“Bây giờ Đức Giê-hô-va đã để cho chúng ta được ở rộng rãi, và ta sẽ đặng thịnh vượng trong xứ” (Sáng Thế Ký 26:22)
Năm mới người ta thường chúc nhau được “thịnh vượng” hay “hưng vượng”. Chữ “ Thịnh” diễn tả sự phát đạt, sung túc; “hưng” có ý đi lên, tấn tới; còn “ vượng” bày tỏ sự phát triển theo hướng sáng sủa, tốt đẹp. Vì vậy, đây là những lời chúc tốt đẹp mà ai cũng muốn. Song sự thịnh vượng của đời sống Cơ Đốc cao hơn nhiều so với sự thịnh vượng của thế gian. Bởi lẽ, đối với thế gian, họ chỉ mong thịnh vượng trong vật chất, trong sức khoẻ, trong những gì con người có thể nhìn thấy được.
Trên thực tế, nhiều người giàu có vật chất, cường tráng về sức khoẻ nhưng chưa chắc được thịnh vượng tâm linh và ngược lại.
Trong thư III Giăng, vị sứ đồ gửi cho Gai-út, người con yêu dấu của ông trong đức tin, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh phần xác anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy” (III Giăng 2). Rõ ràng Gai-út là người “đã được thạnh vượng về phần linh hồn” nhưng sức khoẻ thể chất của ông lại đang có vấn đề. Nên sứ đồ Giăng cầu chúc ông được khoẻ mạnh về phần thể chất để qua đó Gai-út có thể kinh nghiệm sự thịnh vượng mọi bề.
Ngược lại, nhiều người tập trung làm ăn để mong được giàu có, phát tài, nhưng lại không chú tâm đến phần linh hồn của mình, thì kết quả nào có được gì. Chính Chúa Giê-xu đã bảo, “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?” (Ma-thi-ơ 16:26).
Trong phần Kinh Thánh Sáng Thế Ký 26:12-33, nhìn qua cuộc đời của Y-sác, chúng ta thấy có những dấu hiệu của một đời sống thịnh vượng.
Trước tiên ông được Chúa ban phước trên các giống gieo “được bội trăm phần” (câu 12); của cải ông ngày càng thêm lên (câu 13), ông “có nhiều bầy chiên, bầy bò và tôi tớ rất đông” (câu 14).
Trước đó Y-sác đã gặp đói kém phải đi đó đây để tìm chỗ trú thân. Từ chỗ không có gì nhưng nay lại được mọi sự. Áp dụng vào đời sống thuộc linh của chúng ta, khi chúng ta nhận biết tình trạng đói khát của mình, sự yếu đuối, khô khan trong đời sống và đi tìm kiếm thì Chúa sẽ đón nhận và ban phước cho chúng ta như chính lời hứa của Chúa Giê-xu, “Phước cho những người nghèo khó tâm linh, vì vương quốc thiên đàng thuộc về họ!” (Ma-thi-ơ 6:3 – BTTHĐ)
Kinh Thánh cho biết đời sống Y-sác được Chúa ban phước cho thịnh vượng. Tuy nhiên, trong cùng thời điểm được thịnh vượng thì ông cũng gặp những nghịch cảnh. Khi nhìn thấy sự hưng thịnh của ông, dân Phi-li-tin đem lòng ganh ghét (Sáng Thế Ký 26:14b). Dân gian ta có câu “trâu cột ghét trâu ăn”. Người đời thường thích người khác thua kém mình vì cớ tấm lòng kiêu ngạo. Đây cũng là sự nhắc nhở cần thiết cho chúng ta trong đời sống thuộc linh. Khi nhìn thấy ai đó được ơn Chúa, hết lòng yêu mến và hầu việc Chúa, chúng ta thường bày tỏ thái độ như thế nào? Có phải chúng ta lớn tiếng ngợi khen Chúa hay chúng ta cảm thấy ghen tị? Hãy nhớ rằng sự ghen tị như thế là thái độ của kẻ thù nghịch, của ma quỷ chứ không phải của con cái thật của Chúa.
