thể nào nhận chân về tội hay có ý nghĩ sai về tội, không thể nào có mối tương giao với Chúa được. Đó là điểm thứ nhất.
Sứ điệp thứ hai được ghi trong câu 8: Nếu chúng ta chối tội là chúng ta tự lừa dối và không chịu nhìn nhận sự thật. Hay nói rõ hơn: Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta tự lừa mình và trong chúng ta không có sự thật. Điều lầm lỗi thứ hai là không nhận thức rằng chính bản chất của chúng ta là tội ác. Ta cần phân biệt rõ ở đây. Giăng không nói đến hành động phạm tội, nhưng nói về bản chất phát sinh ra các hành động tội ác. Ông quan tâm đến tình trạng vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của những gì chúng ta làm, đó là tình trạng hay trạng thái phạm tội, đó là một nguồn tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta.
Nhiều người nhầm lẫn trong lĩnh vực này vì chỉ nghĩ về tội chứ không quan tâm đến bản chất phạm tội. Có những người lý luận rằng nếu chúng ta tin nhận Chúa và trở thành tín đồ của Ngài thì được giải phóng khỏi bản chất phạm tội và nhận được một bản chất mới, vì nhận được bản chất mới nên ta không có tội nữa. Nếu ta có làm điều gì sai lầm, thì không phải chúng ta phạm tội, vì tội chỉ ở trong thể xác mà thôi. Đó là các lý luận sai lạc của Khả Tri thuyết và cũng là đối tượng mà Giăng muốn đả phá. Ngày nay các tư tưởng tà giáo này cũng vẫn còn phổ biến. Nhất là khi người ta chỉ nhìn vấn đề từ điểm hành động thay vì bản chất bên trong chúng ta là nguyên nhân của các hành động đó. Giăng bảo rằng, nếu có người nào không nhận rằng mình có bản chất phạm tội là người ấy tự lừa mình và sự thật không có trong người ấy. Ngày nay chúng ta thấy lúc nào người ta cũng tố cáo những người gây ra các điều tàn hại trong xã hội, các hành vi xấu được phơi bày, những con người xấu được vạch mặt chỉ tên. Nhưng Kinh Thánh khẳng định: nan đề là ở trong mỗi chúng ta, chứ không phải ngoài kia; khi chỉ tìm ra lỗi của người khác là chính lúc chúng ta tự lừa dối mình.
Vấn đề ở đây không phải là chỉ khi nào ta có hành động phạm tội mới quan trọng. Không, câu hỏi quan trọng phải đặt ra là: Tại sao ta lại làm như vậy; điều gì thúc đẩy ta làm việc đó; điều gì trong con người tôi xui tôi suy nghĩ và đề nghị tôi hành động như vậy?Và chỉ có một câu trả lời, bên trong tôi có gì sai trật, và bản chất của tôi là bản chất tội. Phao-lô từng nói: Tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu (Rô-ma 7:18). Vì bản chất tội nên ta mới có những ước muốn xấu xa, tư tưởng xấu xa và các tưởng tượng tội ác. Vì hậu quả của cuộc sa ngã tổ tông mà những gì trong con người của tôi đã bị bóp méo và cong quẹo, không còn ngay thẳng được nữa. Có một loại suối bên trong tôi làm dâng lên tội ác và xấu xa. Như thế không những tôi có các hành vi tội ác, nhưng bản chất của tôi là phạm tội. Tôi đừng tưởng hễ không có hành động phạm lỗi nào là mình không có tội. Bản chất tội của tôi vẫn ở đó.
Chúng ta thường hay biện hộ cho các hành động sai của mình, nhưng rất dễ lên án buộc tội gắt gao người khác, và bảo những người ấy là xấu xa. Lòng người thật là xấu xa và độc ác, không cần nghiên cứu kỹ hay chuyên môn mới biết rằng ở trung tâm đời sống ta có điều sai trật, cần phải sửa lại. Bản chất của chúng ta là xấu xa tội ác, nếu không nhận như thế là tự lừa dối mình, và không có điều ngay thẳng chân thật trong lòng.
Một điều ta cần nhận định, đó là sự thật luôn luôn soi sáng cho ta, làm ta thấy rõ vấn đề. Điều này Ê-phê-sô 5:13 đã xác nhận: Nhưng khi phơi bày ra ánh sáng, mọi vật sẽ được chiếu sáng.
Chính Chúa Giê-xu cũng đã nói: Bị kết tội vì ánh sáng đã đến thế gian, nhưng con người ưa bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc làm của họ là tội ác xấu xa. Giăng 3:19. Người ta không đến với ánh sáng vì quá say mê bóng tối và sợ ánh sáng sẽ vạch ra những việc làm gian trá xấu xa của họ.
Như thế Giăng bảo rằng, nếu chúng ta nói mình không có tội thì chắc chắn sự thật không có trong chúng ta, vì sự thật giống như ngọn đèn thật lớn, chiếu rọi vào tận nơi sâu kín của tâm hồn chúng ta, tất cả những điểm nhơ bẩn xấu xa và bóng tối sẽ nổi bật trên tấm màn, chúng ta sẽ thấy và biết rõ, chúng ta không thể nào chối là mình không có tội được.
Điều này đưa chúng ta đến lỗi lầm cuối cùng ghi trong câu 10: Nếu chúng ta bảo mình vô tội là cho Đức Chúa Trời nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta. Tại đây Giăng vạch ra lầm lỗi thứ ba, đó là không nhận ra rằng mình là tội nhân và cần được tha thứ tội. Đây cũng là lỗi lầm không nhận ra bản chất tội, không nắm vững bản chất của mình đầy tội ác và không hiểu rằng mình thực sự phạm tội và cần được tha tội.
Có những người dường như bảo rằng: Đúng, tôi tin Đức Chúa Trời và tôi muốn tương giao với Ngài nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi có tội nào cả. Tôi không hiểu quan niệm về tội của các anh. Nếu anh nói chuyện này cho những người ngoài phố kia, chưa biết Chúa thì được, nhưng tôi sinh ra trong gia đình người tin Chúa, lúc nào tôi cũng cố sống ngay lành tử tế, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một tội nhân để phải ăn năn thống hối và cần được thay đổi. Giăng nói rằng, nếu đó là thái độ của bạn, thì bạn đã cho Đức Chúa Trời là nói dối, và lời Ngài không ở trong bạn, nghĩa là bạn không bằng lòng nghe rõ Chúa muốn nói gì.
