Ngồi nhấm nháp ly cà phê trong một sáng đẹp trời của ngày cuối thu Hà Nội, cô gái thấy lòng nhẹ tênh giữa dòng người tất bật cho một ngày mới. Trước mặt cô là đôi vợ chồng trẻ cùng con trai nhỏ đang ngồi bên nhau quanh bàn cà phê. Có lẽ họ dắt nhau đến quán với ý định tốt lành – thì giờ dành cho gia đình. Thế nhưng, liệu mỗi người trong gia đình ấy có cảm nhận được sự yêu thương và quan tâm của nhau hay không là một chuyện khác. Đứa trẻ vừa uống ly nước ép trái cây vừa cầm đồ chơi mân mê, chốc chốc lại gọi bố mẹ. Người chồng cầm một chiếc điện thoại. Người vợ cầm một chiếc điện thoại. Cả hai đều dán mắt vào màn hình cách chăm chú, mặc cho hai ly cà phê cứ giọt tí tách. Có lẽ họ đang đọc tin tức trong ngày; có lẽ họ đang có những mối liên hệ cấp bách cần kết nối; cũng có lẽ họ không biết nói với nhau điều gì. Cả ba đều có những hoạt động của riêng mình trong lặng lẽ. Họ ngồi đó bên nhau nhưng không thật sự hiện diện cho nhau. Bên trái cô gái là một chàng thanh niên chững chạc đeo kính cận với điếu thuốc lá nghi ngút trên tay. Anh ngồi một mình với ly cà phê đen. Thi thoảng anh rít một hơi dài, phẩy tàn thuốc, chậm rãi tận hưởng, phả ra từng làn khói trắng và mắt nhìn xa xăm vô định. Ở tuổi anh, lẽ ra giờ này anh có thể quây quần cùng vợ con bên bữa sáng đầm ấm. Nhưng anh đang ngồi đó. Một mình. Không vội vã. Có lẽ anh đã từng có những người yêu thương mình. Có lẽ anh đang có một người yêu thương mình. Cũng có lẽ anh chẳng cần ai yêu thương mình. Nhưng dáng vẻ và đôi mắt đượm buồn ấy không thể che giấu nỗi cô đơn của chính mình.
Bất giác, cô gái nhìn lại mình. Cô cũng ngồi đây bên ly cà phê sữa nóng. Một mình. Vừa thưởng thức cà phê, vừa quan sát cuộc sống đời thường của con người thủ đô, cô thầm tạ ơn Chúa về những gì cô đã trải qua. Đã từng có nhiều người nói yêu cô. Đã từng có vài người nói sẽ cùng cô đi hết đường đời. Đã từng có một người vì cô mà bất chấp mọi thử thách và hiểm nguy. Nhưng tất cả đều chỉ là tình yêu có điều kiện. Một khi các điều kiện không được đáp ứng, tình yêu ấy không còn nữa. Những con người cùng những lời hứa đó đã theo gió mùa thu bay về dĩ vãng và rẽ hướng sang những con đường khác. Những nỗi đau rồi cũng qua đi, cô gái vẫn bước trên con đường của mình. Nhưng cô biết chắc cô không một mình. Đấng đã yêu thương cô từ lúc ban đầu đang và sẽ tiếp tục yêu thương và đồng hành cùng cô suốt chặng đường còn lại, miễn cô cứ trung tín theo Ngài. Đang miên man ngẫm nghĩ, cô gái chợt tỉnh bởi một làn gió thu phảng phất hất mái tóc thưa. Se se, lành lạnh. Vậy là sắp đến Giáng sinh rồi.
