Bức Tranh Lớn – 12/12/2022

3294

 

 

Đa-ni-ên 11:21-35

“Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” (Rô-ma 8:18).

Câu hỏi suy ngẫm: Câu 21-35 nói đến ai? Vì sao Chúa cho Tiên tri Đa-ni-ên thấy về tương lai rất xa như thế? Làm thế nào để chúng ta luôn nhìn toàn cảnh bức tranh lớn thay vì bị trói chặt vào hoàn cảnh trước mắt?

Câu 21-35 giới thiệu về một “kẻ đáng khinh dể”, trong lịch sử chính là Antiochus IV Epiphanes (xem thêm Đa-ni-ên 8:9-12; 23-25). Các bản dịch khác dịch cụm từ này là “tay bần tiện, tên bỉ ổi, kẻ gian hùng” dù ông tự đặt cho mình tên Epiphanes có nghĩa là “người vinh hiển”. Antiochus thù ghét dân giao ước. Năm 169 TC., ông cướp phá thành Giê-ru-sa-lem, Đền thờ và giết nhiều người Do Thái. Không những thế, câu 29-35 cho biết “kẻ đáng khinh dể” này sẽ “làm ô uế nơi thánh”, “lập sự gớm ghiếc làm ra sự hoang vu”. Theo sử liệu, Antiochus đã dựng bàn thờ thần Zeus của người Hy Lạp trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem; bãi bỏ việc dâng tế lễ hàng ngày. Chính hoàn cảnh ấy tạo ra sự phân rẽ giữa hai nhóm người: Người bội giao ước với Chúa để giữ mạng sống và người khôn sáng “biết Đức Chúa Trời mình”, sẵn sàng “ngã bởi gươm, bởi ngọn lửa, bởi sự phu tù và sự cướp bóc lâu ngày” để trung kiên đến cuối cùng (câu 32-35).

Vì sao Chúa cho Tiên tri Đa-ni-ên và dân Chúa biết những sự kiện lịch sử sẽ diễn ra sau đó nhiều thế kỷ? Thứ nhất, Chúa muốn họ biết rằng dù vật đổi sao dời thì “lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va…” (Châm Ngôn 21:1) để dân Chúa vững lòng tin cậy Ngài. Thứ hai, con người thường bị lạc lối, mắc kẹt bởi hoàn cảnh trước mắt. Ở đây, Chúa ban khải tượng cho Tiên tri Đa-ni-ên và dân Ngài hướng đến tương lai, vì niềm hy vọng tối thượng của họ là ở “kỳ sau rốt”, khi mọi hoạn nạn sẽ không còn, khi chiến thắng và thiên đàng dành cho những ai “khôn sáng” trung kiên với Ngài (câu 35).

Trong những hành trình truyền giáo của Sứ đồ Phao-lô, ông đã đối diện với biết bao hoạn nạn, thử thách, bắt bớ rất nặng nề, tuy nhiên ông luôn vững tin vào chương trình kế hoạch của Chúa trên đời sống ông khi Ngài trao trách nhiệm cho ông. Vì thế ông không nhìn vào hoạn nạn để nản lòng, nhưng luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của Chúa để chiêm ngưỡng vinh quang Đức Chúa Trời rực sáng trong kỳ sau rốt, nhờ đó ông luôn vững lòng bước tới, ngay cả khi bị giam trong tù, ông vẫn vui vẻ thực thi sứ mạng truyền bá Phúc Âm. Cho nên ông đã khích lệ con dân Chúa cứ đặt niềm hy vọng nơi Đức Chúa Trời, “Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” (Rô-ma 8:18). Đó chính là sức mạnh để Sứ đồ Phao-lô ngày trước và mỗi chúng ta ngày nay bền lòng phục vụ Chúa.

Dù hiện tại có ra sao, bạn có vững tin tương lai nằm trong tay Chúa không?

Lạy Chúa, xin giúp con biết nhìn toàn cảnh bức tranh lớn với sự tể trị của Chúa để con luôn nhớ rằng dù hiện tại thế nào, thì cuối con đường Ngài dành cho con là hạnh phước và vinh hiển.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 31:23-40

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcSa Pŏk Rup Prŏng – 12/12/2022
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Bà KA THẺO