Đồng Tính Luyến Ái Dưới Góc Độ Kinh Thánh và Mục vụ Thực Hành – P1

11016

ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI

DƯỚI GÓC ĐỘ KINH THÁNH VÀ MỤC VỤ THỰC HÀNH

 

 

Phần 1: Quan điểm của Kinh Thánh về Đồng Tính Luyến Ái

Giới thiệu

Trước đây, mọi Cơ Đốc nhân đều tin rằng quan hệ tính dục đồng giới[1] là điều đi ngược với ‎‎ý muốn của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên trong những thập kỷ gần đây, những thắc mắc về quan hệ tính dục đồng giới được đặt ra dẫn đến nhiều tranh cãi trong xã hội cũng như giữa cộng đồng Cơ Đốc. Cơ Đốc nhân phải đối mặt với tình huống khó xử: liệu có nên tiếp nhận cách nhìn nhận mới về quan hệ tính dục đồng giới và thừa nhận rằng trong quá khứ Hội Thánh đã hiểu sai Kinh Thánh và cần được điều chỉnh lại hay không? Nếu quan điểm truyền thống của Hội Thánh là đúng thì Cơ Đốc nhân phải đáp ứng như thế nào, đặc biệt với những người đồng tính sao cho vừa thể hiện được chân lý và vừa thực thi được sứ mệnh Tin Lành?

Vì vậy, mục đích của bài viết này là tìm hiểu điều Kinh Thánh nói về quan hệ tính dục đồng giới và đưa ra một số đề nghị mà Mục sư, lãnh đạo Hội Thánh nên làm để trang bị cho hội chúng về cách đáp ứng và cư xử với những người đồng tính một cách phù hợp.

Định nghĩa khái quát về Đồng Tính

Trích dẫn định nghĩa đồng tính từ Encyclopedia of Bioethics, Roland Chia chỉ ra hai khía cạnh của những người đồng tính là khuynh hướng và hành vi của quan hệ tính dục đồng tính. Trước hết, người đồng tính là một người có sự đời sống tâm sinh dục chỉ bị cuốn hút tình dục bởi người đồng giới tính mang tính mạnh mẽ, lâu dài. Thứ hai, người đó “tìm cách hay muốn” thỏa ham muốn tình dục bằng hành vi quan hệ tình dục thực sự với người đồng giới tính.  Nói cách khác, đồng tính không chỉ liên quan đến hành vi hấp dẫn tình dục mà còn là sự hấp dẫn tình dục hướng về người cùng giới tính[2]. Đồng giới là xu hướng hay sự hấp dẫn tình dục về phía một người cùng giới tính hay quan hệ tình dục giữa hai người cùng giới tính.

Thực chất, chúng ta thấy rằng quan hệ tình dục dị tính (giữa hai người khác giới tính) là mối quan hệ tình dục bình thường giữa vòng xã hội loài người từ vườn Ê-đen xuyên suốt cả Cựu ước, thậm chí đến Tân Ước. Trong khi đó, quan hệ tình dục đồng tính là một trong những hình thức lệch lạc của quan hệ tình dục dị tính[3]. Cộng đồng Cơ Đốc trong lịch sử đã nhìn nhận rằng bất kỳ quan hệ tình dục nào không phải giữa một người nam và một người nữ hoặc bên ngoài đời sống hôn nhân đều là hành vi sai trái trước mặt Chúa. Vì vậy quan hệ tình dục giữa một người nam và một người nam, giữa một người nữ và một người nữ phải bị nghiêm cấm.

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao trong những thập kỷ gần đây, ngày càng nhiều Cơ Đốc nhân và cộng đồng Cơ Đốc ủng hộ cho quan hệ đồng giới? Có thể nói một trong những lý do là bên cạnh những lý luận về triết lý, sinh học, cộng đồng đồng giới cũng đưa ra những nền tảng Kinh Thánh để biện minh cho quan điểm của họ. Chúng ta sẽ cùng xem qua một số lý luận Kinh thánh của những người ủng hộ cho quan hệ đồng giới.   

