Giáng Sinh 2010 – Nghe, Thấy, Nhìn

1470

 

      Hằng năm cứ đến độ Đông về là câu chuyện trong Lu-ca 2:1-20 về các anh chăn chiên gặp Chúa luôn được nhắc đến.  Đây là khúc Kinh Thánh ghi lại buổi lễ Giáng Sinh đầu tiên thật đơn sơ, dễ thương và cũng thật cảm động cách đây hơn hai ngàn năm.  Nhân lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh năm nay, chúng ta thử cùng nhau trở về với thuở ban đầu của hơn 2.000 năm trước, gọi là tìm lại chút hương xưa, và cũng để cùng nhau “nhìn lại mình”. Mỗi con dân Chúa nghe gì, thấy gì trong “đêm Giáng Sinh” đầu tiên, và trong Mùa Giáng Sinh năm nay?



      1. Nghe Hai Loại Âm Thanh Tương Phản.

 

      Âm thanh ồn ào náo nhiệt: Cứ 14 năm một lần, chính quyền La Mã lại tổ chức một cuộc tổng kiểm tra dân số với mục đích phục vụ cho quân sự và thuế.  Mọi người dân Do Thái đều phải trở về quê mình để khai tên, nghề nghiệp và tài sản.  Bết-lê-hem là một thôn nhỏ, nay được dịp đón tiếp nhiều đoàn dân trở về quê cũ. Nhà trọ vì thế đều chật kín cả khách. Đây là dịp hồi hương của nhiều người, tạm gác đi công việc làm ăn vất vả nên chuyện ăn uống vui chơi là điều không thể tránh khỏi.  Đây cũng là dịp gặp lại nhiều người đồng hương sau bao ngày xa cách do miếng cơm manh áo khiến họ phải tạm xa quê tha phương cầu thực.  Vì thế trong các nhà trọ, một âm thanh ồn ào náo nhiệt khó tả. Còn bên ngoài nhà trọ, nơi bàn kiểm tra dân số cũng không kém phần hỗn độn, nhiều người chen nhau giành đăng ký trước, người tụm năm tụm ba chờ đến lượt mình, tiếng hạch hỏi của nhân viên La Mã, tiếng trả lời của dân Do Thái, tiếng chuyện trò, tranh cãi…  Rõ ràng, bên ngoài cũng như bên trong, quang cảnh ồn ào hỗn độn làm xáo trộn thôn nhỏ nầy không ít.

 

      Âm thanh ca ngợi vang rền: Ngược lại với âm thanh ồn ào náo nhiệt ấy, tại cánh đồng cỏ xanh kia, một thiên sứ sau khi báo tin mừng Chúa Giáng Sinh cho các anh chăn chiên, đã cùng với muôn vàn thiên binh thành một dàn đại hợp xướng cất cao tiếng hát chúc tụng Thiên Chúa và chúc mừng Đấng Cứu Thế Giáng Sinh.  Ngày xưa ở Do Thái khi một bé trai ra đời, các ca sĩ địa phương tụ họp lại để hát một bài hát chúc mừng. Chúa Giê-xu sinh ra trong chuồng chiên máng cỏ, không một người nào đến hát chúc mừng, nhưng ban hát thiên sứ đã hát mừng bằng bài ca mà không một ca sĩ nào trên trần gian có thể hát được. 

 

      Nếu chúng ta bình tâm lắng nghe những âm thanh tại Bết-lê-hem thì rất dễ dàng nhận thấy sự tương phản của hai loại âm thanh tại đây. Điều nầy khiến chúng ta có thể liên tưởng đến lễ Giáng Sinh của chúng ta ngày nay. Trong đêm kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, cũng có hai loại âm thanh vang dội đến tai chúng ta, âm thanh ồn ào náo nhiệt bên ngoài của những người đi chơi Nô-en, một thứ âm thanh không thua kém gì âm thanh ở nhà trọ Bết-lê-hem ngày trước.  Họ náo nhiệt bên cạnh Chúa Cứu Thế Giáng Sinh mà không hay biết hoặc quan tâm gì đến Chúa cả.  Họ chỉ náo nhiệt bên ngoài nhưng bên trong lòng trống vắng xa xăm! Con dân Chúa ngày nay có ai như vậy không?! Âm thanh thứ hai là tiếng hát của các ban diễn lễ trong nhà thờ.  Đứng trong ban diễn lễ hát chúc tụng Chúa Giáng Sinh, hoặc ngồi bên dưới nghe hát, nhưng thật sự có tinh thần như đang đứng trong “ban hát thiên binh” ngày xưa không?  Coi chừng chúng ta cũng rơi vào tình trạng hoà nhập với những cái vui của sự ồn ào náo nhiệt bên cạnh Chúa Giáng Sinh mà thôi!

