Cơ Đốc Nhân Nhìn Về Tương Lai

3883

(Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 6:24-34, Gia-cơ 4:14-15)

Trang Bách Khoa Toàn Thư định nghĩa: Tương lai mô tả khoảng thời gian nối tiếp và là kết quả của hiện tại, trái ngược quá khứ. Đối với thời gian như là một góc độ nhận thức tuyến tính, tương lai là phần thời gian của những sự kiện hiện chưa phát sinh, chưa xảy ra. Có thể nói tương lai là ngày mai, mai mốt,…”[1]

Nếu nhìn bằng mắt thường thì không thể thấy tương lai như thế nào, vì tương lai là cái trừu tượng, mơ hồ mà con người thì hữu hạn. Nhưng qua Kinh Thánh, Cơ Đốc nhân có thể nhìn về tương lai bằng đôi mắt thuộc linh, đôi mắt của đức tin.

Vậy Cơ Đốc nhân, với những gì đang diễn ra trong hiện tại, chúng ta nghĩ gì khi nhìn về tương lai?

Mỗi sáng thức dậy, nếu chúng ta truy cập Internet thì sẽ thấy hàng loạt những tin tức không tốt. Trên từng trang báo, mạng xã hội, chúng ta sẽ thấy rất rõ một thực tế là: Tin buồn nhiều hơn tin vui, tin hung nhiều hơn tin lành, và tin xấu nhiều hơn tin tốt. Điều đó chứng minh thế giới đang đầy dẫy sự bất ổn trên nhiều phương diện, và con người đang sống trong tuyệt vọng bởi hậu quả của tội lỗi. Đặc biệt, sống trong những ngày của đại dịch Covid-19 đầy tăm tối và bất an nầy, Cơ Đốc nhân cần phải có cái nhìn đúng về tương lai qua Lời Chúa.

Phần Kinh Thánh trong Gia-cơ 4:14-15 cũng như “Bài Giảng Trên Núi” của Đức Chúa Giê-xu trong Ma-thi-ơ 6:24-34 đem đến cho chúng ta những bài học sâu sắc về tương lai để qua đó, mỗi con dân Chúa có nhận thức và thái độ sống đúng ngay trong hiện tại.

I. Nhận thức của Cơ Đốc nhân khi nhìn về tương lai

  1. Tương lai không ai biết chắc

Song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay.” (Gia-cơ 4:14)

Bản chất thứ nhất của tương lai là không ai biết chắc. Một trong những sai lầm của con người khi nghĩ về tương lai là cho rằng “tôi có quyền định đoạt tương lai mình”. Như lời vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn đã nói: “Chớ khoe khoang về ngày mai; Vì con chẳng biết ngày mai sẽ sanh ra điều gì” (Châm Ngôn 27:1). Thật vậy, cuộc đời vô thường, tương lai vô định, không ai biết trước.

Khi nói đến bản chất không biết chắc của tương lai, chúng ta nhớ đến câu chuyện về tàu Titanic bị chìm. Tàu Titanic hạ thủy tại Anh vào ngày 10/04/1912 là chiếc tàu tối tân, hiện đại và lớn nhất thời bấy giờ với sức chứa hơn 2.000 hành khách. Trước khi khởi hành đi từ Anh sang Mỹ, vị thuyền trưởng của chiếc tàu đã tuyên bố đầy ngạo mạn rằng chiếc này rất an toàn, không có gì có thể làm cho nó chìm được. Vì thế, con tàu nầy được mọi người ca ngợi và gắn với danh hiệu là con tàu “không thể bị nhấn chìm”. Nhưng nào có ai ngờ trên đường vượt Đại Tây Dương, nó đã bất ngờ va vào một tảng băng lớn và bị chìm, hầu hết hành khách trên tàu là những người giàu có, quyền quý, đã bị vùi sâu dưới lòng biển. Vụ tai nạn khiến hơn 1.500 người trên tàu đã thiệt mạng.[2] Đây là một trong những thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất mọi thời đại. Câu chuyện tàu Titanic bị chìm đã được ghi vào lịch sử nhân loại và ngày nay cũng được dựng thành phim như để nhắc nhở nhân loại đừng kiêu căng ngạo mạn về tương lai và sự khôn ngoan của mình.

