Dọn Lòng Đón Chúa

6541

 

Suy niệm Giáng sinh

Mùa Giáng sinh lại trở về với chúng ta trong không khí náo nức thường lệ. Chúng ta cần chuẩn bị gì cho Giáng sinh? Một buổi họp mặt Giáng sinh trong gia đình hay với bạn bè, một bữa tiệc linh đình, những món quà ý nghĩa…? Chúng ta đang ở trong mùa Giáng sinh mà truyền thống Cơ Đốc thường gọi là Mùa vọng (Advent: Lt. sự đến) tức 4 tuần lễ trước lễ Giáng sinh, với tinh thần trông mong, chờ đợi Chúa. Vì thế, thiết nghĩ điều có ý nghĩa nhất chúng ta cần làm để chờ đón Giáng sinh là sửa soạn tấm lòng khao khát, trông đợi Chúa, là dọn lòng cho Chúa theo tinh thần của sứ điệp tiên tri Giăng Báp-tít “Hãy dọn đường Chúa, ban bằng các nẻo Ngài.” (Mác 1:3) để “sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” (Lu-ca 1:17). Có lẽ Giăng Báp-tít là tấm gương tốt nhất cho chúng ta noi theo về tinh thần dọn lòng đón Chúa.

SỨ MỆNH DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA CỦA GIĂNG BÁP-TÍT

       Trước khi Chúa Giê-xu giáng sinh, Đức Chúa Trời đã dấy Giăng Báp-tít lên và dùng ông làm người dọn đường cho Chúa. Chúa giao cho ông một sứ mệnh quan trọng giữa một bối cảnh xã hội, chính trị, tôn giáo rất đặc biệt:

  • Tình trạng suy thói về đạo đức, tôn giáo (Lu-ca 3:1-2)

   Với tư cách là một sử gia, Lu-ca đã ghi lại cụ thể, chính xác thời điểm thi hành chức   vụ của Giăng Báp-tít: Giăng bắt đầu chức vụ vào năm thứ 15 đời hoàng đế La Mã Sê-sa Ti-be-rơ, khoảng năm 28 hay 29 SCN. Lu-ca cho chúng ta biết vài điều về tình hình chính trị, tôn giáo, đạo đức của dân Y-sơ-ra-ên thời bấy giờ: Vua Hê-rốt An-ti-pa là vị vua độc ác, đạo đức suy đồi vì ông đã lấy Hê-rô-đia vợ của em mình và bắt Giăng bỏ tù vì Giăng dám can gián vua. (Lu-ca 3:19-20) và sau đó theo lời đề nghị của con gái Hê-rô-đia, vua sai người chém Giăng trong ngục (Mat 14:10). Lu-ca cũng cho thấy tình trạng tôn giáo bất ổn, sa sút tâm linh lúc bấy giờ vì có tới hai thầy tế lễ thượng phẩm An-ne và Cai-phe là điều bất thường, bất ổn trong hệ thống Do Thái giáo.

  • Sứ mệnh của Giăng là Người tiền hô, là người dọn đường cho Chúa

Giăng Báp-tít là một nhân vật đặc biệt gắn liến với sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Ông được gọi là người dọn đường, tiền hô của Chúa. Mác đã trích dẫn kết hợp hai lời tiên tri trong Ma-la-chi 4:1 và Ê-sai- 40:3 để làm ứng nghiệm về chức vụ của Giăng Báp-tít:

“Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi,
Người sẽ dọn đường cho ngươi
Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng:
Hãy dọn đường Chúa,
Ban bằng các nẻo Ngài.”(Mác 1:2-3}
MaMl 3:1; EsIs 40:3

Ngày xưa, trước khi vua ngự giá viếng thăm một nơi nào thì có người đi dọn đường hô to: “Hoàng thượng ngự giá…” Ngày nay cũng vậy, có một đoàn cảnh sát mặc lễ phục cởi xe mô-tô đi trước thổi còi, để dọn đường cho các quan chức đến thăm một nơi nào đó. Giăng Báp-tít cũng được Chúa dùng để dọn đường, mở đường cho Chúa Cứu Thế đến. Lu-ca 1:16-17 mô tả cụ thể về sứ mệnh “chuẩn bị cho Chúa một dân sẵn lòng”: “Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ; chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” Tác giả Lu-ca đã trích dẫn Ma-la-chi 4:5-6 để mô tả chức vụ của Giăng Báp-tít cũng giống như tiên tri Ê-li, là phục hưng dân Chúa đang “đi giẹo hai bên” để họ ăn năn quay về với Chúa “nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa là Đức Chúa Trời của họ.” và cũng đem sự hòa thuận, an vui cho gia đình “đem lòng cha trở về với con cái, con cái loạn nghịch trở về cùng cha” để “sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng”, tức là tấm lòng khao khát Chúa, tấm lòng ăn năn tội và tấm lòng vâng phục của đức tin.

