Bài 15: Cầu Nguyện Khi Bất Mãn

1131

Nguyễn Sinh Biên Soạn



Cầu Nguyện Khi Bất Mãn

 

Bất mãn là một tình trạng mà trong sâu kín mỗi tâm hồn đều có thấy. Những ai thành công nhất trên đời cũng vẫn có những giấc mơ chưa bao giờ thực hiện hay là những hi vọng không bao giờ đạt đến. Có người tránh những điều mình ước muốn trong những chương trình hay kế hoạch hoặc việc làm, một số những điều hi vọng trông mong dần dần tan biến đi. Nhưng nếu ai không học cách xử sự với nỗi bất mãn thì cuộc đời dần dần hóa ra chua chát và không còn thú vị gì nữa.

 

Một người tin Chúa từng nói rằng: Tôi đã học cách biến bất mãn của tôi thành ra bất mãn của Chúa.

 

Thái độ ấy không phải là vào những lúc đối diện với thảm cảnh, ta đứng yên khoanh tay nói rằng: Thôi thì ý muốn Chúa như thế tôi cũng đành chịu chứ làm sao bây giờ? Vì có thể cái bất mãn của ta chính là ý của Chúa thì sao?  Nhưng như thế cũng không phải là ta co mình ẩn trốn trong đó và ngưng lại tất cả.

 

Sứ đồ Phao-lô dạy:

Vậy nên, hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng. Ê-phê-sô 6:13.

 

Câu này không bảo ta ..và khi thắng mọi sự rồi, thì bỏ hết, chấm dứt. Nhưng ra lệnh: hãy đứng vững vàng. Như thế nghĩa là tiếp tục hành động.  Lúc ấy ta đang tiến bước trên một hành trình, bỗng trở ngại làm cho phải ngưng lại. Dường như Chúa bảo: Ta không thể để cho con đi về hướng đó.  Nhưng đó chưa phải là lệnh sau cùng của Chúa, Ngài có thể bảo: Ta có một lối khác cho con đi.  Vì kế hoạch của Chúa không bao giờ đi đến một đường cùng. Chúa có thể ngăn chặn đường, nhưng lại mở cho lối đi khác.

 

Victor Hugo là nhà văn lớn của Pháp, khi bốn mươi tám tuổi ông bị đày đi hải đảo Guernsey và sống ở đó trong suốt 20 năm. Đó thực là một giai đoạn cực kỳ bất mãn cho nhà văn, nhưng cũng tại hải đảo này, ông đã viết tác phẩm Les Misérables tức là Những kẻ khốn cùng là một tác phẩm văn chương quý của thế giới. Không có những năm bất mãn đó, chắc gì ta đã có tác phẩm đó. Nhưng khi nào tai nạn chấm dứt và đức quan phòng của Chúa bắt đầu không ai biết được.

 

Có người nói rằng cuộc đời mỗi người là một cuốn nhật ký để người ấy viết một câu chuyện, và bị ép buộc viết một câu chuyện khác nữa. Nghĩa là mình kế họach theo đường này lại bị bắt buộc đi một con đường khác. Trong hành trình của Sứ đồ Phao lô có mấy lần phải đổi hướng. Trong thư La-mã 15:24 ông viết: 24 vậy nếu tôi có thể đi xứ Tây-ban-nha được, thì mong rằng sẽ tiện đường ghé thăm anh em; sau khi được chút thỏa lòng ở với anh em rồi, thì nhờ anh em sai đưa tôi qua xứ ấy. Sang thăm Tây-ban-nha là giấc mơ và kế hoạch ông đặt ra, nhưng ông bị bắt và bị giải sang La-mã để chờ án tòa. Thay vì đến một nơi xa và hứa hẹn nhiều gặt hái vinh quang cho Chúa, Phao-lô bị đưa vào nhà tù và bị xét xử và tử hình sau nhiều năm giam hãm.

 

Nhiều khi chúng ta khó hiểu vì sao Chúa lại đưa sứ đồ Phao-lô vào tù. Nhưng thay vì oán trách Chúa và hoàn cảnh, ông đã viết:

Hỡi anh em, tôi muốn anh em biết rằng điều xảy đến cho tôi đã giúp thêm sự tấn tới cho đạo Tin Lành, 13 đến nỗi chốn công đường và các nơi khác đều rõ tôi vì Đấng Christ mà chịu xiềng xích. 14 Phần nhiều trong anh em nhơn tôi bị xiềng xích mà có lòng tin rất lớn trong Đấng Christ, dám truyền đạo Đức Chúa Trời chẳng sợ hãi gì. Phi-líp 1:12-14.