Nếu chúng ta không nhận thức rằng mình là tội nhân và cần được Chúa tha thứ; nếu chúng ta không nhận thấy rằng chúng ta cần được tha thứ và vẫn còn cần được tha thứ; nếu chúng ta cứ nghĩ rằng mình luôn luôn thánh thiện hay là người tin Chúa chân chính; nếu chúng ta không nhận ra rằng mình cần phải ăn năn tội, thì Giăng bảo rằng, chúng ta cho Đức Chúa Trời là nói không đúng sự thật. Đây là giáo lý căn bản.
Phao-lô đã tóm tắt đầy đủ trong Rô-ma 3:10 rằng: Chẳng có người nào công chính thiện lành cả, dẫu một người cũng không.
Ông nói thêm trong câu 19: Chúng ta biết mọi điều luật pháp đòi hỏi đều áp dụng cho những người sống dưới luật pháp, nên chẳng ai có thể chạy tội, và cả nhân loại sẽ bị Đức Chúa Trời xét xử. Phao-lô tiếp tục trong câu 23 rằng: Vì mọi người đều đã phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Đức Chúa Trời. Người Do-thái ngày xưa nghĩ rằng họ là dân thánh duy nhất, còn tất cả mọi người trên đời đều là ội nhân. Nhưng Phao-lô khẳng định: toàn thể nhân loại đều có tội và môi miệng mọi người đều phải câm lặng. Đó là giáo lý về tội của Kinh Thánh. Nếu chúng ta nói mình không có tội, chúng ta phủ nhận lời Kinh Thánh dạy.
Nhưng hơn thế nữa, khi chối mình không có tội, chúng ta cũng gián tiếp chối việc nhập thế của Chúa Cứu Thế. Vì lý do nào mà con Đức Chúa Trời phải vào đời? Chúa vào đời là để cứu những kẻ lạc mất, cung ứng sự tha thứ tội bằng cách hi sinh đổ máu trên thập tự giá. Nếu tôi nói rằng tôi vô tội, tôi mặc nhiên chối bỏ việc nhập thế của Chúa, cái chết, cuộc phục sinh của Ngài và tôi làm Đức Chúa Trời ra là người nói dối. Thực sự nếu tôi nói rằng tôi vô tội, như thế là tôi chống đối hẳn lại toàn bộ mạc khải của Kinh Thánh; như thế không những tôi làm Đức Chúa Trời ra người nói dối mà còn chứng tỏ rằng tôi không nhận lời Chúa. Vì khi lời Chúa vào tâm hồn người thì tức khắc cáo trách tội ác, bắt buộc phải nhận tội và ăn năn hối lỗi. Lời Chúa cũng cho ta thấy rõ vai trò của thập tự giá, công cuộc cứu chuộc tội và toàn bộ kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Đức Chúa Trời nữa.
Xin tóm tắt lại như sau:
Không có quan niệm đúng về tội sẽ đưa đến các hậu quả sai lầm này. Nghĩa là chúng ta còn bước đi trong tối tăm và thái độ của chúng ta là giả trá. Nếu tôi nói tôi là người tin Chúa, mọi người biết tôi là người tin Chúa mà tôi vẫn tiếp tục bước đi, sống trong bóng tối, tôi là kẻ dối trá, tôi làm bộ đóng vai một người mà tôi chưa phải là người đó,tôi đánh lừa người ta.
Nhưng tôi cũng tự dối mình và đánh lừa mình nữa. Hơn thế, tôi làm Đức Chúa Trời ra là nói dối, cuối cùng tôi thấy Đức Chúa Trời không cần thiết thực hiện những điều liên quan đến Chúa Giê-xu. tôi nghiễm nhiên coi thường tình thương cao quý của Chúa, vì Ngài đã sai con Ngài xuống thế gian là để cứu tôi và chuộc tôi khỏi tội. Nếu tôi nói tôi không có tội tức là tôi không thể nào tương giao với Đức Chúa Trời được, vì tôi còn đi trong bóng tối, chưa được tha thứ tội, và Đức Chúa Trời là ánh sáng, trong Ngài không có bóng tối nào cả. Một kẻ dối trá không thể nào đứng trước mặt Chúa; vì như thế là hoàn toàn mâu thuẫn với tất cả những gì thuộc về Chúa, nghĩa là tôi không thể là người tin Chúa thật được.
Giáo lý về tội rất là hệ trọng, nếu tôi không nhận tôi là tội nhân cần ăn năn, và nếu hi vọng duy nhất của tôi không phải là trông nhờ vào Chúa Cứu Thế và cuộc hi sinh của Ngài trên thập giá vì tội của tôi và cuộc sống lại của Ngài để xưng công chính cho tôi, thì tôi không những không có tương giao nào với Đức Chúa Trời, mà tôi vẫn còn sống trong cõi tối tăm hoàn toàn.
Như thế, muốn có được tương giao với Chúa, chúng ta không những phải biết thật rõ về Chúa, nhưng cũng phải biết thật rõ về chính mình và bản chất của mình nữa.
Cảm tạ Đức Chúa Trời, Sứ Đồ Giăng không bỏ chúng ta tại đó. Khi đã thuyết phục chúng ta về tội của mình, ông cho chúng ta thấy hi vọng tràn trề do ân sủng của Chúa cung ứng, ông viết: Nếu chúng ta sống trong ánh sáng như Đức Chúa Trời là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau, và huyết Chúa Giê-xu con Ngài tẩy sạch tất cả tội ác của chúng ta. Nếu chúng ta xưng tội với Chúa, Ngài sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm chúng ta, đúng theo bản tính công chính của Ngài.
Bài 10
Đi Trong Ánh Sáng
Vậy nếu ai nói mình thân thiết với Chúa, mà lại sống trong bóng tối là người nói dối và không làm điều chân thật: nhưng nếu chúng ta sống trong ánh sáng, như Đức Chúa Trời là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau và máu của Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội ác chúng ta. Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta tự lừa mình, và không chịu nhìn nhận sự thật. Nhưng nếu chúng ta xưng tội thì Chúa sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm của chúng ta theo đức công chính của Ngài. Nếu chúng ta bảo mình vô tội, là cho Đức Chúa Trời nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta.
I Giăng 1:6-10
Sứ đồ Giăng đã nói rõ rằng chúng ta phải hoàn toàn thông suốt về một số điều kiện bắt buộc phải có nếu ta thật sự muốn có tương giao với Chúa. Giăng đã khởi đầu nói về đức tính và bản chất của Chúa trước, sau đó ông bảo chúng ta cũng phải biết rõ về thân phận của mình nữa. Trong bài trước chúng ta đã nói đến khía cạnh tiêu cực về chúng ta, đó là tình trạng phạm tội, bài này xin nói về mặt tích cực của vấn đề.