Dân trong xứ cũng tranh giành các giếng nước của Y-sác. Nước là nhu cầu thiết yếu của sự sống, không chỉ cho con người mà còn cho bầy súc vật đông đúc của Y-sác. Trong sự khó khăn, tranh cạnh không công bằng của người đời, Y-sác không bỏ cuộc mà cứ tiếp tục đào giếng để tìm và duy trì sự sống của bầy chiên, bầy bò và ngay cả của con người. Điều này cho tôi bài học rằng không phải khi chúng ta có được sự thịnh vượng thì mọi việc xảy đến đều thuận lợi, dễ dàng. Ngược lại, người có đời sống thịnh vượng sẽ phải đối diện với nhiều thách thức, tấn công, ngăn trở. Một Cơ Đốc nhân có đời sống tâm linh thịnh vượng, một Hội Thánh đang phát triển mạnh mẽ…sẽ phải đối diện với nhiều tấn công của ma quỷ. Câu chuyện cuộc đời Gióp là một minh chứng của điều này.
Vì vậy, Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta khi thịnh vượng thì luôn phải tỉnh thức. Phải tiếp tục cố gắng, siêng năng, không bỏ cuộc trước khó khăn như tấm gương của Y-sác. Không những thế, đối diện với những người ghen ghét, chống phá mình, Y-sác không thể hiện thái độ thù địch nhưng ôn tồn, nhượng bộ.
Khi đã kinh nghiệm sự ban phước của Chúa, nhận được lời hứa của Ngài, Y-sác bày tỏ lòng biết ơn Chúa qua hành động “lập một bàn thờ, cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và đóng trại tại đó” (Sáng Thế Ký 26:25). Thường khi thịnh vượng, chúng ta dễ quên ơn Chúa, chúng ta thường tự mãn và cho rằng mình tài giỏi hay do công sức mình mà có. Quên ơn Chúa tức là đã cướp đi vinh quang của Chúa. Sứ đồ Phao-lô nhận biết rằng “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”( Phi líp 4:13).
Vua A-bi-mê-léc và những đồng minh, là những người vốn thù ghét Y-sác, đã đuổi Y-sác đi nhưng khi chứng kiến sự hưng vượng của Y-sác thì đã đến cùng ông và nói rằng “Chúng tôi đã thấy rõ ràng Đức Giê-hô-va phù hộ người, nên nói với nhau rằng: Phải có một lời thề giữa chúng tôi và người, để chúng ta kết giao ước với người” (Sáng Thế Ký 26:28). Qua đời sống thịnh vượng của Y-sác mà từ vua đến dân đều biết ông được Đức Giê-hô-va phù hộ. Đời sống được Chúa phù hộ không chỉ kinh nghiệm phước hạnh mà con bày tỏ Chúa ra cho những người xung quanh.
Năm mới đến, lòng tôi ước ao hết thảy dân sự Chúa đều có đời sống thịnh vượng thuộc thể lẫn thuộc linh. Đời sống kính sợ Chúa luôn biết ơn Chúa và nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng tể trị, yêu thương, dẫn dắt, phù hộ trong mọi công việc, mọi đường lối của chúng ta. Người thịnh vượng thuộc linh sẽ vững vàng trong mọi nghịch cảnh vì biết Chúa dắt chăn, bênh vực. Người thịnh vượng luôn sống khiêm nhu, nhường nhịn và không tranh giành. Người thịnh vượng sống trong tinh thần cảm tạ, ngợi khen Chúa. Và một đời sống thịnh vượng luôn biết sẻ chia với những người xung quanh, làm sáng danh Chúa.
Mỗi đời sống thịnh vượng sẽ làm nên gia đình thịnh vượng. Mỗi gia đình thịnh vượng sẽ làm nên Hội Thánh thịnh vượng. Nhiều Hội Thánh thịnh vượng sẽ mang đến sự phấn hưng và thịnh vượng cho cả một quốc gia.
Đầy tớ gái,