Nguyễn Sinh Biên Soạn
Học Biết Ý Chúa
Có người đã cho rằng câu hỏi sâu xa nhất của nhân lọai gồm tóm trong hai chữ ngắn đó là: “Why I ?” Nghĩa là “Tại sao lại tôi?”. Người ta có thể đặt câu hỏi này dưới nhiều hình thức, nhưng dường như câu hỏi này đã nằm trong tâm trí mỗi người. Cho đến khi nào ta đặt câu hỏi này và tìm ra câu giải đáp thì đời sống mới có ý nghĩa đích thực cho ta.
Tôi cho rằng có người chưa bao giờ đặt câu hỏi này và cứ sống tự nhiên, không mục đích mà cũng không chủ trương gì. Sống như sinh vật, nghĩa là ăn những gì có và tìm đến những gì làm thỏa mãn nhu cầu. Nhưng con người bao giờ cũng phải có lý do đề sống, vì thế mới đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại tôi?”
Chúa Giê-xu trong Phúc Âm Giăng 17:4 đã nói với Đức Chúa Trời rằng: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm.” Lời nói này cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã có một chương trình rõ rệt cho cuộc đời của Chúa Giê-xu, Chúa Giê-xu biết rõ chương trình ấy và Ngài đã theo đúng mà hành động. Đối với Chúa Giê-xu đã thế, đối với mỗi chúng ta cũng vậy. Không ai có mặt trên đời này ngẫu nhiên cả, Đức Chúa Trời có kế hoạch cho mỗi cuộc đời, đó là điều chắc chắn.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cho mỗi chúng ta khả năng chọn lựa và tự do quyết định. Chúa Giê-xu cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê rằng: “…tuy nhiên không theo ý con mà xin theo ý Cha.” Lu-ca 22:42. Lời cầu nguyện này dạy ta hai điều quan trọng:
Thứ nhất: Một người có thể có quyết định cho đời mình khác hẳn với quyết định của Chúa dành cho mình.
Thứ hai: Một người có thể theo ý riêng hành động và quay lưng lại quyết định của Chúa dành cho mình.
Mỗi chúng ta đều đối diện với cùng một lựa chọn.
Có câu chuyện kể rằng một người kia rất là giỏi, ai muốn hỏi câu gì ông ta cũng trả lời đúng hết. Một hôm có chú bé tìm cách sập bẫy ông ta. Nó cầm trong tay một con chim nhỏ còn sống rồi hỏi người ấy: “Thưa ông, con chim trong tay cháu sống hay là chết.” Nó định là khi ông khôn ngoan nói con chim chết thì nó sẽ buông tay cho con chim bay đi. Còn nếu ông ta nói con chim sống, thì nó sẽ bóp con chim cho chết đi rồi mở tay ra cho thấy con chim chết.
Nhưng người khôn ấy không nhìn vào tay đứa bé, trái lại ông nhìn thẳng vào mắt nó rồi nói: “Bé ơi, còn tuỳ theo cháu muốn đó thôi!”
Cuộc đời mỗi chúng ta cũng vậy. Chúng ta ước muốn thế nào thì sống như thế – sống theo ý Chúa hay sống theo cách nào khác còn tuỳ ý chúng ta lựa chọn.
Ngay cả khi chúng ta cầu nguyện bằng lòng tin rằng: “Xin thánh ý Chúa được nên,” chúng ta vẫn chưa giải đáp câu hỏi: “Tại sao lại con?” Ý Chúa cho cuộc đời tôi là gì? Nhiều người nêu lên câu hỏi đó, người khác cho rằng làm sao biết ý Chúa được?
Lời Kinh Thánh dạy: “Phàm trong các việc làm của con khá nhận biết Chúa thì Ngài sẽ chỉ lối cho con.” Châm Ngôn 3:6.
Làm thế nào Chúa cho chúng ta biết ý của Ngài?
1. Thật ra Chúa đã làm rất nhiều điều để chỉ đạo cho chúng ta từ khi Ngài tạo dựng nên chúng ta. Này nhá, chúng ta được sinh ra với một số khả năng và tài khéo và Chúa có kế hoạch cho chúng ta làm được điều mà mình có thể làm. Chúng ta cũng có thể biết ý định của Chúa bằng cách để ý đến những cơ hội hay dịp tiện của mình. Chúng ta có thể thấy rằng Chúa cung cấp dịp tiện hay cơ hội để thực hiện các mục đích của Ngài.
2. Chúa thường cho chúng ta biết ý định của Ngài qua những việc làm trực tiếp của thiên hựu. Bác sĩ Albert Schweitzer là một môn đồ đắc lực của Chúa trong thế kỷ 20. Khi còn trẻ tuổi ông cố tìm một việc làm. Ông có khả năng về nhiều phương diện: ông là nhạc sĩ, bác sĩ và có tài dạy học và trong mỗi ngành chuyên môn này ông đều là bậc thầy cả. Ông có nhiều cơ hội quá nên cũng khó lựa chọn. Chương trình của Chúa cho ông là gì?
Một hôm khi dọn bàn làm việc ông gặp tờ tạp chí của Hội Truyền Giáo Paris. Báo gởi cho một người trong xóm, nhưng người đưa thư đưa nhầm vào địa chỉ nhà ông. Nhìn qua tờ báo, ông thấy có bài mang tựa đề: “Nhu cầu của Hội Truyền Giáo Congo”. Ông đọc bài báo, và ngay sau đó ông nói: “Cuộc tìm tòi việc làm của tôi đã kết thúc.” Bác sĩ Schweitzer đi Congo mở một nhà thương và làm việc tại đó trong nhiều năm.