Chúng ta để ý thì sẽ thấy Giăng đưa ra một số điều tương phản ở đây:
Vậy nếu ai nói mình thân thiết với Chúa, mà lại sống trong bóng tối là người nói dối và không làm điều chân thật: nhưng nếu chúng ta sống trong ánh sáng, như Đức Chúa Trời là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau và máu của Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội ác chúng ta. Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta tự lừa mình, và không chịu nhìn nhận sự thật. Rồi sau đó: Nhưng nếu chúng ta xưng tội thì Chúa sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm của chúng ta theo đức công chính của Ngài.
Như vậy hai câu bẩy và chín nói về khía cạnh tích cực của vấn đề. Chúng ta phải thấy rõ những điều kiện tích cực là gì để hội đủ và như thế mối tương giao giữa ta với Chúa mới thể hiện được, hay là tiếp tục được.
Lời Giăng trong các câu này có thể chia làm hai phần. Muốn cho việc tương giao với Chúa thực sự thể hiện, ta cần phải làm một số điều và Chúa cũng làm một số điều cho ta:
Nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, như Đức Chúa Trời là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau..
đó là điều chúng ta cần làm,
và máu của Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội ác chúng ta đó là việc Chúa làm.
Nếu chúng ta xưng tội mình.. đó là việc chúng ta làm, thì Chúa sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm của chúng ta.
Như thế một cuộc tương giao giữa ta và Chúa chắc chắn là phải có hai phía, phía Chúa và phía ta. Hai phía này thường lẫn lộn và trộn lẫn.
Nói khác đi, tương giao không phải cái gì mang tính chất máy móc, nhưng luôn luôn sinh động và có hệ thống. Chúng ta đang mổ xẻ vấn đề để tìm hiểu, nhưng nên nhớ tính chất thống nhất. Việc ta đang làm có thể so sánh như các nhạc sĩ khi họ phân tích một bản nhạc sonata hoặc là cộng hưởng. Nói rằng bản nhạc ấy gồm có nhiều phần và có thể phân tích từng phần, nhưng muốn thưởng thức bản nhạc ấy, ta phải luôn luôn nhớ nó là nguyên một bản nhạc. Ta không thể nào ngưng lại ở một đoạn phân tích nào hay là bỏ khi đến những phần và khúc khác nhau; các phần, các khúc ấy vẫn ở đó, nhưng chúng là thành phần của nguyên một bản nhạc.
Cũng như thân thể chúng ta tuy là có nhiều cơ phận, ta có thể nghĩ về các cơ phận này tách rời khỏi thân thể – như nghiên cứu cánh tay và ngón tay chẳng hạn – mặc dù riêng rẽ, nhưng vẫn thuộc về một thân thể. Chúng ta dù phân tích các cơ phận rời để nghiên cứu, nhưng không bao giờ quên là thân thân thể là một hệ thống.
Chúng ta đang nói về việc tương giao với Chúa và đang xét đến khía cạnh tích cực của vấn đề.
Ai nghiên cứu các tác phẩm của Giăng đều biết rõ Giăng rất ưa nói đến ánh sáng và sự sống. Trong các câu chúng ta đang nghiên cứu, Giăng dạy: Nhưng nếu chúng ta bước đi hay sống trong ánh sáng như Chúa là ánh sáng. Câu Giăng ưa nhất là: bước đi trong ánh sáng. Nếu hiểu theo đúng nghĩa, tức là khi tin Chúa, chúng ta có hi vọng duy nhất là được tha tội và trở thành thánh thiện hoàn toàn như chính Chúa.
Nhưng ta biết rõ chuyện đó không thể nào xảy ra được. Ai là người dám nói mình toàn thánh toàn thiện, ai là người dám nói không có tội?
Vì nếu chúng ta nói mình không có tội là chúng ta tự dối mình và trong chúng ta không có sự thật.
Như vậy chúng ta không thể nào hoàn toàn được.
Trong phần trên, Giăng đã nói: Bước đi trong bóng tối, có nghĩa là sống trong lĩnh vực tối tăm, dưới sự chế ngự của trần gian và tội ác, thuộc về một vương quốc, vương quốc của bóng tối, của Sa-tan, của trần tục, một vương quốc phản loạn chống lại nước và vương quốc của Chúa. Nói khác đi, những người đi trong bóng tối không phải chỉ là những người phạm một số tội trọng nào đó. Họ là những người có thể đáng tôn trọng trong đời – đạo đức nữa – nhưng họ bước đi trong bóng tối vì họ ở bên ngoài ánh sáng phúc âm của Chúa Giê-xu, đó chính là lĩnh vực mà mỗi người phải bước vào, đó là cái nhìn, là quan điểm tổng quát về cuộc đời.
Như thế khi nói: bước đi trong ánh sáng chúng ta phải hiểu hoàn toàn đối nghịch với bước đi trong bóng tối. Bước đi trong ánh sáng không phải là hoàn toàn thánh thiện, nhưng chỉ có nghĩa là hiện nay tôi không bước trong vương quốc của trần gian nữa và đang sống trong vương quốc của Chúa, tôi thuộc về vương quốc của ánh sáng. Tôi là kẻ không xứng đáng, nhưng dù vậy tôi đã vào vương quốc ấy và thuộc về chỗ đó, tôi đang bước đi trong lãnh địa của ánh sáng. Đức Chúa Trời là Vua của vương quốc đó.
Vậy thì bước đi trong ánh sáng như Chúa là ánh sáng đồng nghĩa với câu: Tôi đã được chuyển dịch từ nước tối tăm vào trong nước của con Ngài (Cô-lô-se 1:13.) Sứ đồ Phi-e-rơ cũng diễn tả cùng một ý tưởng này khi ông viết: Anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức tế lễ hoàng tộc, là một dân thánh, một dân đặc biệt đểa anh em có thể ca ngợi đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài. (1 Phi-e-rơ 2:9). Đó chính là vùng ánh sáng, là vương quốc, là tổ quốc của chúng ta.
Việc bước đi trong ánh sáng không phải dành riêng cho một số nhà tu hành nào hay thánh nhân mà thôi. Giăng dạy rằng, đó là việc cần cho mỗi người xưng là tín đồ của Chúa Cứu Thế. Người tin Chúa phải bước đi trong ánh sáng, người không tin Chúa bước đi trong bóng tối, đơn giản là như vậy. Tất cả mọi người tin Chúa dù yếu đuối đến đâu, không xứng đáng đến đâu, vẫn là những người đi trong ánh sáng; nếu không thì họ đã không phải là người tin Chúa rồi và tất cả những gì Giăng dạy đều không đem áp dụng cho họ được.
Tuy nhiên trong áp dụng thực tế thì phải hiểu như thế nào?
