Cho Đời Sau

2402

Câu chuyện đáng buồn được sách Các Quan Xét ghi lại sau đây rất đáng để nhắc nhở mỗi chúng ta trách nhiệm với con cháu trong gia đình:

“Dân sự phục sự Đức Giê-hô-va trong trọn đời Giô-suê và trọn đời các trưởng lão còn sống lâu hơn Giô-suê, là những kẻ đã thấy các công việc lớn lao mà Đức Giê-hô-va đã làm ra vì Y-sơ-ra-ên… Hết thảy người đời ấy cũng được tiếp về cùng tổ phụ mình; rồi một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhân vì Y-sơ-ra-ên. Bấy giờ dân Y-sơ-ra-ên làm ác trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu việc các thần tượng của Ba-anh, bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, là Đấng đã đem họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô; họ tin theo các thần khác của những dân tộc ở xung quanh, quì lạy các thần đó và chọc giận Đức Giê-hô-va. Vậy, chúng nó bỏ Đức Giê-hô-va, hầu việc Ba-anh và Át-tạt-tê” (Các Quan Xét 2:7, 10-13).

Sau khi nhà lãnh đạo Giô-suê dẫn dắt dân sự vào miền Đất Hứa, hoàn thành trọng trách Chúa giao, ông được Chúa tiếp rước về với Ngài. Câu 7 ghi “Dân sự phục sự Đức Giê-hô-va trong trọn đời Giô-suê và trọn đời các trưởng lão còn sống lâu hơn Giô-suê, là những kẻ đã thấy các công việc lớn lao mà Đức Giê-hô-va đã làm ra vì Y-sơ-ra-ên”. Ông Giô-suê đã là tròn nhiệm vụ dạy dỗ thế hệ tiếp nối ông, họ đã sống thờ phượng Chúa trọn cả cuộc đời. Nhưng khi họ qua đời thì con cháu họ lại…

Tại Sao Như Vậy?

Câu 7 cho thấy dân sự phục sự Chúa trọn đời họ, nhưng tại sao qua câu 10 trở đi thì thế hệ đời sau lại làm ác, thờ lạy hình tượng?

Chúng ta biết Chúa ban cho dân sự Đất Hứa, nhưng không phải họ ngang nhiên đi vào thụ hưởng, mà phải chiến đấu để chiếm hữu. Rồi khi đã chiếm được đất, họ phải bắt đầu làm lại từ đầu, nào nhà cửa, ruộng vườn; nào bò lừa, dê chiên… cuộc sống nơi vùng đất mới không đơn giản chút nào.

Khi chúng ta đặt các mối bận tâm nào đó của mình lên hàng đầu, thì chúng ta sẽ dồn hết thì giờ và công sức để lo cho những vấn đề đó, những việc khác đều trở nên thứ yếu. Phải chăng những người được vào miền Đất Hứa cùng với ông Giô-suê đã đặt việc chinh chiến và lo tạo dựng cơ nghiệp cho mình lên hàng đầu, rồi sau đó lại vui mừng thụ hưởng với lòng biết ơn Chúa, cho nên đã quên đi trách nhiệm nhắc nhở, dạy dỗ thế hệ mai sau? Câu 10 đã nói lên một tình trạng vô cùng đau lòng: “Hết thảy người đời ấy cũng được tiếp về cùng tổ phụ mình; rồi một đời khác nổi lên, chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhân vì Y-sơ-ra-ên”. Mấy mươi năm lang thang trong đồng vắng, lại thêm gần mười năm dài chiến đấu để chiếm đất định cư, có lẽ họ nghĩ rằng đến giai đoạn này họ đã có quyền yên nghỉ trên thành quả Chúa ban, hiện tại huy hoàng đã đẩy lùi quá khứ đau buồn, khổ cực. Họ đã quên đi một điều hết sức cơ bản, đó là Đức Giê-hô-va, Đấng đã ban cho họ mọi sự, Đấng luôn tể trị cuộc đời họ cho đến ngày nay, và họ đã quên không dạy cho con cháu biết về Đấng ấy và những gì Đấng ấy đã làm cho họ. Họ đã qua đời trong êm ả, nhưng đã để lại một hậu quả đau buồn cho đời sau!