Quan điểm Kinh Thánh về quan hệ đồng giới tính

Dưới ánh sáng của sự giảng dạy trong Kinh Thánh, đồng tính luyến ái không chỉ liên hệ đến vấn đề đạo đức mà còn liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo, luật pháp của Chúa về sự thánh khiết và đặc trưng của dân sự Đức Chúa Trời. Những người ủng hộ đồng tính luyến ái cũng đưa ra những nền tảng Kinh Thánh, vì vậy vấn đề liên quan đến cách hiểu và giải nghĩa Kinh Thánh như thế nào? Thực chất, Kinh Thánh nói gì về điều này? Trước hết, chúng ta sẽ xem thử liệu Đức Chúa Trời có ý định tạo dựng nên người đồng tính từ lúc ban đầu khi Ngài tạo nên con người theo hình ảnh của Ngài hay không. Trong phần này, chúng ta sẽ bắt đầu với những lập luận của quan điểm ủng hộ đồng tính và sau đó sẽ tìm hiểu điều Kinh Thánh thật sự đề cập đến.

1/ Đồng tính có phải là điều tự nhiên và đúng đắn về mặt đạo đức?

Lập luận của những người ủng hộ đồng tính: Đồng tính là tự nhiên và theo đúng đạo đức. Nói cách khác, những tín đồ đồng tính cho rằng mình được sinh ra là như thế. Nếu họ được sinh ra như thế, Hội Thánh không có quyền để lên án rằng quan hệ đồng tính là sai trật. Trong cuốn The Church and The Homosexual, John J. McNeil đã cố thuyết phục rằng Kinh Thánh không hề lên án đồng tính và Hội Thánh không nên tiếp tục chống lại điều này vì ông cho rằng Kinh Thánh bị giới hạn về mặt lịch sử và văn hóa. Nói cách khác, ông cho rằng Kinh Thánh được viết vào thời kỳ lịch sử và văn hóa khác so với ngày nay và không còn phù hợp với ngày nay.[4] Sau đó, ông lý luận rằng Đức Chúa Trời tạo ra con người, và tính dục của con người không được xác định bởi con người sinh học. Chúa tạo nên con người và thông qua quá trình giáo dục, con người sẽ trở thành những người nam, người nữ, và số khác trở thành đồng tính.[5]. Trong khi đó, Whitaker lý luận rằng trong sự sáng tạo, chỉ có người nam và người nữ được đề cập không có nghĩa là chỉ có hai giới tính và không có nghĩa rằng quan hệ tình dục dị tính là tiêu chuẩn[6]. Đồng giới là một phần trong ý muốn của Đức Chúa Trời.

Sự Sáng Tạo: Ý Định Thiên Thượng về Tính Dục (Sáng Thế Ký 1-2)

Sự sáng tạo được ký thuật trong Sáng Thế Ký 1-3 và phân đoạn Kinh Thánh này phải được xem xét dưới thể loại văn thuật chuyện tập trung vào vấn đề thần học[7]. Phần ký thuật này không cho biết muôn vật được tạo dựng như thế nào nhưng tập trung vào mục đích của tác giả là giúp độc giả nhận ra  ý định và mục đích của Đấng Tạo Hóa khi dựng nên muôn vật. Sáng Thế Ký 1-2 cho thấy tính dục con người là một yếu tố căn bản trong sự sáng tạo và tự nhiên. Tính dục là một phần trọng tâm, đỉnh điểm trong sự sáng tạo. Để hiểu được phần còn lại của Kinh Thánh, bao gồm cả tính dục con người, người đó phải đặt Sáng Thế Ký 1-3 là nền tảng định hướng cho sự giải nghĩa.[8]

 

Tại đây chúng ta thấy rằng tính dục con người cho thấy sự khác biệt thể chất rõ ràng giữa A-đam và Ê-va. Từ lúc ban đầu, Đức Chúa Trời đã hoạch định và vạch rõ sự khác biệt về giới tính là nền tảng cho hôn nhân và sinh sản của con người. Đức Chúa Trời chủ đích tạo ra sự khác biệt giữa nam và nữ. Mối quan hệ đồng tính không thể thực hiện được mục đích này. Việc thiết lập giới tính nam và nữ là công tác của Đức Chúa Trời trong việc thiết lập trật tự. Vì vậy, nếu chúng ta phá bỏ sự trật tự này, chúng ta đang tạo ra sự mất trật tự và tạo nên sự hỗn độn[9]. Tóm lại sự sáng tạo cho thấy rõ ràng rằng ý định của Đức Chúa Trời về đời sống tính dục là quan hệ tình dục dị tính và chỉ trong hôn nhân với mục đích sinh sản thêm nhiều và làm đầy dẫy đất (Sáng. 1:28). Đồng tính luyến ái là chống lại ý muốn của Đức Chúa Trời và tạo ra sự hỗn loạn từ sự trật tự mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng. Đồng tính luyến ái cũng đi ngược với mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là sanh sản thêm nhiều và làm đầy dẫy đất.

