Bài thứ 335: Giáng Sinh

1042

Đọc Ê-sai 7:10-15

Câu căn bản:  Vì vậy, chính Chúa sẽ ban cho các ngươi một dấu lạ: Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là Em-ma-nu-ên.  Câu 14.

 

 

Suy niệm:  Kinh Thánh có ghi lại tiểu sử của một số bé trai đặc biệt được sinh ra, như: 

Ca-in, người con trai đầu tiên được sinh ra sau khi Chúa sáng tạo trời đất(Sáng thế 4:1);

Y-sắc, ông tổ của dân tộc Do-thái (Sáng Thế 21:2-3);

Sa-mu-ên, vị tiên tri đầu tiên (1 Sa-mu-ên 1:20). Tất cả các tên tuổi này đều quan trọng, niềm trông mong của mọi người, và tất cả đều do mẹ thụ thai, mang thai và sinh ra.

 

Nhưng ta để ý đến cuộc sinh ra của một bé trai đặc biệt. Cuộc mô tả việc ra đời của bé trai này được ghi lại rất là chi tiết trong Kinh Thánh Cựu Ước:

Tiên tri Mi-chê cho biết bé trai ấy sẽ sinh ra tại Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2)

Tiên tri Ê-sai cho biết mẹ Ngài sẽ là một trinh nữ (Ê-sai 7:14)

Tiên tri Ê-sai còn cho biết Ngài sinh ra để làm gì (Ê-sai 53)

 

Trong Kinh Thánh Tân Ước chúng ta được biết Ngài sẽ được đặt tên là gì và ý nghĩa của cái tên đó (Ma-thi-ơ 1:21).

Ngài được sinh ra tại đâu cho ứng nghiệm lời tiên tri của Mi-chê (Ma-thi-ơ 2:6)

Chúng ta cũng được biết mẹ sinh ra Ngài và người cha nuôi Ngài đã được Chúa hướng dẫn như thế nào (Ma-thi-ơ 1:18-25).

 

 Trong mùa Giáng Sinh nhiều người chỉ biết đó là Lễ Giáng Sinh, Noel, Christmas nhưng không biết đến các chi tiết vừa kể trên đây. Chính vì các chi tiết này mà thế gian không kỷ niệm sinh nhật của một nhân vật trong đời như tất cả mọi người từng sinh ra, vì chỉ một mình Hài Nhi Giê-xu được gọi là Giáng Sinh mà thôi. Vì Chúa Giê-xu từ trời giáng thế làm người, chứ không từ đất sinh ra như tất cả mọi người.

 

Điểm quan trọng nhất cho mọi người kỷ niệm Chúa Giáng Sinh là biết rằng chính mỗi chúng ta có quan hệ trực tiếp với Chúa Giê-xu, vì Ngài đã giáng sinh để hi sinh đền tội cho mỗi chúng ta, tái tạo cuộc đời chúng ta. Ý thức được như thế thì việc kỷ niệm mới thật sự có ý nghĩa và niềm vui mới đạt đến tuyệt vời.

 

Trong Việt ngữ chúng ta nói Mừng Chúa Giáng Sinh, chứ không nói trống không như Pháp ngữ Joyeux Noel hay Anh ngữ Merry Christmas. Đó cũng là nét đặc thù của người tín đồ Việt Nam, vì xác định rõ kỷ niệm sinh nhật của Chúa Cứu Thế Giê-xu chứ không phải chỉ là một lễ hội của loài người.

 

Bài trướcBồi Linh và Thăm Viếng Tại Khu Vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.
Bài tiếp theoBài thứ 336: Kỷ Niệm Mừng Chúa Giáng Sinh tại U-crai-na