 

      2. Thấy Hai Cảnh Trí Tương Phản

 

      Nhà trọ: Dù ít dù nhiều, nhà trọ tại Bết-lê-hem ngày đó cũng chuẩn bị, sửa sang, trang hoàng phần nào để kinh doanh trong dịp mười bốn năm một thuở nầy. Một ít phô trương, một ít tiện nghi nơi nhà trọ.  Khách trọ thì một chút xa hoa, có thể phung phí, lâu lâu mới có một lần, xài sang một chút cũng chẳng sao. Cũng có người nhân cơ hội nầy tha hồ ăn chơi thoả thích vì đây là dịp cho họ đi chơi và tiêu xài một cách hợp pháp!

 

      Máng cỏ: Tương phản với cảnh trí xung quanh nhà trọ, nơi Chúa Hài Đồng đang nằm thật đơn sơ, thanh bạch, bình dị đến tột cùng. Vua của muôn vua không chọn Giáng Sinh nơi điện ngọc cung ngà, nhưng lại chọn nơi máng cỏ của chuồng súc vật nghèo hèn nầy há lại không đáng cho chúng ta suy nghĩ gì sao?

 

      Hai cảnh trí tương phản ấy gợi cho chúng ta điều gì ngày nay?  Hình ảnh “máng cỏ” ngày nay có đơn sơ thanh bạch như máng cỏ của Chúa ngày xưa không?  Hay là chúng ta đang tái tạo một “máng cỏ” không phải trong chuồng chiên mà là trong “nhà trọ Bết-lê-hem”!  Đó là những sự tốn kém quá mức cần thiết cho trang trí, cho hình thức, cho lễ nghi, cho ban hát, cho tiệc tùng…  Phải chăng chúng ta đang cùng nhau khiêng máng cỏ trong chuồng chiên đặt vào nơi nhà trọ?  Rồi tinh thần đón Chúa Giáng Sinh của chúng ta nữa, có đơn sơ bình dị hay phô trương đua đòi, mua sắm phung phí vì lý do một năm mới có một lần?  Chúng ta – cá nhân, ban diễn lễ và Hội Thánh – đón lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh nơi “chuồng chiên đơn sơ” hay trong “nhà trọ xa hoa”?  Hãy trở lại với Nô-en đầu tiên để ngẫm suy.

 

      3. Thấy Hai Thái Độ Cần Học Đòi.

 

      Người chăn gặp Chúa: Những anh chăn chiên ít học được thiên sứ báo tin, họ không quen lý luận, cũng chẳng thắc mắc, nhưng chỉ lấy lòng tin tiếp nhận tin tức tốt lành đó để đi tìm Cứu Chúa. Họ đã đi tìm Chúa bằng đức tin và đã gặp Ngài. Họ gặp Chúa với tấm lòng háo hức nhưng với hình thức thật giản dị bình thường.

 

      Người chăn trở về: Sau khi được gặp Cứu Chúa Giáng Sinh trở về, dù vẫn tiếp tục cuộc đời chăn chiên nghèo khổ của mình, nhưng họ không dừng tại đó. Họ đã rao báo tin vui bằng cách tiếp tục “làm sáng danh và chúc tụng Đức Chúa Trời về những việc mình đã thấy và nghe”.  Đấy là điều chúng ta cần lưu ý: Họ đơn sơ khi gặp Chúa, nhưng sôi nổi lúc trở về.

