Bài 2: Cầu Xin có Khó Không?

1160

 

Nguyễn Sinh Biên Soạn

 


 

Cầu Xin có Khó Không?

 

Trong một hội nghị Tin Lành, bà Kate Smith được hỏi về triết lý sống của bà. Bà nói rằng cho đến nay đã cao tuổi, bà vẫn sống với chủ trương như lúc bà còn thiếu nữ và triết lý sống của bà tóm gọn trong bốn chữ: “Thử cầu xin Chúa”. Bà kể rằng một mùa hè kia bà cùng với hai thiếu nữ khác chèo thuyền trên vịnh Chesapeake. Cả ba đều trong tuổi mười mấy. Họ không để ý là thủy triều lên nhanh và kéo thuyền họ rất xa bờ trong lúc trời tối dần. Cả ba đều rất lo sợ, họ cố kêu cứu, nhưng tiếng họ kêu chẳng ai nghe. Bỗng Kate Smith nhớ lại trong Kinh Thánh có ghi rằng, khi nào có hai ba người nhân danh Chúa Giê-xu mà cầu nguyện, thì Chúa sẽ có mặt tại đó. Cô liền nói với hai bạn rằng: “Chúng ta có ba người, vậy là đúng tiêu chuẩn cầu nguyện rồi, vì Kinh Thánh nói rằng nếu có hai hay ba người hợp chung cầu nguyện thì Chúa sẽ nghe lời cầu nguyện. Chúng ta cầu nguyện đi, Chúa sẽ cứu chúng ta.” Ba cô bé liền cầu nguyện lớn tiếng trong cơn sợ hãi. Ngay sau đó họ thấy một chiếc thuyền lại gần và người trên thuyền giúp kéo họ vào bờ an toàn. Kể từ khi ấy mỗi khi gặp khó khăn, có nhu cầu, bất mãn, nói chung là trong mọi cảnh trạng của cuộc đời, triết lý của Kate Smith đơn giản là: “Thử cầu xin Chúa.”

 

Nhiều người cũng đã áp dụng cách cầu nguyện này và được Chúa thương xót ra tay cứu vớt. Chúng ta nên nhớ rằng Chúa không muốn cho con dân Chúa thất thế và đau khổ trong đời sống. Chúa Giê-xu từng nói:

 

“Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở. Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?”

 

Căn cứ vào những lời hứa này, tại sao ta còn ngần ngại không cầu xin Chúa khi mình gặp khó khăn?

 

Chúng ta đọc trong Sáng thế ký, sách đầu tiên của Kinh Thánh nói về cách Chúa tạo nên trời đất. Chúa sáng tạo nên tất cả rồi Chúa tạo nên người và bảo người chế ngự mặt đất. Nghĩa là sở hữu và sử dụng đất cho lợi ích của người. Khi tôi cầu xin Chúa giúp tôi, là tôi cầu xin Chúa hoàn thành những gì mà chính Chúa đã sai bảo tôi làm. Như thế cầu xin Chúa giúp đỡ và ban phước lành không phải là làm cho Chúa bất mãn.

 

Nhưng có người nói rằng, tôi cầu xin Chúa nhưng không nhận được điều tôi xin. Trong Gia-cơ chương 4 có những lời này:

 

Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được, vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình.

 

Cũng trong chương 4 lại ghi:

Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi;

 

Gia-cơ còn dạy: Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.

 

Như thế bắt đầu cầu nguyện ta phải có một quan hệ thật đúng đối với Chúa, nếu không có sự bắt đầu như thế, chúng ta chỉ nói một số câu nói rồi gọi đó là cầu nguyện. Bạn tôi cho tôi một cái đèn để bàn rất đẹp. Đèn này anh ấy tự làm cho tôi và rất là tiện. Nhưng giả sử như tôi đem về nhà, vặn đèn lên nhưng đèn không sáng. Tôi có thể bảo rằng tất cả đèn điện đều là giả cả. Nan đề có thể là ở nơi cái đèn. Mặt khác đèn không sáng có thể vì tôi chưa cắm vào nguồn điện. Chung quanh tôi điện khắp nơi, nhưng khi nào tôi nối chiếc đèn của tôi vào chỗ cắm điện, thì đèn của tôi mới sáng được.

 

Cầu nguyện cũng thế. Tôi có thể dùng những lời cao sang, hay đẹp, nhưng nếu chưa nối kết với nguồn sức mạnh, thì lời cầu xin của tôi chỉ là những điều vô nghĩa. Chúa Giê-xu từng nói về một số người là: “Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm. Vậy, các ngươi đừng như họ; vì Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài. Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh;” Nghĩa là, trước khi xét đến hiệu quả của lời cầu nguyện hãy xét xem mình có được kết nối với nguồn sống hay chưa.

 

Một bà có bệnh ra vùng biển để chữa bệnh. Mỗi ngày bà ngồi trên bờ biển một mình và giữa thiên nhiên bao la đó bà cố hướng tâm hồn về Chúa. Một hôm bà bỗng ý thức được cái yên lặng sâu thẳm của thiên nhiên. Yên lặng đến nỗi bà nghe được tiếng tim mình đập và bà thấy tim đập theo một nhịp điệu. Bà quay lại nhìn vào bãi cỏ gần đó, bà thấy cỏ dợn lên theo làn gió và cũng có một nhịp điệu, bà cảm thấy như hòa hợp với nhịp tim của mình. Bà nhìn ra biển và thấy sóng nhấp nhô, tràn lên bãi cát rồi rút ra xa bờ cũng theo một nhịp điệu, nhịp điệu của sóng trên cỏ xanh và nhịp điệu trong tim bà. Bà ý thức rằng bà đang hòa hợp với tự nhiên, và với Chúa là Đấng sáng tạo nên tất cả. Bà nói: “Bây giờ tôi biết rằng có một sức mạnh do đó sự sống có thể tái tạo- và mỗi chúng ta phải hòa nhịp với sức mạnh đó.”

