Đức Chúa Giê-xu, Người Thầy Siêu Việt

1871

HTTLVN.ORG – Vai trò của người thầy luôn được đề cao trong mọi xã hội, mọi dân tộc. Bởi vì họ là người truyền đạt kiến thức. Đất nước muốn tiến bộ, văn minh, dân chủ, giàu có thì cần những người gieo tri thức, truyền cảm hứng cho học trò, chắp cánh mơ ước cho thế hệ bay xa.

Người Việt Nam ai cũng quen thuộc những câu ca dao, tục ngữ về vai trò của người thầy, chẳng hạn: “Không thầy đố mày làm nên”; “Cơm cha Áo mẹ – Công thầy” … Lịch sử Việt Nam có những người thầy tài giỏi, đức độ, mẫu mực, khí tiết thanh cao. Trên thế giới cũng có bao nhà giáo dục, nhà tư tưởng vĩ đại. Nhưng có thể nói người thầy siêu việt nhất, vĩ đại nhất chính là Đức Chúa Giê-xu.

Chúa Giê-xu: Xuất thân từ trời

Ngày nay, nếu có trường đại học nào mời những giáo sư ở các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ, Châu Âu về thỉnh giảng thì chắc hẳn sinh viên sẽ rất háo hức vì được trực tiếp học với những con người danh tiếng, thông minh, xuất chúng nhất thế giới.

Chuyện kể lại vào một buổi tối, một giáo sư (rabi) nổi tiếng của người Do Thái Ni-cô-đem đã tìm đến với Chúa Giê-xu vì ngưỡng mộ Ngài. Khi gặp Chúa Giê-xu, ông bảy tỏ: “Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được” (Giăng 3:2)

Vị giáo sư này đã lắng nghe về Chúa Giê-xu, biết được sự xuất chúng của Chúa Giê-xu và tìm đến Ngài. Qua những gì Chúa Giê-xu giảng dạy và thi hành, xuất thân Ngài được bày tỏ: thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến. Trên thế giới chưa hề có một người nào như thế. Vậy Chúa Giê-xu là người thầy vĩ đại như thế nào?

Giảng dạy với thẩm quyền

Các giáo sư truyền đạt những tri thức mà mình lãnh hội về nhiều phương diện khác nhau như: Triết học,vật lý, tâm lý, toán học, văn chương,… Người thầy có kiến thức càng sâu rộng sẽ tạo nên hưng phấn cho học trò học hỏi, tìm tòi, sáng tạo.

Đối với Chúa Giê-xu thì lời dạy của Ngài có thẩm quyền, tác động đến mọi người. Lời dạy ấy không chỉ là tri thức, cách sống tuân thủ luật pháp, sống đạo đức với mọi người như yêu thương, công chính mà còn bày tỏ chân lý sâu nhiệm về chính Đức Chúa Trời và chương trình của Ngài. Lời dạy của Chúa Giê-xu có uy quyền soi thấu tấm lòng con người, làm cho người nghe phải suy tư, tự vấn mình như thế nào?

Chúa Giê-xu thấu rõ lòng người. Người phạm tội đối diện chính Chúa, nhìn thấy mình không xứng đáng với Đấng Thánh Khiết phải quay đi, phải ăn năn lỗi lầm của mình, từ bỏ những điều xấu xa.

Vậy nên những người nghe Chúa Giê-xu đều lấy làm lạ mà nhận xét “Ngài dạy như là có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo” (Ma-thi-ơ 7:29)

Giảng dạy những sứ điệp vượt thời gian

Chúa Giê-xu giảng dạy rất nhiều sứ điệp vượt thời gian. Một trong số đó là “Phước” – Điều ai cũng mong ước. Có nhiều quan niệm trên đời về chữ Phước, nhưng “Phước” trong “Bài giảng trên núi” của Chúa Giê-xu đã gây tranh cãi lẫn ngạc nhiên trong lòng biết bao con người từ xưa đến nay. Chỉ có người nào suy xét tâm linh, tìm kiếm ý nghĩa sâu xa của đời sống, nhờ sức thiêng mới thấu hiểu ý nghĩa tâm linh mà bài giảng Chúa Giê-xu giảng dạy.

