Bài thứ 96: Nghi Ngờ Chân Thành

870

 

Đọc Giăng 11:1-16 và 20:24-29

Câu căn bản: Rồi Ngài bảo Thô-ma: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta.  Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta.  Đừng vô tín nhưng hãy tin!”  Thô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời con!” (Giăng 20:27-28).

 

 

Suy niệm:  Trong tôi và bạn đều có thấp thoáng bóng dáng Thô-ma, một con người hay nghi ngờ.  Trong Giăng 11 Thô-ma chân thành nói lên nhận xét là nếu Chúa lên Giê-ru-sa-lem chắc sẽ bị nguy hại, nhưng nếu Chúa đã quyết định đi thì các môn đồ cũng đi để chết với Ngài.  Nhưng tại Giê-ru-sa-lem, khi Thầy bị đóng đinh trên thập giá, Thô-ma không can đảm như đã tuyên bố.  Thô-ma trốn đi đâu mất luôn cho đến mấy ngày sau mới xuất hiện.  Khi nghe tin Chúa sống lại và hiện ra gặp các môn đồ, Thô-ma dứt khoát không chấp nhận, nhưng khi chính tay ông đụng chạm vào vết thương ở thân thể Chúa, thì tất cả con người của ông đổ sụp.  Thô-ma công nhận Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời, và chấm dứt nghi ngờ.

 

Một trong những điều ta có thể học được từ người môn đồ này là ông rất can đảm và chân thành.  Thô-ma biết Chúa lên Giê-ru-sa-lem là đón nhận cái chết do từ những kẻ ghét Ngài, nhưng ông rủ mọi người theo Chúa.  Khi Thô-ma không tin Chúa sống lại thì nói ra như thế chứ không về hùa với người khác.  Nhiều người tin Chúa nhưng tin bằng đức tin của người khác chứ riêng mình vẫn còn nghi ngờ không chắc, và không dám thẳng thắn nói ra những gì mình không tin.

 

Điều quan trọng là Chúa Giê-xu biết rõ tâm trạng của Thô-ma và Ngài đã gặp riêng Thô-ma để cho ông trực tiếp nhận xét.  Chúa cũng sẽ gặp bạn và cho bạn biết rõ Ngài nếu bạn chân thành thưa với Chúa về những điều mình còn nghi ngờ.  Chúa sẽ vào tâm hồn bạn, cho bạn thấy những vết thương Ngài chịu thay cho bạn và nhờ đó bạn được cứu.  Xin hãy thưa thật với Chúa tình trạng tâm linh của mình để bắt đầu một hiểu biết mới về Chúa và nhận ra Ngài chính là Cứu Chúa của bạn.

 

 

 

Bài trướcBài 2: Cầu Xin có Khó Không?
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Mục Sư TRẦN HỮU PHƯỚC.