Trước tiên, chúng ta không thể nào tuyên bố là mình đang bước đi trong ánh sáng nếu chưa bao giờ ăn năn xưng tội với Chúa. Nói khác đi, chúng ta là những người đã được mở mắt nhìn thấy rõ toàn bộ giáo lý về tội ác như chúng ta đã phân tích. Làm sao tôi biết được là tôi đang bước đi trong ánh sáng? Đây là một trong các câu trả lời rõ nhất: Tôi đã đến chỗ nhận định rằng mình được sinh ra trong tội và hoài thai trong tội ác; đó là tội theo tự nhiên, bẩm sinh, Chúng ta là con của thịnh nộ. Chúng ta đã đi đến chỗ nhận định rằng chúng ta là nô lệ, được sinh ra dưới sự thống trị của tội và Sa-tan; chúng ta từng sống trong lĩnh địa tối tăm; bản sắc của chúng ta là phạm tội và chúng ta đã từng phạm tội. Chúng ta biết rõ tình trạng của mình và đau xót, hối tiếc, cảm thấy khốn khổ vì cảnh huống đó. người nào ăn năn hối lỗi là người đã biết tình cảnh của mình, người biết nói rằng: Khốn nạn cho tôi! Ai có thể cứu tôi khỏi thân xác chết này? Đây là điều cực kỳ quan trọng, vì không người nào tin Chúa mà lại không thấy tình trạng hư hoại vô vọng của mình.
Nhưng bạn để ý, không phải chỉ có vậy mà thôi. Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Như người con hoang đàng khi xưa, khi con người ý thức được hoàn cảnh của mình, nhận định vấn đề và nói: Ta sẽ đứng dậy, trở về nhà Cha ta, rồi hắn đứng dậy đi ngay; hắn đã thay đổi hoàn toàn nơi cư ngụ và địa vị. Người tin Chúa cũng phải làm như thế, nghĩa là không dừng lại ở chỗ ăn năn và ý thức về tội. Người ấy phải tích cực sống đúng tư cách của một người vừa được chuyển dịch vào nước của con Đức Đức Chúa Trời.
Nghĩa là người bước đi trong ánh sáng là người tìm Đức Chúa Trời. Họ ao ước biết Chúa rõ hơn; họ quan tâm nhiều về vinh quang và vinh dự của Đức Chúa Trời, họ muốn làm điều gì cho Đức Chúa Trời vui lòng. Họ nhận thức rằng b iết bao năm họ từng sống trong lĩnh vực chống nghịch lại Đức Chúa Trời, và toàn bộ vấn đề là bây giờ phải sống hoàn toàn khác hẳn. Đó chính là bước đi trong ánh sáng, sống cho vinh quang và vinh dự của Chúa. Chúa là chủ của họ, họ tìm đến công chính thiện lành và quan tâm về sự thánh khiết.
Trên thực tế có người thực hành câu này bằng cách lánh đời, ra khỏi hoàn cảnh sống. Đó là quan niệm của trường phái tu viện và huyền bí. Quan niệm như thế là sai.
Sai lầm thứ hai lại đi về phía cực đoan khác. Người ta không cho việc đối xử và hành vi là quan trọng. Một mặt nói rằng tránh việc xưng công chính do việc làm, và vì vậy chỉ thuần tuý tin mà thôi chứ không tham gia vào nghĩa cử nào cả.
Ta nên nhớ rằng đức tin và việc làm không thể tách rời, cả hai đều quan trọng. Đây là điều phân biệt rõ những người chỉ tin Chúa như chấp nhận một triết thuyết nhưng trên thực tế không hành động gì cả. Những người đó không thể đang đi trong ánh sáng được. Vì hành động chứng nghiệm lòng tin. Bước đi trong ánh sáng nghĩa là ăn năn hối lỗi, xoay hướng về phía Chúa lánh xa tội ác.
Như vậy điều đầu tiên Giăng nhấn mạnh là bước đi trong lĩnh địa ánh sáng, không phải trong bóng tối.
Điều thứ hai là xưng tội. Đây cũng là điều chính yếu. Nếu chúng ta xưng nhận tội thì Chúa là đấng thành tín và công chính tha tội cho chúng ta… Sứ đồ Giăng dường như lý luận rằng: Tại sao việc không chịu xưng tội lại làm cản trở mối tương giao của tôi với Chúa? Đây là các lý do:
Ánh sáng làm lộ ra những gì ẩn giấu thuộc về bóng tối; như vậy, nếu tôi từ chối không chịu đối diện với tội của tôi, có nghĩa là tôi tránh ánh sáng. Tôi che giấu và từ chối không muốn đối diện với vấn đề, như vậy là làm cuộc tương giao gián đoạn, vì Đức Chúa Trời là ánh sáng. Nói khác đi, tôi chống lại Thánh Linh, vì công việc của Thánh Linh là đem tội kín giấu của tôi ra ánh sáng, cáo giác tôi về tội và đưa tôi đến chỗ từ bỏ hẳn tội.
Không chịu xưng tội cũng có nghĩa là tôi không thành thật với chính mình; nếu không thành thật với chính mình làm sao thành thật với Chúa được? Người không thành thật không thể nào tin cậy và không tương giao được. Người không thành thật tự mình cắt đứt mọi mối tương quan với bạn hay người thân. Người không thật với chính mình sẽ giả trá đối với mọi người. Nhưng thành thật với mình thì không bao giờ lại giả trá với kẻ khác được.
Sau cùng, không xưng tội nghĩa là ghét ánh sáng. Ghét ánh sáng thì làm sao đi với Chúa là ánh sáng được? Ghét ánh sáng là ghét tin mừng; muốn nói về tình thương của Chúa, nhưng ghét ánh sáng thì làm sao thể hiện được?
Xưng tội là điều cần. Xưng tội nghĩa là vẫn mở ra cho công việc của ánh sáng, chúng ta phải để cho ánh sáng dò xét mình, chúng ta phải bỏ đi tất cả những gì bào chữa, phải đến với lời Chúa một cách chân thành.
Điều quan trọng thứ hai là phải xác nhận rõ các tội đã phạm. Đây là một quá trình rất khó chịu, vì xưng tội không có nghĩa là tôi cứ nói một cách tổng quát: Vâng thì tôi cũng có tội đấy chứ, tôi có là thánh nhân đâu?
Không, tôi phải đi vào chi tiết rõ ràng. Tôi phải nói rõ tôi phạm tội gì, trong trường hợp nào. Tôi không thể chỉ nói cho qua, mà cũng không được cố tình chối tội. Tôi phải thực sự đối diện với tội chứ không vội vàng cho tội vào quá khứ nhanh chóng. Xưng tội có nghĩa là đối diện thẳng với tội, không cố gắng lấy những việc tốt tôi làm để bù lại những gì tôi đã phạm. Không, tôi phải để cho ánh sáng của Chúa soi thấu tôi, dò xét tôi, tôi phải cảm thấy khốn khổ khi đối diện với những gì ghê gớm mà tôi làm, như thế có nghĩa là xưng tội với Chúa rõ ràng bằng lời.