Giáng sinh nhắc cô về tình yêu vô điều kiện của Đấng sáng tạo nên vũ trụ và vạn vật. Giáng sinh nhắc cô về tình yêu thực hữu và hy sinh của Đấng Yêu Thương giữa đời thường của con người. Giáng sinh nhắc cô rằng cho dù cuộc sống vô thường và lòng người vạn biến, thì tình yêu của Chúa Cứu Thế vẫn bất biến đối với người Ngài yêu. Chúa yêu vì chính Ngài là nguồn tình yêu. Chúa yêu không như cách con người yêu nhau có điều kiện, nhưng tình yêu thương cao cả của Ngài để phục hồi và nâng chúng ta trở lại địa vị đúng đắn trước mặt Ngài. Để bày tỏ tình yêu ấy, chính Con Ngài – Ngôi Hai Đức Chúa Trời – Chúa Giê-xu, đã đến trần gian để làm tế lễ chuộc tội con người và để con người được sống. Đây cũng chính là chân lý mà Sứ đồ Giăng đã nhấn mạnh khi ông nhắc nhở người tin Chúa phải yêu thương lẫn nhau:
Thưa anh em yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời. Ai yêu thương thì sinh bởi Đức Chúa Trời và nhận biết Đức Chúa Trời. Ai không yêu thương thì không nhận biết Đức Chúa Trời, vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã được bày tỏ trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài đến trần gian để chúng ta nhờ Con ấy mà được sống. Tình yêu thương ở trong điều nầy: Không phải chúng ta đã yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con Ngài làm tế lễ chuộc tội chúng ta. (…) Chúng tôi đã thấy và làm chứng rằng Đức Chúa Cha đã sai Con Ngài làm Cứu Chúa của thế gian. Bất cứ ai xưng nhận Đức Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời ở trong người ấy, và người ấy ở trong Đức Chúa Trời. Chúng ta nhận biết và tin vào tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời là tình yêu thương; ai ở trong tình yêu thương thì ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.
(I Giăng 4:7-10; 14-16 BTTHĐ)
Thật không khó để nhận ra rằng đối với Sứ đồ Giăng, nền tảng cho tình yêu của con cái Chúa dành cho nhau chính là tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho họ. Từ trong lời dạy về tình yêu thương lẫn nhau này, chúng ta tìm thấy chân lý về Đức Chúa Trời và tình yêu đích thực của Ngài. Đức Chúa Trời là tình yêu thương và Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương qua việc Con Ngài đến trần gian làm tế lễ chuộc tội để chúng ta được sự sống đời đời.
- Đức Chúa Trời là tình yêu thương
Sứ đồ Giăng nhấn mạnh hai lần rằng Đức Chúa Trời là tình yêu thương (c. 8, 16). Sẽ dễ hiểu nếu chúng ta nói rằng Đức Chúa Trời có tình yêu thương hoặc ban phát tình yêu thương. Nhưng thật đáng lưu ý khi Sứ đồ Giăng đưa lên bàn cân một bên là Đức Chúa Trời, một Đấng có thân vị, và một bên là tình yêu thương, một trạng thái tình cảm phi thân vị. Kinh Thánh có nhiều khẳng định về thuộc tánh của Đức Chúa Trời, như: Đức Chúa Trời là Đấng thương xót, Đấng nhân từ, Đấng toàn năng, Đấng bất biến, v.v… Nhưng không có chỗ nào nói rằng Ngài là sự thương xót, là sự nhân từ, là sự toàn năng cả. Chỉ có tình yêu được khẳng định trực tiếp với chính bản thể của Ngài. Khẳng định này của Sứ đồ Giăng cho thấy hai điều. Thứ nhất, bản tính của Đức Chúa Trời là yêu thương và Ngài chính là nguồn của tình yêu. Đức Chúa Trời không thể không yêu mà vẫn là Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa rằng Đức Chúa Trời luôn luôn yêu thương. Thứ hai, khẳng định này cho chúng ta định nghĩa về tình yêu. Tình yêu thương chân thật không thể loại trừ Đức Chúa Trời nhưng luôn bắt nguồn từ chính Đức Chúa Trời, Đấng không hề đổi thay.
Hai khám phá này về Đức Chúa Trời và về tình yêu khác biệt với quan niệm của người Việt Nam về thần thánh và kinh nghiệm của con người về tình yêu. Khi nói đến các thần, tín ngưỡng dân gian người Việt có rất nhiều loại thần, trong đó có các thần liên quan đến nghề nghiệp như Thần Nông, Thần Lúa, Thần Tài, Tổ Nghề, v.v…1 Sự thờ cúng các thần này xuất phát từ niềm tin rằng bên cạnh thế giới hiện hữu còn có các thần linh vô hình luôn dõi theo và phù hộ con người.2 Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của niềm tin này lại chính là sự sợ hãi và bất lực của con người: bất lực trước mùa màng thất thu, trước bệnh tật, đau ốm, sợ hãi kinh doanh buôn bán không thành công, sợ hãi các thần, các ma giận dữ và làm hại con người.3 Vì vậy, người có niềm tin vào các thần này phải luôn giữ sự thờ cúng và kiêng kỵ nghiêm khắc. Ngược lại, khi nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng luôn yêu thương, chúng ta được bảo đảm tuyệt đối về tình yêu của Ngài đối với chúng ta dù chúng ta có ra sao. Dù hoạn nạn hay thuận lợi, đau ốm hay khoẻ mạnh, vui mừng hay đau khổ, chúng ta cũng biết mình luôn được Chúa yêu theo cách của Ngài và mọi điều hợp lại có ích lợi cho người yêu mến Chúa (Rô-ma 8:28). Chính vì lẽ đó, chúng ta có thể đến gần Chúa mà không sợ hãi, bởi vì “sợ hãi có liên quan đến hình phạt, và ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu thương” (I Giăng 4:18 BTTHĐ).