2/ Sáng Thế Ký 19: Tội lỗi của Sô-đôm là đồng tính luyến ái hay chỉ là không mến khách?

Lập luận của những người ủng hộ đồng tính: Tội lỗi của Sô-đôm không phải là đồng tính mà là không hiếu khách. Không có thuật ngữ chỉ về đồng tính được dùng trong Kinh Thánh. Từ “biết” trong Sáng Thế Ký được dùng hơn 900 lần trong Kinh Thánh và không hề chỉ đến hành vi quan hệ đồng tính. Thực ra, ở những chỗ khác của Kinh Thánh, câu chuyện này được đề cập với hàm ý tội lỗi của Sô-đôm là không hiếu khách, không đối xử tử tế với người nghèo cũng như những tội lỗi thông thường khác.[10] Một số khác thừa nhận đó là mối quan hệ đồng giới nhưng Sô-đôm bị lên án vì quan hệ đó không dựa trên tình yêu, thực chất quan hệ đồng giới với tình yêu là điều phù hợp, đáng được chấp nhận.[11].

Sô-đôm bị lên án vì tội đồng tính.

Sáng Thế ký 19:1-11 mô tả điều những người nam của Sô-đôm muốn làm đối với khách của Lót, chứ không phải với các con gái của Lót, và hậu quả của những yêu cầu và hành động của họ – sự hủy diệt. Sáng Thế Ký 19:5 cho biết rõ ràng đòi hỏi của họ: “Những khách đã vào nhà ngươi buổi chiều tối nay ở đâu? Hãy dẫn họ ra đây, hầu cho chúng ta được biết”

Vấn đề bàn cãi của phân đoạn này có thể nằm ở từ  yada (Hê-bơ-rơ, ידע) có nghĩa biết, làm quen với. Những người theo trường phái xét lại, điển hình như  Nelson, Bailey, John Boswell cho rằng đòi hỏi của những người đàn ông Sô-đôm không gì khác hơn là muốn làm quen với những vị khách vì từ ngữ yada không nói đến quan hệ đồng tính như quan điểm truyền thống.[12]

Tuy nhiên, để hiểu Kinh Thánh, một người không thể chỉ dựa vào từ ngữ mà thôi. Từ ngữ cần phải được hiểu trong từng bối cảnh cụ thể cũng như ý định của người viết. Sáng. 13:13 nhận định về Sô-đôm: Vả, dân Sô-đôm là độc ác và kẻ phạm tội trọng cùng Đức Giê-hô-va..[13] Trong 18:20, Đức Chúa Trời bày tỏ cho Áp-ra-ham: Đức Giê-hô-va phán rằng: Tiếng kêu oan về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật là quá, tội lỗi các thành đó thật là trọng. Thật ra, Chúa đã hứa với Áp-ra-ham rằng “Ta cũng sẽ chẳng diệt thành đâu, vì tình thương mười người đó”. Tuy nhiên, Sô-đôm đã bị hủy diệt như trong Sáng. 19 thuật lại. Bối cảnh của Sáng Thế Ký cho thấy lý do Sô-đôm bị kết án không chỉ vì thiếu lòng hiếu khách mà còn vì họ là những người gian ác, tội lỗi nghiêm trọng đến nỗi Chúa quyết định hủy diệt họ. Hơn nữa, mặc dù Kinh Thánh không nói rõ về lý do Lót đề nghị đưa con gái mình thay cho những vị khách nam với ghi chú rằng con gái mình vẫn chưa có chồng và đề nghị này cũng không được chấp thuận, nhưng có vẻ như yêu cầu của những người nam Sô-đôm là muốn có quan hệ tình dục với những vị khác nam, chứ không phải với  phụ nữ. Từ ngữ yada đơn thuần có nghĩa “biết” và mỗi lần từ này xuất hiện trong bối cảnh liên hệ đến người nam và nữ trong Sáng Thế Ký hàm ý đến quan hệ tình dục (4:1, 17, 25; 19:8; 24:16; 38:26). Trong bối cảnh ở đây, từ ngữ yada không thể chỉ đơn giản mang nghĩa “làm quen với” vì nó liên quan đến hai yếu tố – điều ác trong câu 7 và việc đề nghị thay thế bằng con gái còn trinh tiết trong câu 8[14]. Vì vậy, những người nam Sô-đôm rõ ràng đang đòi hỏi quan hệ tình dục đồng giới với khách của Lót.

