Dinh dưỡng: Thánh Kinh Dạy Gì Về Ăn Uống?

3780

Thánh Kinh dạy gì về ăn uống? (1)

Hiện nay có ba vấn nạn dinh dưỡng: Thiếu dinh dưỡng, dư dinh dưỡng và rối loạn dinh dưỡng. 

Thiếu dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong và tăng tỷ lệ tử vong trong cộng đồng, không chỉ ở các nước kém phát triển mà cả ở các nước giàu có, đặc biệt là ở bà mẹ mang thai, trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người cùng khổ.

Dư thừa dinh dưỡng là một vấn nạn ở các nước phát triển, do ăn dư thừa năng lượng và chất béo làm gia tăng tỷ lệ các bệnh chuyển hóa. Người dân sống ở các đô thị lớn thường lâm vào tình trạng này. Xã hội ngày xưa vốn rất hiếm khi bị các bệnh của sự thừa mứa (béo phì, tiểu đường không lệ thuộc insulin, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu). 

Rối loạn dinh dưỡng là một khái niệm mô tả tình trạng nghèo mà vẫn béo phì, vẫn mắc các bệnh của sự thừa dinh dưỡng; hoặc giàu nhưng vẫn thiếu dinh dưỡng. Đó là do ăn uống không cân đối. Càng ngày càng có nhiều người (trong đó có tôi tớ con cái Chúa) mắc phải tình trạng này.

Khoa học dinh dưỡng không chỉ quan tâm đến việc ăn món gì (loại thức ăn) mà còn quan tâm đến mục đích của việc ăn uống (ăn uống để làm gì), cách chế biến thức ăn, cách tổ chức bữa ăn, cách ăn uống và những chế độ ăn đặc biệt. Việc ăn uống đúng cách góp phần rất lớn trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tật cũng như phục hồi sức khỏe, nhất là các bệnh kinh niên. Rất nhiều loại bệnh kinh niên hiện tại là kết quả của cách ăn uống không đúng liên tục trong nhiều năm trước.

Thánh Kinh có dạy gì về ăn uống hay không? – Câu trả lời là “có”, và “có nhiều” là khác. UB YTXH sẽ lần lượt giới thiệu các nội dung mà Thánh Kinh đề cập đến vấn đề ăn uống có tính thực hành.

ĂN UỐNG ĐỦ

Kinh Thánh:

–          “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày.” (Ma-thi-ơ 6:11)

–          “Nầy là lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn: Hãy tùy sức ăn của mỗi người,và tùy số người trong trại mà góp cho mỗi tên một ô-me” (Xuất 16:16); “…mỗi người lượm vừa đủ sức mình ăn” (Xuất 16:18b, 21).

Cơ thể là một bộ máy vô cùng phức tạp và cần có năng lượng để hoạt động. Thức ăn không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng (sức lực) để cơ thể hoạt động mà còn cung cấp các chất để tạo dựng, phát triểnsửa chữa những hỏng hóc của cơ thể. Năng lượng đối với cơ thể giống như xăng đối với xe vậy.

 “Đủ” không chỉ có nghĩa là đủ bữa mà còn có nghĩa là đủ các thành phần trong đồ ăn mà cơ thể cần. Các thành phần thức ăn mà cơ thể cần là: chất thịt (đạm – protid), chất béo (dầu mỡ – lipid), chất ngọt (bột, đường, cơm gạo – carbohydrat), các chất vi lượng (cần lượng ít nhưng quan trọng, như khoáng, vitamin), nước, chất xơ, dưỡng khí (oxy), … Bởi vì cơ thể được Chúa tạo dựng bằng chất thịt, béo, ngọt, khoáng, vitamin, nước,… và các chất đó sẽ hao hụt đi qua các hoạt động sống. Đó là lý do sau cơn nước lụt Chúa cho phép Nô-ê và gia đình ăn thịt: “Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh.” (Sáng 9:3)

“Đủ” có nghĩa là không dư. Chúng ta thường có thói quen “ăn cố”, “ăn thêm chút nữa” vì tiếc, vì thèm, vì vui miệng, vì xã giao, v.v… Đó là ăn dư. Ăn bỏ mứa là biểu hiện của tình trạng lấy đồ ăn dư, quá sức mình ăn, thể hiện lòng tham của mình. Đó là hình ảnh của nhiều người sau khi dự tiệc buffet. “Môi-se nói cùng dân sự rằng: Đừng ai để dư lại cho đến sáng mai. Nhưng dân sự chẳng nghe theo lời Môi-se, một vài người để dư lại đến sáng mai; thì sâu hóa ở trong, vật sanh mùi hôi hám. Môi-se bèn nổi giận cùng họ.” (Xuất 16:19-20). Việc ép khách quý của mình ăn thêm, trong bàn ăn gắp thêm cho người khác chính là ép người khác ăn dư.

“Đủ” còn có nghĩa là không thiếu. Chúng ta thường khi nhịn bữa sáng, ít uống nước,… vì nhiều lý do khác nhau. Đó là ăn thiếu. Nhiều người có thói quen ưa ăn chua, thích ăn béo, sợ ăn rau, bữa ăn phải thật cay thật mặn,… Đó là tình trạng ăn uống thiên lệch (ăn dư thứ này mà ăn thiếu thứ kia).

“Đủ” còn có nghĩa là khi nào cơ thể cần thứ gì nhiều thì lúc đó nên ăn thứ đó nhiều. Vận động chân tay nhiều thường cần nhiều năng lượng (sức lực), mà chất ngọt, béo, thịt là những thứ cung cấp nhiều năng lượng. Ít vận động chân tay thì ngược lại, không cần nhiều chất ngọt, béo nhưng lại cần nhiều rau trái. “…nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:10). Không phải khi thèm thứ gì thì có nghĩa là cơ thể thiếu thứ đó.

Tóm lại, trong việc ăn uống, chữ “đủ” có rất nhiều ý nghĩa. Có ăn đủ thì cơ thể mới hoạt động được tốt. Theo Thánh kinh, đủ là nguyên tắc đầu tiên trong việc ăn uống. Nếu không tuân theo nguyên tắc đó sẽ phải nghe lời Chúa trách như đã trách dân Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi chẳng chịu vâng giữ điều răn và luật pháp ta cho đến chừng nào?” (Xuất 16:28b).

Bài trướcThông Báo Về Lễ Cảm Tạ Chúa 70 Năm Thành Lập HTTL TUY LÝ VƯƠNG
Bài tiếp theoNgày 5/10/2015: Liệng Bánh Nơi Mặt Nước