Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Một gia đình truyền thống thường gồm những thành viên như cha mẹ, con cái, xa hơn nữa là anh chị em, cô, dì, chú, bác… và mỗi thành viên đều có bổn phận với nhau trong việc lo liệu, vun đắp cho gia đình. Là con cái Chúa, Cơ Đốc nhân có bổn phận để xây dựng gia đình vững mạnh, bày tỏ vinh hiển Chúa. Trên nền tảng Kinh Thánh trong Ê-phê-sô 6:1-4, nhân ngày Hiếu Kính Cha Mẹ, chúng ta cùng suy ngẫm về một số bổn phận trong gia đình như sau:
BỔN PHẬN LÀM CON
Vâng phục cha mẹ
Vâng phục cha mẹ là đòi hỏi đầu tiên của sự hiếu kính. Hơn thế nữa, đây chính là điều răn của Chúa. Sứ đồ Phao-lô dạy: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm” (Ê-phê-sô 6:1). Trong một lá thư khác, vị Sứ đồ cũng viết: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa” (Cô-lô-se 3:20).
Cho dù chúng ta có học cao hiểu rộng đến bậc nào thì cũng đừng quên rằng cha mẹ nhiều tuổi hơn, kinh nghiệm sống nhiều hơn chúng ta và tấm lòng của cha mẹ đối với con cái bao la như trời biển. Là con cái, chúng ta cần nghe lời dạy bảo của cha mẹ trong nhiều phương diện, để tránh được những lỗi lầm, thất bại trong cuộc sống.
Theo Lời Chúa dạy, cha mẹ là thẩm quyền Chúa đặt ra để hướng dẫn con cái. Vì thế, trong chúng ta đừng ai cho rằng cha mẹ già và lỗi thời, nên không muốn làm theo những điều cha mẹ dạy bảo. Chúa sẽ dùng cha mẹ hướng dẫn chúng ta theo đường lối của Ngài và ban cho ta nhiều phước hạnh trong đời sống.
Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa”. Chữ “trong Chúa” có nghĩa là với tư cách một người con của Chúa. Nói khác đi, là con của Chúa, bổn phận của chúng ta là phải vâng phục cha mẹ. Ngoài ra, cần lưu ý hai chữ “trong Chúa”, nghĩa là điều cha mẹ dạy bảo không đi ngược lại với đức tin nơi Chúa, đường lối của Chúa thì con cái mới vâng phục.
Tôn kính cha mẹ
Ê-phê-sô 6:2 chép: “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi…”; “phải hiếu kính cha mẹ” (Bản Hiện đại). Những từ “tôn kính”, “hiếu kính” được Kinh Thánh dùng với ý nghĩa phải bày tỏ lòng kính trọng, hiếu thảo.
Châm Ngôn 23:22 dạy: “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu”. Một thái độ hiếu kính theo Kinh Thánh dạy là phải yêu thương, quý mến, quan tâm chăm sóc cha mẹ, nhất là trong tuổi già sức yếu chứ không phải là lễ nghi, hình thức bên ngoài.
Sự hiếu kính bày tỏ qua mọi hành vi, cử chỉ, lời nói của chúng ta với cha mẹ trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, hãy lưu ý đến cách chúng ta xưng hô, nói chuyện với cha mẹ. Một số người bày tỏ thái độ xem thường khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, không còn làm ra tiền của, thậm chí trở nên gánh nặng cho mình. Nhưng đó không thể nào là thái độ của con dân Chúa được.
Lời Chúa chép: “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhứt là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (I Ti-mô-thê 5:8). Động từ “săn sóc” ở đây trong nguyên ngữ là pronoeo có nghĩa cấp dưỡng, chu cấp về vật chất cho người nhà mình, trong đó có cha mẹ. Sứ đồ Phao-lô lên án mạnh mẽ những người không làm tròn bổn phận hiếu kính là “chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”.
BỔN PHẬN LÀM CHA MẸ
Để con cái có thể làm tròn bổn phận hiếu kính, cha mẹ cũng phải làm bổn phận của mình. Vì thế, liền sau khi dạy con cái phải hiếu kính cha mẹ, Sứ đồ Phao-lô cũng nhắc nhở bổn phận của người làm cha mẹ: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Câu Kinh Thánh nhắc nhở cha mẹ hai điều quan trọng:
Không chọc giận con cái
Câu Kinh Thánh này chỉ nhắc đến cha, vì thông thường người cha dễ nóng tính hơn mẹ, rầy la nặng lời; có thể quá nghiêm khắc làm cho con cái bất mãn, ngã lòng. Cô-lô-se 3:21 cũng chép: “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng.”
