Bài thứ 182: Tác Hại Của Lời Nói

1140

Đọc Thi-thiên 12

Câu căn bản: Lạy Đức Giê-hô-va, chính Ngài sẽ gìn giữ người khốn cùng; Ngài luôn bảo vệ họ khỏi thế hệ này. Câu 7.

 

 

Suy niệm: Trong đời sống lời nói lúc nào cũng là lợi khí, để xây dựng cũng như để phá hoại hay làm hại. Lời nói hiểm độc thường làm cho người ta khốn khổ hơn gươm dáo hay bất cứ điều gì trong đời. Thi-thiên 12 là một bài thơ nói về tác hại của lời nói.

 

Thi-thiên 12 mở đầu bằng một lời kêu cứu:  Đức Giê-hô-va ôi  Xin cứu chúng con vì người tin kính không còn nữa, người trung tín đã biến mất khỏi con cái loài người. Người kính thờ Thiên Chúa và người đáng tin cậy không tìm thấy trong xã hội nữa, vì vậy mà phải kêu cứu.

 

Con người sẽ thật cô đơn khi nào quanh mình không có ai đáng tin cậy, cho mình thổ lộ tâm tình, trò chuyện như bạn bè. Những lúc ấy chỉ còn có Chúa là Đấng mà ta có thể chuyện trò và tìm được thông cảm.

 

Câu thứ hai cho biết rõ vì sao mà tác giả phải kêu cứu: Chúng dùng lời dối trá mà trò chuyện với nhau, lấy môi nói những lời dua nịnh mà lòng thì dối gạt.  Chung quanh tác giả người ta đều ăn nói dối trá, khen tặng nhau giả tạo, nói một đàng làm một nẻo. Làm sao ta có thể sống được nếu quanh ta người ta chỉ hứa hão huyền, chỉ tâng bốc nhau bằng những lời trống rỗng và không ai dám nói thật những gì mình  đang nghĩ hay những gì mình muốn nói.

 

Đọc câu này chúng ta cũng phải tự xét mình, xem thử lời nói của mình có lúc nào mang vẻ dối trá hoặc lừa dối, hoặc úp mở hay không ?  Người tin Chúa được dạy là phải có môi miệng thanh sạch.  Nghĩa là giữ lời hứa và nói thật đúng những gì mình muốn phát biểu. Đó cũng là cách giúp cho cộng đồng của chúng ta sống được tốt đẹp.

 

Câu 3-4 ghi: Đức Giê-hô-va diệt tất cả môi dua nịnh và lưỡi khoác lác của những kẻ nói rằng: “ Nhờ lưỡi mình chúng ta sẽ thắng thế; môi chúng ta thuộc về chúng ta; ai là chủ của chúng ta?”

 

Thật ra hai câu này vẫn là lời cầu nguyện. Tác giả cầu mong Chúa diệt những kẻ có miệng lưỡi độc hại. Đó là những kẻ nói ngang ngược, phỉ báng Thiên Chúa và những người tôn thờ Ngài. Họ cho rằng không ai kiềm chế họ được.

 

Câu 5 ghi:  “Vì người khốn cùng bị áp bức và kẻ thiếu thốn rên xiết, nên Đức Giê-hô-va phán: ‘Bây giờ Ta sẽ đứng dậy, đặt họ nơi yên ổn mà họ ước mong.’” Chúa không bao giờ bỏ qua những tiếng kêu khóc của con dân Chúa, nhưng hứa rằng sẽ đưa họ vào nơi an nghỉ.

 

Vì  “Lời hứa của Đức Giê-hô-va là lời thanh sạch, giống như bạc đã luyện trong lò gốm, tinh luyện đến bảy lần.” (Câu 6). Hai câu này đem hi vọng cho con dân Chúa, vì Chúa của chúng ta là Chúa của Chân Lý, vì vậy lời phán của Ngài không có hậu ý, không gián tiếp, không khúc mắc, bao giờ cũng nghiệm đúng, không sai lạc. Vấn đề là con dân Chúa có tin hay không mà thôi.

 

Câu 7-8 là lời cầu nguyện. Người tin Chúa lúc nào cũng phải ý thức rằng: Mình không thuộc về xã hội mà mình đang sống và Chúa luôn luôn bảo vệ con dân Ngài. Biết như thế chúng ta có thể sống mà không tuyệt vọng.

 

Mời bạn đọc lại hai câu cuối của Thi-thiên 12 như lời cầu nguyện của riêng mình hôm nay.

 

Bài trướcBài thứ 181: Hết Lòng Tin Cậy Chúa
Bài tiếp theo4.500 Người Dự Hội Đồng Bồi Linh Tại Tỉnh Lâm Đồng