3/ Luật Môi-se – Lê-vi Ký 18:22 và 20:13 có còn áp dụng cho ngày nay?

Lập luận của những người ủng hộ đồng tính: Phần Kinh Thánh thứ hai mà giới đồng tình thường bẻ cong để ủng hộ cho quan điểm của họ là trong Lê-vi Ký. Lập luận này cho rằng lệnh cấm đó liên hệ đến phong tục, lễ nghi tôn giáo trong bối cảnh cụ thể và không còn áp dụng cho chúng ta ngày nay[15]. Vì vậy, lệnh cấm chỉ áp dụng cho người Do Thái thời Cựu ước và không còn áp dụng cho chúng ta ngày nay. Lệnh cấm đồng tính được đặt ra cùng lúc với lệnh cấm ăn thịt heo. Nếu luật cấm ăn thịt heo không còn áp dụng thì không có lý do gì để cho rằng đồng tính cũng bị lên án.[16] Họ cũng thừa nhận rằng những câu Kinh Thánh này chống lại đồng tính nhưng chỉ để duy trì sự thánh khiết trong vòng lãnh đạo tôn giáo chứ không chống lại lối sống của những người đồng tính.

Đồng Tính Luyến Ái là một tội trọng trước mặt Chúa. Đây là một lệnh cấm trong luật đạo đức, chứ không phải về nghi lễ.

Chúng ta cần phải nhớ rằng Y-sơ-ra-ên được biệt riêng làm dân thánh của Chúa như trong Xuất. 19:6 cho biết. Cơ Đốc nhân ngày nay cũng được kêu gọi trở thành thầy tế lễ nhà vua, dân thánh (1 Phi. 2:9). Luật pháp được ban cho Y-sơ-ra-ên như là hướng dẫn để họ có thể sống xứng đáng với tên gọi dân thánh của Đức Chúa Trời. Thần học về sự thánh khiết vẫn còn áp dụng cho Cơ Đốc nhân ngày nay. Về lệnh cấm đồng tính trong Lê-vi ký, nó được đặt trong phần các luật về lễ nghi nhưng không có nghĩa là nó không còn được áp dụng cho đến ngày nay trừ khi những hành vi tội lỗi khác cưỡng dâm, giao cấu giữa anh chị em, giao cấu với thú vật không còn áp dụng. Ngoài ra, mức độ hình phạt dành cho người ăn thịt động vật không tinh sạch và những người phạm tội đồng tính là rất khác nhau. Giữa việc bị cách ly với cộng đồng trong vài ngày và việc bị mang án chết là rất khác biệt. Đồng tính luyến ái sẽ bị án chết. Quả thật, đồng tính trong Tân ước cũng bị dành cho án chết.[17]

Có lẽ sẽ rất ích lợi khi phân biệt giữa luật về lễ nghi và luật về đạo đức. Hai loại luật này có vai trò quan trọng trong đời sống của dân sự Chúa. Những người không tôn trọng hay vi phạm luật đạo đức không được chào đón và dâng của tế lễ cho Chúa cũng như không được chào đón trong sự thờ phượng. Một tác giả đã đề cập đến người đồng tính như sau: Tân Ước có đề cập đến việc hệ thống luật tế lễ không còn là điều bắt buộc nhưng không hề nhắc đến việc xóa bỏ lệnh cấm đồng tính. Thực ra, Kinh Thánh tiếp tục lên án tội đồng tính. Điều này cho thấy lệnh cấm đồng tính không thể được xem là lệnh cấm về mặt lễ nghi mà là lệnh cấm liên quan đến vấn đề đạo đức. Luật về đạo đức áp dụng cho mọi người ở mọi nơi trong mọi thời điểm. Ví dụ như tội giết người, ngoại tình, thờ thần tượng… vẫn là tội giết người, ngoại tình, thờ hình tượng,… trong mọi thời điểm. Cain giết A-bên trước khi luật pháp được ban cho, và ông vẫn bị xem là kẻ giết người trong thời Tân Ước.[18]