Việc xưng tội đây được đặt ra vì việc tương giao với Chúa, đi với Chúa. Tôi phải tự nhận ra tội của mình thật rõ ràng và xưng tội với Chúa. Chúa thành tín hứa rằng Ngài sẽ tha thứ, nhưng nếu tôi không xưng tội thì làm sao Chúa tha được.
Dĩ nhiên là khi tôi xúc phạm đến người nào thì tôi phải xưng tội hay là xin lỗi đối với người ấy, nhưng quan trọng hơn cả là xưng tội với Chúa. Vì mất tương giao với Chúa thì tôi chẳng còn gì nữa.
Cầu xin Chúa soi dẫn bạn trên đường theo Chúa để lúc nào bạn cũng bước với Chúa trong ánh sáng của Ngài và cuộc tương giao của bạn với Chúa không bao giờ bị gián đoạn.
Bài 11
Máu Của Chúa Cứu Thế Giê-xu
Vậy nếu ai nói mình thân thiết với Chúa, mà lại sống trong bóng tối là người nói dối và không làm điều chân thật: nhưng nếu chúng ta sống trong ánh sáng, như Đức Chúa Trời là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau và máu của Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội ác chúng ta. Nếu chúng ta nói mình không có tội, là chúng ta tự lừa mình, và không chịu nhìn nhận sự thật. Nhưng nếu chúng ta xưng tội thì Chúa sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm của chúng ta theo đức công chính của Ngài. Nếu chúng ta bảo mình vô tội, là cho Đức Chúa Trời nói dối, và Lời Ngài không ở trong chúng ta.
I Giăng 1:6-10
Chúng ta đã thấy rằng nếu chúng ta muốn cuộc tương giao với Chúa tiếp tục mãi, chúng ta cần làm các việc sau đây: Đi trong ánh sáng, và xưng nhận tội. Không có một lợi ích nào khi ta nói về sự tương giao với Chúa mà vẫn đi trong vùng tăm tối. Không, ta phải đi trong vùng ánh sáng, phải ăn năn hối lỗi, tin Chúa Giê-xu và theo bước Chúa mà đi. Thêm vào đó, ta phải xưng nhận tội ác. Nếu chúng ta đã đi với Chúa và có tương giao với Ngài, chúng ta lại càng ngày càng thấy rõ tình trạng không xứng đáng và tội ác của Ngài, vì càng đến gần ánh sáng bao nhiêu thì cuộc đời ta càng dễ thấy khuyết điểm bấy nhiêu.
Thoạt tiên chúng ta thấy vô hi vọng vì tình trạng bất khiết của mình và đức thánh khiết hoàn toàn của Chúa. Phi-e-rơ trong một buổi đánh cá đêm không được một con cá nào, đến sáng, Chúa Giê-xu đứng trên bờ bảo họ thả lưới lần nữa, cũng tại khúc biển hồ ấy, họ kéo được một mẻ cá nhiều đến 153 con. Phi-e-rơ thấy phép lạ huyền diệu này, nhận ngay ra trước mặt ông ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng, nên nhảy xuống nước kêu lên: Xin Chúa ra khỏi con, vì con là người đầy tội.
Thái độ ấy của Phi-e-rơ phải là của mỗi chúng ta khi đến với Chúa. Nhưng phải giải quyết làm sao? Vì chúng ta cố đi trong ánh sáng, xưng nhận tội, nhưng dường như không xong, vì lương tâm chúng ta vẫn cáo trách, và chúng ta tự cảm thấy không thể ở trong ánh sáng vinh quang đó được. Để trả lời vấn đề này, ta cần trở lại với câu 7 và câu 9: Nếu chúng ta sống trong ánh sáng, như Đức Chúa Trời là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau và máu của Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội ác chúng ta. Nhưng nếu chúng ta xưng tội thì Chúa sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm của chúng ta theo đức công chính của Ngài.
Có hai điểm được nêu lên tại đây:
1. Điều Đức Chúa Trời cung ứng cho nhu cầu của chúng ta.
2. Đảm bảo mà chúng ta có căn cứ vào việc cung ứng của Chúa.
Đức Chúa Trời đã cung ứng cho chúng ta điều gì trong cuộc tương giao với Chúa khi chúng ta tự cảm thấy mình có tội? Câu trả lời là: Máu của Chúa Giê-xu, con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta;Chúa sẽ giữ lời hứa tha thứ và tẩy sạch chúng ta theo đức công chính của Ngài.
Một từ Giăng không nói đến trong các câu này, nhưng vẫn hàm ý, đó là Tuyên xưng công chính. Tuyênxưng công chính hay tuyên xưng công nghĩa là từ của Kinh Thánh Tân Ước, có nghĩa là chỗ đứng của ta trước hiện diện của Chúa. Tuyên xưng công nghĩa không những chỉ là tha thứ tội ác, nhưng còn có nghĩa là tội của ta đã bị đem ra xử và được rời bỏ. Tuyên xưng công nghĩa tức là bảo rằng Đức Chúa Trời coi chúng ta là thánh thiện, như chưa bao giờ phạm tội. Nói khác đi, tuyên xưng công nghĩa mạnh hơn là tha thứ. Vì ta có thể được tha thứ, nhưng tội vẫn còn đó. Việc Chúa làm trong tuyên xưng công nghĩa là bỏ hẳn tình trạng phạm tội, trừ bỏ hẳn tội đi. Không những Chúa không trừng phạt, nhưng còn coi chúng ta như chưa từng phạm tội bao giờ.
Giăng dạy rằng: Máu của Chúa Giê-xu con Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội chúng ta. Nên chúng ta dù không xứng đáng, nhưng vẫn sống trong ánh sáng, trong tương giao với Chúa được.
Máu hay huyết của Chúa Giê-xu được nói đến ở đây là chỉ về cái chết của Chúa. Cái chết của Chúa Giê-xu đã thực hiện được điều gì? Theo Kinh Thánh Tân Ước thì cái chết của Chúa Giê-xu là đem lại sự tha thứ tội cho chúng ta; cái chết đó quan hệ đến việc tuyên xưng công nghĩa, việc bôi xoá tội ác và việc phục hòa với Đức Chúa Trời.
Cái chết của Chúa Giê-xu tác dụng đến việc phạm tội, ô nhiễm tội và hậu quả tai hại của tội; thánh hóa và hoàn thành đời sống toàn vẹn là công việc của Chúa Giê-xu phục sinh, Đấng đã sai Thánh Linh đến trong chúng ta và trên chúng ta. Công việc thánh hóa là của Thánh Linh. Trong khi đó cái chết của Chúa quan hệ đến việc phạm tội.
