Đức Chúa Trời Nơi Chuồng Chiên, Máng Cỏ (Chương 5)

4203

Đức Chúa Trời Nơi Chuồng Chiên, Máng Cỏ (Chương 1)
Đức Chúa Trời Nơi Chuồng Chiên, Máng Cỏ (Chương 2)
Đức Chúa Trời Nơi Chuồng Chiên, Máng Cỏ (Chương 3)
Đức Chúa Trời Nơi Chuồng Chiên, Máng Cỏ (Chương 4)

 

CHƯƠNG 5

Kho báu của Trái tim

Trong đêm lạnh giá của Giu-đê, một người mới vừa làm mẹ nhìn đứa bé trai vừa mới được sinh ra một cách trìu mến. Cặp mắt ngây thơ của đứa bé đã làm dịu lòng người mẹ. Mặc dù bà đã bị vắt kiệt sức sau chuyến đi xa gian khổ và sự thử thách về việc sinh nở đứa con của bà, nhưng tim bà tràn đầy sự vui mừng và bình an. Đây là giây phút của sự mầu nhiệm sâu xa khi bà nhìn chăm chăm vào hình ảnh đứa bé được quấn trong tả lót. Chồng bà không thốt nên lời vì quá đỗi ngạc nhiên về đứa trẻ. Những con vật có mặt trong chuồng có vẻ im lặng. Trong sự im lặng ấy, tất cả các cặp mắt đều nhìn vào gương mặt của Chúa trong hình hài một em bé mới sinh. Còn có nhiều chuyện hơn đã xảy ra trong đêm ấy. Thiên đàng đã nhộn nhịp sai thiên sứ đến để loan báo tin mừng này cho bọn chăn chiên ở trên những cánh đồng ngoài thành Bết-lê-hem. Những người chăn chiên đã vội vã tới nơi và cùng tham gia cảnh tượng đầy kinh ngạc đó trong chuồng chiên. Họ đã thấy sự mầu nhiệm và hoan hỉ vui mừng trở về. Từ sự yên lặng thánh, họ đã bộc lộ niềm vui mừng và ngợi khen. Chúa đã giữ lời hứa của Ngài. Ngài đã đến thế gian để trở thành con người như chúng ta.

Ma-ri đã suy tư trong yên lặng và sâu sắc về sự mầu nhiệm của việc Chúa trở thành người, Ngôi Lời trở thành xác thể. Chúng ta cũng cần có hành động tương tự trong lễ giáng sinh này. Tại sao Chúa lại trở thành con người? Tác giả sách Hê-bơ-rơ giải thích: “Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Trời cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỷ, lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.” (Hê-bơ-rơ 2:14-15).

Chúa đã sinh ra làm người để Ngài có thể chết thay chúng ta và giải phóng chúng ta đời đời. Chúa Giê-xu đã đến không phải để giúp đỡ các thiên sứ mà giúp đỡ con người. “Nhân đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân.” (Hê bơ- rơ 2:17).

Đúng là như vậy, bởi vì Chúa muốn cứu chúng ta khỏi tội và sự chết nên Ngài đã trở thành con người. Nếu không làm như vậy, thì điều này đã không khả thi. Vào thế kỷ thứ 4, Athanasius đã đề cập đến quan điểm Kinh Thánh này khi ông ta viết: “Ngôi Lời của Đức Chúa Trời đã đến trong chính thân vị của Ngài, bởi vì chỉ có Ngài là hình ảnh của Cha mới có thể tái tạo con người theo hình ảnh của Ngài.” Hình ảnh của Chúa trong chúng ta đã bị làm hư và bị thất lạc, và chỉ có thể được khôi phục nếu Chúa trở thành con người.

Athanasius là Giám mục của Alexandria từ năm 328 đến năm 373. Ông ta đã giữ một vai trò quan trọng nhất trong việc bác bỏ phong trào dị giáo của thời ấy là thuyết Arianism (Một ngôi). Thuyết Một ngôi cho rằng Đấng Christ là một con người bằng xương bằng thịt đã được tạo nên (khiến cho Ngài kém hơn Chúa) mà Athanasius và những người khác dựa vào Kinh Thánh đã mạnh mẽ bác bỏ.

Athanasius đã dùng minh họa về một bức chân dung trên một tấm bảng bị hoen ố bởi những vết nhơ. Thay vì vứt bỏ tấm bảng đó, nghệ sĩ này đã lấy chủ đề của bức chân dung đó để vẽ lại bức chân dung của anh ta trên cùng một chất liệu đó. Chúa Giê-xu là chủ đề của chân dung để qua chân dung đó chúng ta được tái tạo khi “nhìn xem vinh hiển của Chúa.” (II Cô-rinh-tô 3:18). Athanasius đã cô đọng ý nghĩa sâu sắc đó khi ông ta tuyên bố: “Đức Chúa Trời đã trở thành Con Người để con người có thể trở nên giống Đức Chúa Trời.” Chính vì lý do đó mà Đức Chúa Trời trong Chúa Giê-xu, đã đến với chúng ta, để Ngôi Lời trở nên xác thể.

