Năm Mới Sắp Đến

1727

Mới ngày nào thiên hạ bàn tán xôn xao về năm 2000, về “ngày tận thế” mà đã hơn 22 năm trôi qua, giờ đây một năm mới nữa lại sắp đến. Thời gian trôi nhanh quá. Nhân dịp cuối năm chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm đôi điều về thời gian.

Ai cũng biết thời gian là một thứ hết sức lạ lùng. Nó chỉ có thể đi theo một chiều duy nhất là đi tới. Không một ai có thể ngăn chặn bước đi của nó, cản trở hay đẩy nhanh thời gian được. Chúng ta đang sở hữu thời gian nhưng không ai có thể mua, bán, chuyển nhượng thời gian, cũng chẳng ai có thể để dành chúng cả. Thời gian cứ qua đi, qua đi, mặc cho những ai muốn hướng về quá khứ, họ có thể quay trở lại chốn xưa, nhưng họ không thể kéo những sợi tóc bạc trở lại đen, không thể kéo tuổi già quay về thời con trẻ được. Lại kỳ lạ nữa, cũng cùng một khoảng thời gian đó, nhưng những cuộc vui, thời gian bên cạnh người yêu, những cuộc nói chuyện thú vị thì thời gian trôi qua thật nhanh, ngược lại trong một số việc khác thì thời gian như trôi qua dường như thật chậm chạp. Con trẻ chờ đợi đến sinh nhật của mình sao mà lâu quá; còn người lớn thì luôn nói nhanh ghê, mới đó mà nay đã thêm một năm mới nữa rồi!

Kinh Thánh cho biết trước mắt Chúa ngàn năm như một ngày. Không có nghĩa là Chúa coi thời gian chẳng có giá trị gì, vì cũng cùng một câu Kinh Thánh đó Chúa nói một ngày như một ngàn năm (II Phi-e-rơ 3:8-9). Chúng ta cùng nhau đọc hai câu Kinh Thánh này: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày. Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.” Lời Chúa soi sáng cho chúng ta biết sở dĩ Chúa nhịn nhục chưa tái lâm là vì Chúa muốn ban thêm thời gian cho chúng ta làm chứng về Chúa để không một ai chết mất nhưng mọi người đều ăn năn. Đó là ý muốn của Chúa, và là mục đích của Chúa khi ban thời gian cho mọi người. Chúng ta đang quản lý và sử dụng thời gian của Chúa. Chúng ta phải khai trình về việc sử dụng thời gian của chúng ta với Ngài trong ngày cuối cùng. Có khi nào chúng ta quan tâm đến điều này chăng?

Có người nói: “Sự khác nhau giữa người này với người khác, một phần tùy thuộc vào tài khéo léo sử dụng thời gian của mỗi người”. Thế nhưng có những chuyện khó tin mà có thật cứ xảy ra hằng ngày. Rất nhiều người than thở rằng mình không có thời gian! Mình bận quá đến nỗi không đủ thời gian để làm việc đó! Nhưng thật ra cái lăng xăng, lu bu của những người đó cũng cần phải xét lại. Mời họ tham gia một công việc nào đó cho Chúa thì than thở như vậy, nhưng nếu giới thiệu cho họ một công việc làm thêm giờ mà mức thù lao kha khá thì chắc chắn họ sẽ sắp xếp được thời gian ngay! Thật ra ai cũng được ban cho một thời gian bằng nhau trong ngày cả, có ai có được trong tay một ngày 25, 30 giờ đâu.