Tục ngữ có câu: “Nhân toán bất như Thiên toán”, nghĩa là người tính không bằng trời tính. Người xưa cũng thường nói “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Thật vậy, mọi việc thành công đều không phải chỉ do sự cố gắng hay nỗ lực của một người mà có được. Con người dầu có trăm ngàn suy tính đi nữa, thì Ông Trời vẫn quyết định kết quả cuối cùng.

  1. Tương lai trong tay Chúa

“Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia” (Gia-cơ 5:15).

Sở dĩ tương lai không thể biết chắc cũng vì tương lai của con người tùy thuộc vào sinh mạng. Thế nhưng đời người lại quá ngắn ngủi, mong manh “như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay”.

Như trước giả Thi Thiên 103:15-16 viết, “Đời loài người như cây cỏ; Người sinh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa.” Thi Thiên 90:10 cũng nói về về đời người như sau, “Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi. Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, Vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi”.

Con người hữu hạn, mà đời người thì ngắn ngủi. Vì thế, Cơ Đốc nhân cần nhận thức rằng Đức Chúa Trời là Đấng nắm giữ tương lai cuộc đời mình. Kinh Thánh dạy rằng trước khi hoạch định, làm công việc gì trong tương lai thì phải luôn tự nhủ ví bằng Chúa muốn và nếu ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia” (Gia-cơ 4:15). Câu này hàm ý rằng tương lai mỗi người nằm trong tay Chúa và Ngài tể trị mọi sự trên cuộc đời chúng ta. Kể cả mạng sống của mỗi chúng ta cũng trong tay Ngài, như Thi Thiên 31:15 có chép: “Kỳ mạng tôi ở nơi tay Chúa”.

Thật vậy, chỉ có một mình Chúa là Đấng biết rõ tương lai của chúng ta, vì Ngài là Đấng Sáng Tạo và là Đấng cai quản, bảo tồn mọi vật trong vũ trụ này. Cô-lô-se 1:16-17 chép rằng: “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài”.

II. Thái độ của Cơ Đốc nhân khi nhìn về tương lai

  1. Chớ lo lắng

Chúa Giê-xu đã nhắc lại hai lần trong Ma-thi-ơ 6:31 và 6:34 rằng “chớ lo lắng”. Lý do Chúa Giê-xu bảo chúng ta đừng lo lắng về tương lai vì những lý cớ sau:

  • Cơ Đốc nhân phải đặt đúng thứ tự ưu tiên

“Vậy nên ta phán cùng các ngươi rằng: Đừng vì sự sống mình mà lo đồ ăn uống; cũng đừng vì thân thể mình mà lo đồ mặc. Sự sống há chẳng quí trọng hơn đồ ăn sao, thân thể há chẳng quí trọng hơn quần áo sao?” (Ma-thi-ơ 6:25)

Điều con người thường lo lắng và đeo đuổi nhiều nhất là cơm ăn, áo mặc. Trên phương diện nào đó, việc lo lắng tìm kiếm cái ăn cái mặc thật ra không có gì là sai trái, vì suy cho cùng đó là nhu cầu cơ bản thiết yếu của một con người trên đất. Nhưng Chúa Giê-xu cho thấy những điều đó là thứ yếu, thân thể và sự sống mới là điều quan trọng.

Có câu “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”. Chúa Giê-xu cũng đã phán khi bị ma quỉ cám dỗ rằng, “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). Vì thế, thức ăn và quần áo là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Nhưng trên thực tế, điều đáng buồn là có nhiều người quá lo chuyện ăn uống đến nỗi quên cả giá trị của con người.

