Làm Sạch Tội – 17/12/2023

20417
Trình chơi Audio

 

 

Châm Ngôn 20:30; Hê-bơ-rơ 12:4-11

“Những thương tích và dấu vít làm cho sạch điều ác, Và roi vọt thấm vào nơi kín đáo của lòng” (câu 30).

Câu hỏi suy ngẫm: Châm Ngôn 20:30 có ý nghĩa ra sao? Mục đích của sự kỷ luật là gì? Điều gì khích lệ bạn khi chịu sự sửa phạt của Chúa?

Qua Châm Ngôn chương 20, Vua Sa-lô-môn cho biết Đức Giê-hô-va thấy rõ những tội ác nơi bí ẩn của tâm can con người và Ngài cáo trách họ (câu 27). Vua là người cai trị đất nước ngồi trên ngôi tra xét dân chúng (câu 8), và vua có trách nhiệm loại bỏ điều ác qua sự trừng phạt nghiêm khắc kẻ ác (câu 26). Vua Sa-lô-môn kết luận chương 20 với ý nghĩa hướng đến sự thanh tẩy tội lỗi qua hình thức kỷ luật, “Những thương tích và dấu vít làm cho sạch điều ác, Và roi vọt thấm vào nơi kín đáo của lòng.”

Cụm từ làm cho sạch có nghĩa là chà hoặc cạo sạch bụi bẩn khỏi bề mặt của một vật nào đó. Câu 30a được sử dụng theo nghĩa bóng nói lên sự tẩy sạch những gì xấu xa ra khỏi cuộc sống của một người. Cụm từ roi vọt thấm vào nơi kín đáo của lòng mang ý nghĩa sự kỷ luật đúng đắn sẽ tác động và giúp thanh tẩy những tội lỗi trong nơi sâu kín của lòng người. Như vậy sự kỷ luật nghiêm khắc sẽ khiến kẻ ác từ bỏ hành vi xấu và trở nên người tốt, hình phạt có thể gây những vết thương nhức nhối nhưng sẽ uốn nắn người xấu trở thành người ngay thẳng, thanh sạch.

Khi dạy về sự sửa phạt của Chúa, trước giả thư Hê-bơ-rơ cũng khẳng định mục đích của Chúa sửa phạt con dân Ngài là vì Chúa yêu chúng ta và muốn chúng ta lìa xa tội lỗi. Chúa vì lợi ích của chúng ta mà sửa phạt để chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết của Ngài (xem Hê-bơ-rơ 12:4-11). Ông khích lệ con dân Chúa chớ ngã lòng khi bị sửa phạt vì: “Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sinh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy” (Hê-bơ-rơ 12:11).

Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng yêu thương và cũng là Đấng thánh khiết, nên không vì yêu thương mà Chúa chấp nhận hoặc bỏ qua tội lỗi. Không bao giờ! Vì thế, là người Chúa giao cho cương vị lãnh đạo, dù trong xã hội, Hội Thánh, hoặc gia đình, chúng ta phải thực hiện nghiêm minh kỷ luật trong tình yêu thương để giúp thanh tẩy tội lỗi cho từng thành viên và cả tập thể được thanh sạch. Mỗi chúng ta cũng cần phải khiêm cung nhận biết những tội lỗi mình đã phạm và ăn năn với Chúa để nhận được sự tha thứ của Ngài. Khi chịu sự sửa phạt không nên buồn lòng nhưng phải biết hồi tâm. Khi đó, đời sống chúng ta mới sinh ra bông trái công bình và bình an, và được dự phần trong sự thánh khiết của Chúa.

Bạn đã thực thi kỷ luật với người và với bản thân của mình ra sao?

Kính lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì nhiều khi con buồn lòng, lui đi trong đức tin khi nhận sự sửa phạt của Chúa. Xin Chúa cho con có đời sống biết kỷ luật nghiêm với chính mình và với anh chị em con để cùng đem lại sự thanh sạch trong Nhà Chúa. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Khải Huyền 1:1-2:7

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Kênh Youtube BHKTHN:

https://www.youtube.com/c/bhkthn

Bài trướcBi Doh Klei Soh – 17/12/2023
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Quả Phụ MSNC HA CHANH