Kinh Thánh không dạy rằng sự tương giao của ta với Chúa không thể thực hiện được nếu tội vẫn còn ở trong chúng ta, vì nếu như thế thì không ai có tương giao với Chúa được. Vì nếu tương giao với Chúa chúng ta phải hoàn toàn thánh thiện công nghĩa, thì loài người chúng ta không ai đạt được đến trình độ ấy, vì chúng ta tự biết mình vẫn còn có tội và vi phạm.
Nhiều người vẫn thắc mắc về các tội mình phạm và những ảnh hưởng tai hại của nó, Giăng trả lời khẳng định: Máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu thanh tẩy mọi tội ác, ô nhiễm và ảnh hưởng tai hại do tội gây nên, và vì vậy bạn vẫn có thể tương giao với Chúa được. Chúng ta không nói rằng như thế không cần đến thánh hóa nữa, không, thánh hóa là điều tối cần, nhưng cố gắng của ta bước đi trong ánh sáng chính là một phần của việc thánh hóa, việc ta xưng tội và nhận tội mỗi ngày cũng vậy.
Giăng có rất nhiều điều dạy về thánh hóa trong thư này. Ông dạy phải thương yêu, phải tử tế và thương xót, không sống vì những đối tượng thuộc về trần gian, đó tức là thánh hoá. Nhưng Máu của Chúa Giê-xu là việc khác, liên quan đến xưng công chính cho chúng ta.
Tuy nhiên có nhiều người sẽ không minh bạch về vấn đề này, tưởng rằng theo Chúa có khi vẫn còn rơi vào bóng tối. Có người nghĩ rằng có lúc ta sống trong ánh sáng, lúc khác lại sống trong bóng tối. Kinh thánh không dạy như vậy. Người tin Chúa không chân trong chân ngoài như vậy. Chúng ta theo bản chất là sống trong bóng tối, nay tin Chúa đã được chuyển sang ánh sáng, chính máu Chúa Giê-xu đã đưa ta vào đó.
Nhiều người nghĩ rằng mỗi khi ta theo Chúa mà còn phạm tội thì ta trở lại thập tự giá, nhưng thật ra thập tự giá theo sát chúng ta. Khi ta phạm tội, ta xưng tội với Chúa, quyết tâm từ bỏ và tiến bước chứ không lùi lại bao giờ. Thập tự giá theo chúng ta trong ân sủng và thương xót của Chúa. Điều này Phao-lô đã nói đến trong hình ảnh vầng đá theo chân những người Do-thái trong hành trình sa mạc vào đất hứa của họ. Vầng đá đó chính là Chúa Giê-xu ngày nay. Phao-lô viết trong 1 Cô-rinh-tô 10:4 rằng: và uống một thứ nước thiêng liêng; vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình, và đá ấy tức là Đấng Christ.
Mỗi lần chúng ta phạm tội, chúng ta đến thực lòng xưng tội và chừa bỏ thì Đức Chúa Trời sẽ nhìn thấy máu của Chúa Giê-xu che đậy tội của chúng ta và Ngài tha tội cho chúng ta. Chúa giữ lời hứa và sẵn sàng tha thứ như vậy.
Khi nào Sa-tan đến nói với bạn: Anh không phải là tín đồ của Chúa, vì anh còn phạm tội, anh không xứng đáng bước đi với Chúa, coi kìa, tội ác như thế mà đi với Chúa sao được?
Bạn sẽ dõng dạc nói với nó rằng: Máu của Chúa Giê-xu tẩy sạch mọi tội của ta. Chúa thành tìn sẽ tha thứ và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi vi phạm.
Chúa thành tín và công nghĩa sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi gian ác. Điều này có nghĩa gì?
Giăng muốn cho người tin Chúa yên tâm về việc Chúa tha tội, nên mới dạy, Chúa thành tín và công nghĩa sẽ tha thứ và thanh tẩy. Đây là nói về bản chất của Chúa. Chúa đã hứa như thế trong danh Chúa Giê-xu. Trong Cựu Ước Chúa đã hứa và thực hiện như vậy qua sinh tế. Nhưng trong Tân Ước, sinh tế đó chính là Chúa Giê-xu. Đức Chúa Trời gọi việc hi sinh của Chúa Giê-xu là sinh tế toàn vẹn nhất. Vì vậy mỗi lần ta phạm tội và xưng nhận từ bỏ tội thì Đức Chúa Trời nhìn lên con Ngài trên thập giá mà tha thứ. Khi ta xưng tội với Chúa là ta nhìn lên thập giá, tin vào máu hi sinh của Chúa Giê-xu để xin được tha tội, và Đức Chúa Trời sẽ tha cho chúng ta.
Đức Chúa Trời có làm việc chính đáng khi tha thứ tội nhân như thế không? Đức Chúa Trời hoàn toàn công chính, vì thập tự giá và cái chết hi sinh của Chúa Giê-xu làm cho Đức Chúa Trời rất công minh và công chính, vì tội phạm đã có giá trả đền tội xứng đáng. Đức Chúa Trời đã trừng phạt tội trên con của Ngài, nên Ngài hoàn toàn hữu lý khi tha tội cho kẻ vi phạm.
Như vậy, khi nào ta cảm biết mình có tội và không xứng đáng trước hiện diện của Đức Chúa Trời, ta hãy nhìn lên máu của Chúa Giê-xu, tai đó ta sẽ thấy sự tha thứ của Chúa, đức công chính của Chúa. Ta biết rằng Chúa đã tha, đang tha và sẽ còn tha thứ mãi.
Người tin Chúa sẽ an tâm tiến bước theo Chúa và thánh hóa cuộc đời mình thường xuyên bằng hành động xưng tội và từ bỏ tội ác. Nhưng nên nhớ rằng hành động lạm dụng Chúa sẽ không chấp nhận. Mỗi người cần ý thức rằng không thể đóng đinh con Đức Đức Chúa Trời nhiều lần được, như Hê-bơ-rơ dạy: Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ ăn năn nữa, vì họ đóng đinh con Đức Chúa Trời trên thập giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường.
Mời quý thính giả đọc lại câu Kinh Thánh hôm nay và sau đó cầu nguyện với Chúa:
Nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng, như Đức Chúa Trời là ánh sáng, chúng ta sẽ giao hảo với nhau và máu của Chúa Giê-xu, con Đức Chúa Trời tẩy sạch mọi tội ác chúng ta. Nếu chúng ta xưng tội thì Chúa sẽ giữ lời hứa tha thứ chúng ta và tẩy sạch tất cả lỗi lầm của chúng ta theo đức công chính của Ngài.
