Điểm Nhóm Tây Sơn: Sức Sống Của Phúc Âm Tại Hội Thánh H’Mông.

869

HTTLVN.ORG – Điểm Nhóm Tây Sơn thuộc xã Đăk Rmăng, huyện Đăk Glong. Có thể nói đây là nơi khó đến nhất trong các Hội Thánh trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

 

 

Nhà nguyện Tây Sơn

 

Một chuyến đi nhiều khó khăn:

 

Từ Gia Nghĩa, trung tâm tỉnh Đăk Nông, chúng tôi đi theo quốc lộ 28 hướng về Đà Lạt 50km, đi thêm 10 km đường bê tông thôn buôn, chúng tôi tập kết tại nhà của Truyền đạo (TĐ) Thào A Páo, Đặc trách Điểm Nhóm Đăk Á, kiêm Đặc trách Điểm Nhóm Tây Sơn. Sau đó chúng tôi lên xe máy đi tiếp để đến Hội Thánh Tây Sơn.

 

Truyền đạo Thào A Páo sử dụng xe máy loại 110cc chở tôi đi, nhưng chỉ chạy số 1 và 2, vì đường quá dốc, nhiều quanh cua, nhiều hang hố. Có chỗ đường rộng để 2 xe có thể tránh nhau được, có chỗ chỉ là một lối mòn chỉ vừa cho một xe máy, có chỗ một bên là núi cao, một bên là vực sâu, nếu sơ sót có thể dẫn đến tai nạn bất cứ lúc nào. Nhờ Chúa gìn giữ, gần 2 tiếng đồng hồ vượt đồi băng suối với quãng đường 30 km, chúng tôi đến được Tây Sơn.

 

Một nơi ở với nhiều khó khăn trong sinh hoạt:

 

Đây là một nơi có nhiều đất để canh tác, nhưng lại có 6 không: không đường, không trường, không trạm, không điện, không sóng ti vi và không sóng điện thoại.

 

Vì đường đi lại khó khăn nên người dân chỉ giao dịch với thế giới bên ngoài (gần nhất là cách 30km) trong 6 tháng mùa nắng, những tháng mùa mưa dường như là sống biệt lập nên nhà nào cũng trữ thật nhiều muối ăn. Để khắc phục tình trạng không trường, một số em từ 10 tuổi trở lên được cha mẹ gửi nhà quen ở xa để học. Có vài trường hợp người bịnh nặng được khiêng cả ngày mới đến được trạm xá gần nhất, người bịnh không qua khỏi, lại phải khiêng trở về. Dù không có điện lưới, nhưng các tín hữu nơi đây biết dùng sức nước để phát điện dùng trong sinh hoạt. Nước được dẫn từ núi về qua đường ống, và như vậy nhà nào cũng có nước máy miễn phí để dùng.

 

Một Hội Thánh có sức sống thuộc linh:

 

Điểm Nhóm Tây Sơn được thành lập năm 2002 do những tín hữu H’mông di cư từ miền Bắc. Số tín hữu hiện tại là 220 người, Trưởng Điểm Nhóm là Chấp sự Giàng A Bi.

 

Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2013 các tín hữu trong Hội Thánh đã lạc quyên được số tiền khoảng 100 triệu, cùng đóng góp hàng trăm ngày công để xây dựng Nhà Nguyện trên đồi rất đẹp. Nhà nguyện có diện tích 6m x 12m, bằng gỗ, lợp tôn, chưa có nền và la-phông. Hội Thánh cũng có trang bị máy phát điện để phục vụ cho âm thanh và ánh sáng trong nhà nguyện.

 

Với các Chấp sự, nếu đi hiệp nguyện cùng các Hội Thánh trong tỉnh vào mùa mưa phải đi bộ trước một ngày đến nhà TĐ Tháo A Páo, hiệp nguyện xong trở về nhà TĐ Tháo A Páo, hôm sau đi bộ trọn ngày mới về đến nhà, nhưng các Chấp sự nơi đây ít khi vắng hiệp nguyện.

 

TĐ Thào A Páo cho biết mỗi tháng trong mùa nắng thầy đến đây một lần để lo Tiệc Thánh. Trong quá trình đi lại có 2 lần xe thầy bị hư nên để lại giữa rừng, thầy đi bộ về, hôm sau đem phụ tùng đến thay thế mới đem xe về nhà được.

 

Một chuyến đi phước hạnh:

 

Chúng tôi gặp nhau ở nhà nguyện Tây Sơn để học Kinh Thánh. Có khoảng 40 người tham gia học, đa số là những người người cùng vượt 30km đường rừng như chúng tôi. Đây là chương trình học định kỳ 06 tháng một lần do Ban Đại diện tổ chức cho các Ban Hướng dẫn Điểm Nhóm trong 2 xã Đăk Som và Đăk Rmăng thuộc huyện Đăk Glong. Tài liệu là Bài Học Kinh Thánh Hàng Tuần của Ủy ban CĐGD Tổng Liện Hội. Với tài liệu nầy, các nhân sự sẽ dùng để chia sẻ lại cho các Hội Thánh. Chúng tôi học 2 bài Trường Chúa nhật buổi sáng, sau bữa cơm thân mật, chúng tôi học tiếp 2 bài nữa và kết thúc lúc 3 giờ chiều. Chúng tôi thăm viếng một vài nhà tín hữu, sau đó về lại nhà TĐ Thào A Páo lúc 06 giờ chiều.

 

Cám ơn Chúa vì Ngài cho chúng tôi có một chuyến đi rất phước hạnh đến Hội Thánh Tây Sơn, một nơi mà ít có ai đến thăm viếng vì đường đi lại quá khó khăn, nhưng chính Đức Chúa Trời luôn thăm viếng con dân của Ngài.

 

 

TTV. MS. Phạm Văn Tính

 

Một vài hình ảnh:

 

 

Bài trướcBài thứ 49: Chờ Đợi Thời Điểm Của Chúa
Bài tiếp theoBầu Cử Ban Điều Hành Phụ Nữ Tin Lành Tỉnh Kiên Giang