Bài thứ 249: Người Tin Chúa và Việc Thề Nguyện

782

 

Các ngươi có nghe lời dạy cho người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải giữ vẹn lời thề mình.  Nhưng ta nói cho các ngươi rằng, đừng thề chi hết; đừng chỉ trời mà thề, vì là ngôi của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề vì là bệ chân của Đức Chúa Trời; đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề vì là thành của Vua lớn.  Lại cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì tự ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay đen được.  Nhưng phải thì nói phải, không thì nói không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỷ dữ mà ra.”

Ma-thi-ơ 5:33-37

 

 

Có người nghĩ rằng việc thề thốt chỉ là chuyện nhỏ, tại sao mất thì giờ bàn cãi, trong khi còn biết bao nhiêu điều khác quan trọng hơn phải giải quyết?  Nhưng lời Chúa dạy rất rõ về lời ăn tiếng nói của người theo Chúa, điều đó quan trọng vì chúng ta là người của Chúa, và chúng ta gây ảnh hưởng nơi người khác rất nhiều.

 

Các câu Kinh-thánh trích dẫn trên đây về việc thề không thấy ghi chi tiết như vậy trong Kinh Cựu Ước, nhưng chỉ là cách diễn giải điều luật nói về việc dùng danh hiệu của Chúa một cách sai lầm mà thôi. Trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:13 có ghi: ”Ngươi phải kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, phục sự Ngài và lấy danh Ngài mà thề.  Trong Lê-vi-ký 19:12 cũng ghi:  Các ngươi chớ chỉ danh ta mà thề dối, vì ngươi làm ô danh của Đức Chúa Trời mình: Ta là Đức Giê-hô-va.  Qua tinh thần của các câu này, người Pha-ri-si thời đó tóm tắt lại: Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải giữ vẹn lời thề mình.”

 

Mục đích của lời răn dạy về thề thốt là gì? Chủ yếu là để ngăn ngừa bản tính cong vẹo của mỗi người, đó là nói dối.  Một trong những nan đề Môi-se phải giải quyết là khuynh hướng nói dối trong dân chúng, nghĩa là cố ý nói những điều không có thật.  Cuộc sống trở nên rối loạn khi người ta không còn tin lời nói của nhau nữa.  Như vậy một trong các mục đích của điều luật này để kiểm soát lời nói cho thật và giúp cho đời sống được dễ dàng hơn.  Đây cũng y hệt như khi ta xét về việc li dị, nghĩa là thêm vào mục đích trực tiếp, còn có phần áp dụng rộng rãi nữa.

 

Một mục đích thứ hai trong điều luật về lời thề là chỉ dành cho những việc thật là trọng đại và quan trọng mà thôi, vì thông thường người ta có khuynh hướng nói gì cũng thề cả, ngay cả những việc tầm thường cũng thế.  Người ta nhân danh Chúa mà thề những chuyện không đáng.

 

Điểm chính yếu mà người ta chú trọng là đừng vi phạm vào hành động răn cấm, hay chữ nghĩa của luật, tức là đừng thề dối.  Muốn làm gì, nói gì cũng được, miễn sao không bị cáo là thề dối là đủ.  Thật ra dù không thề dối, nhưng làm dối và khiến người ta hiểu lầm cũng là dối trá vậy.

 

Chúa muốn dạy gì trong các câu này?

 

Ta có thể kết luận rằng: căn cứ vào lời Kinh-thánh, việc thề nguyện phải giới hạn, có những trường hợp trọng đại trong đó lời thề cần thực hiện, như khi tổng thống Hoa-kỳ tuyên thệ nhậm chức chẳng hạn, hay tuyên thệ làm công dân một nước cũng vậy.  Những trường hợp như vậy rất chính đáng và làm cho sự việc được long trọng thêm.

 

Chúa Giê-xu có thái độ tiêu cực đối với việc thề nguyện. nhưng lời dạy tích cực của Ngài là gì?

 

Trước tiên, Chúa tuyệt đối cấm không được dùng những danh hiệu thánh luôn luôn trong lời thề hay là rủa sả.  Danh hiệu của Chúa Ba Ngôi không được dùng thề thốt trong những trường hợp thông thường. Đây là những câu chửi thề thông thường của người đời mà Kinh Thánh  gọi là dùng danh Chúa trong trường hợp vô ích, như người ta thường nói: Trời ơi, Giê-xu Ma Lạy Chúa tôi!

 

Điều thứ hai Chúa tuyệt đối cấm là chỉ vào bất cứ tạo vật nào mà thề, vì tất cả đều thuộc về Chúa cả. Không được chỉ trời, đất, Giê-ru-sa-lem, không được chỉ vào đầu mình mà thề nữa.

 

Điều thứ ba Chúa dạy là không được thề trong những câu chuyện thông thường.  Không nên thề trong một cuộc tranh cãi.  Chúa dạy: phải thì nói phải, không thì nói không, nghĩa là tập tính luôn luôn nói thật thì tránh không cần phải thề.  Nếu người ta không tin hay hiểu lầm là do ma quỷ xui khiến.  Người chân thật không cần phải thề gì cả, vì người ấy chỉ biết nói thật luôn luôn.

 

Trên đời có biết bao vấn đề xẩy ra cũng chỉ vì hứa không đúng, không giữ lời hứa, không nói thật với nhau mà sinh ra.  Từ việc quốc tế, việc trong nước, trong tỉnh, trong làng xã cho đến trong gia đình cũng vậy.

 

Một tình trạng đang làm hư hỏng xã hội loài người là bội ước trong hôn nhân, và bất trung bất nghĩa trong tình yêu vợ chồng.  Khi lấy nhau, hai bên đã thề thốt ăn ở trọn đời, nhưng hễ có biến cố nào xảy ra thì li dị, để bỏ nhau là điều người ta cho là giải pháp hay nhất.  Không biết rằng phụ rẫy nhau là phá bỏ lời thề và Chúa lên án rất nặng.

 

Lời thề không cần thiết nữa khi ta quyết tâm không bao giờ nói một lời nào dối trá.  Không bao giờ hứa điều mà mình không làm được.  Không bao giờ thất hứa.  Không bao giờ lừa đảo người khác.

 

Một điều ta nên nhớ là mỗi lời ta nói, việc ta làm đều gây ảnh hưởng cho người khác và những hành động giả trá không thể nào che giấu Chúa được.  Nếu vi phạm, ta là người bị thiệt thòi hơn cả, vì Chúa không chấp nhận như vậy.

 

Nói khác đi, Chúa dạy ta luôn luôn nói thật.  Chúng ta thường dạy con trẻ nói thật, nhưng chính chúng ta là con dân của Chúa cần làm gương sáng, để mọi người biết rằng người tin Chúa thật, không bao giờ dối trá.

 

Nhiều khi dối trá không nhất thiết phải là chuyện hệ trọng, mà chỉ là những lời nói quá đáng; như kể lại một chuyện xấu của người nào mà muốn triệt hạ người ấy thì thêm thắt vào cho nhiều yếu tố.  Như thế cũng là dối trá.

 

Mời anh chị em đọc lại Ma-thi-ơ 5:37:

 

Song ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỷ dữ mà ra.”

 

Cầu xin Chúa giúp anh chị em làm theo lời Chúa dạy.

 

 

Bài trướcBồi Linh Thanh Niên Phía Bắc Tỉnh Lâm Đồng.
Bài tiếp theoHội Thánh Di Linh Được Công Nhận Chi Hội Và Hội Đồng Bầu Cử Chấp Sự.