Cô gái thấp thỏm ngồi đợi ở một quán cà phê trong phi trường. Chẳng biết phải vì cái lạnh của dàn máy điều hòa hay vì hồi hộp mà cô lạnh run toàn thân, mặc hai lớp áo vẫn không đủ ấm. Đem theo cuốn sách để đọc cho đỡ phí thời gian đợi, nhưng cô có đọc được trang nào. Các con chữ cứ nhảy múa trước mắt trong khi tâm trí cô cứ hiện lên viễn cảnh tay trong tay với anh chàng mới được người quen giới thiệu – người sẽ hạ cánh trong ít phút nữa. Mới liên lạc từ xa được một tháng mà chàng đã quyết định băng đại dương để bay đến với cô thì quả là một tín hiệu đáng mừng. Một mối quan hệ mới sẽ bắt đầu. Một kỷ nguyên giải phóng khỏi chế độ độc thân sẽ được mở ra. Một gia đình mới sẽ được xây dựng. Thật đáng để hi vọng!
Anh ta sẽ là người thế nào? Chắc sẽ điển trai và thú vị để đời đỡ chán. Chắc sẽ điềm tĩnh và chững chạc để mình được dạy bảo. Chắc sẽ thông minh và tinh tế để mình có cớ tự hào. Chắc sẽ siêng năng và ham học hỏi để mình được lười biếng. Chắc sẽ cao ráo và mạnh mẽ để mình được yếu đuối. Chà, dựa vào giọng nói và gương mặt đã nhìn qua màn hình thì bấy nhiêu cũng không phải là quá ảo tưởng đâu nhỉ? Nghĩ đến đó, cô gái cảm tưởng như sự cứu rỗi đời mình đã đến vậy.
Chốc chốc, cô gái lại chạy ra bảng thông tin chuyến bay để kiểm tra tín hiệu “đã hạ cánh” của người ấy. Rồi cô lại vào, tiếp tục ngồi thả hồn mộng mơ… Cô lại kiểm tra lần nữa. Ồ, “đã hạ cánh” rồi kìa! Hồi hộp quá đi thôi. Chắc giờ anh ta đang bước xuống phi cơ, đang háo hức cùng đoàn người đi vào sân ga, không ký gửi hành lý nên chắc anh ta sẽ chạy ào ra với mình nhanh thôi.
Cô gái túm lấy túi đồ và đứng sẵn ở lối ra, lựa cái góc rộng rãi, dễ thấy, và gần với tầm nhìn của những người vừa đi ra nhất. Dù gì, chiếc đầm cô chọn tối nay cũng màu đỏ nổi bật, chắc chắn chàng ta sẽ không thể nào lạc lối đi đâu được.
Nhịp tim của cô cứ thế tăng lên dần đều khi nhìn thấy đoàn hành khách của chuyến bay đó lần lượt đi ra. Cô nhìn không sót một người nào. Vừa nhìn vừa nhớ lại gương mặt của chàng trai để bảo đảm chỉ khi chàng ta nhìn lên cô thì cô sẽ cười thật tươi và vẫy tay thật mạnh. Một… hai… ba… mười mấy người, vẫn chưa thấy anh chàng đi ra. Sau mấy chục người, mới thấy mái đầu quen quen, cô nhìn lại. Đúng rồi, là hắn. Mà sao lạ vậy.
Sao hắn nhỏ xíu. Đã thế, hắn còn đi thủng thỉnh. Mặt hắn cắm cúi vào chiếc điện thoại. Cô cố tình vẫy tay để hắn dù có thấy mờ mờ bên góc mắt cũng dễ chú ý. Vậy mà hắn cứ thế cắm mặt vào chiếc điện thoại, đi từ từ ra tới tận cửa mới nhìn lên.
– Bạn là Lan Anh?
– Vâng. Tùng phải không? Đi nhiều giờ chắc mệt nhỉ?
Cô gái đáp và hỏi cho có lệ, với gương mặt không giấu được sự hụt hẫng, tiu nghỉu và bình lặng như người vừa bị sốc điện xong.
Bao nỗi mong chờ, bao niềm hi vọng, bao nhiêu ảo tưởng của cô gái đều tan tành gần hết khi nhìn thấy diện mạo héo hắt và thái độ bình thản của chàng trai. Hai người cũng đã tế nhị giữ khoảng cách và trao đổi xã giao vài câu rồi cùng lên tàu điện rời phi trường. Vài ngày sau, cô gái tiễn chàng trai trở về. Vài tháng sau, họ không còn liên lạc nữa. Người đã đến. Và người đã ra đi.
