Chúng Ta Trông Đợi Gì Khi Chúa Giáng Sinh

1647



 

       Kinh Thánh: Lu-ca 2:25 – 40




       Khi còn là thiếu nhi, cứ đến mùa Chúa Giáng sinh là tôi lại háo hức trông ngóng, đếm từng ngày và mơ tưởng đến những món quà Giáng sinh mình sẽ nhận được, những bửa tiệc thật vui và ngon miệng.



       Hôm nay sự trông đợi Chúa giáng sinh ngày càng hấp dẫn hơn và lý thú hơn. Bởi lẽ với đời sống kinh tế vật chất của con người sung mãn hơn, những nhà doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường đã nắm bắt được khả năng tiêu thụ của người dân, họ đã tạo ra một “Mùa chi tiêu Giáng sinh” và kéo dài mùa chi tiêu đó đến cả tháng.

 

       Tuy nhiên, mặt khác của sự sung mãn về vật chất thể hiện qua những cuộc vui chơi, ăn uống, quà cáp đã dần đánh mất ý nghĩa đích thực của lễ mừng Chúa giáng sinh. Nhiều người trông mong đến ngày giáng sinh để đón cái không khí se lạnh của thời tiết, nhìn thấy nhà nhà, đường phố trang hoàng rực rỡ những ánh đèn, những cây No-el hoành tráng, những bửa tiệc vui thâu đêm suốt sáng hơn là chính Đấng giáng sinh. Càng ngày, người ta càng lễ hội hóa ngày Chúa giáng sinh, không còn mừng Chúa giáng sinh nữa mà là mừng Giáng sinh. Ngày Chúa giáng sinh chỉ còn là ngày lễ hội để người ta vui chơi, tiệc tùng và quà cáp cho nhau. Là Cơ-Đốc nhân, mỗi khi ngày Chúa giáng sinh đến chúng ta sẽ trông đợi gì? Và sự trông đợi đó có làm cho Chúa giáng sinh thỏa lòng và có ý nghĩa cho mình cho mọi người?

 

       Tác giả sách Lu-ca khi viết về cuộc đời của Đức Chúa Giê-xu, ông đã dùng một từ “trông đợi” để diễn tả một ước mong, một sự khao khát mãnh liệt từ sự ra đời của Đấng Mê-si. Ông đã sử dụng ba lần từ “trông đợi” qua những nhân vật khác nhau đã trông đợi Chúa giáng sinh. Trước hết chúng ta chúng ta tìm hiểu sự trông đợi của Cụ Si-mê-ôn.

 

       I- Sự trông đợi của Si-mê-ôn.  (Lu-ca 2:25 – 35). 

 

       Cụ Si-mê-ôn đã trông đợi gì nơi Chúa giáng sinh? C 25 cho thấy điều ông trông đợi, Si-mê-ôn “trông đợi sự yên ủi của dân Y-sơ-ra-ên”.  Đức Thánh Linh ngự trên ông, và đã báo cho biết ông sẽ không chết trước khi gặp Đấng Mê-si. Các họa sĩ vẽ chân dung của Si-mê-ôn là một cụ già, tuổi tác vượt khỏi thế hệ của mình cho đến khi lời phán hứa được ứng nghiệm. Sự trông đợi của cụ Si-mê-ôn tập trung vào “sự yên ủi” mà Đấng Christ sẽ mang đến, không chỉ đem đến cho một mình ông mà cho mọi người. Đây cũng là danh hiệu của Đấng Mê-si mà tất cả người dân Do Thái trong thời Si-mê-ôn gọi là “Đấng yên ủi”, nó có ý nghĩa là hy vọng và hy vọng đó dựa trên lời hứa phán trong Ê-sai 49:13: “Hỡi trời, hãy hát! Hỡi đất, hãy vui mừng! Hỡi các núi, hãy lên tiếng hát xướng! Vì Đức Giê-hô-va đã yên ủi dân Ngài, cũng thương xót kẻ khốn khó” và Ê-sai 40:1: “Hãy yên ủi, hãy yên ủi dân ta”. Bằng đời sống thờ phượng và cầu nguyện, cụ Si-mê-ôn cứ khiêm nhường, trung tín đợi chờ, trông mong được thấy ngày Đức Chúa Trời yên ủi dân mình. Tại sao cụ Si-mê-ôn trông đợi sự yên ủi? Bởi vì thế giới này chưa bao giờ có sự bình an thật, hằng ngày chúng ta nhìn xem tin tức trên truyền hình và báo chí, cho thấy thế giới không lúc nào có bình an. Chổ này chiến tranh xảy ra, chổ kia thì đói kém, chổ nọ dịch lệ bùng phát, thiên tai, kinh tế suy thoái, bạo lực gia tăng, đạo đức suy đồi. Những điều đó xảy ra hằng ngày khiến cho thế giới đầy những đau khổ, khóc lóc kêu ca mà không ai có khả năng chia sẻ yên ủi được. Sự yên ủi trở thành một nhu cầu và nếu nhân loại  không tìm thấy một Đấng yên ủi, thì nhân loại phải vật lộn với những điều đó trong nỗi cô đơn, bất an và tuyệt vọng. Phần thưởng cho kẻ hết lòng tìm kiếm sự yên ủi của Đức Chúa Trời sẽ gặp được. Cụ Si-mê-ôn được Đức Thánh Linh cảm thúc đi vào đền thờ, đúng lúc Giô-sép và Ma-ri mang con trẻ Giê-xu vào đền thờ dâng cho Đức Chúa Trời. Khi nhìn thấy con trẻ Giê-xu, cụ nhận biết rằng Đức Chúa Trời đã giữ đúng lời hứa. Em-ma-nu-ên, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.

