Phước cho những kẻ bị bắt bớ về sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy.
Ma-thi-ơ 5:10b
Nước Thiên Đàng trong câu này là gì?
Ta để ý thì thấy rằng phước lành này giống như phước lành thứ nhất, nghĩa là: Nước Thiên Đàng là của những kẻ ấy.
Chúa trả lời câu hỏi thầm kín của người tin Chúa khi chịu khổ, đó là: Tôi chịu khổ vì danh Chúa để được gì? Chúa cho biết rằng, cuộc đời này người tin Chúa thua thiệt, không có phần nào thuộc về họ cả. Nói khác đi, người tin Chúa vì không thuộc về đời tạm này, nên sẽ không có gì trong đời tạm. Người bị bách hại có khi còn mất cả mạng sống nữa, nhưng họ thuộc về trời, về nước Chúa, về các giá trị vĩnh hằng mà không ai đoạt được.
Người tin Chúa thuộc hẳn về Chúa và hưởng các giá trị thật trong đời này và vĩnh hằng đời sau. Các giá trị đó là đức tin, hi vọng, thương yêu, những điều hoàn toàn xa lạ với loài người băng hoại hư hỏng, tội ác.
Nước Thiên Đàng là nơi Chúa ngự, là chỗ Chúa làm chủ. Tâm hồn người tin Chúa chính là đền thờ Chúa ngự, và chính là thiên đàng. Ta không tin Chúa để chờ đợi một ngày nào đó vào thiên đàng, nhưng ta thuộc về thiên đàng ngay trong hiện tại. Những người chịu khổ vì Chúa nên nhớ rằng, Chúa đang sống trong tâm hồn mình, và tâm hồn đó được an nghỉ giữa sóng gió của cuộc đời.
Khi chịu khổ vì sự công chính, hay là khi sống trong niềm tin, hi vọng và tình thương thật mà bị bách hại, thì nên nhớ đến Chúa, đến vết thương của Ngài khi xưa, và nên ý thức rằng Chúa vẫn ở với mình.
Nhiều người trong lúc chịu bách hại, than rằng: không biết Chúa ở đâu mà không giải cứu tôi. Chúa ở đâu mà không ra tay cứu giúp? Có người trả lời rằng, Chúa ở trên thập giá. Chúa đã chịu hết những khổ đau cho ta rồi. Chúa vẫn quan tâm và không bao giờ bỏ ta, đó chính là nước thiên đàng trong câu Kinh-thánh này.
Chúng ta sẽ áp dụng câu này trong thực tế như thế nào? Xin kể ra một vài điểm áp dụng, mong quý vị thực nghiệm:
a. Cuộc đời người tin Chúa có giá phải trả; giá đó nhiều khi rất đắt. Tuy nhiên khi ta đã nắm được chân lý, đã biết đâu là giá trị thật, thì nếu giá phải trả là mạng sống cũng vẫn đáng. Chính vì lý do này mà nhiều người bằng lòng tử đạo hơn là chối bỏ Chúa để được quyền lợi trong đời.
b. Chịu khổ phải đúng ý nghĩa. Nếu chịu khổ vì dại dột, vì lập dị, hay thách thức kẻ thù, thì lý do chịu khổ không đáng, phần thưởng chắc cũng không có.
c. Càng sống trong khó khăn bách hại bao nhiêu thì lại cần phải chăm sóc đức tin bấy nhiêu, càng đến gần Chúa hơn. Khi trở về với Chúa, ta lúc nào cũng sẽ được an ủi, bao bọc, che chở.
d. Chúa không bao giờ muốn gây tai họa vô cớ cho con dân Chúa. Chúa luôn luôn có những ý định thiện lành đối với chúng ta, vì thế nên phân biệt rõ giữa thử thách và tai nạn. Chúa đưa thử thách đến để rèn luyện. Tai nạn có khi là một thử thách, nhưng thử thách không nhất thiết lúc nào cũng là tai nạn. Tai nạn nhiều khi là do tính bất cẩn hay không khôn ngoan, ta phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm của mình, có khi là chịu khổ. Ngoài ra, vì sống trong xã hội tội lỗi, nhiều khi con dân Chúa cũng phải chịu chung những tai họa Chúa đưa đến cho thế giới con người. Chúng ta chỉ khác người đời là có Chúa an ủi, ban sức lực và khôn ngoan cho ta trong mọi hoàn cảnh.
Cầu xin Chúa giúp bạn hiểu được ý nghĩa của việc chịu khổ và sẵn sàng chịu khổ vì Chúa.