Bài 12
Chúa Cứu Thế Giê-xu
… máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu Con Ngài ( hay, huyết của Đức Chúa Giê-xu, con Ngài)…
I Giăng 1:7
Nhiệm vụ của người truyền giảng đạo Chúa trong bất cứ thời nào, hoàn cảnh nào và nơi nào vẫn phải là trình bầy về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nhưng chúng ta cũng cần thường xuyên tự nhắc nhở mình về những sự kiện và những chi tiết về Chúa Cứu Thế mà chúng ta hay cho là mình đã biết tất cả rồi.
Máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Ngài…, câu ngắn ngủi này đã tóm tắt giáo lý chính dạy trong Tân Ước.
Những lá thư trong Kinh Tân Ước không phải viết để mà viết, vì không phải do những người văn chương lỗi lạc hay ưa văn chương muốn sáng tác văn để lại cho đời. Các lá thư này viết ra vì hoàn cảnh Hội Thánh còn ấu thơ lúc ban đầu, mục đích chính là chăn sóc đức tin cho các tín hữu. Ngay lá thư Giăng thứ nhất mà chúng ta đang nghiên cứu đây cũng là để chăm sóc như vậy.
Giăng quan tâm rất nhiều về việc hiểu thấu giáo lý liên quan đến Chúa Cứu Thế Giê-xu. Đây có thể cũng là động lực chính thúc đẩy ông viết thư này. Trong bức thư này Giăng thường hay đề cập đến điều mà ông gọi là nghịch lại Chúa Cứu Thế hay là kẻ địch lại Đấng Christ. Giăng dùng lời lẽ rất nặng, gọi những người viết về giáo lý chống lại Chúa Cứu Thế là dối trá, và đối với ông, chúng ta phải hoàn toàn hiểu rõ không nghi ngờ, không ngần ngại gì hay mập mờ về con người của Chúa Giê-xu người Na-xa-rét, con Đức Đức Chúa Trời.
Chúa Cứu Thế Giê-xu là chủ đề của toàn bộ Kinh Tân Ước. Chúng ta cũng cần cẩn thận để không bao giờ tách rời giáo lý ra khỏi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì khi chỉ chú trọng về giáo lý mà bỏ quên Chúa Giê-xu là đã làm công việc vô ích. Vì Cơ Đốc Giáo hay đạo Chúa không phải là một tư tưởng hay một đề nghị, cũng không phải là một triết lý. Cơ Đốc Giáo là trình bầy về một người, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu, không có con người ấy, chúng ta chẳng còn gì nữa cả.
Dĩ nhiên tất cả những lời dạy về luân lý, đạo đức, các tư tưởng cao đẹp về đời sống đều rất tốt và hữu ích, nhưng đó không phải là Cơ Đốc Giáo. Vì khi không bắt đầu với con người của Chúa Giê-xu, không rõ về Ngài, thì không còn gì nữa cả. Không có tin mừng nào để loan, không có tin lành nào để báo cả. Cuộc đời nhân loại sẽ không làm gì có hi vọng. Vì không có Chúa Giê-xu thì chúng ta cũng như mọi người, đang cùng sống trong thế gian tối tăm và tình trạng càng ngày càng tối tăm hơn, xấu xa hơn mà thôi.
Người ta thường nói rằng Cơ Đốc Giáo là Chúa Giê-xu, vì tất cả đều tập trung vào Chúa Giê-xu. Mỗi giáo lý, mỗi ý niệm mà chúng ta có là đều do từ Chúa Giê-xu cả. Vì vậy bắt đầu với Chúa Giê-xu là đúng nhất. Giăng đã làm như thế ngay trong bức thư này.
Ngay những câu mở đầu, Giăng đã nói: Điều có từ ban đầu, là điều chúng tôi đã nghe, mắt đã thấy, đã nhìn ngắm và tay đã đụng chạm, chính là Lời Sống…
Điều mà Giăng nói ở đây chính là Chúa Giê-xu. Giăng khởi đầu với giáo lý về một người. Vì toàn bộ sứ điệp của Giăng là nói về mối tương giao giữa người tin Chúa và Đức Chúa Trời qua trung gian là Chúa Giê-xu. Chỉ một mình Chúa Giê-xu mới khiến chúng ta có được tương giao huyền nhiệm này.
Như vậy Chúa Giê-xu là một gạch nối duy nhất giữa chúng ta và Đức Chúa Trời, vì vậy việc hiểu rõ Chúa Cứu Thế chắc chắn phải đặt ở hàng ưu tiên. Ngay những câu đầu tiên của bức thư Giăng thứ nhất, tác giả đã sửa lại một vài điều không đúng về Chúa Giê-xu trong thời đó. Trong suốt bức thư, Giăng nhắc đi nhắc lại nhiều lần giáo lý về Chúa Giê-xu, vì có lẽ chính giáo lý này thường gây khó khăn trong giáo hội. Ta cần phải nắm vững giáo lý về Chúa Giê-xu, nếu không ta chẳng còn gì làm căn bản nữa.
Câu Kinh Thánh …máu của Chúa Cứu Thế Giê-xu, con Ngài…trước tiên nhắc chúng ta nhớ về nguồn gốc đức tin của mình. Đức tin của chúng ta quan hệ đến Chúa Giê-xu, một nhân vật có thật trong lịch sử loài người. Các triết gia Hi-lạp ngày xưa nói rất nhiều về tư tưởng của họ. Họ khởi đầu như các đại tư tưởng xuất phát từ trời, rồi những tư tưởng ấy làm thế nào đó nhập thế, nhưng đó chỉ là trong lĩnh vực tư tưởng. Triết gia chỉ nói về tư tưởng, và nhiều khi người tin Chúa cũng vội chạy theo lối suy nghĩ này.
… Chúa Cứu Thế Giê-xu, con Ngài…câu này không phải là một tư tưởng triết học, cũng không phải một ý niệm, nhưng là một sự kiện, một thực sự, là vinh quang của đức tin chúng ta. Đây là một điều dựa trên một loạt những việc xảy ra và những biến cố. Vì tên Giê-xu làm chúng ta nhớ đến hài nhi Giê-xu sinh ra tại Bết-lê-hem trong một chuồng bò chiên và được mẹ đặt nằm trong máng cỏ; Giê-xu là tên một em bé đã sinh ra đời thật sự; thiếu niên Giê-xu là nhân vật có thật từng lý luận với các bậc trưởng lão trong đền thờ; thanh niên Giê-xu sau này làm nghề mộc trong làng Na-xa-rét mà nhiều người quen biết. Giê-xu là nhân vật có thật chứ không phải một ý niệm hay huyền thoại.