Thời gian cứ trôi và không ai có thể cản bước. Ảnh: Internet

Thư Ê-phê-sô 5:15-17 dạy: “Vậy hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thời gian, vì những ngày là xấu. Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải rõ ý muốn Chúa là thể nào.” Thật đáng buồn khi nhiều người tự xưng là Cơ Đốc nhân mà lại “lênh đênh” trong biển đời như những người mộng du, chưa bao giờ lợi dụng các cơ hội, thời gian để sống cho Đấng Christ và hầu việc Ngài. Phung phí thời gian là dại dột. Người khôn ngoan là người luôn tìm biết ý Chúa và chủ động trong việc sử dụng thời gian Chúa ban một cách hữu ích. Muốn được vậy, trước hết chúng ta phải xác lập một thứ tự ưu tiên. Căn cứ trên nguyên tắc ưu tiên đó, mỗi người sử dụng thời gian của mình cách phù hợp. Một người không xác định thứ tự ưu tiên trên đời sống mình sẽ vô cùng lúng túng khi gặp phải trường hợp hai ba việc cần phải giải quyết một lúc, biết chọn việc nào, bỏ việc nào, việc nào làm trước, việc nào làm sau. Thật ra chúng ta khá dễ dàng khi chọn lựa một việc đúng và một việc sai; một việc quan trọng và một việc không quan trọng…, nhưng chỗ khó khăn là khi chúng ta phải chọn một trong hai việc đều quan trọng, đều tốt như nhau. Để sử dụng tốt thời gian, chúng ta phải chọn, và trong khi chúng ta chọn đúng, chúng ta càng trưởng thành trong Đấng Christ.

Để chọn lựa đúng, chúng ta phải dựa trên tiêu chuẩn ưu tiên mà chúng ta đã xác lập. Đối với Cơ Đốc nhân, luôn luôn có một thứ tự ưu tiên căn bản là “Chúa, người khác, tôi”. Tác giả Michael Griffiths khai triển cho chúng ta thêm hai nguyên tắc ưu tiên là: Con người quan trọng hơn công việc; sự cảm thông quan trọng hơn hình thức.

Cơ Đốc nhân không sống cho mình mà phải sống cho Đấng đã chết và sống lại cho mình. Cơ Đốc nhân luôn đặt lợi ích người khác lên trên lợi ích của mình. Cơ Đốc nhân phải có đồng một tâm tình như Chúa đã có, thiết nghĩ chúng ta nên học thuộc lòng thư Phi-líp 2:5-11 để luôn ghi khắc tâm tình tuyệt vời của Chúa chúng ta. Có lẽ chúng ta thường mắc phải sai lầm là chỉ sẵn sàng chọn điều gì không làm ảnh hưởng đến mình, không phương hại đến mình… Cái tôi chúng ta quá lớn đến nỗi khó đặt Chúa và người khác lên trên. Chúng ta thường có thói quen đòi hỏi người khác hơn là hy sinh. Thích nhận lãnh hơn ban cho. Bước vào một buổi nhóm, chúng ta thường đòi hỏi buổi nhóm đó phải cung cấp cho mình một điều gì hơn là tự hỏi tôi phải làm gì để góp phần cho buổi nhóm. Chúng ta thường nghĩ tới mình trước rồi mới nghĩ đến người khác sau. Với thói quen đó, chúng ta đã đảo lộn thứ tự ưu tiên thành “tôi, Chúa, người khác!” Và cũng vì vậy mà chúng ta chọn lựa không đúng ý muốn Chúa, chọn lựa ngược với nguyên tắc của niềm tin, hoặc chúng ta ôm đồm việc nào cũng làm đến nỗi không có việc nào có kết quả cả, từ đó việc sử dụng thời gian của chúng ta hoàn toàn thiếu khôn ngoan và ích kỷ.

Chúng ta cũng thường nghe những lời từ chối khi cần giúp đỡ một ai đó rằng tôi bận việc quá, tôi phải làm việc này, việc nọ chưa thể giúp ngay được. Hoặc khá hơn một chút là lời hứa hẹn khi xong công việc tôi sẽ giúp… Công việc đối với chúng ta quá quan trọng đến nỗi chúng ta sẵn sàng hy sinh con người. Chúng ta không nhìn thấy con người là tạo vật do Chúa dựng nên quý biết bao, còn công việc chẳng qua cũng chỉ là phương tiện cho cuộc sống. Chúa đến thế gian cũng chỉ vì con người. Chúa giảng đạo ba năm cũng chỉ vì con người. Chúa chết trên thập tự giá cũng chỉ vì con người. Hãy nhớ con người luôn luôn quan trọng hơn công việc để biết chọn lựa việc nào là quan trọng mà không phung phí thời gian cho những việc thứ yếu.

