Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật

853

 

“Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.”

(1 Ti-mô-thê 6:10)

 

 

Chuyện khó tin nhưng có thật: Có lần báo chí đưa tin có hằng trăm nữ sinh viên trường Đại học danh giá nhất thế giới, Đại học Cambridge của Anh, đã làm vũ nữ thoát y và gái gọi để có tiền đóng học phí và sống xa hoa.  Chính tờ báo của trường tiết lộ ít nhất cũng đang tồn tại một đường dây gái gọi với khoảng 450 nữ sinh viên hoặc cựu nữ sinh viên của trường sẵn sàng phục vụ khách!  Tờ báo bình luận tiếp, thật ra đóng học phí chỉ là một cái cớ, vì các sinh viên có thể tìm những việc làm với mức lương 11 đô-la Mỹ một giờ, nhưng vì số tiền từ 200 đô-la Mỹ trở lên mỗi đêm đã làm cho các cô gái mờ mắt lao vào như những con thiêu thân không cần biết đến hậu quả.  Ham giàu và tham tiền bạc đã nhận chìm cuộc đời những cô gái trí thức, chắc chắn cuộc đời các cô sẽ chuốc lấy nhiều nỗi đau nếu cứ tiếp tục bước đi trên con đường đen tối ấy.

 

Giàu không phải là tội, nhưng tham giàu mới là tội.  Tiền bạc không có gì xấu, chỉ có kẻ tham tiền mới xấu mà thôi.  Kinh Thánh khẳng định những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy của ma quỷ.  Tham giàu thì càng khao khát giàu hơn, tham tiền thì càng khát khao có nhiều tiền hơn, không biết bao nhiêu cho đủ.  Tham giàu thì bị đồng tiền cai trị, làm chủ đời sống, còn chúng ta thì lệ thuộc vào tiền của hoàn toàn.  Ai cũng sẽ lìa đời bất cứ lúc nào không biết mà vẫn lao vào tìm kiếm tiền bạc không chán thì thật là dại dột.  Lời Chúa cảnh cáo rằng sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại như vậy, cuộc đời sẽ bị nhận chìm trong sự huỷ diệt và hư mất. 

 

Thực tế là vậy ai cũng biết, nhưng lòng tham thường làm cho con người mờ mắt, che khuất lý trí, nên biết là một việc mà tránh không chạy theo mãnh lực của đồng tiền lại là chuyện khác.  Biểu hiện của người tham tiền là sẵn sàng lao vào kiếm tiền đến nỗi coi thường sức khoẻ, xem nhẹ gia đình, không quan tâm đến mối tương giao với người và với Chúa.  Kiếm tiền là ưu tiên một. 

 

Một số biểu hiện về lòng tham tiền mà chúng ta thường thấy là: Các sinh viên học sinh thì lao vào học chính khoá ưu tiên một, học ngoại khoá ưu tiên hai, học thêm ưu tiên ba, làm thêm ưu tiên bốn, Chúa và Hội Thánh ưu tiên… năm!  Học là chính, đi nhà thờ là phụ.  Tuy bây giờ chưa kiếm được tiền nhưng rõ ràng với cách sống như vậy thì chính các bạn ấy dường như đang tự chế tạo mình thành những cơ phận của chiếc máy đếm tiền trong tương lai không hơn không kém.

 

Các bạn trẻ chưa làm ra tiền mà tập tành ăn xài thì sẽ dẫn đến tham lam, ăn cắp tiền của cha mẹ hoặc người khác.  Lớn lên rất dễ trở thành người chỉ biết kiếm tiền cách bất chính mà không chút áy náy lương tâm.

 

Người có công ăn việc làm tốt thì ngày đêm lao vào công việc kiếm tiền, không còn thì giờ cho vợ con và gia đình, việc thờ phượng Chúa chỉ thực hiện khi có chút thời gian rảnh, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện là chuyện khó thực hiện vì về đến nhà đã mệt nhoài, lại thêm ti-vi chiếm hết một khoản thời gian không nhỏ.  Đồng tiền rất dễ đưa chúng ta dần dần xa cách Chúa.

 

Người lớn mà không làm ra tiền thì tìm cách vay mượn để tiêu xài hoặc có cơ hội là tìm cách xin xỏ người khác.  Hậu quả như người xưa thường nói “ăn quen nhịn không quen” sẽ dẫn đến chỗ lừa lọc để có tiền tiêu xài, cuộc sống chỉ nghĩ tới tiền nên Lời Chúa rời xa.

 

Lòng tham không dừng lại ở chỗ kiếm tiền, Kinh Thánh cảnh báo lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.  Khi đã tham thì chỉ biết có mình, vì thế sẵn sàng chà đạp lợi ích của người khác để hưởng lợi.  Không còn tình người, chà đạp đạo đức và lương tâm, Lời Chúa bỏ ngoài tai, đức tin mai một, nguy cơ bỏ Chúa để theo tiền rất cao.  Những nữ sinh viên trường Đại học Cambridge kể trên là một ví dụ, khi chỉ biết kiếm tiền bằng con đường dễ dãi nhất thì đạo đức lìa xa, và tiếng nói của lương tâm cũng hoàn toàn biến mất, như vậy đức tin làm thế nào có thể tồn tại được.

 

Chúa không lên án người giàu, ngược lại Lời Chúa luôn trân trọng người giàu biết sử dụng và làm chủ đồng tiền, biết dùng đồng tiền để giúp đỡ người khác, hiến dâng cho công việc phát triển Nước Chúa.  Kinh Thánh cũng nhắc đến ông Ba-na-ba là con trai của sự an ủi đã dâng hiến tiền bạc cách rời rộng; bà Ta-bi-tha nhân từ sử dụng tiền bạc mình có để giúp đỡ cho nhiều người nghèo khó; thương gia Ly-đi ở thành Thi-a-ti-rơ đã mở rộng cửa nhà mình để đón tiếp đoàn truyền giáo của sứ đồ Phao-lô…

 

Chúa không muốn cho tôi con Chúa sống trong nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng Ngài muốn ai nấy trong cuộc sống luôn có đồ ăn đủ ngày và biết thỏa lòng với những gì mình đang có.  Sống thỏa lòng là một vũ khí rất hiệu quả để đánh bại lòng tham.  Sống dâng hiến, ban cho là một phương cách để chiến thắng mãnh lực của tiền bạc, đánh bật căn nguyên của mọi điều ác ra khỏi chúng ta hầu sống hữu ích cho Chúa cho người.

 

Sống thoả lòng với sự ban cho của Chúa, ý thức mình sẽ lìa đời tay trắng, tập tành nếp sống ban cho là sức mạnh giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ của lòng tham.

 

 

Nguyễn Lê

 

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.