Gần Chúa

23544

Gần Chúa để nhận được tình yêu cao sâu của Chúa ban cho, để sống một đời sống ngày càng chuẩn mực, đúng theo Lời Chúa dạy, một đời sống ý nghĩa đích thực, và từ đó trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Khi chúng ta yêu mến ai, tất nhiên luôn muốn gần người đó. Nó là một quy luật tình cảm, nhưng cũng là một quy luật tâm linh. Cha mẹ thương yêu con, dĩ nhiên không bao giờ muốn rời xa con mình. Và dầu có rời xa về mặt địa lý, thì trong trái tim mình, hình ảnh thân thiết của con cũng không thể rời xa họ.

Đức Chúa Trời không chỉ là Đấng sáng tạo chúng ta, mà còn là Cha Yêu thương của mỗi người. Cho dù nhân loại không nhận biết Ngài (Giăng 1:26), nhưng Chúa vẫn luôn nhớ đến chúng ta (Thi Thiên 8:4). Để đáp lại tình yêu, sự quan tâm của Chúa, chúng ta phải gần Ngài.

Vì sao phải gần Chúa:

1. Để nhận được Tình yêu của Ngài:

Đức Chúa Trời là Sự Yêu thương (I Giăng 4:8b). Hễ nói đến Đức Chúa Trời, điều đầu tiên chúng ta nhắc đến, chính là bản tính yêu thương của Ngài. Điều này, cho dù là người không tin Chúa hay người tin Chúa đều phải xác nhận, bởi những gì chúng ta đang nhận hưởng, đều đến từ sự ban cho của Ngài: từ những tạo vật vô tri vô giác trên thế gian này cho đến sự sống sinh động mà chúng ta đang thừa hưởng.

Nhiều người không cảm nhận được tình yêu của Đức Chúa Trời cho mình. Nhưng nếu họ chịu khó quan sát và suy nghĩ, thì sẽ thấy tình yêu của Ngài luôn bao phủ trong đời sống chúng ta. Ngay chính cơ thể của một người cũng là sản phẩm của tình yêu từ Đức Chúa Trời. Hãy đọc một vài bài báo uy tín trên internet, chúng ta sẽ thấy được những điều kỳ diệu mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta qua ngay chính cơ thể vật lý này. Nếu không yêu thương, chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ không làm điều này.

Không những chỉ ban cho con người những điều kiện tốt nhất để tồn tại trên thế gian này, mà Ngài còn ban Con Một của Ngài, để chuộc tội lỗi thay cho nhân loại, một sự bày tỏ tình yêu thương vô đối của Ngài, không gì có thể sánh bằng (Giăng 3:16). Cần phải xác quyết rằng, không có sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, thì nhân loại vẫn mãi mãi chìm đắm trong tội lỗi, không thể nào thoát ra được, bởi: “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,” (Rô-ma 3:23)“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23).

Chính vì vậy, càng gần Chúa, chúng ta sẽ càng tiếp cận nhiều hơn với tình yêu của Ngài, hiểu rõ hơn về tình yêu của Ngài, được nhận hưởng nhiều hơn về tình yêu của Ngài, và cũng có cơ hội bày tỏ cho người khác biết về tình yêu tuyệt vời ấy. Điều đó thật sự là một phước hạnh lớn lao cho những ai nhận Ngài làm Cha của mình, sống đời sống phục sự, tôn vinh Danh Ngài.

Nhận được tình yêu Chúa, chúng ta còn có nghĩa vụ phải san sẻ nó cho mọi người. San sẻ tình yêu Chúa cho mọi người là cách tốt nhất để chúng ta thể hiện lòng biết ơn Chúa, về những gì Ngài ban cho mình, đồng thời cũng là cách thể hiện lòng yêu thương anh em mình, những người chưa biết đến Chúa, giúp cho họ có được một cuộc sống phước hạnh như chúng ta đang sống.