 

Chúng ta có thể nghĩ rằng khi ở tù Sứ đồ Phao-lô đã làm chứng cho một vài người lính gác, chẳng đáng bao nhiêu. Chúa dùng Phao-lô về nhiều việc khác mà không ai có thể hiểu được. Mỗi khi mở Kinh Thánh Tân Ước, các bạn có để ý bao nhiêu lá thư trong đó do sứ đồ Phao-lô viết hay không? Kinh Thánh Tân ước có 21 cuốn, trong đó sứ đồ Phao-lô đã viết 10 cuốn, và đa số là viết trong lúc ngồi tù tại La-mã. Chúa muốn Phao-lô không di chuyển nữa, vì ông không có thời gian ngồi viết, vì vậy mà ông bị giam giữ tại La-mã và yên lặng viết 10 bức thư hay tác phẩm của Kinh Thánh Tân ước. 10 tác phẩm của Phao-lô viết trong tù, đã là căn bản cho tín lý Cơ-đốc trong suốt hơn 2000 năm qua và đem đến ánh sáng cho hằng triệu người nhờ nghe giảng dạy các sách đó. Phao-lô có thể bất mãn vì bị tù, nhưng ông không biết rằng Chúa muốn ông dùng tâm trí và khả năng để viết nên Kinh Thánh cho nghìn đời sau có người được cứu nhờ các lời Kinh Thánh đó.

 

Năm 1928, cố Mục sư Phan Đình Liệu bị thực dân Pháp bắt giam vì giảng truyền Tin Lành cho đồng bào, nhưng khi ngồi tù, ông đã làm chứng về Chúa cho các tù nhân, và 12 người đã tin Chúa. Cũng vì việc nhà cầm quyền thực dân Pháp lúc đó kỳ thị đối với Tin Lành mà các mục sư người Pháp đã trình lên chính phủ Pháp, và quốc hội lúc đó đã nhất quyết ra lệnh phải để các mục sư Tin Lành người Mỹ cũng như người Việt được tự do truyền giáo. Việc Mục Sư Liệu bị tù đã trở thành lý do mà người Pháp không áp chế Tin Lành được nữa.

 

Nhưng không phải mọi trường hợp bất mãn đều đưa đến các hậu quả tốt đẹp thuận lợi cả đâu. Vì bất mãn dường như là điều mà con người phải chịu, phải sống với như tật nguyền trong thân xác hay tật bệnh vậy. Ta phải có thái độ nào?

 

Ta phải suy nghĩ sâu xa hơn những câu chuyện thành công vừa kể. Phải đến tận đồi Gô-gô-tha ngày xưa và chiêm nghiệm về thập tự giá.  Vì không có thập giá Chúa Giê-xu đã không thể trở thành Chúa Cứu Thế.  Khi ta gặp cảnh bất mãn đau thương trong đời, hãy nghe lời kêu gọi của Chúa Giê-xu từ nghìn xưa để lại, đó là:  Còn ai không vác thập tự giá mình theo ta, cũng không được làm môn đồ ta. Lu-ca 14:27. Chúng ta cần kiên nhẫn chịu đựng và tìm ra ý chỉ của Chúa trong những nỗi bất mãn của mình. Thập tự giá nhiều khi không bằng gỗ, nhưng bằng những chướng ngại trong đời sống của chúng ta.

 

Ta cũng có thể noi gương Phao-lô trong câu chuyện chính ông kể lại như sau:

 1 Tôi cần phải khoe mình, dầu chẳng có ích gì; nhưng tôi sẽ nói đến các sự hiện thấy và sự Chúa đã tỏ ra.  Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết). Tôi biết người đó (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết)  được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra.5 Về người đó, tôi sẽ khoe mình; nhưng về chính mình tôi, tôi không khoe, chỉ khoe về sự yếu đuối của tôi mà thôi.  6 Dầu tôi muốn khoe mình, thì cũng không phải là một người dại dột, vì tôi sẽ nói thật; nhưng tôi giữ, không nói, hầu cho chẳng ai nghĩ tôi vượt quá sự họ thấy ở nơi tôi và nghe tôi nói. 7 Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. 8 Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. 9 Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. 10 Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

2 Cô-rinh-tô 12:1-10.

 

Nhiều khi gặp tình trạng bất mãn hay khó khăn, ta cầu nguyện, nhưng không thấy Chúa đáp lời thì nên nhớ câu chuyện của Phao-lô, với câu trả lời của Chúa rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Phao-lô cầu nguyện ba lần, nhưng Chúa không cất bỏ gánh nặng, cơn đau hay chướng ngại nào đó, trái lại Chúa bảo rằng Ngài đã ban ân điển để ông có thể chịu nổi nỗi khó khăn đó. Chúng ta cũng có thể nhận được câu trả lời của Chúa khi mình xin Chúa một điều mà thấy Chúa im lặng, vì ân điển Chúa cho đã đủ rồi, ta có thể chịu nổi thử thách và qua khỏi.  Câu Sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối có nghĩa là: Sức mạnh Chúa ban cho mỗi người sẽ trở thành mãnh lực khi nào người ấy cảm thấy thật yếu đuối. Khi nhận thấy mình yếu đuối thì sẽ nhận lấy sức mạnh từ Chúa và đắc thắng hoàn cảnh.

 

Ta có thể theo lời Phao-lô trong khúc Kinh thánh trên đây mà hết lòng nhờ ơn Chúa đắc thắng hoàn cảnh vì Chúa đã ban đủ ân điển cho mỗi chúng ta.

 

Bài trướcBài thứ 251: Giảng Dạy Lời Chúa Và Phục Vụ
Bài tiếp theoGiải Bóng Đá Thanh Niên Tin Lành Tỉnh Vĩnh Long Năm 2013