Việc Chúa đến giữa chúng ta không được xem nhẹ. Chúa Giê-xu là con người hoàn toàn và Đức Chúa Trời hoàn toàn. Chúng ta không bao giờ được quên điều này và chúng ta phải hiểu sự ngụ ý của điều khi chúng ta bày tỏ những điều mình tin. Chúa đã trở thành con người và đã đến ở giữa chúng ta. Chúng ta sẽ run rẩy kính sợ khi ở trong sự hiện diện của Chúa.

Một mục sư Đức đồng thời là một nhà thần học là Dietrich Bonhoeffer, đã diễn ta rất hay khi ông ta viết:

“Chúng ta đã trở nên quen thuộc với ý tưởng của tình yêu thiên thượng và sự thăm viếng của Chúa trong buổi lễ Giáng sinh khiến chúng ta không còn cảm thấy sự tôn kính run sợ khơi dậy trong lòng chúng ta. Chúng ta thờ ơ với thông điệp Giáng sinh, chỉ chấp nhận điều dễ chịu và thú vị trong thông điệp này nhưng lại quên đi phương diện uy nghiêm mà Chúa của hoàn vũ đến gần gũi với con người trong quả đất nhỏ bé của chúng ta, và để mưu cấu hạnh phúc cho chúng ta. Việc Đức Chúa Trời viếng thăm con người không chỉ là tin vui nhưng thoạt tiên là một tin đáng kinh sợ cho mọi người có lương tâm.”

Sự giáng sinh của Chúa chỉ là tin tốt lành khi trước hết nó phải là một tin làm cho chúng ta run sợ. Bọn chăn chiên đã khiếp sợ khi thiên sứ đến báo tin sự giáng sinh của Đấng Cứu thế. (Lu-ca 2:9) Họ đã run rẩy không những vì cái lạnh, nhưng còn vì ảnh hưởng sự kiện Chúa viếng thăm. Sự kinh khiếp hóa thành sự ngạc nhiên, và sự ngạc nhiên trở thành sự vui mừng khi họ đã bắt đầu nhận biết rằng Chúa đã đến trần thế như một con người.

Chúng ta không những nhận biết “sự khác biệt” của Chúa Giê-xu, nhưng còn sự kiện nữa là Ngài đã trở thành một người trong chúng ta. Trong Ngài chúng ta có người bạn là con người thật mà cũng là Đức Chúa Trời thật. Bởi vì Ngài đã trở thành con người, chúng ta biết rằng Ngài hiểu rõ hết tình trạng chúng ta. Ngài biết rõ thân phận con người gì khi sống trong một thế giới độc ác và tội lỗi, trải nghiệm sự đói khát và bị buộc tội đủ mọi thứ, bị chối bỏ bởi con người, bị chống đối bởi kẻ thù, cảm thấy mệt mỏi và yếu đuối, mất người thân yêu, chịu cảnh cô đơn, cảm thấy mọi điều đau đớn và bị cám dỗ.

Kinh Thánh bày tỏ điều này cho chúng ta: “Vả, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẻ bị cám dỗ vậy.” (Hê-bơ-rơ 2:18) Hoặc lại một lần nữa: “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thông sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.” (Hê-bơ-rơ 4:18 nhấn mạnh thuộc về tôi).

Trong Chúa Giê-xu, chúng ta có một Đức Chúa Trời hoàn toàn cảm thông với chúng ta bởi vì Ngài đã từng bước đi giữa trần gian khổ đau, giữa những kẻ ăn xin và những người bị bệnh chết người, những người buồn rầu và những người độc ác. Chính Ngài đã nhận lấy sự chết khủng khiếp do những hành động độc ác của con người, và bị cám dỗ bởi ma quỷ giống như chúng ta. Khi Ngài phán với chúng ta với tư cách là Đấng đã kinh qua mọi tình huống đó. Ngài nói với sự thấu cảm và đầy lòng thương xót.

Trong thế giới bấp bên này, Chúa đã đến với chúng ta. Ngài là Em-ma-nu-ên như đã hứa- “Chúa ở cùng chúng ta”. Cái bóng cứu chuộc, chữa lành và che chở của Đức Chúa Trời đến gần chúng ta qua Chúa Giê-xu. Không ai cần sống mà lại không hy vọng. Không ai còn cô đơn và buồn chán nữa, vì Đấng Cứu chuộc của chúng ta đã đến ở với chúng ta, mang chúng ta đến ngôi nhà vĩnh viễn thực sự. Một vài ý nghĩ này phải thoáng qua đầu óc của Ma-ri và nằm lại trong lòng bà. Bà quý trọng những sự thật này. Cứu Chúa mà bà đã mang thai đã được sinh ra trong thế gian này và bây giờ Ngài đã được sinh ra trong tâm hồn của bà. Ngài là Báu vật tuyệt vời của lòng bà. Bụng bà đã mang Ngài trong chín tháng, nhưng tâm hồn bà sẽ mang Ngài mãi mãi.

Chúng ta cũng được mời gọi để tìm Báu vật của lễ Giáng sinh này để nắm giữ và ấp ủ Ngài trong tim chúng ta mãi mãi. Nếu chúng ta có Ngài trong lòng chúng ta, quả thật chúng ta sẽ run rẩy cùng với sự kính sợ lẫn vui mừng vậy.

 

Còn tiếp …

Bài trướcTruyền Giảng Giáng Sinh Tại Phúc Âm 2 – Bình Thuận
Bài tiếp theoHội Đồng Bồi Linh Tỉnh Đăk Lăk