Lê Vi ký 18:22 và 20:13 cho thấy rõ ràng Kinh Thánh lên án mạnh mẽ hành vi đồng tính luyến ái. Từ ngữ “gớm ghiếc” là một từ nặng chỉ về điều không được chấp nhận, mô tả điều Đức Chúa Trời gớm ghiếc. Người phủ nhận điều này là người đang phủ nhận thẩm quyền của Kinh Thánh.

4/ Đồng Tính Luyến Ái có bị cấm trong Tân Ước không?

Đồng tính luyến ái bị định tội không những trong Cựu Ước, chỉ áp dụng cho người Do Thái mà còn đối với tất cả mọi người trong mọi thời đại. Rô-ma 1:21-27 và 1 Côr. 6:9-10 là hai trong số những phân đoạn trong Tân Ước lên án đồng tính luyến ái.

Lập luận của những người ủng hộ đồng tính: Rô-ma 1 không phải đề cập đến những người sinh ra là đồng tính nhưng lên án những người được sinh ra dành cho quan hệ tình dục dị tính, nhưng lại ham muốn và quan hệ đồng tính[19]. Nói cách khác, họ phân biệt hai nhóm đồng tính theo tự nhiên (sinh ra là dành cho quan hệ đồng tính) và nhóm đồng tính bất bình thường (sinh ra là dành cho quan hệ dị tính nhưng ham muốn giống đồng tính). Vì vậy, điều Rô-ma 1 lên án không dành cho những người đồng tính theo tự nhiên. Cũng có ý kiến cho rằng trong Rô-ma 1, Phao-lô đang nói về vấn đề thờ hình tượng, và thật ra cách sử dụng ngôn ngữ cho thấy đó là sự giả định về điều có thể xảy ra trong thời đó, chứ không chính xác mang hàm ý về vấn đề tình dục.[20]

Rô-ma 1:21-27 cho thấy lối sống đồng tính là một lựa chọn và đó là lựa chọn chống nghịch lại định của Chúa.

Cả tội thờ hình tượng và đồng tính luyến ái đều là tội trước mặt Chúa, cả hai đều đi ngược với hoạch định và ý muốn của Chúa dành cho con người. Điều này cũng đi ngược lại với sự thánh khiết mà Đức Chúa Trời muốn dân sự Ngài phải gìn giữ. Tuy nhiên, đồng tính luyến ái là một tội lỗi khác với tội thờ thần tượng. Sự định tội dành cho đồng tính luyến ái được phân biệt rõ ràng với tội thờ thần tượng trong Lê-vi Ký. Trong Mười Điều Răn, hai tội này cũng được phân biệt rõ ràng.[21] 

Rô-ma 1:26-27 đề cập đến đồng tính luyến ái trong một bối cảnh văn hóa rộng. Dân ngoại được mô tả là những người chống lại Đức Chúa Trời, xu hướng về sự kiêu căng và ham muốn tình dục đáng xấu hổ của họ. Họ không theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời nhưng thay thế sự công bình của Đức Chúa Trời bằng sự không công bình và làm ô danh Chúa.