Người đưa thư không ngẫu nhiên mà đưa nhầm tạp chí của Hội Truyền Giáo Paris và nhà ông Schweitzer đâu. Đúng là có sự xếp đặt của Chúa cho người của Ngài.
Câu hỏi mà nhiều người thường đặt ra là: Làm sao tôi biết được ý Chúa cho đời tôi?
Đọc đến đây chắc bạn đã thấy hai cách:
Thứ nhất là qua việc xem xét về khả năng và tài khéo của mình với các cơ hội và dịp tiện đưa đến.
Thứ hai, qua mặc khải đặc biệt của Chúa.
Nhưng cũng còn các phương cách khác nữa.
Chúng ta có thể dùng phán đoán kỹ lưỡng nhất của mình.
Khi nói về việc tìm ý Chúa trong Kinh Thánh, một nhà thần học đã viết rằng:
“Sự chỉ đạo của Chúa trong Kinh Thánh Cựu Ước đề cập đến những chi tiết của cuộc sống mỗi ngày trong khi chỉ đạo của Chúa trong Kinh Thánh Tân Ước được diễn tả trong những mệnh lệnh và nguyên tắc tổng quát hơn.”
Vào những thời đại của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời mặc khải ý chỉ của Ngài theo nhiều cách, nhưng đa số rõ rệt là thuộc về ba loại sau đây:
1. Chúa dùng những phép lạ để cho biết ý chỉ của Ngài.
Trước khi có Kinh Thánh là mạc khải của Chúa cho loài người, Chúa thường dùng phép lạ để giải bày ý chỉ hay quyết định của Ngài. Thí dụ như khi muốn cho Môi-se biết ý chỉ của Ngài cho ông ta, Chúa đã dùng một bụi gai cháy. Ở vùng kế sa mạc thì bụi gai cháy không có gì lạ, nhưng bụi gai ấy cháy mà không tàn là chuyện chưa bao giờ xẩy ra. Điểm này làm cho Môi-se chú ý và lại gần để được Chúa ban mệnh lệnh. Chúa dùng phép lạ để cho biết ý định của Ngài vì lúc đó chưa có Kinh Thánh.
2. Chúa phán dạy qua hiện tượng và giấc mơ
Chúa phán dạy Áp-ra-ham qua hiện tượng và giấc mơ, Chúa cũng cho Giô-sép những hình ảnh để phần nào biết về cuộc đời của ông ta. Chúa còn cho biết việc Ngài làm cho ông vua Ai-cập nằm mơ và cho Giô-sép giải đoán các giấc mơ đó để chuẩn bị cho một trận đói lớn trong vùng này.
Trong Kinh Thánh Tân Ước Phi-e-rơ thấy từ trên trời dòng xuống một tấm khăn chứa đủ mọi sinh vật xấu để làm đồ ăn. Đây là những sinh vật mà Chúa cấm dân Chúa không được dùng làm đồ ăn. Khi Phi-e-rơ từ chối thì Chúa cho ông hay là ông phải đem tin mừng giảng cho các dân tộc bị coi là xấu xa ngoài Do-thái.
3. Chúa cho biết ý định của Chúa qua mặc khải trực tiếp
Chúa phán dạy các sứ giả của Ngài và các vị này truyền lại cho những người cần nghe. Đây là phận sự của các vị tiên tri trong Kinh Thánh thuở xưa. Ngày nay không còn các tiên tri nữa. Vị tiên tri cuối cùng là Giăng, người làm báp tem. Lu-ca 3:1,2 ghi rằng: Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ, khi Bôn-xơ Phi-lát làm quan tổng đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê, Phi-líp em vua ấy làm vua chư hầu xứ Y-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít, Ly-sa-ni -a làm vua chư hầu xứ A-by-len, An-ne và Cai-phe làm thầy cả thượng phẩm, thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng.
Hơn nữa trong thư Hê-bơ-rơ 1:1,2 có ghi rõ: Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian;
Qua các câu Kinh Thánh này và nhiều câu khác nói về lời Chúa có tác dụng dạy bảo và hướng dẫn, vì thế ta có thể tìm biết ý định của Chúa qua lời Kinh Thánh và giây phút tâm giao với Chúa.
Mặt khác, có người nói rằng Chúa truyền cho họ những lời nào và việc gì để thực hiện, ta không nên tin nhận, vì có thể chỉ là những ước mơ của chính người đó hơn là Chúa truyền dạy. Các nhà thần học đều nhận định rằng người truyền rao Tin lành là truyền rao lời Kinh Thánh và tiếp nối công việc của Chúa Giê-xu, họ không phải là các nhà tiên tri như trong thời Kinh Thánh mà Giăng người làm báp-tem là tiên tri cuối cùng.
Người tin Chúa nên dùng Kinh Thánh như thẩm quyền sau cùng hướng dẫn từng bước ta đi, từng việc ta làm. Thi Thiên 119:105 là câu ta nên nắm vững: Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, là ánh sáng cho đường lối tôi. Lời Chúa giúp cho ta suy nghĩ, nhận định và quyết định.
Trong bài sau chúng ta sẽ bàn về các điều kiện để theo ý chỉ của Chúa. Mời quý độc giả đón đọc.