Có người cho rằng đồ mặc rất quan trọng vì “Đói trong không ai biết, rách ngoài da nhiều kẻ hay”. Nhưng cần biết rằng thân thể quý trọng hơn quần áo. Áo rách cái này thì may cái khác, chớ con người chúng ta có mấy thân, một khi thân thể đã chết rồi thì còn làm gì được nữa? Cổ nhân có câu: “Thân trọng thiên kim”, nghĩa là thân đáng giá nghìn vàng. Người ta cũng thường nói: “Người sống hơn đống vàng”. Nhưng tiếc thay, thiên hạ đua nhau theo những mốt thời trang và mãi lo về quần áo mà chẳng màng đến thân thể của mình.

Nói như vậy không có nghĩa là Cơ Đốc nhân sống theo kiểu “tới đâu hay tới đó”, phó mặc tương lai vào tay Chúa, chẳng suy nghĩ gì đến. Tất nhiên chúng ta cần phải suy tính, lên kế hoạch, lo liệu cho tương lai, nhưng Chúa dạy chúng ta đừng quá lo lắng mà hãy cầu nguyện phó thác cho Ngài. Lý do chúng ta không nên lo lắng cho tương lai phải ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Bởi vì tâm linh quý trọng hơn vật chất, sự sống quý trọng hơn quần áo.

  • Lo lắng là vô ích

Có ai trong vòng các ngươi lo lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?” (Ma-thi-ơ 6:27).

Câu hỏi nầy của Chúa Giê-xu cho thấy lo lắng là vô ích. Bởi vì lo lắng chỉ làm cho chúng ta khổ, nó không giúp ích được gì, nó cũng không thể thay đổi điều gì. Lo lắng không thể thay đổi quá khứ, lo lắng không thể điều khiển tương lai, và lo lắng cũng không thể giải quyết những nan đề hiện tại. Lo lắng cũng không thể khiến cho một điều gì đó không xảy ra hay xảy ra.

Khi xưa Ê-li-sa-bét – Nữ hoàng nước Anh kêu la trong cơn hấp hối: “Ta ước ao sống thêm một phút nữa! Ta bằng lòng mua một phút vài triệu bạc!” Nhưng than ôi! Quyền lực, tước vị, các danh y đại tài và cả triều thần của bà nữa, đều không thể tặng cho bà cái phút quí báu đó, để bà phục hòa với Đức Chúa Trời.

Nên nhớ rằng: Số ngày cho mỗi đời sống chúng ta đã được ấn định, và vì thế lo lắng đến đâu vẫn không thể thay đổi được. Thi Thiên 139:16 chép rằng, “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; Số các ngày định cho tôi, Đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy”. Nếu số các ngày định cho chúng ta đã được ghi vào sổ của Chúa thì lo lắng của chúng ta hoàn toàn vô ích.

  • Con người quý trọng trước mặt Chúa

Hãy xem loài chim trời: Chẳng có gieo, gặt, cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?” (Ma-thi-ơ 6:26).

Chúa Giê-xu dùng hình ảnh chim trời và hoa cỏ nơi đồng nội để minh chứng rằng con người quý trọng trước mặt Chúa. Chim trời để chúng ta thấy về thức ăn và hoa cỏ để chúng ta thấy về đồ mặc. Khi nào chúng ta lo lắng đến mất ăn mất ngủ, hãy ra ngoài nhìn xem đàn chim trời và những đóa hoa nơi đồng, rồi nhìn lại mình quý giá hơn chúng dường nào!

Vì các loài chim trời chẳng gieo gặt, nhưng Chúa nuôi chúng. Còn những hoa huệ ngoài đồng chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ, thế nhưng vẻ đẹp của chúng còn hơn cả áo bào của Sa-lô-môn. Nếu Đức Chúa Trời chăm sóc áo xống đẹp đến như thế cho hoa dại, là thứ sống thật ngắn ngủi và được dùng để đốt trong lò lửa, thì chắc chắn Ngài sẽ chăm sóc cho con cái yêu dấu của Ngài. Vì con người là nguyên nhân của sự sáng thế. Đức Chúa Trời tạo dựng muôn vật cho con người thụ hưởng, nhưng Đức Chúa Trời dựng nên con người cho chính mình Ngài. Vì thế, trước mặt Chúa, chúng ta được Ngài quí trọng, yêu thương hơn hết các tạo vật.