Khi nói Đức Chúa Trời là tình yêu thương, chúng ta cũng được khai sáng về bản chất của tình yêu. Chúng ta thường nghĩ tình yêu là một trạng thái tâm lý hay một loại cảm xúc tạo ra sự thu hút mạnh mẽ và nhu cầu muốn được ràng buộc, gắn bó. Nó cũng là một mỹ đức của con người, thể hiện sự nhân từ, thông cảm đối với đồng loại và loài vật.4 Tình yêu theo trạng thái này rất giới hạn và dễ thay đổi. Nó giới hạn bởi vì nó tuỳ thuộc vào đối tượng được yêu. Nếu đối tượng được yêu phải xứng đáng mới được yêu theo tiêu chuẩn của người yêu thì tình yêu còn đó, nếu không xứng đáng thì tình yêu đó mất đi. Nó dễ thay đổi bởi vì người yêu là con người dễ thay đổi. Cảm xúc và tâm lý con người không phải lúc nào cũng ổn định, cũng chấp nhận được những điều “khó yêu”. Một khi sự thu hút, sự đồng cảm qua đi, tình yêu cũng vơi dần. Do đó, con người luôn ở trong vòng luẩn quẩn của yêu – ghét, cam kết – phản bội, tăng – tụt cảm xúc, v.v… Chính sự biến thiên này của cảm xúc đã làm mất đi niềm tin của nhiều người về tình yêu. Có nhiều người trong cơn tuyệt vọng vì bị phản bội đã khẳng định rằng “Tôi không còn tin vào tình yêu nữa!” hoặc “Tôi không còn tin vào đàn ông nữa!” hoặc “Tôi không còn tin vào phụ nữ nữa!” Đáng tiếc, họ đã nhầm lẫn tình yêu với cách thể hiện tình yêu, và nhầm lẫn một vài người cụ thể với cả một giới. Cách thể hiện tình yêu có thể thay đổi và gây thất vọng tùy vào người yêu, nhưng bản thân tình yêu luôn đẹp đẽ, luôn xứng đáng, luôn bền vững. Đó là vì tình yêu đích thực luôn luôn bắt nguồn từ chính Đức Chúa Trời, Đấng tuyệt mỹ và bất biến. Để kinh nghiệm được tình yêu đích thực, không thể yêu mà không ở trong Đức Chúa Trời. Tình yêu nào không tuôn chảy từ tình yêu của Đức Chúa Trời thì chưa phải là tình yêu đích thực.
Đây chính là điều kỳ diệu trong kinh nghiệm của bất kỳ ai gặp gỡ Chúa. Khi gặp Chúa, người ta sẽ gặp chính tình yêu đích thực. Ngài là tình yêu, là nguồn tình yêu, là Đấng yêu thương. Cũng vậy, khi gặp gỡ Chúa, người ta sẽ biết yêu thương đúng cách.
Vậy Đức Chúa Trời yêu chúng ta như thế nào?
- Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu
Sứ đồ Giăng cho biết tình yêu của Đức Chúa Trời được thể hiện cụ thể qua việc Ngài “đã sai con Một của Ngài đến trần gian để chúng ta nhờ Con ấy mà được sống” (c.9) và Ngài “đã sai Con Ngài làm tế lễ chuộc tội chúng ta” (c.10). Tình yêu của Đức Chúa Trời không phải là tình yêu của một vị thần ở trên trời cao chẳng biết gì đến khổ đau của nhân thế; cũng không phải là tình yêu theo kiểu cảm xúc lãng mạn, tuỳ thuộc tâm trạng; cũng không theo kiểu anh hùng hảo hán, thể hiện bản lĩnh hay tài năng chinh phục; cũng chẳng phải tình yêu chiều chuộng theo ý thích người được yêu. Đó chính là tình yêu giáng thế, chuộc tội và đem lại sự biến đổi. Như Giăng đã nói, Chúa Giê-xu đã đến trần gian, làm tế lễ chuộc tội, và ban sự sống cho người tin Ngài. Chẳng có yêu thương nào tuyệt đỉnh hơn thế.