Có lẽ cuộc đời này thú vị hơn khi người ta sống với ảo tưởng, háo hức và đáng mong chờ hơn khi người ta khoát tấm áo kỳ vọng lên một sự việc hay con người nào đó. Trên thực tế, nhiều người đã đến với nhau trong hạnh phúc nhưng rồi phải đối diện với sự thật không như mơ khi sống cùng với nhau. Cách để sống vui là họ tự tìm niềm vui trong chính mình và chấp nhận thực tế có quá nhiều giới hạn của bản thân và của người khác. Người ta gọi như thế mới là đời.
***
Trong đời người, có nhiều người đã đến với ta, nhưng có bao nhiêu người ở lại? Có nhiều người đến rồi đi, nhưng có mấy ai thật sự để lại thay đổi tích cực trên cuộc đời ta? Trong số đó, có ai thật sự cứu rỗi cuộc đời ta? Chẳng ai cả.
Hơn hai ngàn năm trước, có một Người đã đến và cũng đã ra đi. Nhưng ai gặp được Ngài chắc chắn không hề thất vọng. Hi vọng có Ngài là hi vọng của muôn dân. Gặp gỡ Ngài là đặc ân của mọi người. Sống với Ngài là cuộc sống của Thiên Đường trên đất. Đồng hành với Ngài là cuộc đồng hành đầy thú vị và đáng trông chờ. Không hề ảo tưởng, không hề mộng mị. Ngài là Giê-xu, Con Thiên Chúa hằng sống. Ngài là Đấng Cứu Rỗi của muôn tội nhân. Ngài là Tình Yêu, là Sự Sống, là Ánh Sáng, là Động Lực để mọi người sống cuộc đời thực như ước mơ. Vậy, Ngài đã đến để làm gì? Và Ngài đã đến, vậy rồi sao? Sự đến của Ngài đã tác động như thế nào đến cuộc đời của tôi và của bạn, đến hiện trạng của thế giới chúng ta đang sống?
Đức Chúa Giê-xu đã đến để thế giới được soi sáng.
Từ lâu, con người đã khám phá được tác động quan trọng của ánh sáng lên sự sống của muôn loài. Ánh sáng mặt trời không những đem lại năng lượng mà còn cung cấp thông tin để muôn loài từ con người, động vật, đến thực vật và toàn bộ cõi thiên nhiên được sống động và phân bố hợp lý. Những nhà nghiên cứu ánh sáng còn cho biết rằng chất lượng và thời lượng hấp thụ ánh sáng của một người trong một ngày liên hệ chặt chẽ với chức năng sinh lý và hành vi ứng xử của người đó. Theo đó, những lúc một người tiếp xúc được với ánh sáng tự nhiên, thì họ gìn giữ được thân nhiệt ổn định, tâm trạng tươi vui, và ý thức tỉnh táo. Ngược lại, những lúc không tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên thì thân nhiệt, tâm trạng và ý thức của họ sẽ tệ hơn. Ở các nước có mùa đông kéo dài và hiếm khi nhìn thấy ánh sáng mặt trời, người dân của nước đó dễ mắc bệnh tâm lý và rơi vào tình trạng trầm cảm, chán ăn, phiền muộn, sụt cân, và thậm chí có ý nghĩ tự tử, điển hình là hội chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (S.A.D.). Để giúp tâm lý những người này được ổn định và tinh thần được vực dậy trong mùa đông, người ta điều trị bằng phương pháp trị liệu ánh sáng (light therapy).[1] Từ trước vô cùng, Đức Chúa Trời đã biết sự sáng là cơ sở để muôn loài vạn vật Ngài dựng nên được sống và phát triển lành mạnh. Do đó, sự sáng là thứ tốt đẹp đầu tiên mà Chúa đã sáng tạo nên trong cõi tạo vật của Ngài trong buổi sáng thế (Sáng Thế Ký 1:3).