“Phước cho những người nghèo khó tâm linh, vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ!
Phước cho những người than khóc, vì sẽ được an ủi!
Phước cho những người nhu mì, vì sẽ thừa hưởng đất!
Phước cho những người đói khát sự công chính, vì sẽ được no đủ!
Phước cho những người có lòng thương xót, vì sẽ được thương xót!
Phước cho những người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!
Phước cho những người hòa giải, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!
Phước cho những người chịu bắt bớ vì sự công chính, vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ! (Ma-thi-ơ 5:3-10 TTHĐ)

Trải qua mọi thời đại, những nhà đạo đức, những nhà giáo dục đều đưa ra nhận định rằng những lời Chúa Giê-xu giảng dạy trên đây thật là những chân lý vượt thời gian, những bài học mẫu mực về đạo đức con người, tính nhân ái lẫn đức nhịn nhục. Một cái nhìn khác với những gì con người hiện tại tranh đấu, giành giật, tự rút ngắn đời mình vì những thứ tạm thời trong cõi trần chóng qua.

Giảng dạy về điều quan trọng nhất: Linh hồn

Một lĩnh vực đặc biệt quan trọng mà Chúa Giê-xu đề cập chính là linh hồn con người. Con người sống không chỉ đơn thuần về thể xác vật lý trong thế giới vật chất. Phần sâu kín nhất là linh hôn mà Đấng Tạo hóa ban cho. Thể xác vật lý có thể được rờ chạm bằng giác quan. Tâm hồn cảm nhận được về những điều hay, dở, yêu ghét. Còn tâm linh là điều huyền diệu nhất trong con người mà các tôn giáo đều đề cập.

Đời sống con người không phải chỉ diễn ra trong đời nầy mà còn cả đời sau. Thế nhưng dường như ai cũng muốn sống và đầu tư cho đời tạm nầy. Hãy nhớ rằng có tham dục, sân si đến đâu thì 50 tuổi, 70 tuổi, 80 hay 90 tuổi rồi cũng sẽ qua đi. Giàu như tỷ phú rồi cũng bỏ lại mọi thứ.

Chúa Giê-xu đưa ra một vế so sánh: “Được cả thiên hạ mà mất linh hồn thì có ích gì?” (Mác 8:36) Đức Chúa Trời dựng nên con người với thể xác và linh hồn. Thể xác sẽ trở về bụi đất nhưng linh hồn sẽ trở về với Chúa. Vậy nên mỗi người cần phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về đời mình. Sau khi chết linh hồn tôi sẽ đi về đâu? Đời sau sẽ như thế nào?

Người thầy của những phép lạ siêu nhiên

Chúa Giê-xu là người thầy siêu việt còn thể hiện trong vô số phép lạ mà Ngài đã làm để can thiệp, cứu giúp những con người đau khổ, bệnh tật, khốn cùng, đói rách, bị ma quỉ áp chế,… Đằng sau tất cả điều đó là tội lỗi. Tội lỗi làm cho thế giới đảo điên, con người bị nô lệ, bị đùa đến tuyệt vọng.

Trong khi còn tại thế, những phép lạ Chúa Giê-xu thi hành tập trung vào bốn lĩnh vực:

  1. Bệnh tật: Chúa Giê-xu chữa nhiều bệnh tật, khiến người mù được thấy, kẻ què được đi, người phung được sạch, người điếc được nghe…
  2. Thiên nhiên: Chúa Giê-xu dẹp yên bão tố bằng lời phán uy quyền.
  3. Ma quỉ: Chúa Giê-xu đuổi quỉ ra khỏi những người bị nó ám hại.
  4. Sự chết: Chúa Giê-xu kêu gọi kẻ chết sống lại, như trường hợp La-xa-rơ, chàng trai trẻ thành Na-in hay cô con gái nhỏ của viên cai nhà hội Giai-ru…

Qua bốn lĩnh vực này, Chúa Giê-xu bày tỏ uy quyền của Ngài trên toàn cõi vũ trụ thiên nhiên và thế giới loài người. Những người đương thời chứng kiến phép lạ Ngài làm đã tự hỏi, “Người này là ai?” Và họ đã đưa ra những nhận định khác nhau. Còn với bạn thì Ngài là ai?

Người thầy phục vụ

Thông thường thì môn đệ phải tôn trọng thầy, phục vụ thầy. Nhưng Chúa Giê-xu là người thầy phục vụ. Câu chuyện nổi tiếng về việc Ngài rửa chân cho các môn đồ mình được Sứ đồ Giăng ký thuật như sau:

Đức Chúa Giê-xuđứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài lấy nước đổ vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho.” (Giăng 13:4-5).