Tóm lại, là con cái Chúa chúng ta cần đặt đúng thứ tự ưu tiên trong đời sống, nhận biết lo lắng là vô ích và biết được giá trị mỗi chúng ta trước mặt Chúa để dẹp tan sự lo lắng khi nhìn về tương lai. Lời Chúa trong I Phi-e-rơ 5:7 chép rằng, “hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài vì Ngài hay săn sóc anh em”.

  1. Tin cậy Chúa

Hỡi kẻ ít đức tin, loài cỏ ngoài đồng, là giống nay còn sống, mai bỏ vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho nó mặc đẹp thể ấy thay, huống chi là các ngươi!” (Ma-thi-ơ 6:30)

Lo lắng là thái độ thiếu đức tin hay nói cách khác là dấu hiệu của việc ít đức tin, vì thế mà Chúa phán “hỡi kẻ ít đức tin”. Chúa Giê-xu không nói là “không có đức tin”, vì Chúa đang nói cho các môn đệ và con dân của Ngài. Trên thực tế ngày hôm nay, nhiều Cơ Đốc nhân có ít đức tin. Họ có đủ đức tin để được cứu, nhưng lại không có đức tin đủ để không lo lắng. Họ tin vào Chúa Giê-xu, nhưng lại không tin mọi điều Ngài nói.

Ít đức tin” cũng có nghĩa khác, chỉ về một người đang ở trong tình trạng thoái chí, nản lòng bởi hoàn cảnh. Hoàn cảnh của chúng ta có thể trở thành ông chủ của chúng ta. Hoàn cảnh của chúng ta có thể làm suy yếu và thậm chí phá hủy đức tin của chúng ta.

Khi một người hết lòng tin cậy Chúa thì sẽ nhìn xem Chúa mà bước đi chứ không nhìn hoàn cảnh xung quanh. Bên cạnh đó, một người tin cậy Chúa sẽ tập trung vào hiện tại chứ không phải vào tương lai. Cho nên trong bài Cầu Nguyện Chung, Chúa dạy “Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày(Ma-thi-ơ 6:11). Chúa dạy chúng ta cầu nguyện như vậy để sống với lòng tin cậy Chúa, vì chúng ta không thể vượt qua giới hạn từng ngày Chúa ban cho mình. Vì thế, chúng ta hãy hoàn tất bổn phận và trách nhiệm của mình trong ngày hôm nay và sự khó nhọc cho hôm nay như vậy là đủ rồi.

Mục sư George Muller nói: “Bắt đầu lo lắng là chấm dứt đức tin, bắt đầu đức tin là chấm dứt lo lắng.” Thật vậy, chính vì ít đức tin nên chúng ta quên rằng Đức Chúa Trời yêu thương là Đấng làm chủ và tể trị hoàn cảnh. Chính vì thế, dù cho chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, thì chúng ta cũng cần phải tiếp tục hy vọng, vui mừng và tin cậy. Bởi vì tất cả hoàn cảnh của chúng ta đều ở trong sự kiểm soát của Đức Chúa Trời. Và Ngài là Cha yêu thương của chúng ta, Ngài sẽ không cho phép bất cứ đều gì không tốt xảy ra cho chúng ta. Lời Chúa trong Rô-ma 8:28 chép, “vả chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định”.

  1. Tìm kiếm Chúa

Nhưng trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều đó nữa” (Ma-thi-ơ 6:33).

Đây là lời kết luận trong sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu. Chúa phán lời này không phải cho người chưa tin Chúa hay dân ngoại mà cho chính chúng ta là con dân Ngài. Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài có nghĩa gì? Tại sao con dân Chúa phải đặt ưu tiên số một để tìm kiếm hai điều ấy? Thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu cặn kẽ từng từ ngữ để hiểu hết ý nghĩa sâu xa, mầu nhiệm trong câu Kinh Thánh này.