 

Chúng ta đã nói đến điều kiện khởi đầu của việc cầu nguyện, đó là hòa nhịp hay là kết nối với Đức Chúa Trời, là Nguồn của sự sống và sức mạnh. Như thế không cần phải bật nút và tìm phước hạnh cho việc cầu nguyện, cho đến khi nào sự sống của chúng ta kết nối hoàn toàn với Chúa. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người cầu nguyện mà không thấy hiệu quả nào.

 

Chúng ta phải cầu xin với đức tin.

Ma-thi-ơ 9:27-29 ghi câu chuyện về hai người mù được Chúa chữa lành như sau:

 

“Đức Chúa Jêsus ở đó ra đi, có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: Hỡi con cháu vua Đa-vít, xin thương chúng tôi cùng! Khi Ngài đã vào nhà rồi, hai người mù đến; Ngài bèn phán rằng: Hai ngươi tin ta làm được đều hai ngươi ao ước sao? Họ thưa rằng: Lạy Chúa được. Ngài bèn rờ mắt hai người mà phán rằng: Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy.”

 

Có người nói rằng: “Lý do mà chim bay mà chúng ta không bay được chỉ vì chim có đức tin hoàn toàn, vì có đức tin là phải có hai cánh.” Nghĩa là, nếu ta có đức tin ta có thể kiếm cách cho đức tin ấy thể hiện. Khi chúng ta cầu xin Chúa với đức tin, thì tức khắc chúng ta loại bỏ khỏi tâm trí chúng ta những tư tưởng thất bại hư hỏng và chúng ta bắt đầu phát triển một sự tin cậy – sự tin cậy có ba chiều.

 

1. Thứ nhất, tin cậy nơi chính mình. Một người mất quyết tâm là người đáng thương. Anh ta lùi lại trước mọi công việc, và tránh mọi cơ hội. Nhưng khi người ấy tự tin, sẽ có sức mạnh mà anh ta tưởng mình không có.

 

Mặt khác, ta phải tự nhắc mình rằng tự tin chưa đủ.

2, Thứ hai, khi chúng ta tin, chúng ta phát triển đức tin ra cho bạn bè vì chúng ta sống là sống với người khác. Tại sao người nam và người nữ kết hôn? Không phải chỉ vì quan hệ ngoại hình đâu. Con người có các nhu cầu sâu xa hơn là nhu cầu về thể chất và đức tin chân thật đưa ta đến chỗ tin vào sự tốt lành và đáng tin cậy của người khác, và biết rằng tình bạn tạo nên sức mạnh. Nhưng nên nhớ rằng chúng ta có những nhu cầu mà các nguồn từ con người không thể cung ứng được.

 

3. Thứ ba, đức tin chân thật không những đưa ta đến chỗ tự tin và tin cậy nơi người khác, nhưng còn dẫn chúng ta đến chỗ tin cậy nơi Chúa. Kinh Thánh dạy: “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài”. Hê-bơ-rơ 11:6

 

Tóm lại, khi một người có đức tin, thì triết lý sống của người ấy là: “Thử cầu xin Chúa.”, và việc cầu xin có ý nghĩa thật.

 

Định nghĩa về cầu nguyện hay nhất được ghi trong Tín Lý Vấn đáp Westminster Ngắn như sau:

“Cầu nguyện là việc dâng hiến các ước muốn của ta lên cho Chúa để nhận những điều phù hợp với ý chỉ của Chúa.”

 

Định nghĩa này cho thấy rằng ta phải đặt trọng tâm của việc cầu nguyện vào đúng chỗ – đó là không vào những điều chúng ta cầu xin, nhưng tập trung vào Chúa và ý chỉ của Ngài. Nhưng cũng có chỗ cho phía con người cầu xin nữa, đó là trình bày các ước muốn của mình. Nghĩa là, chúng ta đến chỗ tin cậy vào khả năng thực hiện, các mục đích của Chúa và những gì Chúa áp ứng cho lời cầu xin chính là đáp ứng cho điều chúng ta muốn.

 

Như thế người tin Chúa không những cầu xin Chúa, nhưng sau khi cầu xin thêm rằng: Cầu xin trong danh Chúa Giê-xu. Cầu xin nhân danh hay trong danh Chúa Giê-xu là cầu xin trong thần linh của Chúa Cứu Thế. Nghĩa là cầu xin đúng như Chúa Cứu Thế cầu xin nếu Ngài ở địa vị chúng ta. Như thế là chúng ta muốn biết ý của Đức Chúa Trời và thần linh của Đức Chúa Trời như chính Chúa Cứu thế biết. Và cuộc đời của chúng ta được giao thác vào ý chỉ và các phương cách của Chúa, y như cuộc đời Chúa Cứu Thế đã được ký thác. Mục đích chân thực của việc cầu nguyện không phải là nhận điều gì từ nơi Chúa nhưng là giao thác chính mình vào tay Chúa.

 

 

——————-

Xem lại Bài 1

 

Bài trướcUBCĐGD – Giới Thiệu Sách “Mỗi Ngày Một Chút”.
Bài tiếp theoBài thứ 96: Nghi Ngờ Chân Thành