2. Để mỗi  ngày được trở nên tốt hơn, sống đúng Chúa hơn:

Trong Kinh Thánh, có nhiều lời dạy về cách sống đúng đắn và tôn trọng người khác. Một trong những câu chứa đựng ý nghĩa đó là trong sách Châm Ngôn 3:6: “Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con”. Khi chúng ta càng gần Chúa hơn, chúng ta sẽ càng hiểu rõ ý muốn của Ngài trên cuộc đời mình để vâng phục ý Chúa, sống tốt hơn mỗi ngày. Điều đó sẽ giúp chúng ta càng thêm trưởng thành thuộc linh, trở nên một người đáng tin cậy, có giá trị từ lời nói đến việc làm, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Thế giới hiện nay là một thế giới đa chiều, đa nhận thức, đa xu hướng. Vì vậy, một Cơ Đốc nhân, nếu không có Lời Chúa làm kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời mình, thì rất dễ bị mất phương hướng, lạc lối giữa biết bao cạm bẫy của cuộc đời. Có những cái lợi trước mắt, nhưng phía sau là một sự dối trá, lường gạt để đạt được. Có những điều tưởng chừng ngọt ngào, nhưng bên trong là sự đắng cay, tủi nhục. Có những điều thuận lợi, dễ dàng chiếm lấy, nhưng lại đưa chúng ta vào sự sa ngã, hư mất. Trái lại, cũng có những khó khăn, thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng lại mở ra biết bao phước hạnh khôn lường. Cũng có những lúc tưởng chừng bế tắc, không còn lối thoát, nhưng cứ trung tín bước đi với Chúa thì thành công sẽ đến, đem lại niềm vui cho biết bao người.

Nếu không có Lời Chúa trong lòng, thì sẽ có lúc chúng ta sẽ nhìn con người chứ không chăm nhìn xem Chúa. Khi nhìn con người, chúng ta sẽ thấy cuộc sống đầy dẫy bất công. Kẻ ác, gian trá thì lại thành đạt, giàu có, sống một cuộc đời đầy vinh hoa phú quí. “Thật thà thường thua thiệt” là câu nói vui của nhiều người, nhưng nó cũng là một quy luật của thế gian, nơi sự gian trá luôn thống trị. Nếu không có Lời Chúa, chúng ta sẽ nản lòng trước những điều mắt thấy tai nghe ấy. Khi nhìn con người, rồi nhìn lại người con Chúa, chúng ta lại thấy mình sao lại nghèo nàn, thiếu thốn, đủ thứ khó khăn, bị người thân trách mắng, bạn bè cười chê, hàng xóm khinh thường… bởi lối sống “lạc hậu”, không thích nghi với thời đại, không biết đến ông bà, không hòa hợp với đồng nghiệp… Rất nhiều điều làm chúng ta dễ vấp ngã.

Chỉ nhờ có gần Chúa, nhận được sự khích lệ, hướng dẫn từ Lời Chúa, chúng ta mới có thể giữ được một đời sống chuẩn mực đúng theo Lời Ngài dạy. Gần Chúa, học hỏi để sâu nhiệm Lời Chúa, chúng ta mới thấy được giá trị tuyệt vời của một đời sống bước đi theo Ngài, thấy được ơn phước vĩnh hằng mà Ngài ban cho chúng ta, thật khác xa hoàn toàn với những giá trị vật chất chóng tàn của thế gian. Từ đó luôn vững vàng trước mọi thử thách, không bon chen theo đời, và “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Nếu mỗi ngày chúng ta không sống tốt hơn thì sẽ như thế nào? Nó sẽ giống như con thuyền ngược nước, nếu không tiến lên thì chắc chắn sẽ lùi lại. Và càng ngày chúng ta sẽ càng bị chìm sâu vào cuộc sống thế gian đầy nhiễu nhương, xa rời Chúa mà không hề hay biết, và tất nhiên sẽ không còn được kết nối với Ngài và sẽ nhận lãnh những hậu quả khủng khiếp.

3. Để tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống:

Khi chúng ta đến gần Chúa hơn, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống. Chúng ta sẽ hiểu rõ rằng mình được sinh ra với mục đích gì và phải làm gì để đạt được mục tiêu đó. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh được những hoài nghi và lo lắng về tương lai, và tập trung vào việc phục vụ Chúa và người khác một cách tốt nhất có thể.