Các ngươi gọi ta bằng Thầy bằng Chúa; các ngươi nói phải, vì ta thật vậy. Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi”. (Giăng 13:13-15)

Rửa chân là công việc đầy tớ thực hiện cho khách của chủ nhà. Chúa Giê-xu đã hạ mình làm một người đầy tớ phục vụ. Người thầy tuyệt vời này không những dạy mà còn lấy đời sống mình làm gương cho học trò. Chúa Giê-xu muốn cho học trò học và hành là một, phải nhất quán, không chỉ là lý thuyết suông.

Đỉnh cao của sự phục vụ là hy sinh chính mình

Đỉnh cao của sự phục vụ cho học trò, cho mọi người là việc Chúa Giê-xu đã chịu hình phạt thay cho con người tội lỗi. Kinh Thánh chép:

Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta (Rô-ma 5:7-8 TTHĐ)

Thầy Giê-xu chịu chết trên thập tự vì yêu thương con người, chiuj chết để cứu với con người khỏi án phạt đời đời. Không một ai như Ngài.

Vượt qua cái chết sống lại để minh chứng cho sự sống vĩnh cu

Câu chuyện của thầy Giê-xu không kết thúc tại hầm mộ. Ngài đã vượt qua sự chết và đã sống lại trước sự chứng kiến của nhiều người, để minh chứng cho con người rằng Ngài là Đấng Sống và trong Ngài có sự sống lại sau khi chết. Ngài sẽ ban sự sống ấy cho những kẻ tin nhận Ngài làm chủ, làm Chúa cuộc đời mình.

Sự thật lịch sử hay chỉ một huyền thoại?

Có lẽ sau khi nghe những điều đặc biệt về người thầy Giê-xu, có người sẽ cho rằng Ngài chỉ là một huyền thoại, một câu chuyện cho những người tưởng tượng tạo ra. Thưa KHÔNG! Cuộc đời và chức vụ của Ngài là một thực tế không thể chối cãi. Bằng chứng cơ bản nhất chính là nhìn vào dòng thời gian của lịch sử.

Sự ra đời của Chúa Giê-xu trở nên cột mốc chia đôi dòng lịch sử, từ đó người ta gọi thời kỳ trước khi Ngài giáng sinh là “Trước Công nguyên” (Tiếng Anh là BC – Before Christ: trước Chúa giáng sinh), và thời kỳ sau Ngài là “Sau Công nguyên” (tiếng La-tinh AD – Anno Domini: sau Chúa giáng sinh).

Giáng sinh ngày nay đã trở nên một lễ hội toàn cầu, nơi người ta mừng vui, hớn hở bởi vì sự Giáng sinh của thầy Giê-xu chính là sự vui mừng lớn như lời thiên sứ phán truyền trong đêm Ngài giáng sinh:

“Đừng sợ! Nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, đây sẽ là niềm vui lớn cho mọi người. Vì hôm nay tại thành Đa-vít, một Đấng Cứu Thế, là Đấng Christ, là Chúa đã được sinh ra cho các ngươi.” (Lu-ca 2:10-11 TTHĐ)

Một học trò thân yêu, gần gũi của Chúa Giê-xu viết: Đức Chúa Jêsus còn làm nhiều việc khác nữa. Nếu cứ ghi chép hết từng việc, thì thiết nghĩ rằng cả thế gian cũng không thể chứa hết những sách được viết ra.” (Giăng 21:25 TTHĐ)

Một học giả đã nhận định về Chúa Giê-xu như sau, Tôi tin sự tồn tại của Giê-xu Christ còn hơn sự tồn tại chính tôi. Ngài vẫn sống trong tôi , là báu vật duy nhất của tôi. Nếu không có Đấng cứu rỗi  tôi không là gì hết;còn với Ngài tôi là tất cả.; và tôi sẽ không đổi Ngài để lấy ngàn thế giới” (Tiến sĩ Shaft “đối thoại tôn giáo”-  Moskva năm 1993)

Bài hát với tựa đề “Ngài là ai?” có những câu thế này: Ngài là ai mà triệu người khắp năm châu trần gian đã suy tôn làm vua của đời mình? Ngài là ai mà mọi lòng có an vui tình thương nếu vâng theo lời Ngài đã khuyên răn?”

Người thầy siêu việt ấy là Cứu Chúa Giê-xu, Đấng mời gọi mỗi người đến và kinh nghiệm sự sống thật trong Ngài.

MS Phan Đình Hảo

Bài trướcNgười Nữ Khôn Ngoan – 21/11/2021
Bài tiếp theoĐăm Lĕ Hlăm Klei Phung Mah Jiăng Jhat Mplư Ôh – 22/11/2021