Phân đoạn này không thể là nền tảng ủng hộ đồng tính với lý luận rằng Phao-lô đang đề cập đến những người sinh ra với bản chất tình dục dị tính nhưng lại lầm lạc chọn làm điều đi ngược với tự nhiên, là đồng tính[22].  Kinh Thánh cho biết rõ ràng từ ban đầu khi Đức Chúa Trời tạo dựng con người, Ngài tạo nên người nam và người nữ. Và nhiệm vụ Đức Chúa Trời ban cho con người là phải sanh sản. Điều này chỉ thực thi được trong hôn nhân dị tính, không phải trong hôn nhân đồng tính. Thực chất, trong phân đoạn Kinh Thánh này, Phao-lô cho biết  “những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tánh tự nhiên. Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người nầy với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo ứng xứng với điều lầm lỗi của mình. Ở đây, Phao-lô đang mô tả quan hệ đồng tính nam và đồng tính nữ. Và điều này nghịch với tự nhiên. Sự trái tự nhiên này chỉ đến mối quan hệ tình dục sai lạc với trật tự mà Đức Chúa Trời đã tạo ra ngay từ lúc ban đầu trong công trình sáng tạo[23].

Lưu ý từ ngữ “đổi cách” và “bỏ cách” hàm ý tình dục đồng tính là một lựa chọn, chứ không phải là được sinh ra “cách tự nhiên”. Điều này hoàn toàn ngược lại với điều những người ủng hộ đồng tính lý luận rằng họ được sinh ra như thế và không có lựa chọn nào. Thực tế họ chọn và thực hành hành vi tội lỗi. Vì vậy, đây là hành vi sai trật trước mắt Chúa.

Lập luận của những người ủng hộ đồng tính: Tội lỗi đề cập trong 1 Cô. 1:9-11 áp dụng cho trường hợp cưỡng ép tình dục đối với người cùng giới khác mà không dựa trên tình yêu. Hay nói cách khác, không phải quan hệ đồng giới bị lên án, nhưng vấn đề là động cơ không xuất phát từ tình yêu tình nguyện đến với nhau[24].

Trong 1 Cô. 6:9 trong Kinh Thánh Hy Lạp (6:10 trong Kinh Thánh tiếng Việt), Phao-lô dùng từ malakoi (có nghĩa chỗ mềm mỏng, phần mềm để đụng chạm, sờ), và từ ἀρσενοκοῖται (arsenokoitai) (có nghĩa một người nam ở trên giường hay một người nằm với một người nam, cùng một từ được dùng trong 1 Tim. 1:10). Hai từ này rõ ràng chỉ đến quan hệ đồng tính. Trong những câu này, Phao-lô xác định ba loại quan hệ tình dục sai trái: tà dâm, ngoại tình,   và đồng tính. Những người thực hiện những quan hệ tình dục sai trái này cùng với những tội lỗi khác liệt kê trong câu 9-10 bị loại trừ ra khỏi vương quốc của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng sự cứu rỗi và sự thánh hóa vẫn được dành cho những người được mô tả trong phân đoạn này. Đó chính là niềm hy vọng cho những người đồng tính. Không thể nói rằng một khi đã là đồng tính, người đó sẽ mãi mãi là người đồng tính. Họ có niềm hy vọng được biến đổi trong danh Chúa Giê-xu và trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời.

5/ Chúa Giê-xu có lên án đồng tính hay không?

Lập luận của những người ủng hộ đồng tính: Một số người cho rằng Chúa Giê-xu không hề lên án đồng tính trong sự giảng dạy của Ngài. Nếu Chúa Giê-xu không bao giờ lên án, Hội Thánh không có quyền lên án đồng tính là tội lỗi. Thực ra, Chúa dạy phải yêu thương lẫn nhau.

Thực tế, Chúa Giê-xu nghiêm cấm tư tưởng và hành vi quan hệ đồng tính.

Chúng ta cần nhớ rằng trong Ma-thi-ơ 5:17, Chúa Giê-xu cho biết: Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri: Ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. Tất cả những luật cấm mang tính đạo đức như giết người, thờ thần tượng, đồng tính và những hình thức vô luân khác vẫn không thay đổi. Trong Ma-thi-ơ 5:19-20, Chúa Giê-xu nghiêm khắc cho biết tất cả những hình thức quan hệ tình dục sai trái làm cho một người trở nên không tinh sạch chứ không phải việc ăn mà không rửa tay. Ma-thi-ơ 19:4-6, Chúa Giê-xu nhắc nhở dân sự về ý định của Đức Chúa Trời trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Với những phân đoạn Kinh Thánh, rõ ràng rằng Chúa Giê-xu chưa bao giờ khai tử những luật lệ chống lại đồng tính luyến ái. Chúa Giê-xu không nói, không có nghĩa là Ngài không quan tâm. Thực tế, qua sự giảng dạy của Ngài, chúng ta thấy rằng Chúa Giê-xu nghiêm cấm quan hệ đồng tính, không chỉ là hành vi quan hệ đồng tính mà còn cho biết lòng ham muốn cũng sẽ bị định tội như hành vi phạm tội chống lại Đức Chúa Trời.