Khi nhận thức được mục đích của đời sống mà Chúa ban cho, đó là quản trị muôn vật và thờ phượng Đức Chúa Trời (Thi Thiên 8), chúng ta thấy cuộc đời của mình sáng tỏ hơn bao giờ hết. Chúng ta sẽ thấy được trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên, với những gì Đức Chúa Trời ban cho. Từ đó, biết quý giá, bảo tồn và phát triển môi trường sống một cách lành mạnh. Chúng ta sẽ thấy được, Đấng chúng ta đang thờ phượng chính là Đức Chúa Trời Chân Thần, Đấng Duy nhất có toàn quyền trên cõi vũ trụ này, từ đó, tâm linh sẽ luôn bình an, vui thỏa trước mọi sóng gió, thử thách của cuộc đời, nhận biết những giá trị đời tạm này chỉ là hay hư nát và sống một đời sống hướng đến sự bền vững đời đời trong Nước Chúa.

Người tìm thấy được ý nghĩa cuộc sống mình, giống như một người đang lạc lối trong đêm tối, bỗng chợt thấy xa kia là ánh đèn chiếu sáng, là nơi mình đang đến, thì liền vội vàng tiến về phía ấy, dầu có thể trước mặt là những ngăn trở, nhưng vẫn không nản lòng vì đã xác định được hướng đi. Trái lại, nếu chúng ta không biết mình sống trên thế gian này để làm gì thì nhưng con thuyền trôi dạt trên biển cả mênh mông, chẳng biết đâu là bến bờ, chẳng biết nơi nào để có thể neo đậu. Không biết được ý nghĩa cuộc sống đồng nghĩa với việc thả trôi đời sống mình, trôi dạt về đâu không cần biết, sống chỉ biết hôm nay mà không cần biết ngày mai sẽ thế nào, sống chỉ biết có mình chứ không hề nghĩ đến người khác, kể cả người thân, lân cận. Thử hỏi, những người sống như vậy có ích gì không?

Khi thấy được ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta sẽ nhìn thấy những khó khăn, trở ngại trước mắt chỉ là tạm thời, và nhận biết được ý Chúa cho cuộc đời mình. Từ đó, chúng ta có thêm động lực để bước đi với Chúa. Chúng ta sẵn sàng trả giá cho những mất mát hiện tại để nhận lấy những thành quả thật tốt đẹp trong tương lai.

Kết luận:

Lời Chúa phán: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được” (Giăng 15:5). Gần Chúa, tức là gắn bó với Ngài, học biết giống như Ngài, sống ngợi ca Danh Chúa và rao truyền ơn cứu rỗi của Chúa cho mọi người. Gần Chúa để nhận được tình yêu cao sâu của Chúa ban cho, để sống một đời sống ngày càng chuẩn mực, đúng theo Lời Chúa dạy, một đời sống ý nghĩa đích thực, và từ đó trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Tuy nhiên, con người chúng ta vốn dĩ yếu đuối cho nên, chúng ta cần nương nhờ ơn Chúa, để được Thánh Linh Ngài hướng dẫn, đỡ nâng trong từng bước đi trên chặng đường theo Chúa. Đó cũng là lẽ tự nhiên của một con trẻ, những bước chập chững đầu đời luôn nương nhờ bàn tay cha mẹ. Đồng thời, một khi chúng ta đã cứng cáp, đã trưởng thành trong Chúa, trách nhiệm chúng ta càng lớn hơn, cần phải giúp đỡ anh em mình, nhẹ n0hàng giúp họ đến gần với Cha Thiên thượng, ấy chính là vẻ đẹp tuyệt vời của một người con Chúa, và chắc chắn cũng là điều Chúa hằng mong đợi ở chúng ta.

VHD

Bài trướcBình Phước: Bế Giảng Thánh Kinh Căn Bản Trung Tâm Bù Đăng
Bài tiếp theoNpaj Rau Yav Tomntej – 27/7/2023