– Chữ “nhưng” ở đầu câu 33 là để đối chiếu với tất cả những lo lắng vô ích và không cần thiết ở trên.

– “Trước hết”: Trạng từ này nhấn mạnh tầm quan trọng, thứ tự ưu tiên số một trong đời sống.

– “Tìm kiếm”: Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-xu dùng hai động từ “tìm” khác nhau trong câu 32 và câu 33.

+ “Tìm” trong câu 32: Chỉ sự tìm kiếm hết sức cực nhọc, vất vả, tốn nhiều công sức. Đó là tinh thần tìm kiếm vật chất, miếng cơm manh áo để sống, là sự lao nhọc vất vả “đổ môi trán mới có mà ăn” như là hậu quả tội lỗi mà con người phải gánh chịu. Đó là tinh thần tìm kiếm mà “các dân ngoại vẫn thường tìm”, nhưng con dân Chúa thì không nên như vậy.

+ “Tìm” trong câu 33 thì ngược lại: Đó là sự tìm kiếm với tinh thần nhẹ nhàng vui tươi và lòng khao khát tâm linh muốn thờ phượng Chúa; đó là tinh thần tìm kiếm do ý thức được sự nghèo khó tâm linh, đói khát sự công chính bằng sự cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa để biết Chúa, kinh nghiệm Ngài càng hơn.

  • Tìm kiếm “Nước Đức Chúa Trời”:

“Nước Đức Chúa Trời” ở đây chỉ về sự tể trị, sự cai trị và sự hiện diện của Chúa trong lòng chúng ta, vì Chúa phán “Nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi” (Lu-ca 17:21).

Vậy, tìm kiếm nước Đức Chúa Trời là để Chúa chiếm hữu, hiện diện và hướng dẫn đời sống mình. Tìm kiếm nước Đức Chúa Trời là để Chúa làm trung tâm của đời sống mình, để Ngài điều khiển, hướng dẫn mọi khía cạnh của đời sống. Và một khi Chúa trở nên trung tâm điểm của đời sống thì chắc chắn chúng ta sẽ kinh nghiệm phước hạnh của Nước Trời.

Bên cạnh đó, “Nước Đức Chúa Trời” cũng nói đến quyền cai trị của Đức Chúa Trời, bắt đầu với Chúa Giê-xu và sẽ đạt đến cao điểm trong ngày Đức Chúa Giê-xu tái lâm. Vì vậy, tìm kiếm nước Đức Chúa Trời mang ý nghĩa đeo đuổi, tìm kiếm để quyền cai trị của Chúa được thực hiện trong mọi lãnh vực của đời sống, tương tự như ba lời cầu xin đầu tiên trong bài cầu nguyện Chúa dạy: “Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên”, nghĩa là thuận phục ý Chúa, làm theo ý Chúa mỗi ngày.

  • Tìm kiếm sự công bình của Ngài:

“Sự công bình của Ngài”: Không những tìm kiếm nước Đức Chúa Trời mà còn tìm kiếm sự công bình của Ngài nữa, tức là chúng ta phải nỗ lực để trở nên giống như Đấng Christ.

Lý do phải tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời vì trong cả loài người không ai có sự công bình. Như Lời Kinh Thánh chép: “Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không… vì mọi người đều đã phạm tội… cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:10; 23;19).

Đây là sự công bình mà Đức Chúa Trời thực hiện qua sự chết chuộc tội cho loài người của Chúa Giê-xu, như Kinh Thánh chép, “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5: 21). Hơn nữa, sự công bình này là nhờ ân điển “họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu Christ…” (Rô-ma 3:24-26). Vì thế, tìm kiếm sự công bình của Chúa cũng là tìm kiếm để kinh nghiệm ân điển kỳ diệu của Ngài mỗi ngày trong đời sống.