Thế rồi có ba năm quan trọng trong lịch sử nhân loại, đó là ba năm Chúa Giê-xu ra đời phục vụ. Chúa Giê-xu đã đi tới đi lui, đi lên đi xuống khắp vùng Palestine, vừa đi vừa giảng dạy, thực hành các phép lạ và tiếp xúc với dân chúng. Lịch sử cũng ghi lại đầy đủ như thế, cũng xác thực và chắc chắn như năm 55 Trước C.N. khi Julius Ceasar chinh phục nước Anh; thực như trận giặc đánh đuổi quân nhà Hán của hai bà Trưng cũng xảy ra gần đồng thời với thời gian Chúa ra đời phục vụ.
Chúa Giê-xu, nhân vật lịch sử ấy đã bị hành hình trên thập giá, bị chôn và phục sinh rồi thăng thiên. Tất cả đều là sự thật trong lịch sử và có nhiều nhân chứng hơn bất cứ sự kiện nào khác.
Nhiều người ngày nay chưa biết rõ những sự kiện lịch sử về cuộc đời Chúa Giê-xu vội cho rằng niềm tin Cơ đốc là huyền hoặc, nhưng những người ấy không thể nào chối cãi được sự thực và các bằng chứng. Về một phương diện, những người chống báng Cơ Đốc Giáo mới là những người mơ hồ và không căn cứ vào sự thực.
Kinh nghiệm thực ra cũng chưa phải là bằng chứng về niềm tin và sự thực hữu. Chúng ta có kinh nghiện với Chúa, nhưng chúng ta còn có những điều hơn thế nữa. Vì kinh nghiệm hay xúc cảm có thể đến rồi đi, nhưng Chúa Giê-xu là con người đã vào dòng lịch sử loài người, và sự kiện ấy không thể bỏ đi được.
Chúa Giê-xu là ai? Câu trả lời: Con Đức Chúa Trời. Giê-xu không phải là người thợ mộc tầm thường ở Na-xa-rét, nhưng là con Đức Chúa Trời. Nói đến con trai của Đức Chúa Trời là phải nghĩ đến huyền nhiệm giáng sinh và thành nhục thể. Sứ đồ Phao-lô đã diễn tả sự kiện này trong Phi-líp 2:5-11 như sau:
Anh em hãy có tinh thần giống Chúa Cứu Thế: Chúa vốn có bản thể của Đức Chúa Trời, nhưng không tham quyền cố vị, là quyền bình đẳng với Đức Chúa Trời. Chúa tình nguyện từ bỏ tất cả, mang thân thể con người, cam chịu thân phận người nô lệ. Chúa đã xuất hiện như một người khiêm tốn, đi con đường vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. chính vì thế, Đức Chúa Trời đưa Ngài lên tột đỉnh, ban cho Ngài danh vị cao cả tuyệt đối. để dù ai ở trên trời, dưới đất hay dưới vực thẳm không gian, mỗi khi nghe đến danh Chúa Giê-xu, tất cả đều quỳ gối tung hô, tuyên xưng Ngài là Chúa tể vũ trụ và tôn vinh Đức Chúa Trời là Cha.
Tất cả những lời xưng tụng này được tóm tắt trong một câu gọn là: Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời.
Hài nhi tại Bết-lê-hem khi xưa chính là Con Đức Chúa Trời.
Chúng ta không hiểu được việc nhập thể của Chúa Giê-xu mà cũng không thể nào mường tượng ra nổi. Nhưng đó là hình ảnh mà Kinh Tân Ước tả vẽ ra. Chúng ta từng nghe có những vị vua giả dạng làm người thường đi đây đó để xem dân tình. Con người mang tên Giê-xu là vua toàn vũ trụ cũng đã vào đời âm thầm, và di chuyển như một người tầm thường. Ngài không dùng quyền hành, không sử dụng các ưu quyền, Ngài đến như một người. Ngài sống như người, nhưng vẫn là Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu là Thần Nhân và cũng là Nhân Thần. Hai bản chất không lẫn lộn trong một con người. Đó là ý nghĩa của câu: Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời.
Nhưng câu này ghi: …máu của Chúa Giê-xu, con Ngài…. Đây cũng là một lời chống tà thuyết về Chúa Giê-xu, cho rằng Ngài chỉ là một hồn ma không có thể xác. Máu chứng tỏ về thể xác. Chúa Giê-xu vào đời với thân xác là xương thịt và máu, vì Ngài là một người thật sự.
Chúa Giê-xu khi từ cõi chết sống lại đã nói rằng: Hồn ma thì không có xương thịt, nhưng ta thì có. Cuộc nhập thể của Chúa không phải là một ý niệm hay một tư tưởng, đó là sự thật bằng xương bằng thịt.
Có những tà thuyết cho rằng Chúa Giê-xu sinh ra như một người thường, nhưng đến lúc Chúa chịu báp tem thì Đấng Christ vĩnh hằng nhập vào con người Giê-xu ấy. Họ nói rằng Đấng Christ sống trong Chúa Giê-xu ba năm, nhưng đến khi Ngài bị hành hình trên thập giá thì Đấng Christ lìa khỏi Ngài. Như thế Con Đức Chúa Trời không bao giờ chết cả, chỉ có con người Giê-xu chết mà thôi.
Xin xác nhận, đây là lối giải thích của tà giáo, chúng ta không thể chấp nhận vì Giăng dạy rõ: …máu của Chúa Giê-xu, Con Ngài tẩy sạch mọi lội lỗi chúng ta. Máu của một người không thể nào làm việc thanh tẩy tội, máu của chiên hay bò cũng vậy. Chính con Đức Chúa Trời đã sinh ra và đã chịu tử hình trên thập giá đổ máu ra. Chính dòng máu đó đã mua chuộc sự tha thứ, đền tội và cho chúng ta được tái hợp với Đức Chúa Trời và cửa trời mở ra cho chúng ta là những người tin vào dòng máu đó, bước vào. Đây là sự thật, chứ không phải lý thuyết. Điều huyền nhiệm về giáo lý Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời vào đời làm một người và chết trên thập giá là điều không tâm trí con người nào quan niệm được, nhưng không ai có thể chối cãi, vì là sự thật. …máu Chúa Giê-xu, Con Ngài thanh tẩy tội ác chúng ta.
Câu Kinh Thánh này còn dạy ta một điều khác nữa, đó là nói đến mục đích cuộc vào đời của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu vào đời để chết. Đây là hai sự việc không thể tách rời. Chúa vào đời để chết, vì ngoài cái chết này, không có gì cứu rỗi con người chúng ta được.
Cuộc vào đời của Chúa Cứu Thế là do tình thương. Máu Chúa Giê-xu đổ ra chứng minh tình thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại phản nghịch.
Tình thương đó dành cho mỗi chúng ta là những người muốn biết hạnh phúc thật trong đời này và đời sau.
Amen!
|