 

      Nhìn lại lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh ngày nay có khi ngược hẳn. Chúng ta luôn sôi nổi trước Giáng Sinh, nào chuẩn bị chương trình, nào tập hát một hai tháng trước, nào sắm sửa áo quần, nào quyên góp…  rồi ngày đại lễ trôi qua, ai nấy trở về nằm nhoài sau những ngày mệt mỏi.  Những chỉ tiêu đặc biệt được đề ra cho lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, những buổi truyền giảng, những tấm lòng hào hứng đáp lời kêu gọi cá nhân chứng đạo cho ngày Giáng Sinh… thế nhưng sau đó… dường như là một kỳ “xả hơi” để lấy sức chuẩn bị cho… Tết!  Tinh thần và thái độ của những người chăn chiên xưa đâu rồi trong tín hữu ngày nay?  Xin Chúa cho chúng ta biết học đòi người xưa để giữ được tinh thần Chúa Giáng Sinh trọn năm chứ không phải một ngày hay một mùa.

 

      4. Thấy Hai Sự Chú Trọng Đáng Lưu Tâm

 

      Chúa Giê-xu và con người – Đấng Cứu Chuộc và đối tượng cứu chuộc được đặc biệt chú trọng trong lễ Giáng Sinh đầu tiên.  Thiên sứ báo tin vui cùng với muôn vàn thiên binh đã tôn vinh Chúa một bài ca bất hủ: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người”.  Các anh chăn chiên đi đến gặp Chúa, rồi trở về loan báo tin mừng cho người. 

 

      Bài hát của thiên sứ, thái độ của người chăn, tất cả giống nhau ở chỗ trước hết là Chúa, sau đó đến con người.  Hai sự chú trọng nầy không độc lập nhưng là một tiến trình liên tục nối kết nhau. Chúa Giáng Sinh để cứu con người. Chúng ta bởi đức tin được gặp Chúa là để ra đi gieo niềm tin cho người.  Nếu cứ chú mục vào Chúa không thôi, thì chẳng khác nào chúng ta lên núi ẩn tu, chỉ có Chúa với tôi. Nếu chỉ chú mục vào con người mà quên Chúa thì coi chừng chúng ta rơi vào trường hợp làm việc công đức và phục vụ với năng lực bản thân, vì thiếu quyền năng của Thánh Linh.  Kỷ niệm Chúa Giáng Sinh là dịp để chúng ta ngước nhìn lên Chúa rồi tiếp tục hướng đến con người trong sự truyền rao danh Ngài. Xin đừng đến với lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh chỉ vì ngày lễ, nhưng vì Chúa và vì người.

 

      5. Nhìn Lại Mình – Tôi Thì Sao?

 

      Cuộc đời theo Chúa của mỗi người đã dự biết bao lễ Giáng Sinh, nhưng so với Giáng Sinh đầu tiên thì liệu chúng ta có xứng đáng?  Có còn giữ được phần nào tinh thần của lễ Giáng Sinh ấy?  Hay chúng ta đã “canh tân hoá, hiện đại hoá”?  Tấm lòng, tinh thần, thái độ, cách sử dụng tiền bạc cho ngày lễ, hình thức tổ chức…  tất cả đều luôn cần được xét lại, cân nhắc trước khi tổ chức ngày lễ.  Vì danh Chúa và cũng là cơ hội giới thiệu ý nghĩa đích thực của ngày lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh cho người chưa biết Chúa, chúng ta rất cần tổ chức một ngày lễ trang trọng, thu hút, nhưng không vì thế mà phung phí quá đáng từ tiền bạc đến công sức để rồi… chờ đến lễ Giáng Sinh năm sau!  

 

      Hai loại âm thanh tương phản, hai cảnh trí tương phản, hai thái độ cần học đòi, hai sự chú trọng đáng lưu tâm, không phải chỉ là chuyện ngày xưa, nhưng là để chúng ta nhìn lại mình hôm nay.  Xin Chúa cho bạn và tôi sau khi đã nhìn lại mình, sẽ đến với Lễ Kỷ Niệm Chúa Giáng Sinh lần thứ 2010 thật tràn đầy ý nghĩa.

 

 

Ánh Dương

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.