Đồng tính là điều đi ngược với luật đạo đức của Chúa và bị nghiêm cấm trong cả Cựu Ước và Tân Ước

Cả Cựu Ước và Tân Ước đều dạy dỗ cách rõ ràng rằng đồng tính là điều đi ngược với luật đạo đức của Chúa. Vì vậy, bất kỳ ai kết luận rằng đồng tính là bình thường và đúng đắn trước mặt Chúa là người ấy đang chối bỏ thẩm quyền của Kinh Thánh và khước từ luật pháp của Chúa. Chấp nhận quan hệ đồng tính luyến ái là chấp nhận tội lỗi vốn bị Đức Chúa Trời ngăn cấm.

Điều cần nhớ: Đồng tính không phải là một tội lỗi không thể được tha thứ. Người đồng tính cũng có nhu cầu cần được cứu rỗi, cần được yêu thương, giúp đỡ. Phải nhớ rằng những người đồng tính là những người nam và người nữ, và có giá trị trước mắt Chúa. Như trong 1 Cô-rinh-tô cho biết một số người đồng tính đã được cứu và được Chúa làm cho nên thánh. Là những Cơ Đốc nhân, chúng ta không được thờ ơ và bỏ mặc họ trong bóng tối tội lỗi. Chúng ta là những sứ giả của Đấng Christ là phải đem họ trở về làm hòa với Đức Chúa Trời (2 Cô. 5:20). Vì vậy, trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ đề cập đến việc chúng ta phải tiếp cận và giúp đỡ những người đồng tính để đem họ trở về hòa thuận với Đức Chúa Trời.

Anne Trần

Còn tiếp…

BIBLIOGRAPHY

1996, -February 1. Homosexuality and Christian Community. 1st edition. Louisville, Ky.: Westminster John Knox Press, 1996.

Davidson, Richard M. Flame of Yahweh: Sexuality in the Old Testament. Hendrickson Publishers, 2007.

Geisler, Norman L. Christian Ethics: Contemporary Issues and Options. 2 edition. Grand Rapids, Mich.: Baker Academic, 2010.

Lockard, Anna-Marie. “Homosexuality: Legally Permissible Or Spiritually Misguided?” Conspectus 06:1 (March 2008).

Lutzer, Erwin W. The Truth About Same-Sex Marriage: 6 Things You Need to Know About What’s Really at Stake. Moody Publishers, 2009.

McNeill, John J. The Church and the Homosexual. Kansas City: Sheed Andrews and McMeel, 1976.

Rogers, Jack Bartlett. Jesus, the Bible, and Homosexuality: Explode the Myths, Heal the Church. Westminster John Knox Press, 2009.

Tan, Kim Huat, and National Council of Churches of Singapore. A Christian Response to Homosexuality. Singapore: Genesis, 2004.

White, James, and Jeff Niell. The Same Sex Controversy: Defending and Clarifying the Bible’s Message About Homosexuality. Baker Books, 2002.


[1] Trong bài viết này, từ ngữ quan hệ tính dục đồng tính hay đồng tính (homosexuality, chỉ về khuynh hướng, hành vi quan hệ tính dục giữa những người đồng tính) được dùng để phân biệt với người đồng tính (homosexual, chỉ về những người có khuynh hướng bị hấp dẫn, hay thực hiện hành vi quan hệ tính dục với người đồng giới tính, bao gồm cả đồng tính nam và đồng tính nữ).

[2] Kim Huat Tan and National Council of Churches of Singapore, A Christian Response to Homosexuality (Singapore: Genesis, 2004), 99.

[3] Richard M. Davidson, Flame of Yahweh: Sexuality in the Old Testament (Hendrickson Publishers, 2007), 133.

