Bài thứ 238: Cảm Hóa Bởi Thánh linh

862

Đọc Mác 12:35-37

Câu căn bản: Chúa phán với Chúa tôi: Hãy ngồi bên phải Ta cho đến khi Ta đặt các kẻ thù Con dưới chân Con.  Câu 36.

 

 

Suy niệm:  Suốt phần đầu của chương 12 Phúc Âm Mác ghi lại những điều mà người ta hỏi để thách đố Chúa, nhưng các câu chúng ta đọc hôm nay là câu hỏi Chúa nêu lên cho những người đang có mặt trong đền thờ suy nghĩ. Đây là những câu hỏi nêu lên cho các thầy thông giáo là những người giảng dạy Kinh Thánh cho dân chúng. Theo họ, vị Cứu Tinh mà họ mong chờ thuộc hoàng tộc Đa-vít trong ý nghĩa huyết thống mà thôi. Chúa Giê-xu dùng dịp này để trình bầy cho họ thấy rằng: về phần xác Chúa Cứu Thế xuất thân từ hoàng tộc Đa-vít, nhưng thật ra Ngài là Chúa của Vua Đa-vít (Rô-ma 1:3,4).

Chúa Giê-xu trích dẫn Thi-thiên 110:1 để minh chứng điều đó. Trong câu này Đức Giê-hô-va phán bảo một  nhân vật mà Vua Đa-vít gọi là Chúa, nhân vật đó không ai khác hơn là Chúa CứuThế  (Đấng Christ).

Chúa Giê-xu lý luận rằng: Nếu Vua Đa-vít xưng Chúa Cứu Thế là Chúa, thì Chúa Cứu Thế không thể là con cháu Vua ấy được.  Chúa Giê-xu nêu lên điểm này không phải để phủ nhận Ngài không thuộc hoàng tộc Đa-vít, nhưng để cho người đời thấy rằng, vị Cứu Tinh mà họ đang trông mong không phải là một người con, người cháu nào đó của Vua Đa-vít sẽ đứng lên lật đổ chính quyền thống trị La-mã và làm Vua.Nhưng vị Cứu Tinh đó chính là Thượng Đế trong thân xác một con người mà chính VuaĐa-vítcũng phải tôn thờ.

Câu trả lời của Chúa Giê-xu cũng cho ta thấy không phải Vua Đa-vít  tự ý viết các Thi-thiên, nhưng ông được Thánh Linh cảm hóa mà phát biểu (câu 36). Nói khác đi, những lời chúng ta đọc trong Kinh Thánh đều được Chúa Thánh Linh  hướng dẫn những người viết để nói lên những điều Chúa muốn họ nói hay phát biểu.  Điều này xác định thẩm quyền của Kinh Thánh, vì:  “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn. “ (2 Ti-mô-thê 3:16).

 

 

Bài trướcBài thứ 237: Điều Răn Nào Lớn Nhất?
Bài tiếp theoBài thứ 239: Dâng Hiến