  Ngày nay cũng vậy, chúng ta đang sống trong một thời kỳ suy thoái về đạo đức, tâm linh giống như thời của Giăng Báp-tít: con dân Chúa sa sút thuộc linh, xa cách Chúa. Mối quan hệ gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái đang bất hòa, đổ vỡ. Vì thế sứ điệp của Giăng Báp-tít trong mùa Giáng sinh là sứ điệp phục hưng. Mùa Giáng sinh cũng là thời điểm phục hưng tâm linh của con dân Chúa.

GIĂNG BÁP-TÍT DỌN LÒNG ĐÓN CHÚA BẰNG CÁCH NÀO?

   Trong phân đoạn Kinh Thánh Mác 1:1-8 nhắc hai lần động từ “dọn đường”. Dọn đường tức là dọn lòng, sửa soạn tấm lòng để chào đón Chúa giáng sinh. Giăng dọn lòng đón Chúa bằng cách sửa soạn tấm lòng của chính mình và lòng của những người khác, của dân tộc ông. Ít ra có ba điều mà Giăng đã làm: tìm kiếm Chúa, giảng đạo và sống đạo.

              TÌM KIẾM CHÚA (c.3a)

  • Một nơi yên tịnh, vắng vẻ “Giăng đã đến trong đồng vắng…” (c.4)

   Ngày xưa các thánh nhân Do Thái thường đến đồng vắng, nơi hoang mạc để tìm kiếm Chúa, nghe Chúa phán dạy với mình. Môi-se ở trong đồng vắng 40 năm làm nghề chăn chiên và đã gặp Chúa, nghe Chúa phán dạy nơi “bụi gai cháy không hề tàn”; Phao-lô cũng đã vào đồng vắng A-ra-bi mấy năm để tìm kiếm Chúa trước khi thi hành chức vụ (Ga-la-ti 1:17). Giăng Báp-tít cũng vậy. Như chúng ta biết, truyền thống tâm linh Benedictine vào Thế kỷ thứ 6 SCN và chủ nghĩa tu viện thời Trung cổ cũng bắt nguồn từ tinh thần này. Đó là phương pháp thực hành tìm kiếm Chúa, suy ngẫm lời Chúa được gọi phương pháp Lectio Divina (Đọc lời thánh – Divine Reading) gồm 4 bước: Đọc Kinh Thánh, suy ngẫm, cầu nguyện và chiêm ngưỡng Chúa.

Kinh Thánh nhiều lần nhắc nhở chúng ta hãy dành thì giờ yên tịnh để tìm kiếm Chúa “Hãy yên lặng và biết Ta là Đức Chúa Trời.” (Thi Thiên 46:10)  Chính Chúa Giê-xu đã làm gương cho chúng ta về tinh thần tĩnh nguyện, tìm kiếm Chúa mỗi buổi sớm mai (Mác 1:35)

  Hãy noi gương Giăng Báp-tít dành thì giờ tìm kiếm Chúa trong mùa Giáng sinh năm nay. Hãy bước vào “đồng vắng”, dành thì giờ tìm kiếm Chúa, suy ngẫm Kinh Thánh, cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa phán với mình. Thật ra, sống giữa xã hôi hiện đại ồn ào, bận rộn náo nhiệt này thì thật khó mà nghe được tiếng Chúa phán dạy nếu không biệt riêng thì giờ yên tịnh tương giao với Chúa. Đó là một thách thức lớn đối với Cơ Đốc nhân hôm nay, nhưng không có cách nào khác hơn nếu chúng ta thực sự khao khát, muốn biết Ngài.

             GIẢNG ĐẠO (c.3b-5,8)

  • Rao giảng về báp-têm về sự ăn năn

   Giăng tìm kiếm, lắng nghe tiếng Chúa phán với mình qua tiên tri Ê-sai 40:3 và ông bắt đầu rao giảng sứ điệp về sự ăn năn và làm Báp-têm bằng nước để được tha tội. Vì thế người ta gọi ông là Giăng Báp-tít. Giăng đã rao giảng một sứ điệp đầy khó khăn và thách thức là sự ăn năn. Giăng đã rao giảng sứ điệp này một cách mạnh mẽ “Hãy kết quả xứng đáng với sư ăn năn” và “Cái búa đã kề gốc cây; hễ cây nào không sinh trái tốt thì sẽ bị đốn và chụm.” (Lu-ca 3:8,9). Ông sửa soạn tấm lòng để người ta tiếp đón Chúa Cứu Thế “ban bằng các nẻo Ngài”. Ăn năn (metanoia) là thay đổi tâm trí, thay đổi tấm lòng, tức con người bề trong, là “xé lòng” chứ không phải “xé áo” (Giô-ên 2:3)

Khi Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ, thì sứ điệp đầu tiên của Ngài là sứ điệp ăn năn “Kỳ đã trọn, nước Đức Chúa Trời đã đến gần; các ngươi hãy ăn năn và tin đạo Tin lành” (Mác 1:35)

  Thật vậy, sự phục hưng, biến đổi đời sống phải bắt đầu bằng sự ăn năn, tan vỡ. Ăn năn là từ bỏ tội lỗi. Trong tiếng K’ho, từ ăn năn được dịch rất hay là “ghét bỏ tội lỗi”, không những bỏ mà còn ghét tội lỗi nữa. Ăn năn là hành động tích cực để dọn lòng đón Chúa giáng sinh.