a/ Chúa đến trần gian – Tình yêu hiện diện
Cuộc sống con người tuy có nhiều lạc thú nhưng chưa bao giờ vắng bóng nỗi khổ đau. Bệnh tật, chiến tranh, cô đơn, nghèo đói, bất công, áp bức, v.v… vẫn luôn hiện hữu trong mọi thời đại, khiến con người đau đáu mong mỏi một thế giới tốt lành hơn. Họ tìm đến những niềm tin khác nhau, những thần linh khác nhau để xoa dịu nỗi đau ấy. Thế nhưng, trên thực tế, trong chính hoàn cảnh khốn khó nhất, chẳng có thần linh nào xuất hiện và cũng chẳng thần nào thấu được nỗi khổ của con người nếu thần chẳng làm người. Cảnh vụ án điền chủ và thực dân Pháp cướp đất và giết chóc dân nghèo trên cánh đồng Nọc Nạng trong phim Đất Phương Nam của Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (1997) có câu nói thơ ai oán diễn tả sự bất lực trong đau khổ như vậy:
Ngó lên trời, trời cao có thấu
Mà ngó xuống đất, đất rộng thinh thinh.5
Đó cũng có thể là tâm sự của nhiều người ngày nay khi gặp hoạn nạn. Phải chăng thật sự trời cao không thấu những bất hạnh của con người? Thần linh trong trí tưởng tượng quả thật chẳng thể thấu hiểu được. Nhưng Đức Chúa Trời của Cơ Đốc giáo không chỉ là Thần, mà còn là Con Người hiện hữu trong lịch sử qua Đức Chúa Giê-xu Christ. “Con Một của Ngài” mà Giăng nói đến ở đây chính là Chúa Giê-xu. Mà Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời.6 Thân vị Đức Chúa Giê-xu Christ vừa là huyền nhiệm của ân sủng Đức Chúa Trời đối với loài người, vừa là chân lý giản dị cho người nào đặt lòng tin nơi Ngài, bởi Ngài là “Con Đức Chúa Trời” và cũng là “Con Người”.7 Thật vậy, Chúa Giê-xu là Thần duy nhất làm Người, như John MacArthur từng nói: “xuyên suốt lịch sử thế giới, nhiều người mong muốn trở thành thượng đế, nhưng chỉ có duy nhất một Thượng Đế mong muốn trở nên một Con Người”.8
Chúa không chỉ ở trên trời cao kia mà còn ở dưới đất này, giữa loài người. Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho con người không ở trong trí tưởng tượng mà thực hữu bởi sự hiện diện của Ngài trong lịch sử. Thật chẳng có tặng phẩm nào, biểu hiện nào của tình yêu tuyệt đỉnh hơn là ban cho chính mình và đặt mình vào chỗ của người được yêu. Ngày nay, Chúa Giê-xu hiện hữu trong đời sống người tin Chúa qua Đức Thánh Linh để đem người ấy bước vào trong mối liên hệ mật thiết với Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
b/ Chúa Làm tế lễ chuộc tội – Tình yêu hi sinh
“Tế lễ chuộc tội” chắc chắn là hình ảnh rất sống động trong tâm trí những độc giả đầu tiên của Sứ đồ Giăng – hình ảnh bi thương của những con sinh tế bị giết trong đền thờ để đền tội cho người dâng nó. Dĩ nhiên, không có con sinh tế nào có giá trị ngang bằng để thay mạng cho con người, cũng không phải vì bản thân con sinh tế đó mà Đức Chúa Trời xóa tội cho người dâng nó. Con sinh tế đó được dâng lên làm hình bóng về Đấng sẽ đến để làm tế lễ chuộc tội. “Chính Ngài là tế lễ chuộc tội chúng ta, không những vì tội của chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội của cả thế gian nữa” (I Giăng 2:2). Tuyệt đỉnh tình yêu của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua hành động trở thành sinh tế đền tội cho con người bằng chính mạng sống của Chúa Giê-xu – Con Đức Chúa Trời. Hành động ấy cho thấy tình yêu luôn gắn liền với sự hi sinh.
