Di Sản Thuộc Linh: Mi-ri-am – 2/12/2020

3012

 

Xuất Ê-díp-tô Ký 15:20-21   

 “Ta đã đem ngươi lên khỏi đất Ê-díp-tô, đã chuộc ngươi ra khỏi nhà tôi mọi, và đã sai Môi-se, A-rôn, Mi-ri-am đến trước mặt ngươi” (Mi-chê 6:4).

Câu hỏi suy ngẫm: Bà Mi-ri-am là ai? Bà có những đóng góp nào cho đời sống thuộc linh của dân Chúa? Bạn có thể làm gì để dự phần trong đời sống thuộc linh của gia đình và Hội Thánh?

Lần xuất hiện đầu tiên của bà Mi-ri-am là hình ảnh một cô gái nhỏ núp bên đám lau sậy ven bờ sông Nile để canh giữ cậu em trai ba tháng tuổi, và chính cô đã đề nghị với công chúa tìm một vú nuôi Do Thái cho cậu bé (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:4, 7). Và rồi cũng như hai em của mình, bà Mi-ri-am được ông bà Am-ram và Giô-kê-bết nuôi dưỡng trong sự tin kính Chúa và mong chờ sự giải cứu cho dân Y-sơ-ra-ên. Sau đó, chúng ta không được biết về bà Mi-ri-am cho đến khi bà xuất hiện trở lại trong Bài Ca của Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 15). Tại đây, chúng ta thấy nhiều điều về bà và ảnh hưởng của bà trên dân Chúa. Trước nhất, bà Mi-ri-am là phụ nữ nhận được đặc quyền làm nữ tiên tri đầu tiên trong Kinh Thánh (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:20) . Trong Cựu Ước chỉ có ba người phụ nữ khác được đề cập như là những tiên tri, đó là bà Đê-bô-ra (Các Quan Xét 4:4), bà Hun-đa (II Các Vua 22:14), và vợ của Tiên tri Ê-sai (Ê-sai 8:3).

Chúng ta cũng nhận ra vai trò lãnh đạo của bà Mi-ri-am đối với những người nữ Y-sơ-ra-ên khi họ đi theo sau bà để ca ngợi Chúa. Rõ ràng, bà Mi-ri-am đã cùng với ông A-rôn và ông Môi-se đóng một vai trò quan trọng trong sự Xuất Ai Cập. Tiên Tri Mi-chê nói, Ngài đã sai Môi-se, A-rôn, Mi-ri-am đến trước mặt ngươi” (6:4) cho thấy bà Mi-ri-am được đặt ngang hàng với hai ông A-rôn và Môi-se. Lời ca ngợi của bà Mi-ri-am cũng cho thấy sự kính sợ Chúa và tinh thần thờ phượng Chúa của bà. Bà không chỉ thờ phượng Chúa bằng tiếng hát nhưng còn bằng trống cơm, bằng cả một cảm xúc mạnh mẽ, nên đã lan truyền tinh thần ca ngợi Chúa cho dân Ngài. Bà Mi-ri-am ca ngợi Chúa vì tám mươi năm trước bà đã nhìn thấy Chúa giải cứu em mình ra khỏi nước, và hiện nay bà đang nhìn thấy Chúa giải cứu dân Ngài ra khỏi Ai Cập.

Dù trong cuộc đời của bà Mi-ri-am có một điểm tối chính là lúc bà cùng ông A-rôn chống đối thẩm quyền của ông Môi-se (Dân Số Ký 12), nhưng rõ ràng ảnh hưởng của bà trên đời sống tâm linh của dân Do Thái là rất lớn. Sử gia Josephus cho biết chồng bà Mi-ri-am là ông Hu-rơ, một trong những người lãnh đạo của dân Y-sơ-ra-ên đã góp phần trong chiến thắng dân A-ma-léc (Xuất Ê-díp-tô Ký 17:8-13), và cháu của bà là ông Bết-sa-lê-ên, một nghệ nhân đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đền Tạm (Xuất Ê-díp-tô Ký 31:2). Ông bà Am-ram và Giô-kê-bết đã để lại di sản thuộc linh cho bà Mi-ri-am, nhờ đó bà Mi-ri-am và chồng đã giao phó di sản này cho cháu mình là ông Bết-sa-lê-ên. Di sản thuộc linh là một di sản vô giá!

Bạn có nhận biết di sản thuộc linh là một di sản vô giá không?

Lạy Chúa, xin ban ơn cho con để con sống những ngày trên đất thật hữu ích, làm sáng Danh Chúa, giúp nhiều thế hệ con cháu biết Chúa và thờ phượng Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Truyền Đạo 7

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcLễ Tấn Phong Cho 09 Mục Sư Khu Vực I Tại Quảng Trị
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Quả Phụ MSTS Nguyễn Văn Thắng