HTTLVN.ORG – Một trong “Năm Tín Lý Duy Nhất” quan trọng, xuất hiện từ trong thời kỳ cải chánh Giáo hội là “Duy Đức Chúa Giê-xu Christ” (Solus Christus hoặc Solo Christo). Tín lý này khẳng định Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Trung Bảo duy nhất ở giữa Đức Chúa Trời và loài người. Ngài là thầy tế lễ thượng phẩm đời đời được gọi để vâng phục trọn vẹn trên Thập tự giá, cho những người vâng lời, nhận được sự cứu rỗi đời đời.
ĐƯỢC GỌI: Chúa Giê-xu được gọi đến sự vâng phục (Hê-bơ-rơ 5:1-7a)
Duy chính Chúa Giê-xu:
“Phàm thầy tế lễ thượng phẩm, từ trong loài người chọn ra, thì vì loài người lập lên hầu việc Đức Chúa Trời, để dâng lễ vật và hi sinh vì tội lỗi.” (Hê-bơ-rơ 5:1).
Theo lệ định, tất cả các thầy tế lễ thượng phẩm được chọn ra và lập lên để làm người trung gian giữa dân Y-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời. Họ phải đại diện cho dân sự trong vấn đề liên hệ với Đức Chúa Trời, nhưng không phải là độc quyền, vì có thể được thay thế bởi người khác, vì nhiều lý do. Nên thầy tế lễ thượng phẩm là con người thì không phải là Đấng duy nhất, đời đời ở giữa con người và Đức Chúa Trời.
“Ấy bởi sự yếu đuối đó mà người buộc phải vì tội lỗi mình dâng của tế lễ, cũng như vì tội lỗi của dân chúng.” (Hê-bơ-rơ 5:3).
Là con người bình thường, ai cũng có yếu đuối, phạm tội, vì “chẳng có người công bình ở trên đất làm điều thiện, mà không hề phạm tội” (Truyền Đạo 7:12). Nên đến ngày Đại lễ chuộc tội, thầy tế lễ thượng phẩm phải “vì tội lỗi mình dâng của tế lễ, cũng như vì tội lỗi của dân chúng”. Lê-vi Ký 16:6 chép, “A-rôn sẽ dâng con bò tơ mình làm của lễ chuộc tội, và người sẽ làm lễ chuộc tội cho mình và cho nhà mình”. Vì con người bất năng, chính họ cũng phải dâng của lễ chuộc tội chính mình, nên không thể dâng của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại.
Nhưng Đức Chúa Giê-xu, Con Một Đức Chúa Trời, là Đấng duy nhất được gọi đến sự vâng phục trọn vẹn, vì:
- Thứ nhất: Đức Chúa Giê-xu là Con Một Đức Chúa Trời, được kêu gọi và chọn lựa “Cũng một thể ấy, Đấng Christ không tự tôn mình làm thầy tế lễ thượng phẩm; nhưng tại Đấng đã phán cùng Ngài rằng: Ngươi là Con ta, Ta đã sanh ngươi ngày nay” (Hê-bơ-rơ 5:5). Nhiều lần, Chúa Giê-xu đã khẳng định, Ngài được Đức Chúa Trời sai phái ứng nghiệm lời tiên tri Ê-sai 6:1 “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục”. Thi Tv 2:7
- Thứ hai: Đức Chúa Giê-xu, Ngôi Hai Thiên Chúa có cả thần tánh và nhân tánh, nên Ngài vô tội “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá” (I Phi-e-rơ 2:22). Bởi thế, Ngài là thầy tế lễ đời đời, không thể thay thế, không cần dâng tế lễ chuộc tội cho chính mình. Chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của Chúa Giê-xu cao hơn cả A-rôn “Đức Giê-hô-va đã thề, không hề đổi ý, rằng: Ngươi là thầy tế lễ đời đời, tùy theo ban Mên-chi-xê-đéc.” (Thi Thiên 110:4; Hê-bơ-rơ 5:6,10).
Dâng chính mình làm của lễ
“Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc …” (Hê-bơ-rơ 5:7a). Đây là sự kiện Chúa Giê-xu đối diện với con đường đi lên Thập tự giá, tại vườn Ghết-sê-ma-nê. Điều đó khẳng định:
Chúa Giê-xu được gọi đến để dâng tế lễ chuộc tội một lần đủ cả, bằng chính thân mình “không như những thầy tế lễ thượng phẩm khác, cần phải hằng ngày dâng tế lễ, trước vì tội mình, sau vì tội dân; Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ” (Hê-bơ-rơ 7:27).
Tại sao Chúa phải dâng chính mình làm của lễ chuộc tội cho nhân loại? Để cho ai vâng lời, tin nhận Chúa thoát khỏi sự đoán phạt đời đời, và sống cuộc đời mới làm đẹp lòng Chúa “Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình” (II Cô-rinh-tô 5:15).
Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng duy nhất để chúng ta tin Ngài, thoát khỏi án phạt của tội lỗi, và nhận được sự cứu rỗi chắc chắn.
SẴN SÀNG: Chúa Giê-xu sẵn sàng vâng phục trọn vẹn (Hê-bơ-rơ 5:7-8)
Học tập sự vâng lời:
Dầu là Con Một Đức Chúa Trời, nhưng trong địa vị là một con người trọn vẹn, Đức Chúa Giê-xu cũng phải học bài học của sự sẵn sàng vâng phục trọn vẹn Đức Chúa Trời “Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu” (Hê-bơ-rơ 5:7).
“Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời” (Hê-bơ-rơ 5:7).