Như ánh sáng vật lý là cơ sở sống còn cho sự sống vật lý, thì ánh sáng tâm linh là cơ sở sống còn để những loài tâm linh có được sự sống đích thực. Con người là một loài có tâm linh, hay nói cách khác, là một hữu thể có tôn giáo. Nếu chỉ tập trung mải mê đáp ứng những nhu cầu vật lý của bản thân và bỏ qua nhu cầu tâm linh, thì con người không hơn gì các loài vật khác. Cụ thể hơn, nếu chúng ta không được kết nối với Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên chúng ta và nhận lấy ánh sáng từ Ngài thì cả cuộc đời, chúng ta sống trong sự héo hắt, khô khan, vô định, lầm lạc và hư mất. Dẫu cho con người có nỗ lực tìm kiếm và tự xây dựng những học thuyết hay niềm tin giúp họ sống có ý nghĩa hơn mà bỏ qua Đấng tạo hóa, thì những học thuyết hay niềm tin đó cũng không bền vững khi con người đối diện với thực trạng tội lỗi đầy tuyệt vọng của bản thân và của thế giới chung quanh. Để kết nối với Đức Chúa Trời, để được chiếu rọi, soi sáng và tận hưởng sự sống đích thực, con người chỉ có thể đến với “sự sáng thật” từ Đức Chúa Trời mà thôi. Đó chính là Đức Chúa Giê-xu Christ, Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời, Đấng đã giáng thế làm người để ánh sáng được đến với thế gian: “Sự sáng này là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người” (Giăng 1:9).
Thật là một tin mừng khôn xiết khi những tạo vật hữu hạn quờ quạng trong bóng tối tâm linh giữa hàng muôn vàn ‘ánh sáng không thật’ lại có thể nhận được ánh sáng thật! Ánh sáng này không đến từ phát minh của con người, nhưng đến với con người từ Đức Chúa Trời. Nhưng buồn thay, như những loài vật vốn ở trong bóng tối không ưa ánh sáng, con người lại ưa thích sự tối tăm hơn là thích được soi sáng bởi ánh sáng thật, bởi vì một khi để ánh sáng này chiếu vào, mọi điều ô nhơ và xấu xa đều bị phô bày và phải bị từ bỏ: “Sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa” (Giăng 3:19). Và bởi không ưa sự sáng thật, nên người ta cũng chẳng thể có sự sống thật: “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong nơi tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng” (Giăng 1:2-3). Không những không có sự sống thật trên đời này, họ còn bị đoán phạt đời đời nữa (Giăng 3:18) – thật là một kết cục đáng buồn khi khước từ ánh sáng thật.
Chúa đã đến trong thế gian. Ngài đã chủ động đến để soi sáng cho loài người hữu hạn và tăm tối. Sự sáng thật đã đến để con người được kết nối với Đấng Tạo Hóa, để nhận biết mục đích đích thực của cuộc đời mình, và được sự sống đời đời từ nơi Ngài. Hàng ngàn năm qua, kể từ khi Đức Chúa Giê-xu đã đến thế gian, nhiều người đã tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa cuộc đời mình, đã được soi sáng và trải nghiệm sự sống thật. Nhưng vẫn còn nhiều người lầm lạc trong bóng tối hoặc tự mãn với những ánh sáng nhân tạo tạm thời: những chủ nghĩa, học thuyết, tư tưởng hệ, tôn giáo, niềm tin, v.v… Chúa đã đến để tôi và bạn được soi sáng. Vậy, chúng ta tiếp nhận ánh sáng đó chưa? Còn có phần nào trong đời sống chúng ta không ưa thích ánh sáng thật từ Ngài chiếu rọi vào? Còn có phần nào trong tâm linh, tinh thần và trí tuệ của chúng ta u tối khi vẫn chưa trọn dâng mình theo Chúa? Còn có điều gì ngăn trở khiến chúng ta e dè, chưa giới thiệu ánh sáng thật đó với tha nhân? Lời khuyên của Sứ đồ Phao-lô thật hữu ích cho chúng ta những lúc như vậy: “Vả, lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng” (Ê-phê-sô 5:8).
Đức Chúa Giê-xu đã đến để thế giới được sống.
Ánh sáng tự nhiên và sự sống vật lý không hề tách rời nhau. Cũng vậy, ánh sáng tâm linh là cơ sở để con người có được sự sống đích thực. Sự sống đích thực này là sự sống toàn diện, bao gồm mọi phương diện: sinh học, tâm lý, tinh thần, tình cảm, trí tuệ, tâm hồn, và tâm linh. Từ ngữ mô tả sự sống này trong nguyên ngữ Kinh Thánh Tân Ước là ζωή (Zoei) – sự sống sung mãn. Và Đức Chúa Giê-xu đã đến thế gian để ban cho con người sự sống như vậy: “Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10).