Vì sao Đức Chúa Trời yêu thương không đơn giản tuyên bố tha tội cho con người mà lại đòi hỏi “tế lễ chuộc tội”? Từ ngữ “tế lễ chuộc tội” (ἱλασμὸν) ở đây (I Giăng 2:2, 4:10) có nghĩa là “vãn hồi” hay “làm nguôi giận.” Như John Stott đã chỉ ra, ngay trước đó, Chúa Giê-xu được giới thiệu là “Đấng Công Chính,” “Đấng Biện Hộ với Đức Chúa Cha” (I Giăng 2:1), “hàm ý sự phật ý của Đấng mà trước mặt Đấng đó Ngài biện hộ duyên cớ của chúng ta”9 . Vì vậy, cần phải có của lễ vãn hồi là bởi vì “tội lỗi làm dấy lên cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời”10 . Đó là cơn thịnh nộ công chính, “được khiêu khích bởi điều ác và chỉ bởi điều ác mà thôi,” là “một sự đối lập ổn định, không nguôi, không ngớt, không khoan nhượng với điều ác trong mọi hình thức và biểu hiện của nó”11 . Cơn thịnh nộ công chính của Đức Chúa Trời cần phải được làm nguôi một cách công chính. Và Ngài đã làm điều đó cũng bởi tình yêu, qua Chúa Giê-xu. Của lễ chuộc tội không tạo ra tình yêu, mà là tình yêu đã tạo ra của lễ chuộc tội. “Sự đền tội không mua được ân điển, nó tuôn chảy từ ân điển”12.
Đấng Thần-Nhân trở nên của lễ chuộc tội là biểu hiện của tình yêu tuyệt đỉnh của Đức Chúa Trời. Điều này thể hiện sự chủ động và giải pháp của Đức Chúa Trời trong việc làm nguôi cơn giận công chính một cách công chính và yêu thương. Chúa Giê-xu đã hi sinh địa vị cao trọng của mình để thi hành giải pháp đó, nhận tội và đền tội cho con người. Yêu thương không có nghĩa là thỏa hiệp, đổi trắng thay đen, nói không thành có. Yêu là hi sinh địa vị và mạng sống của Ngài, chứ không bao giờ là hi sinh lẽ thật hay bản chất công chính của Ngài. “Chính tình yêu đó đã thúc đẩy và sản sinh ra của lễ chuộc tội cần thiết cho sự chữa lành mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người”13 . Chỉ có tình yêu như vậy mới có thể giữ Chúa là Chúa, và phục hồi sự sống cho con người, đem con người vào trong mối liên hệ sống động với Đức Chúa Trời hằng sống.
c/ Chúa ban sự sống – Tình yêu hồi sinh
Tình yêu tuyệt đỉnh của Đức Chúa Trời bày tỏ qua Con Ngài làm tế lễ chuộc tội không chỉ giải quyết nan đề mà còn mang đến sự biến đổi cho những ai “nhờ Con ấy mà được sống” (c. 9). Yêu không có nghĩa là đáp ứng điều chúng ta đòi hỏi, mà là ban cho chúng ta điều cần yếu và tốt nhất. Có sự sống thật là điều cần yếu và tốt nhất, là nhu cầu tối hậu của con người.
Sự sống thật là kết quả của tình yêu Chúa dành cho con người, là sự sống đời đời bắt đầu ngay trong đời này. Sự sống thật ấy chính là sống bằng sự sống Chúa ban cho, là sống với Chúa. Tiếp nhận tình yêu Chúa tức là bước vào trong mối tương giao với Chúa, là trở lại địa vị ban đầu của tạo vật có mối thông công với Chúa, là sẵn sàng chịu biến đổi để trở nên giống như Chúa, là mỗi ngày tự bỏ mình và vác thập giá mình theo Ngài (Lu-ca 9:23), là sống yêu thương như Ngài đã yêu. Tình yêu của Đức Chúa Trời không chỉ đem đến sự cảm động, suy niệm về sự hi sinh bi thương của Con Ngài trên thập tự giá, mà còn là sức sống thật của Đấng Phục Sinh. “Nhờ Con ấy mà được sống” có nghĩa là gắn kết cuộc đời mình với chính Ngài, kể mình đã chết đời sống cũ cùng với tế lễ chuộc tội mà Ngài đã dâng lên một lần đủ cả, và mỗi ngày nhờ ân sủng của Đấng Phục sinh “dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 12:1).