Ngoài ra, sự công bình của Chúa còn nói đến tiêu chuẩn của Ngài trong mọi lãnh vực. Con dân Chúa sống thế nào để quyền cai trị và sự công bình của Chúa được thể hiện mọi nơi, mọi lúc, đó chính là tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài.

– “Ngài sẽ thêm cho các ngươi mọi điều ấy nữa”: Khi chúng ta ưu tiên tìm kiếm Chúa thì những phước hạnh vật chất sẽ được thêm vào một cách dư dật chứ không phải được ban cho nhờ cầu xin. Hay nói cách khác, nếu chúng ta đặt ý muốn của Đức Chúa Trời ưu tiên trong cuộc đời, Ngài sẽ chăm lo cho chúng ta mọi thứ khác. Đây là kết quả tự nhiên, kỳ diệu; không phải chúng ta chạy theo để tìm kiếm phước hạnh mà phước hạnh chạy theo chúng ta, đúng như Đa-vít đã kinh nghiệm “…phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi” (Thi Thiên 23:6).

Ngày hôm nay, việc ưu tiên tìm kiếm Chúa là một thách thức lớn với Cơ Đốc nhân. Bởi vì mỗi ngày có quá nhiều thứ hấp dẫn lôi cuốn chúng ta vào guồng máy bận rộn của cuộc đời khiến chúng ta thường xuyên đảo ngược thứ tự ưu tiên, tìm kiếm những điều thuộc về đời này trước rồi mới tìm kiếm Chúa. Sự tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài đòi hỏi chúng ta cần dành nhiều thì giờ tương giao với Chúa, đến với Lời Chúa mỗi ngày để Lời Ngài soi dẫn trong mọi suy nghĩ, lời nói, hành động.

Kết luận

Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng chúng ta biết chắc rằng: Đức Chúa Trời là Đấng Tể Trị mọi sự; Ngài là Đấng yêu thương chăm sóc chúng ta; Đấng nắm giữ tương lai cuộc đời mỗi chúng ta; và không có điều gì xảy ra mà vượt khỏi tầm kiểm soát của Ngài. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín, Ngài không bao giờ quên những lời hứa của Ngài. Vì thế, điều chúng ta cần làm khi đối diện với tương lai là không lo lắng, hết lòng tin cậy Chúa và ưu tiên tìm kiếm Chúa trên hết. Hãy phó thác tương lai cuộc đời cùng những dự tính, kế hoạch của mình lên cho Chúa, chắc chắn mỗi chúng ta sẽ kinh nghiệm được một đời sống phước hạnh.

Vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 quá lớn, chắc chắn tương lai của nhân loại nói chung và mỗi chúng ta nói riêng sẽ sống trong những ngày tháng không hề dễ dàng và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực. Nhưng là con cái Chúa, chúng ta hãy sống mỗi ngày với một tâm thế lạc quan, vui mừng, bình an… quăng xa hết mọi lo lắng, ưu phiền, gánh nặng. Hãy hướng về tương lai với cặp mắt đức tin và cất lên tiếng hát:

“Dù không biết ngày mai sẽ thế nào, tôi chỉ sống nếp sống mỗi ngày. Tôi không mơ nơi sang giàu huy hoàng, chân trời tím đổi thay nào hay. Lòng không lo ngày sau sẽ thế nào, tôi chỉ nghe tiếng Chúa nhủ khuyên: ‘Ta đang đi với con trong cuộc đời, vì Ta biết trước con mọi điều’. Tương lai tôi còn có bao lo buồn, nhưng tâm hồn vẫn luôn bình an. Vì tôi biết Chúa nắm tương lai mình và tôi biết người đi trước tôi.” [3] 

CTV. TĐ. Sử Đức Nguyên

Chú thích:

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tương_lai
[2] https://nghiencuuquocte.org/2018/04/15/tau-titanic-bi-chim/
[3] Trích Thánh ca 720 “Tôi Biết Đấng Nắm Giữ Tương Lai”.

Bài trướcPhân Biệt Tiên Tri Giả – 16/8/2021  
Bài tiếp theoThơ: Ngày Giãn Cách