Con người đã rất sáng tạo khi tìm những nguồn cảm hứng sống cho mình trong mọi thời đại. Họ thiếu thốn và héo hắt ở phương diện nào thì họ tìm kiếm và sáng tạo ở phương diện ấy. Có người thì chăm chú vào việc kiếm tiền; khi không có tiền, họ như không được sống nữa. Có người lao vào ái tình – từ các em vị thành niên cho đến các bậc lão niên, từ người độc thân cho đến người đã có gia đình, từ nông dân cho đến chính trị gia; khi không có ái tình hoặc khi không được thỏa mãn bởi ái tình, họ thấy cuộc sống của mình thật khiếm khuyết. Thế rồi, chẳng có gì khiến con người thật sự thỏa mãn; và cũng chẳng có gì còn lại khi người ta nằm xuống với đất. Sự giàu có. Ái tình. Học vấn. Sự nổi tiếng. Quyền lực. Tôn giáo nhân tạo. Ảo tưởng kết nối mơ hồ với vũ trụ. Những mối quan hệ chóng qua. Tất cả có thể tạm thời giải quyết nỗi đau thiếu “sống” của con người nhưng không thể đem lại cho họ sự sống thật.
Giữa thế gian thừa chết thiếu sống như vậy, con người được nghe một chân lý tuyệt diệu: “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (I Giăng 4:9). Có món quà yêu thương nào cho bằng sự sống thật? Có bằng chứng tình yêu nào cao cả và đẹp đẽ cho bằng trao ban sự sống? Có sự hi sinh nào vĩ đại hơn là phó chính mình để chết đền tội thay người mình yêu thương để họ được sống? Đức Chúa Trời đã thấu hiểu niềm khắc khoải được sống đích thực, hạnh phúc và ý nghĩa của chúng ta, rằng chúng ta không chỉ là những loài vật chỉ cần vật chất và những thứ tạm bợ của trần gian. Đức Chúa Trời cũng đã thấu hiểu thực trạng tội lỗi và đáng chết của chúng ta, rằng chúng ta dễ dàng khước từ Ngài và thay vào những đường lối riêng của mình. Đức Chúa Trời cũng quá rõ giới hạn của chúng ta, rằng chúng ta không thể nào tự tạo ra cho mình hạnh phúc đích thực hay sống đúng mục đích bằng những nỗ lực của mình. Và Ngài đã yêu thương chúng ta để đích thân Con Ngài trở nên giá chuộc tội cho chúng ta và chúng ta nhờ đó mà được sống: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28).
Chúa đã đến trong thế gian. Là Con của Đức Chúa Trời vinh quang, Ngài đã hạ cố để trở nên con người và sống giữa loài người hư nát để chúng ta được biết Ngài, được sống và được nên con cái của Đức Chúa Trời. Chúng ta được sống mà không cần phải nỗ lực tìm kiếm nơi nào khác cả. Để được sống, chúng ta cần nhận ra thực trạng đáng chết của mình và đón nhận món quà ân sủng của sự sống đã được kết tinh từ sự hi sinh đền tội của chính Chúa. Không những thế, chúng ta có đủ ân điển, sức sống và sự bình an Chúa ban để vượt qua những khốn khó trong cuộc đời trên trần thế này, bởi vì Chúa Giê-xu là Đấng hằng sống: “vì ta sống, thì các ngươi cũng sẽ sống” (Giăng 14:19b).
Chúa đã đến trong thế gian. Ngài là sự sáng thật và Ngài là sự sống. Ngài đến để chúng ta được soi sáng và được sống đích thực – đó là tất cả những gì chúng ta cần cho sự hiện hữu trọn vẹn của mình. Chúa đã đến, vậy rồi sao? Chúng ta có đang vui mừng bước đi trong sự sáng hay vẫn còn mê muội nhốt mình trong sự tối tăm? Chúng ta có nhận ra tình trạng tuyệt vọng của mình để chạy đến cùng Chúa, đón nhận sự sống thật từ Ngài, hay vẫn tự huyễn hoặc rằng mình có thể tự đem lại hạnh phúc cho mình? Hay chúng ta vẫn còn hoài nghi và dè dặt mà không phô bày sự sáng và sự sống đó cho nhiều người còn hư mất?
Nguyện xin Chúa tiếp tục soi sáng và ban sự sống cho chúng ta ngay trong hiện tại lẫn cõi đời đời để mục đích Ngài đến trần gian này được hiện thực hóa trên chính đời sống của những người con thật của Chúa.
***
Chẳng còn ảo tưởng về một người trong mộng nữa, cô gái nhận ra rằng chỉ có Chúa Giê-xu mới là người bạn đồng hành tinh tế, thông minh, thú vị và đầy tràn sức sống hơn cả mong đợi. Ngài đã đến. Ngài đã ra đi. Ngài đang đồng hành qua Thánh Linh Ngài, và Ngài sẽ trở lại để chúng ta được đồng đi với Ngài.
Karis Đỗ
(trích Bản Tin Mục Vụ)
[1] Thomas Kantermann et al., “The Effects of Light on Humans,” Science November 2017, p19.