[4] John J. McNeill, The Church and the Homosexual (Kansas City: Sheed Andrews and McMeel, 1976), 37.

[5] Ibid., 193.

[6] 1996, Homosexuality and Christian Community, 3–12. Đối với tôi, việc tin một điều Kinh Thánh không đề cập khó hơn nhiều so với việc tin vào điều Kinh Thánh đã mô tả là chân thật và đúng đắn.

[7] Câu chuyện sáng tạo không đơn thuần cho chúng ta biết thế giới được tạo dựng như thế nào như thể một báo cáo khoa học, nhưng thuật lại với mục đích bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời trong việc tạo dựng thế giới và tạo ra sự trật tự từ sự hỗn độn. Sự trật tự và hỗn độn vẫn tồn tại cho đến ngày nay, khi con người không tuân theo trật tự của Chúa, nơi đó sẽ có sự hỗn độn. Hình ảnh được thể hiện rõ ràng trong những phần còn lại của Kinh Thánh và trong thực tế ngày nay.

[8] Davidson, Flame of Yahweh, 15. Sáng. 1-2 bày tỏ quan hệ tình dục giữa người với người là một yếu tố nền tảng trong sự sáng tạo và tự nhiên. Thần học về tính dục là một yếu tố trọng tâm, đỉnh điểm trong sự sáng tạo.

[9] Tan and National Council of Churches of Singapore, A Christian Response to Homosexuality, 69.

[10] James White and Jeff Niell, The Same Sex Controversy: Defending and Clarifying the Bible’s Message About Homosexuality (Baker Books, 2002), 41–43.

[11] 1996, Homosexuality and Christian Community, 15.

[12] Davidson, Flame of Yahweh, 146.

[13] Chúng ta cũng có thể so sánh cách dùng từ này trong phân đoạn này và ở những chỗ khác trong sách. Tác giả thường dùng từ “dân” (people) để chỉ đến một nhóm người. Tuy nhiên, cụ thể trong câu này, tác giả dùng từ “các người nam ở Sô-đôm” chứ không dùng từ dân Sô-đôm. Cả White và Niell, trong cuốn The Same Sex Controversy, 28 và Davidson, trong cuốn  Flame of Yahweh, 146 đề cập đến điều này. Tất nhiên, chỉ dựa vào cách dùng từ khác nhau, chúng ta không thể vội vàng kết luận đó là tội lỗi của riêng những người nam hay hàm ‎‎ý những người này phạm tội đồng tính. Davidson cung cấp thêm thông tin khi chỉ ra rằng cách dùng từ  אַנְשי (Sáng. 13:13 WTT) “men” thường được dùng để chỉ giới tính nam trong Sáng Thế Ký‎ (17:27; 24:13; 29:22; 34:20, 21; 38:22)

[14] Norman L. Geisler, Christian Ethics: Contemporary Issues and Options, 2 edition (Grand Rapids, Mich.: Baker Academic, 2010), 284.

[15] Tan and National Council of Churches of Singapore, A Christian Response to Homosexuality, 2.

[16] Ibid., 281.

[17] White and Niell, The Same Sex Controversy, 87.

[18] Ibid., 82–86.

[19] White and Niell, The Same Sex Controversy, 125.

[20] Jack Bartlett Rogers, Jesus, the Bible, and Homosexuality: Explode the Myths, Heal the Church (Westminster John Knox Press, 2009), 73.

[21] Geisler, Christian Ethics, 285.

[22] Lập luận của người ủng hộ đồng tính là: Đức Chúa Trời tạo dựng nên những người có bản chất quan hệ đồng tính theo tự nhiên và những người có bản chất quan hệ tình dục dị tính. Vì vậy nếu những người có bản chất tự nhiên là đồng tính thì việc quan hệ đồng tính là chuyện bình thường, chỉ những người vốn có bản chất tự nhiên dị tính nhưng thực hiện quan hệ đồng tính thì đó mới là hành vi tội lỗi.

[23] Tan and National Council of Churches of Singapore, A Christian Response to Homosexuality, 104.

[24] Geisler, Christian Ethics, 282.

 

 

Bài trước
Bài tiếp theoLễ Công Bố Quyết Định Thành Lập Chi Hội Cẩm Nê – Tp Đà Nẵng