Bài thứ 219: Số Phận Của Kẻ Ác

1142

1.       Lạy Đức Giê-hô-va, xin thương xót con! Xin đoái xem nỗi đau khổ do kẻ thù con gây nên; Ngài là Đấng đem con lên khỏi cổng sự chết,

2.       để con thuật lại mọi lời ca ngợi Chúa; tại cổng thành Con Gái Si-ôn, con vui mừng về sự giải cứu của Ngài.

3.       Các dân đã sa xuống hố mà chúng đã đào; chân chúng mắc vào lưới mà chúng đã giăng.

4.       Đức Giê-hô-va tự bày tỏ chính Ngài qua công lý; kẻ ác bị mắc bẫy do chính tay chúng đã gài.

5.       Kẻ ác phải đi vào âm phủ, tất cả dân quên Đức Chúa Trời cũng vậy.

6.       Người thiếu thốn sẽ không bị bỏ quên luôn luôn, và kẻ khốn cùng chẳng thất vọng mãi mãi.

7.       Lạy Đức Giê-hô-va, xin trỗi dậy! Đừng để người phàm thắng thế; nguyện các nước bị phán xét trước mặt Ngài.

8.       Lạy Đức Giê-hô-va, xin khiến chúng sợ hãi, nguyện các dân biết rằng họ chỉ là người phàm.

 

Thi-thiên 9:13-20

 

 

Đây là đoạn thứ hai của Thi-thiên 9.  Đoạn này có những lời cầu xin ở hai câu đầu và hai câu cuối, các câu ở giữa phản ánh những lời tiên tri về lịch sử của kẻ ác và của các dân quên Đức Chúa Trời.”

     

      Câu 13,14:  Lời cầu xin của Đa-vít căn cứ vào ân lành cứu rỗi của Chúa mà tác giả đã kinh nghiệm trong quá khứ:  Đấng đã đem con lên khỏi cổng của sự chết, để xin Chúa can thiệp trong hoàn cảnh hiện tại:  Xin đoái xem nỗi đau khổ do kẻ thù con gây nên  để tương lai có thể ca ngợi Chúa thêm nữa:  để con thuật lại mọi lời ca ngợi Chúa; tại cổng thành Con Gái Si-ôn, con vui mừng về sự giải cứu của Ngài.  Tác giả tin rằng dù gian nan đến đâu, Đấng giải cứu khỏi cổng của sự chết cũng sẽ cho ông được an lành và ra trước cổng của Con Gái Si-ôn mà ca ngợi cảm tạ.  Đây là loại cầu nguyện và hứa nguyện cảm tạ vì tin chắc Chúa thương xót ra tay cứu giúp.

Câu 15-16:  Đây là những điều Đa-vít đã từng chứng kiến.  Nguyên tắc của Chúa là: âm mưu hại kẻ khác lại hại mình, đào hố thì sa xuống hố, giăng lưới lại mắc vào lưới, việc ác mình làm trở lại hại mình.  Cuộc trừng phạt của Chúa rất đơn giản và công bằng: làm điều ác cho kẻ khác tức là tự làm hại mình.  Đây là cách báo ứng của Chúa đối với những người phủ nhận và bài trừ danh thế của Chúa xưa và nay.

 

Câu 17:  Định nghĩa kẻ ác ở đây là: dân quên Đức Chúa Trời.  Những người không tin Chúa tức là chống lại Chúa và là kẻ thù của Chúa.  Những người vô tín không phải là vô tình mà làm như vậy, nhưng đã có ý chí quyết định đứng về phía vô thần và công khai bài bác và tàn phá công việc của Chúa.  Khi không công nhận Chúa, những người ấy tự xếp hạng mình vào loại người bị diệt vong.  Câu 17 nguyên văn là: kẻ ác sẽ trở về âm phủ, nghĩa là việc ác do từ ma quỷ là kẻ phản nghịch Chúa phát sinh thì cũng sẽ đưa kẻ làm ác trở về với ma quỷ.

Câu 18:  Kẻ thân cô, thế cô, những người bị ngược đãi trong đời không bị Chúa quên bao giờ, theo như người ta vẫn quan niệm.  Chúa rất công minh, Ngài luôn nhớ đến những thành phần khổ sở, nhất là những nạn nhân của các chế độ chống lại Chúa.  Đây là lời an ủi cho những ai đang sống trong cảnh áp bức và tuyệt vọng:  kẻ khốn cùng sẽ chẳng thất vọng mãi mãi.

 

Câu 19,20: Đây là lời cầu nguyện cuối.  Tác giả xin cho kẻ thù bị thua, bị đem ra xét xử tội phạm, biết thế lực của Chúa:làm cho chúng sợ hãi, và tự biết họ không thể nào đối địch với Chúa Toàn Năng được:  Nguyện các dân biết mình chẳng qua là người phàm.  Đây không phải là những lời cầu xin võ đoán hay là ước mong, nhưng là những điều tin chắc và hi vọng.  Lời cầu xin này ngày nay chúng ta cũng có thể bắt chước, tuỳ theo hoàn cảnh của mình.

 

 

Bài trướcBình Định Tổ Chức Trại Hè Cho Thanh Thiếu Niên.
Bài tiếp theoKhóa Học Người Nữ Trong Nhà Chúa Lần 2 Tại Cà Mau.