Chúng ta cũng thường thấy trong những buổi sinh hoạt, thông công, truyền giảng, lễ hội… mọi người cũng đã dành quá nhiều thời gian cho phần nghi thức, tập dượt, trang trí, chương trình, nhưng lại dành quá ít thời gian cho việc giúp đỡ và thông công với những người tham dự. Vì dành quá nhiều thời gian và công sức cho việc chuẩn bị như vậy, nên khi xong chương trình, ai nấy thở phào nhẹ nhõm coi như đã hoàn tất trách nhiệm, họ luôn quên rằng hình thức, chương trình phải được phục vụ cho con người. Mà con người thì không phải chỉ thỏa lòng qua hình thức, trang trí, chương trình, nhưng điều lớn hơn hết, khát khao hơn hết là mối tương giao. Chương trình, hình thức sẽ qua đi, nhưng mối tương giao luôn luôn còn đọng lại trong lòng người. Chú trọng chương trình mà coi nhẹ đối tượng mình phục vụ thì quả là đã tập trung thời gian một cách thiếu khôn ngoan.

Một điều cần nói thêm về vấn đề sử dụng thời gian là việc đúng giờ. Xin đừng ai nói rằng nếu không có cái đồng hồ trên thế giới này thì làm gì có chuyện trễ giờ. Cơ Đốc nhân không thể trách và đổ thừa cho cái đồng hồ như vậy. Đức Chúa Trời và Chúa Giê-xu luôn luôn làm việc đúng giờ, ai không tin xin hãy đọc các câu Kinh Thánh sau: Ga-la-ti 4:4; Tít 1:2-3; Lu-ca 22:14; Giăng 7:6… Không đúng giờ là thiếu quan tâm đến người khác, là thiếu khôn ngoan trong việc sắp xếp thời gian. Là người quản lý thời gian của Chúa, chúng ta phải làm việc đúng giờ, đến đúng hẹn, nhất là các buổi nhóm, chính mình phải làm gương.

Mỗi người chỉ có một cuộc đời, số ngày trên đất do Chúa định, chúng ta không biết sẽ ứng hầu trước mặt Chúa lúc nào. Hãy xin Chúa cho chúng ta có sự khôn ngoan trong việc sử dụng thời gian, món quà vô giá Chúa ban cách hữu ích, xin đừng ai luôn nói mình không có thời gian, mình thiếu thời gian… nhưng kỳ thật là đang sử dụng thời gian vào những công việc thứ yếu. Phải xem thời gian là một báu vật phải tận dụng triệt để cho Đức Chúa Trời và cho Nước Ngài. Một thanh niên Cơ Đốc, bác sĩ phục vụ tại một bệnh viện ở vùng sâu, với chứng ung thư treo trên đầu hăm dọa một cái chết non, nhưng anh đã nói: “Tôi tin rằng điều quan trọng không phải là chúng ta đã sống bao lâu, nhưng là chúng ta đã làm gì trong những ngày mình đã được định phải sống”.

Một ngày trôi qua, chúng ta có cảm ơn Chúa đã ban cho con 24 giờ vàng ngọc để con sống và làm việc theo ý Chúa trên đất này không? Có khi nào chúng ta tự kiểm lại xem mình đã sử dụng thời gian trong ngày như thế nào không? Có khi nào chúng ta ăn năn vì đã phí thời gian cho những công việc không ưu tiên, nhưng lại không dành thời gian cho những công việc quan trọng theo ý Chúa?

Nếu muốn dâng đời sống mình cho Chúa sử dụng, trước hết phải biết khôn ngoan trong việc sử dụng thời gian Chúa ban, có như thế cuộc đời dâng hiến của chúng ta mới hữu ích và khi đối diện với Chúa chúng ta không hổ thẹn vì mình đã quản lý và sử dụng thời gian Chúa ban trong những ngày trên đất không vô ích. Năm mới đang đến, xin mỗi người hãy nghĩ suy.

Ánh Dương

Bài trướcKhi Vua Làm Bạn Với Thế Gian – 12/1/2023  
Bài tiếp theoHội Đồng Giáo Phẩm Gặp Mặt Tâm Tình Các Giáo Phẩm Tại Phú Yên