 

       Hôm nay, chúng ta không trông đợi Đấng Yên Ủi cho mình nữa, vì Đấng Yên Ủi đã đến rồi và mỗi chúng ta đã tiếp nhận Ngài vào trong đời sống mình. Vậy sự trông đợi của các Cơ-Đốc nhân trong mùa Lễ kỷ niệm Chúa Giê-xu giáng sinh năm nay là gì? Ấy là chúng ta cầu xin cho Đấng Yên Ủi đến với dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta, làm chứng và dắt đưa nhiều người được cứu qua các chương trình truyền giảng lớn ở sân vận động và trong các chi hội, hầu cho nhiều người được yên ủi. Chúng ta hãy đến với những anh em trong Chúa có những hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn trong cuộc sống và đức tin bị giao động, hãy nói với họ một vài lời yêu thương, yên ủi khích lệ trên bước đường theo Chúa. Những món quà thiết thực trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chắc chắn mùa Lễ Chúa Giáng sinh năm nay thật đầy ý nghĩa.

 

       II- Sự trông đợi của bà An-ne. (Lu-ca 2:36 – 38)

 

       Từ lúc còn đồng trinh bà đã kết hôn và ở với chồng được bảy năm, rồi thì ở góa cho đến tám mươi bốn tuổi, suốt thời gian ấy bà chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ ngày đêm hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện. Bà An-ne và Si-mê-ôn cùng trông đợi một người, nhưng với với mục đích khác nhau. Bà trông đợi “Sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem” (Lu-ca 2:38). Đó là sự giải cứu con người ra khỏi ách nô lệ của Sa-tan và tội lỗi. Lễ vượt qua trong Cựu ước là sự giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Đến thời kỳ của bà An-ne là sự giải cứu sau cùng, là biểu tượng cho quyền năng của Đức Chúa Trời giải phóng con người ra khỏi tình trạng nô lệ cho Sa-tan và tội lỗi, một sự giải cứu to lớn hơn cả sự giải cứu ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Ngày hôm nay thế giới chúng ta đang sống, nhân loại vẫn còn bị cầm tù, bị nô lệ cho tội lỗi và Sa-tan vua chúa của thế gian mờ tối nầy. Người tin Chúa lẫn chưa tin cũng còn điều gì đó ngăn trở, chặn đường chúng ta đến với Ngài, và những ngăn trở đó chính là tội lỗi. Vì vậy cả người tin lẫn chưa tin đều có nhu cầu được giải cứu. Và Chúa Cứu Thế đến thực hiện giá chuộc tội thay cho chúng ta, là Đấng gìn giữ chúng ta ra khỏi điều ác. Đó cũng là nội dung mà Đức Chúa Giê-xu dạy chúng ta cầu nguyện trong bài cầu nguyện chung: “Xin chớ để chúng con bị cám dỗ, mà cứu chúng con khỏi điều ác” (Ma-thi-ơ 6:13). Sự trông đợi của bà An-ne rất thiết thực bằng việc ngày đêm hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện không thôi cho sự giải cứu dân tộc mình và cả thế giới. Vậy mùa Lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh năm nay, chúng ta hãy trông đợi như bà An-ne sốt sắng hầu việc Chúa, sốt sắng thờ phượng Chúa và cầu nguyện không thôi cho dân tộc Việt Nam chúng ta ra khỏi ách nô lệ của Sa-tan và tội lỗi, trở lại tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của đời sống mình. Cầu xin Chúa gìn giữ chính mình, gia đình mình và những anh chị em trong Chúa còn sống trong quyền lực của tội lỗi, những người còn sống trong cảnh rượu chè, cờ bạc, tình dục xấu xa, đời sống thuộc linh nguội lạnh, yếu đuối, được Chúa cứu ra khỏi mọi điều ác đó và sống đời sống thánh thiện kết quả cho Ngài.