  • Rao giảng về Chúa Cứu Thế và đưa người ta đến với Chúa (c.5,7-8)

    Giăng rao giảng, kêu gọi mọi người ăn năn và rao giảng về Chúa Cứu Thế, là Đấng quyền năng: “Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta; ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài. 8 Ta làm phép báp-têm cho các ngươi bằng nước; nhưng Ngài sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh. (c.7-8). Giăng đã giới thiệu Chúa Giê-xu là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng 1:29). Giăng không đưa người ta đến với ông nhưng đến với chính Chúa Giê-xu.

    Mùa giáng sinh là cơ hội tốt nhất để nói về Chúa Giê-xu cho mọi người. Cám ơn Chúa, Giáng sinh năm nay tại Tp Hồ Chí Minh, Hội thánh Tin Lành đã có một buổi truyền giảng lớn ngoài trời tại sân Phú Thọ, có trên 15 nghìn người đến dự và có trên một nghìn người tiếp nhận Chúa. Hãy cầu nguyện để mỗi tín hữu có thể dắt đưa một thân hữu trở về với Chúa trong mùa Giáng sinh này.

      SỐNG ĐẠO (c.6-7)

    Giăng Báp-tít không chỉ giảng đạo mà còn sống đạo nữa. Sống đạo cũng là cách giảng đạo sống động nhất bằng chính đời sống của mình.

  • Sống công chính, thánh khiết

    Giăng Báp-tít không chỉ giảng về sự ăn năn tội mà chính ông đã ăn năn và sống một đời sống thánh khiết, công chính. Tin lành Mác mô tả Giăng là người công chính và thánh thiện. Vua Hê-rốt căm ghét Giăng vì ông dám can ngăn vua không nên lấy vợ của em mình nhưng không dám giết Giăng “vì Hê-rốt sợ Giăng, biết là người công bình và thánh”. (Mác 6:20). Giăng xứng đáng là người dọn đường cho Chúa vì ông sống một cuộc đời tuyệt đẹp. Chúng ta ngày nay cũng vậy, để trở thành người dọn đường cho Chúa, chúng ta cũng phải có một đời sống tốt đẹp, công chính, thánh khiết như Giăng Báp-tít vậy.

  • Sống thanh bạch, giản dị

    Giăng không những sống thánh khiết, công chính mà còn có nếp sống thanh bạch giản dị. Kinh Thánh mô tả Giăng Báp-tít “mặc áo lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông, ăn châu chấu và mật ong rừng.” (c.6)  Ông ăn thổ sản ở đồng vắng, đơn sơ, đạm bạc là nếp sống “thanh bần lạc đạo” của các thánh nhân.

    Thiết nghĩ, Cơ Đốc nhân hôm nay cũng cần có lối sống thanh bạch, giản dị, không xa hoa, cầu kỳ; không lãng phí tiền bạc vào những trang sức đắt tiền không cần thiết mà hãy dành tiền bạc góp phần rao giảng Tin lành, giúp đỡ người nghèo khó. Lời Chúa cũng nhắc nhở phụ nữ Cơ Đốc “Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt;4 nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời.” (1 Phi 3:3-4).

  • Sống khiêm nhường, hạ mình

Có Đấng quyền phép ta đến sau ta, ta không đáng cúi xuống mở dây giày cho Ngài.” (c.7)

    Giăng Báp-tít là con người khiêm nhường, nhu mì. Mặc dù ông được đặc ân Chúa dùng làm người tiền hô, dọn đường cho Chúa, nhưng ông vẫn luôn ý thức mình là đầy tớ hèn mọn của Chúa và luôn luôn tôn cao Chúa. Ông tuyên bố “Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống” (Giăng 3:30).

Cơ Đốc nhân chúng ta phải học theo gương của Giăng Báp-tít để sống khiêm nhu, hạ mình. Chúng ta hãy coi chừng bản tính kiêu ngạo vốn có sẵn trong mỗi người chúng ta. Hãy sống khiêm nhường trong cách nói năng, hành xử với mọi người. Thánh Phao-lô dạy “Chớ làm sự chi vì lòng tranh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường coi người khác như tôn trọng hơn mình.” (Phi-líp 2:3)

    Dọn lòng đón Chúa là thái độ và hành động đẹp lòng nhất Chúa trong mùa Giáng sinh. Hãy noi gương Giăng Báp-tít trở nên những người dọn đường cho Chúa, nghĩa là sửa soạn tấm lòng của chính mình và của người khác để chào đón Chúa. Hãy tiếp tục sứ mệnh của Giăng Báp-tít để “sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng” hôm nay. Hãy dành thì giờ tìm kiếm Chúa, giảng đạo và sống đạo như Giăng Báp-tít vậy. Chắc chắn chúng ta sẽ được phước dư dật trong mùa Giáng sinh này. A-men!

 Trịnh Phan

 Giáng sinh 2018

Bài trướcBà Ê-xơ-tê Được Chọn Làm Hoàng Hậu – 14/12/2018
Bài tiếp theoLập Công Lớn – 15/12/2018