Từ ngữ “chọc giận” ở đây nói đến việc cha mẹ thay vì là người khuyên bảo, uốn nắn con, khích lệ con mình… thì tác động bằng lời nói và hành động để cho con cái mình tức tối, giận dữ lên. Ngày hôm nay, có một số cha mẹ thiếu kiên nhẫn và tế nhị, không để giờ gần gũi, tìm hiểu tâm tính và tình cảm của con nên lắm lúc mắng oan hoặc quá cứng rắn, khiến chúng nản lòng và buồn giận.
Lời Chúa nhắc các bậc cha mẹ không nên độc tài, lúc nào cũng bắt con vâng theo ý mình, nhưng phải tế nhị, lắng nghe và lưu tâm đến nhu cầu của con mình. Vì thế một trong những bổn phận của cha mẹ là phải sống gương mẫu, yêu thương, công bình, ngay thẳng, không làm tổn thương con cái.
Nuôi dưỡng con cái bằng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa
Cha mẹ có bổn phận dưỡng dục con cái về thể chất lẫn tinh thần, đạo đức và tâm linh. Đặc biệt, cha mẹ phải dạy con cái biết Chúa, kính sợ Chúa và đi trong đường lối của Ngài. Muốn làm tròn bổn phận nầy, cha mẹ phải nuôi dạy con bằng sự “sửa phạt” và “khuyên bảo”. Trong việc giáo dục con cái, đây là hai nguyên tắc phải đi song song với nhau. Khi con cái làm tốt sẽ được khen thưởng và nếu phạm lỗi sẽ bị sửa phạt. Cha mẹ yêu thương con nhưng có những lúc phải dùng đến những biện pháp cứng rắn để sửa phạt, không được quá nuông chìu con cái.
Cha mẹ phải luôn dùng “sự sửa phạt và khuyên bảo của Chúa”, nghĩa là trong tinh thần Cơ Đốc chứ không phải vì giận dữ mà sửa phạt theo cách của thế gian. Người cha mẹ Cơ Đốc nên dùng kỷ luật (“sửa phạt” theo nguyên văn là “huấn luyện”) và sự khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng con mình. Cụm từ “của Chúa” nhấn mạnh cha mẹ cần dạy con sống thế nào đẹp lòng Chúa chứ không phải chỉ đẹp lòng mình là đủ. Bên cạnh đó, “sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa” còn có nghĩa là cha mẹ phải dùng Lời Chúa để dạy dỗ và uốn nắn con mình.
Trong cả Tân Ước chỉ có hai câu Kinh Thánh trực tiếp khuyên nhủ bậc làm cha mẹ. Một câu nằm trong Ê-phê-sô 6:4 và câu còn lại ở Cô-lô-se 3:21. Cả hai câu này đều cảnh cáo cha mẹ đừng làm hòn đá vấp chân cho con cái. Đặc biệt, những người làm cha được nhắc nhở đừng chọc cho con cái mình giận dữ, nhưng “dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó”. Lời dạy nầy chứng tỏ rằng cha mẹ có thể lôi kéo con cái vào đường lối sai trật, xa cách Đức Chúa Trời.
“Hiếu kính cha mẹ” là điều răn của Chúa, và đây cũng là điều Đức Chúa Trời rất đẹp lòng. Vì thế là người làm con trong gia đình, chúng ta có bổn phận “vâng phục” và “tôn kính” cha mẹ mình. Hãy cậy ơn Chúa để làm tròn bổn phận đó. Bên cạnh đó, Lời Chúa cho chúng ta biết rằng liên hệ giữa cha mẹ và con cái là một mối liên hệ hỗ tương, nghĩa là mỗi bên đều có bổn phận đối với nhau: Con cái phải vâng phục, tôn kính cha mẹ và cha mẹ chớ chọc giận con cái mình và phải nuôi dưỡng con bằng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa.
Cầu xin Chúa giúp mỗi chúng ta làm tròn bổn phận theo Lời Chúa dạy, trong cương vị Chúa đặt để. Chúng ta sẵn sàng vâng phục, tôn kính người trên cũng như sửa phạt, khuyên bảo người dưới với lòng yêu thương và thông cảm.
Lê-vi