Quả thật, “không phải chúng ta đã yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta” (c. 10a), vì tình yêu là bản tính của Đức Chúa Trời, hoàn toàn từ Ngài và bởi Ngài. Tuyệt đỉnh tình yêu ấy đã bày tỏ trong Chúa Giê-xu, Chúa Tình yêu Giáng sinh. Đó là Tình Yêu hiện diện giữa con người của Đấng Em-ma-nu-ên, là Tình Yêu Hi Sinh của Chiên Con của Đức Chúa Trời, và Tình Yêu Hoán Cải con người, Hồi Sinh sự sống thật của Đấng hằng sống cho hàng tỷ cuộc đời, trong đó có chúng ta. Sống nhờ ân sủng trong tuyệt đỉnh yêu thương ấy, chúng ta được kêu gọi để trao ban chính mình, để tình yêu Chúa luôn sống động, tuôn tràn từ chúng ta trong nếp sống mỗi ngày.
***
Với lòng cảm tạ Chúa Tình Yêu đã Giáng sinh vì nhân loại, cô gái đứng dậy, bước đi và ao ước cuộc đời mình phản chiếu dù chỉ một phần của tuyệt đỉnh yêu thương thiên thượng, để hiện diện, để hi sinh, để đem người đến với Đấng Hằng sống và Nguồn Tình yêu để được hoán cải và hồi sinh.
Karis Đỗ
(trích Bản Tin Mục Vụ)
—-
Chú thích:
-
- Ngô Đức Thịnh, Tín Ngưỡng và Văn Hoá Tín Ngưỡng ở Việt Nam (T.P Hồ Chí Minh: Nhà Xuất Bản Trẻ, 2012), 18-21.
- Nt, 21.
- Nt, 18, 20, 22.
- Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia, “Tình Yêu,” https://vi.wikipedia.org/wiki/Tình_yêu, truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2019.
- Nói thơ là một làn điệu dân ca đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Bạc Liêu. Nó thường được xếp vào loại hình nghệ thuật dân tộc cùng với vọng cổ và hò. Thanh Xuân, “Nói Thơ Bạc Liêu – Hành trình di sản văn hóa,” Diễn Đàn, Sở Văn Hóa Thông Tin Du Lịch Bạc Liêu, http://svhttdl.baclieu.gov.vn/diendan/Lists/Posts/Post.aspx?List=504f8c21%2D7f18%2D4116%2D80d4%2D6da2fa0e598f&ID=132, truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2019; Lư Nhất Vũ, “Vui với Bài Ca Đất Phương Nam,” Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, http://hoinhacsi.vn/vui-voi-bai-ca-dat-phuong-nam, truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2019.
- Chúa Giê-xu khẳng định: “Ta với Cha là Một” (Giăng 10:30) và “Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9).
- Xin tham khảo về danh xưng “Con Đức Chúa Trời” và “Con Người” của Chúa Giê-xu trong các sách Phúc Âm. Chúa Giê-xu khẳng định một lần rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời khi trả lời chất vấn của thầy tế lễ thượng phẩm (Math. 26:64; Mác 14:62; Lu. 22:70) và một lần trong lời báo trước về tương lai cho các môn đồ (Giăng 5:25). Tất cả những lời tự xưng về mình khác của Chúa Giê-xu đều là “Con Người.”
- Nguyên ngữ: “Many men throughout world history have wanted to become gods, but there has been only one God who wanted to become a Man.” John MacArthur, “The God Who Became a Man,” Grace To You, Oneplace.com, https://www.oneplace.com/ministries/grace-to-you/read/articles/the-god-who-became-a-man-9408.html, truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2019.
- John Stott, Thập Tự Giá của Đấng Christ, biên dịch bởi Đỗ Thị Thanh Phương và Nguyễn Vĩnh Duy, Ban Dịch Thuật 2017, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam), Viện Thánh Kinh Thần Học, (Việt Nam, Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2017), 259.
- Nt, 260.
- Nt, 261.
- P. T. Forsyth, Cruciality of the Cross, tr.78; trích dẫn bởi John Stott, Thập tự giá của Đấng Christ, 262n20.
- Andrew H. Trotter, Jr., trong Walter Elwell, ed., Baker’s Evangelical Dictionary of Biblical Theology, (Grand Rapids, MI: Baker’s Books, 1996), s.v. ‘Atonement’.