Ngày hôm nay tất cả chúng ta ai cũng phải bận rộn mưu sinh và lo cho con cái ăn học, đây là trách nhiệm phải làm, nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều khi chúng ta để cho mối bận tâm ấy chiếm hết cả tâm trí mà quên đi trách nhiệm dạy dỗ con cái mình để chúng biết Chúa và biết những gì Chúa đã làm cho gia đình mình. Biết Chúa thì con cháu chúng ta mới tin Chúa được vì chẳng lẽ chúng lại tin vào một Đấng chúng không biết! Biết những điều Chúa làm để con cháu chúng ta ý thức được Chúa là Đấng Sống, Đấng đã và đang hành động trên vũ trụ, trên gia đình và trên chính cuộc đời của chúng, chứ không phải Chúa chỉ là một tượng thần vô tri vô giác như bao thần hư không khác. Những sự hiểu biết này có được từ nhiều cách, Trường Chúa Nhật, các buổi sinh hoạt ban ngành, Thánh Kinh Hè… chỉ là một phần, còn phần quan trọng nhất không thể thiếu đó là sự dạy dỗ của gia đình. Khi gia đình coi trọng việc giáo dục niềm tin cho con cái thì dù bận rộn đến đâu, dù khó đến đâu cũng sẽ sắp xếp được. Ngược lại gia đình nào đặt công chuyện làm ăn và việc lo cho sự nghiệp tương lai của con cái lên hàng đầu thì coi chừng sẽ rơi vào tình trạng của dân Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ vào Đất Hứa. Lo cho con cái ăn học, có cuộc sống tốt đẹp là cần, nhưng có một việc cần hơn ấy là lo cho tâm linh của chúng. Vật chất, bằng cấp, nghề nghiệp… là chỉ mới lo cho đời này, nhưng nếu không có sự hướng dẫn của Chúa thì cũng sẽ sống sai; còn lo cho tâm linh chính là lo cho đời này và cho cả đời sau. Mỗi gia đình nên tự xét lại xem mình đang đặt điều gì lên hàng đầu trong cuộc sống của gia đình mình? Đang quan tâm đến hiện tại hay đang lo cho đời sau?

Hãy quan tâm đến đời sau  

Hậu Quả Cho Đời Sau

Khi một người không biết Chúa để thờ phượng, thì người ấy sẽ có khuynh hướng thờ một thần nào khác, vì tâm linh con người không thể nghỉ yên khi chưa có một đối tượng để tôn thờ. Câu 11-13 chứng minh cho điều ấy: Bấy giờ dân Y-sơ-ra-ên làm ác trước mặt Đức Giê-hô-va, hầu việc các thần tượng của Ba-anh, bỏ Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ mình, là Đấng đã đem họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô; họ tin theo các thần khác của những dân tộc ở xung quanh, quì lạy các thần đó và chọc giận Đức Giê-hô-va. Vậy, chúng nó bỏ Đức Giê-hô-va, hầu việc Ba-anh và Át-tạt-tê.” Đây là điều mà cả cha mẹ lẫn con cái cần ghi nhớ. Ngày nay có thể các bạn trẻ vẫn đi nhà thờ mỗi tuần, vẫn sinh hoạt đều đặn… nhưng nếu không thật sự học biết Chúa cách rõ ràng, không thật sự biết những gì Chúa đã và đang làm cho mình, thì rất dễ chỉ làm tín đồ Tin Lành nhưng lại đang thờ nhiều thần khác! Nhiều tín hữu đã tôn thờ khoa học, kỹ thuật, coi đó là phương cách tối ưu để giải quyết mọi vấn đề, trong đó có cả vấn đề… tâm linh! Nhiều người đi nhóm lại mà cũng vẫn thờ thần vật chất, coi vật chất là thần tượng để mình đeo đuổi trong cuộc sống. Nhiều bạn trẻ coi việc học hành hơn Chúa; nhiều người đang tôn thờ một con người bằng cách tôn người đó lên làm thần tượng cho mình, có thể đó là một ca sĩ, một cầu thủ bóng đá, một anh hùng v.v… Tại sao? Vì tâm linh của họ không đầy dẫy Chúa và những công việc Ngài làm, nên đã để cho các thần thế gian xâm chiếm. Những người ấy đang “chọc giận Đức Giê-hô-va” (câu 12) là Đấng đã tạo dựng và cứu chuộc mình mà không hay. Hãy “soi mặt trong gương” xem chúng ta đang làm đầy tâm trí con cháu chúng ta bằng những điều gì nhiều nhất? Thanh thiếu niên cần phải tự vấn xem mình đang ưu tiên đổ vào đầu mình những gì? Đừng chỉ nghĩ đến hiện tại, nhưng cần phải nghĩ đến trách nhiệm cho đời sau, đó là trọng trách của từng người trong gia đình, cha mẹ lẫn con cái.

Đôi Điều Ngẫm Suy

Cha mẹ ngày nay lo cho việc ăn học và cuộc sống của con cái tốt hơn ngày trước rất nhiều. Xã hội càng tiến bộ thì con cái cũng được đầu tư cho kiến thức nhiều hơn. Phần lớn người Việt chúng ta ai cũng bận tâm sau khi mình qua đời thì sẽ để lại cho con cái mình những gì, cửa nhà, sự nghiệp… Khi đã có một chút gì đó thì họ mới “an lòng nhắm mắt”. Tuy nhiên, có một trách nhiệm quan trọng hơn, đó là lo cho đời sau. Trách nhiệm của cha mẹ và con cái không phải chỉ trong đời này, nhưng còn là đời sau. Xin đừng quá chú trọng vào đời này để rồi khi chúng ta già yếu hoặc qua đời, con cháu chúng ta lại bỏ Chúa mà tôn thờ các thần tượng khác của đời. Bài học của dân Y-sơ-ra-ên vào cuối đời ông Giô-suê là một tiếng chuông cảnh báo cho cả cha mẹ lẫn con cái. Hãy quan tâm và đầu tư cách có hiệu quả cho đời sau.

Ánh Dương

(Soi Mặt Trong Gương Tập 2 – UBCĐGD ấn hành 2021)

Bài trướcĐối Xử Nhân Từ Với Người Cô Thế – 8/6/2021
Bài tiếp theoPhước Cho Người Có Lòng Nhân Từ – 9/6/2021