 

       III- Sự trông đợi của Giô-sép, người thành A-ri-ma-thê. (Lu-ca 23:50 – 53)

 

       Tác giả Lu-ca cho biết thêm một người nữa cũng có lòng trông đợi Đấng Mê-si. Khác với Si-mê-ôn và An-ne, ông xuất hiện rất lâu sau ngày sinh của hài nhi Giê-xu. Lu-ca cũng dùng từ “trông đợi” để nói về sự trông đợi của Giô-sép, người thành A-ri-ma-thê. Giô-sép trông đợi “Nước Đức Chúa Trời”. Là một nghị viên trong tòa công luận của dân Giu-đa. Ông nhận biết rõ một đất nước, một quốc gia rất cần có sự cai trị trong sự bình đẳng công chính. Ông đã từng chứng kiến sự thất bại của những bậc cầm quyền luôn miệng xưng là công chính nhưng lại bất toàn, họ cậy quyền cậy thế bức hiếp lẽ thật, quấy nhiểu dân chúng, tìm kiếm lợi ích riêng cho chính mình. Do đó, Giô-sép người thành A-ri-ma-thê luôn trông đợi một vị vua toàn hảo. Ông cũng biết rõ, chính sự ghen ghét và ham mê quyền lực mà đa số những Nghị viên trong tòa công luận ghen ghét và mong ước loại trừ Chúa Giê-xu. Trong Lu-ca 23:50-51 tác giả cho chúng ta biết: “Có một người, tên là Giô-sép, làm nghị viên tòa công luận, là người chánh trực công bình, không đồng ý và cũng không dự việc các người kia đã làm. Người ở A-ri-ma-thê, là thành thuộc về xứ Giu-đê, vẫn trông đợi nước Đức Chúa Trời”.  Giô-sép không đồng ý và cũng không tham dự vào việc các người kia đã làm. Sau khi Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá, ông đã đến với Phi-lát xin đem xác Chúa xuống khỏi cây thập tự và đem đi chôn, đây là một việc làm hết sức nguy hiểm. Điều này chứng tỏ rằng Giô-sép nhận biết Đức Chúa Giê-xu chính là Đấng mà lòng ông hằng mong đợi. Chỉ có Đức Chúa Giê-xu mới cai trị được một đất nước công chính, và một đất nước công chính chỉ có trong Đức Chúa Giê-xu mà thôi. Sự trông chờ của ông không chỉ là sự suy nghĩ, lòng khát khao. Nhưng thực hiện một cách cụ thể qua đời sống hằng ngày. Ông sẵn sàng tách mình ra khỏi cách sống tội lỗi, bất công của những kẻ quyền lực. Ông chấp nhận mọi thiệt thòi, nguy hiểm để gần Chúa, dù sống và làm việc với hệ thống bất công tội lỗi của những kẻ quyền lực. Nhưng Giô-sép, người thành A-ri-ma-thê sống theo tiêu chuẩn của một công dân nước trời.  

 

       Vậy mùa Lễ kỷ niệm Chúa giáng sinh năm nay, sự trông đợi của Cơ-Đốc- nhân phải là trước hết kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài. Chúng ta bắt chước Giô-sép, người thành A-ri-ma-thê để nhiều thời gian tách mình ra khỏi sự ồn ào của ngày lễ hội giáng sinh của thế gian mà tìm kiếm những gì thuộc về vương quốc của Chúa, những gì là công chính.

 

       Ê-phê-sô 3:1-4: “Vậy nếu anh em được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm các sự ở trên trời, là nơi Đấng Christ ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất; Vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời. Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển”.

 

       Chúng ta thật cảm ơn Đức Chúa Trời đã ban Chúa Cứu Thế Giê-xu cho chúng ta, nhờ Ngài chúng ta cũng như cả nhận loại được cứu rỗi. Trong Đức Chúa Giê-xu, Ngài đã đem tất cả những gì mà Si-mê-ôn, bà An-ne, Giô-sép, người thành A-ri-ma-thê đã trông đợi. Trong sự giáng sinh của Chúa Giê-xu chúng ta kinh nghiệm được sự bình an đến từ sự yên ủi của Ngài, được sự tha thứ đến từ Đấng Giải Cứu và nhận được Vương quốc trời của Đấng công bình chánh trực cai trị.

 

       * Một người đàn ông có địa vị đang nắm quyền lực như Giô-sép, người thành A-ri-ma-thê đã trông đợi “Nước Đức Chúa Trời”.

       * Một Cụ bà góa từ lúc còn trẻ chuyên tâm cầu nguyện sốt sắng thờ phượng Chúa, trông đợi “Sự giải cứu”.

       * Một Cụ ông bình thường không địa vị, không chức tước trông đợi “Sự yên ủi”

 

        Vậy, Hội thánh Chúa trên toàn đất nước Việt Nam thân yêu chúng ta, Kỷ niệm mừng Chúa giáng sinh lần thứ 2010. Tôi con Chúa sẽ trông đợi gì? . . .

 

 

Ma-Na

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.