Nỗi thống khổ kinh hoàng Chúa phải chịu bao gồm:
- Nỗi đau thân xác liên kết với tất cả tội lỗi của nhân loại, đều chất trên người (Ê-sai 53:6). Hình phạt này là một sự nguyền rủa trong cái nhìn của con người.
- Nỗi đau cô đơn “Khi ấy, hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi” (Ma-thi-ơ 26:56).
- Nỗi thống khổ, cô đơn khi Đức Chúa Cha cũng lìa bỏ Ngài (Mác 15:34).
Chúa Giê-xu cảm nhận được sự đau đớn mà toàn nhân loại phải chịu khi đối diện với sự chết vì tội lỗi. Ngoài sự đau đớn về thân xác, khi đối diện với sự phán xét, con người ở trong hồ lửa đời đời, là sự chết thứ hai. Họ bị ngăn cách hoàn toàn với Đức Chúa Trời. Bài học về sự vâng phục trọn vẹn được thể hiện bằng hành động sẵn sàng chịu sự thống khổ.
Sẵn sàng chịu sự thống khổ:
Chúa Giê-xu đã học tập sự vâng lời, qua việc sẵn sàng bước lên Thập tự giá theo ý Cha, “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu-ca 22:42). Đó cũng là lý do mà Chúa Giê-xu giáng thế làm người “Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45). Sự thương khó của Chúa Giê-xu, là vì tình yêu nhân thế (Giăng 3:16).
Vâng phục trọn vẹn là tinh thần sẵn sàng chịu thống khổ trước mọi hoàn cảnh. Bởi con đường theo Chúa là con đường Thập tự, con đường hi sinh. Mục đích cuối cùng của người theo Chúa là sự sống đời đời, khi trung tín cho đến chết. Mục đích Chúa Giê-xu hi sinh trên Thập tự giá, là trở nên cội rễ sự cứu rỗi đời đời cho ai biết vâng lời, và vâng phục trọn vẹn. Chúng ta có sẵn sàng học bài học về sự vâng phục từ Chúa Giê-xu, để hứa nguyện sống thánh khiết, và dấn thân phục vụ Chúa trọn đời không?
TRỞ NÊN: Chúa trở nên cội rễ sự cứu rỗi (Hê-bơ-rơ 5:9-10)
Hoàn thành chức phận được giao:
Chức vụ Chúa Giê-xu, chỉ hoàn tất khi Ngài chịu chết trên Thập tự giá “4 Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm.” (Giăng 17:4). Đây là một tiến trình đã được hoạch định từ buổi ban đầu:
- Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời Ngôi Hai, nhưng sẵn sàng xếp qua một bên sự vinh hiển và sự bình đẳng với Đức Chúa Trời (Phi-líp 2:6)
- Thiên Chúa Ngôi Hai đã sẵn sàng, tự làm cho mình trống không. Bản Kinh Thánh King James “Ngài tự khiến mình chẳng còn danh tiếng gì cả” (Phi-líp 2:7).
- Đúng thời điểm, Ngôi Hai Đức Chúa Trời giáng thế làm một con người trọn vẹn, chứ không chỉ giống như loài người (Phi-líp 2:8a). Với mục đích cảm thông nỗi khốn khổ, và đồng nhất với tội lỗi của cả nhân loại. Nhưng Ngài vẫn mang cả thần tánh và nhân tánh.
- Đỉnh điểm sự vâng phục trọn vẹn là Thập tự giá, Chúa chịu chết như một người bị rủa sả “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, – vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ” (Ga-la-ti 3:13).
Đức Chúa Giê-xu Christ, Ngôi Hai Đức Chúa Trời chịu hạ mình, vâng phục trọn vẹn, để hoàn thành chương trình cứu rỗi đời đời, dành cho những ai vâng lời.
Ban sự cứu rỗi cho ai vâng lời:
“và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài” (Hê-bơ-rơ 5:9). Sau khi Ngài hoàn thành chương trình cứu rỗi, “cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh” (Phi-líp 2:9). Chúa Giê-xu có uy quyền cao hơn mọi danh ở trên trời, dưới đất và bên dưới đất.
Bởi vậy, Chúa Giê-xu có uy quyền ban sự cứu rỗi đời đời cho “hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Sự cứu rỗi không đến từ những hoạt động tôn giáo. Nhưng đến từ sự vâng lời, nhận biết tội lỗi, ăn năn tin nhận Chúa thật lòng, sống và phục vụ theo Lời Chúa dạy, “sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực” (I Sa-mu-ên 15:22).
Mỗi Cơ Đốc nhân được Chúa kêu gọi đến nhận sự cứu rỗi, hãy tập tành bài học vâng phục trọn vẹn. Mỗi ngày, trung tín theo Chúa, dẫu đối diện với hoạn nạn, thử thách vẫn không ngã lòng. Nhưng “hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (II Ti-mô-thê 4:2)./.
Ti-mô-thê Tạ
—
Tài liệu tham khảo
- John Drange Olsen, “Thần Đạo Học”, Nhà in Tin Lành Sài Gòn, 1958.
- Millard J. Erickson, “Thần Học Cơ Đốc Giáo”, Phần 2, Sách Biên dịch, Nhà in Tin Lành, 2001.
- Leon J.Wood, “Đắc Thiên Sai”, Sách Biên dịch, TR Press, HCM City, Vietnam, 2006.
- I.Howard Marshall. A.R.Millard J.I.Packer. D.J.Wiseman, “Thánh Kinh Tân Từ Điển”, Ấn bản thứ ba, NXB Đông Phương, 2009.